Mừng ngày của cha: Chuyện tưởng bên lề

Mừng ngày của cha: Chuyện tưởng bên lề

Chiều ngày 13/06/2010, Hội Trường Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Trung Tâm Mục Vụ TP.HCM, trang hoàng thật ấn tượng, để hân hoan chào đón hơn 700 khán giả đến tham dự buổi lễ “Mừng Ngày của Cha”, cùng với sự có mặt của nhiều vị chủ chăn đặc biệt trong Giáo Hội. Chương trình được dàn dựng hết sức công phu, phong phú và sáng tạo. Một đội ngũ nam nữ tiếp tân chuyên nghiệp, trong trang phục áo dài khăn đóng, làm hàng rào đón chào quý khách, tạo bầu không khí thân thiện, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Ngày Lễ “Mừng Ngày của Cha”, chủ đề “Thái Sơn – Nhận và Trao” đã khép lại rất thành công. Những gì khán giả nhìn thấy và được phục vụ, chỉ là phần nổi của quá trình làm việc hết mình, của êkíp anh chị em tình nguyện viên rất dễ thương và hiệu quả. Bên cạnh những niềm vui giặt hái được sau chương trình, phảng phất đâu đó một chút ưu tư của người viết. Xin được chia sẻ cùng quý vị những “Chuyện Tưởng Bên Lề” trong “Ngày Hội Tình Cha”, với cả hai cách nhìn từ bên trong – như một cộng tác viên (CTV) của Chương Trình (CT) và bên ngoài – như một người tham dự.

Nổi bật giữa sân khấu được trang hoàng cách trang trọng với những cụm hoa đầy màu sắc, một panol lớn được dựng lên, trang nghiêm với hình ảnh ngọn thái sơn hùng vĩ, hình ảnh cha con gắn bó và dòng chữ chủ đề: “Thái Sơn – Nhận và Trao.” Có lẽ khán giả có mặt tại hiện trường đều biết đó là thiết kế đặc sắc của kiến trúc sư Từ Uyên. Nhưng ít người biết anh đã cùng với 4 anh em CTV khác, phải làm việc cật lực từ chiều cho đến 22g30 và một phần buổi sáng hôm sau, để lắp ráp khung sắt và treo poster.

Lần đầu tiên hoạt động của TTMV có trình bày nhân tượng với lớp da như mạ vàng, và đứng tạo dáng cách điệu, 8 em nam lớp KNS đã gây cho không ít khán giả sự ngạc nhiên, thích thú. Nhiều người nghĩ đó là những pho tượng thật. 10 phút chậm rãi thay đổi tư thế một lần và suốt 2 tiếng đồng hồ đứng trên ghế cao giữa cái nóng của buổi trưa hè, trong cái rít của da thịt bị phủ bởi một lớp bột như mạ vàng và với bầu không khí nhộn nhịp của khách tham dự, các em đã rất thành công trong vai trò làm nhân tượng của mình. Nếu đã từng ở trong tư thế gần như bất động trong khoảng thời gian chừng 15 phút, hẳn chúng ta sẽ phải công nhận sự hy sinh và thái độ làm việc nghiêm túc của các em. Đó là chưa kể đến việc, một số người rất vô tình ngồi chễm chệ lên xích lô để chụp hình, mặc kệ em trai đóng vai nhân tượng đang gồng mình chịu trận. Khoảng vài phút sau, ai đó đã nhanh trí đặt một giỏ hoa trên ghế ngồi xe xích lô, để gián tiếp “giải cứu” cho “bác xích lô bất đắc dĩ.” Chị Bảo Trâm, giám đốc công ty quà tặng 378, một người làm việc hết mình, âm thầm và hiệu quả. Chị cũng là người tất bật lo từ chuyện trang điểm cho đến trang phục, giày dép cho đội ngũ tiếp tân và nhân tượng.

Đến với CT, khán giả có dịp ghé thăm góc triển lãm tranh thư pháp, với 2 trường phái khác nhau và với những nét chữ “rồng bay, phượng múa” rất ấn tượng. Gian hàng của 5 ông đồ và các cô gái mặc áo quan họ, chẳng mấy chốc đông nghẹt khách hàng. Theo dự kiến, 200 tờ giấy viết chữ thư pháp theo yêu cầu, được tặng cho khán giả, với mức giá tuỳ lòng hảo tâm. Một số khán giả rất công bằng và hào hiệp đã bỏ tiền ủng hộ vào thùng khi nhận tranh. Một số người khác, vô tư nhận tranh và bỏ đi một cách không nghĩ ngợi. Tổng cộng có 500 giấy viết chữ đã được trao cho khán giả, với số tiền ủng hộ khoảng 817.000VND – con số khiêm tốn mà Cha Tiến Lộc công bố cho cộng đoàn để mời gọi khán giả đóng góp cho CT, trước giờ giải lao.

Đối với các công tác xã hội hay những hoạt động cho người nghèo, có lẽ người ta dễ dàng đóng góp hơn là việc thực thi lòng bác ái và sự công bằng, cách tự nguyện như thế này. Tâm lý thích hưởng dùng, nhận miễn phí có lẽ vẫn là một trong những đặc tính của người Việt Nam chúng ta nói chung.

Bên cạnh gian hàng của các ông đồ, khán giả dễ dàng nhận ra 2 gian hàng bán đá có viết chữ thư pháp của 2 cô gái mặc áo quan họ - các em lớp KNS. Đây là quyết định của BTC nhằm giúp các em tăng một chút ngân quỹ, nhằm đáp ứng cho các chi phí sinh hoạt chung của lớp. BTC cũng tạo điều kiện cho các em giáo lý viên giáo xứ Hàng Xanh giữ xe, để ủng hộ ngân quỹ cho việc thành lập website của nhóm. Những sự việc này không phải là sáng kiến không có tiền lệ, nhưng ở góc độ nào đó có thể nói: BTC có lòng nghĩ, quan tâm và tạo điều kiện cho các em – những người trẻ của Giáo Hội – làm việc nhóm với tinh thần vì lợi ích chung.

Trước sự kiện, có khoảng 40 CTV tình nguyện đến gói quà, làm vệ sinh và các công tác chuẩn bị khác. Sau sự kiện, cũng có một số anh chị em tham gia công việc “thu dọn chiến trường.” Sự hiện diện thầm lặng và hy sinh của họ góp phần không nhỏ vào sự thành công của CT, và nói lên tinh thần phục vụ vô vị lợi. Có thể qui tụ một nhóm tình nguyện làm việc chung với nhau là một điều không phải dễ dàng, nhất là trong thời buổi cơm áo gạo tiền như ngày nay. Chắc chắn những nhóm như vậy bao giờ cũng có một Chúa Giêsu ở giữa – Đấng mời gọi và liên kết mọi người.

Lời cầu nguyện là phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của người Công Giáo. Nhóm các bạn trẻ Kinh Thánh và Cầu Nguyện Thị Nghè vừa đến tham gia lao động, vừa ăn chay, cầu nguyện cho CT đúng một tháng rưỡi. Chị Hoàng Oanh – ân nhân của CT – đã đi khấn Đức Mẹ Tà Bào từ chiều tối thứ 7, và kịp trở về tham gia CT.

“Ngày của Cha” được tổ chức để tôn vinh các ông bố vì vai trò quan trọng và những cống hiến của họ trong gia đình cũng như xã hội. Trên vạn nẻo đường của cuộc sống, có rất nhiều ông bố lướt qua chúng ta, dưới những ngành nghề khác nhau. Người viết vô tình nghe và nhìn thấy BTC chân thành mời bác Dương và chú Hiệp, hai ông bố lớn tuổi, giữ xe hằng ngày ở TTMV- tham dự CT “Ngày của Cha.” CT thực sự có ý nghĩa khi BTC chuyển tải thông điệp và quan tâm đến những người bố “không tên tuổi” chung quanh.

Đến với CT, khán giả được lắng nghe các ca khúc sâu lắng về người cha, được trình bày bởi các ca sĩ chuyên nghiệp. Việc các ca sĩ hiện diện đầy đủ, đúng giờ và thể hiện hết mình là cả một nghệ thuật và đóng góp của trưởng nhóm âm nhạc, Ns Võ Thức.

Có lẽ khán giả có mặt tại hội trường đều nhìn thấy những giọt nước mắt không kiềm chế được, của ca sĩ Phi Nguyễn khi trình bày ca khúc “Khi Thái Sơn ngã bóng cuối trời.” Anh đã hát bằng trái tim thổn thức và tâm hồn bị tổn thương của một người mồ côi cha ở tuổi lên năm. Sống giữa sự xa hoa và nổi tiếng của người ca sĩ, việc giữ được cảm xúc và lòng khao khát tình cha của anh, đã làm cho người viết cảm thấy trân trọng và cảm phục.

Những tâm tình đầy yêu thương, xúc động, khoắc khoải, ưu tư,… của người làm cha và làm con được chia sẻ đan xen trong CT. Nói lên nỗi đau riêng tư, chia sẻ những mất mát sâu kín, trải lòng với người khác về tình yêu thương của mình …đều là những việc làm khó khăn và đòi hỏi sự can đảm. Ns Lê Bình đã đến chia sẻ cùng với vài thân hữu và cậu con trai út 18 tuổi của mình. Bố em Thảo Uyên, học sinh lớp KNS, người chia sẻ chủ đề “Ba là tất cả”- cũng có mặt. Sự hiện diện của cả cha và con trong những sự kiện như thế này, thật đáng quý, cho người viết có cảm giác ấm lòng về tình phụ tử gắn kết, và cho thấy lòng mong muốn trao gửi thông điệp yêu thương của các chứng nhân đến những người thân yêu của họ.

CT hân hoan chào đón và được khích lệ rất nhiều bởi sự tham dự của các vị chủ chăn đặc biệt trong Giáo hội: Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Đức cha Phê rô Nguyễn Văn Khảm, Đức Tân Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cha Tổng đại diện GP TP.HCM Huỳnh Công Minh, Đức Viện Phụ - Đan Viện Thánh Mẫu Khiết Tâm,… Gác lại những công việc bận rộn khác, sự hiện diện của các Ngài và những lời khích lệ cuối CT của Đức Hồng y là bằng chứng cụ thể về sự quan tâm và tình phụ tử của người cha tinh thần đối với cộng đoàn dân Chúa.

Khán giả tham dự đã hưởng ứng bằng thái độ lắng nghe chân thành, bằng những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt và tích cực lên sân khấu để chia sẻ cảm nghĩ của mình… Trong cái không khí ồn ào kết thúc, người viết ngạc nhiên nhìn thấy một bạn nữ trẻ chạy vội lên sân khấu và cố giành micrô từ tay chị Hồng Quế. Em nói rất nhanh với cộng đoàn: “Cho con nói một phút thôi. Thật thiếu xót nếu chúng ta không nói lời cám ơn Sr Hồng Quế - người đã tổ chức sự kiện ngày hôm nay…” Một chị CTV nhanh tay tặng một vòng hoa được chuẩn bị âm thầm trước đó cho chị Hồng Quế… Những việc này có thể nói lên lòng tri ân của khán giả cũng như việc ghi nhận sự đóng góp tích cực của người Tổng điều phối CT – chị nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế.

Bất cứ sự thành công của một sự kiện nào đó cũng đều là sự đóng góp chung của một tập thể, chứ không phải của một cá nhân nào cả. Sự chu toàn trách nhiệm trong từng vai trò của từng người một trong êkíp, phản ảnh một tinh thần dấn thân phục vụ cao và hợp nhất giữa các thành viên. Đa số BTC gồm những người còn khá trẻ, và chưa từng được đào tạo để tổ chức sự kiện, nhưng mỗi người với những khả năng riêng đã được quy tụ và hết lòng phục vụ khán giả. Và chính vì thế, chắc chắn BTC không tránh khỏi những thiếu sót trong khâu tổ chức và tiếp đón.

Ngay khi viết những dòng chữ này, người viết nhận được email từ chị Bảo Trâm – trưởng ban tiếp tân – chân thành xin lỗi về những thiếu sót trong phần việc của mình. Đặc biệt là việc để một vị khách mời – một mạnh thường quân của CT- bước xuống sân khấu tay không, trong phần tôn vinh các ông bố có công với BMVGD và Chương Trình Chuyên Đề. Email của chị còn cho biết: chị đã cùng với 2 người trong BTC thân chinh đến tận nhà, để xin lỗi và trao tặng bức tranh thư pháp – một món quà tạ lỗi của BTC. Chị cũng vui mừng báo tin cho chúng tôi biết vị ân nhân đó đã rộng lượng bỏ qua sơ xuất này.

Những câu chuyện kể hầu quý vị trên đây, không hề có ý để quy kết, chỉ trích hay kể công. Chuyện hậu trường, chuyện bên lề luôn là những chuyện hẳn nhiên xảy ra ở bất kỳ một sự kiện nào.

Với tâm tình riêng, người viết xin chân thành cảm ơn sự đóng góp hết mình cho CT của từng người làm công tác tổ chức và phục vụ; cũng như xin tri ân sự hiện diện của tất cả quý vị khán giả - những người góp phần quan trọng cho sự thành công của CT và khích lệ rất nhiều tinh thần phục vụ của BTC.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top