Một lần thăm Đan Viện

Một lần thăm Đan Viện

Một lần thăm Đan Viện

TGPSG -- Chúa Nhật đầu tháng 8, trong tiết trời vào thu xứ Huế, tôi lái xe cùng người tri kỷ đến thăm Đan viện Thiên An, nơi ở của các vị đan sĩ thầm lặng dòng Biển Đức.

Trên chiếc xe máy cũ kỹ, hai chúng tôi theo dấu cung đường uốn lượn với hai bên rừng thông xanh ngát, làm dịu đi cái nóng ban trưa.

Từ xa trong mắt tôi, Đan viện Thiên An lọt thỏm trong rừng thông dường như tách biệt với thế giới bên ngoài, nơi dành cho những tâm hồn thánh thiện dâng trọn mình cho Chúa và chỉ Chúa mà thôi. 

Chúng tôi đến nơi đây với một tâm thế của hai người du khách đến thăm một nơi linh thiêng, trong thinh lặng tìm kiếm cảm thức thánh thiêng, ngắm nhìn vẻ đẹp từ công trình kiến trúc nghệ thuật Công Giáo và dâng những lời nguyện như tâm tình thường có của những vị khách hành hương.

Đan viện được thành lập từ năm 40 thế kỷ trước, tên Thiên An - “Bình an của Thiên Chúa”. Quả thật, chúng tôi được thỏa lòng vì tìm được sự bình an và còn nhận được nhiều hơn thế nữa đến với Đan viện của Dòng tu Biển Đức này.

Dòng Biển Đức là một trong những dòng tu lâu đời của Giáo Hội từ thế kỷ thứ VI. Tổ phụ sáng lập dòng là Thánh Biển Đức, vị thánh nhân xuất thân từ gia đình quý tộc nhưng từ sớm đã nhận ra ơn gọi đặc biệt mà Thiên Chúa mời gọi ngài. Đó là từ bỏ mọi sự thế gian mà bước theo con đường trọn lành Chúa dọn sẵn và quy tụ những tâm hồn tìm kiếm sự thánh thiện bằng cách “từ bỏ ý riêng mà theo Chúa Kitô, vị Vua Chân Thật”. 

Ấn tượng đầu tiên trong tôi khi đến đây là ngôi Thánh đường và nhà nguyện của Đan viện Thiên An được các đan sĩ xây dựng bằng chính đôi tay của mình. Kiến trúc mang vẻ đẹp  Á Đông với mái ngói uốn cong, đường nét hoa văn ngoại thất mang đặc trưng nghệ thuật của những lầu các, cung đình. Thánh đường còn hòa trộn với kiến trúc phương Tây, được xây dựng hoàn toàn bằng đá gọt đẽo vuông vức, kết cấu chặt chẽ, vững chắc, mang dáng uy nghi, cổ kính. Vẻ đẹp của Đông - Tây tạo nên sự đặc biệt cho ngôi Thánh Đường mà vẫn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Giữa trưa, chỉ có tôi và người bạn là hai lữ khách đến thăm Đan viện. Đón chào chúng tôi là hai vị đan sĩ trẻ mang theo vẻ ngạc nhiên mà sau này tôi mới nhận ra nguyên nhân sâu xa là như thế nào.

Thật may cho chúng tôi vì các vị đan sĩ đã nhanh chóng tin và niềm nở tiếp đón chúng tôi qua vài lời thăm hỏi để biết chúng tôi là ai và đến thăm Đan viện với mong muốn gì.

Có lẽ hai người chúng tôi là hai vị khách đầy may mắn vì được các vị đan sĩ chào đón với tình cảm nồng hậu, hiếu khách. Chúng tôi có cảm giác như được cảm nếm hạnh phúc thiên đàng nơi trần thế vậy.

Cùng vị đan sĩ trẻ dẫn đi tham quan bên trong Thánh đường, chúng tôi được chiêm ngắm vẻ đẹp linh thiêng nơi các vị tu sĩ ngày đêm nguyện cầu ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa nhân lành. Tay chúng tôi đụng chạm đến những bức tường dày bằng đá, chiêm ngắm những bàn thánh được xây trên trụ cột to trong Thánh đường để các linh mục của Đan viện dâng Thánh lễ riêng, được xem một số dấu tích của các vị Thánh được gìn giữ bảo tồn đến nay.

Lần đầu tiên hai chúng tôi tham dự giờ Kinh Chiều của các vị đan sĩ, được hiệp lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa toàn năng những lời kinh như hương trầm bay lên trước thiên nhan Chúa. Chúng tôi được tham dự Thánh lễ Chúa nhật cùng cộng đoàn với tâm tình được hòa quyện như của lễ bé mọn dâng lên chúc tụng Thiên Chúa.

Một trong những kỉ niệm đẹp làm cho chúng tôi nhớ mãi đó là khoảng thời gian trò chuyện với vị đan sĩ hướng dẫn trong bữa cơm ấm cúng của Đan viện, chúng tôi được lắng nghe những chia sẻ cảm nghiệm đức tin của thầy, về ơn gọi tu trì và nét đẹp của đời tu. Lời chia sẻ thân tình của thầy đôi lúc làm cho tôi có cảm giác như được nghe những lời giáo huấn của chính Thánh tổ phụ Biển Đức, giúp tôi tin tưởng rằng những lời cầu nguyện và lao động tốt đẹp của các vị đan sĩ như là những của lễ làm đẹp lòng Thiên Chúa và nhờ đó Người ban cho nhân loại muôn ơn lành từ những tâm hồn thánh thiêng ấy.

Trong giờ nghỉ trưa ít ỏi sau bữa cơm thân mật và trước khi bước vào giờ Kinh Chiều, hai chúng tôi được thầy cho phép đến viếng thăm Thánh giá Chúa chịu nạn ở nội vi Đan viện.

Đến nơi, những gì thu trong mắt tôi là cây Thánh giá bị gãy đổ, tượng Chúa bị vỡ và đứt đoạn. Một cảnh tượng khiến cho tôi nhói lòng vì thương Chúa và các vị đan sĩ thánh thiện. Hai ngàn năm trước Chúa Giêsu Kitô đã chịu nhục hình tra tấn, hiến thân trên thập giá bởi tội lỗi nhân loại và bởi những linh hồn cứng lòng tin thì hiện giờ Người cũng chịu nhục hình như vậy. Chúng tôi chỉ biết quỳ xuống hôn lên bàn chân Chúa, dâng lên Người lời nguyện cầu và khấn xin lòng thương xót của Chúa tuôn đổ thứ tha cho những lỗi lầm mà con cái loài người mắc phải vì tham lam mê lầm của cải thế gian dễ hư mất. 

Sau giờ lễ, chúng tôi tạm biệt Đan viện và vị đan sĩ hiếu khách để trở về với lòng hân hoan, vui sướng vì có được những trải nghiệm quý giá, được sống và cảm nếm trước tình thân hữu của các Thánh trên nước Thiên Đàng dành cho nhau và được gần với Chúa hơn trong tình thương bao la của Người. Lòng tôi mang theo một chút bâng khuâng vì biết bao giờ sẽ quay trở lại nơi đây, tiếp tục những trải nghiệm quý giá này.

Trong bản tu luật Thánh Biển Đức dạy: “Con ơi, hãy lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân. Vậy cha nói với con đây, dù con là ai, mà đã đoạn tuyệt với ý riêng, mang lấy khí giới rất mạnh mẽ và rạng ngời của đức vâng phục, để chiến đấu cho Chúa Kitô, Vua chân thật.” Xin cho lòng vâng phục Chúa Kitô và lòng khát mong nên thánh của các vị đan sĩ như là sức mạnh hữu hiệu giúp các ngài vượt những khó khăn, thử thách.

Bài: Vincente Nguyễn (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top