Phó Tế - Người Phục Vụ
Sau bao năm tu học đào luyện, nay mong ước dấn thân của những trái tim dâng hiến đã ghi một dấu ấn quyết định khi lãnh nhận thừa tác vụ phó tế: một chức thánh để PHỤC VỤ.
Khi tìm hiểu các tài liệu nói về thừa tác vụ phó tế, thì tất cả Kinh Thánh, Phụng vụ, Giáo lý và Giáo luật đều nhấn mạnh sứ mạng nền tảng và trổi vượt của phó tế là PHỤC VỤ: phục vụ Lời Chúa, phục vụ bàn thờ và bác ái.
Phó tế bắt nguồn từ chính sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô- Đấng đã làm người để phục vụ và hiến dâng mạng sống. Phó tế là cánh tay phục vụ nối dài, là trái tim yêu thương mở rộng của Chúa Kitô. Nguyên ngữ Hilạp “Diakonos” diễn tả phó tế là người phục vụ. Vì vậy, có thể nói phục vụ là bản chất của phó tế.
Vì do bản chất phục vụ như thế, thì khi lãnh nhận thừa tác vụ phó tế không phải là một bước tiến lên vinh quang như nhiều lời chúc mừng, mà thực sự là một bước đi xuống, cúi xuống để phục vụ. Như thế, mọi người nhận biết thày phó tế không chỉ nhờ phẩm phục thày mặc, dây các phép thày mang, mà còn nhờ cung cách thày phục vụ Lời Chúa, bàn thờ và bác ái.
Nói theo ngôn ngữ của thời đại, thì ngày các chủng sinh lãnh nhận thừa tác vụ phó tế cũng là ngày họ chính thức trở thành những “ô sin” phục vụ trong nhà Chúa. Trong đời sống xã hội, mọi ô sin đều phải gắng hoàn thành những công việc chủ nhà sai bảo, thì “ô sin” phó tế cũng phải gắng chu toàn sứ mạng phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội trao phó.
Thánh lễ lãnh nhận thừa tác vụ phó tế diễn ra đúng vào ngày lễ Truyền Tin làm nên một sự trùng hợp thật ý nghĩa. Lời Chúa trong lễ Truyền Tin cho thấy: Ngôi Hai Thiên Chúa đã trút bỏ hoàn toàn mọi vinh quang, để từ trời cao hạ mình bước xuống đất thấp nhập thể làm người phục vụ; noi gương Chúa, thày phó tế cũng phải trút bỏ “cái tôi hãnh diện” để khiêm nhường cúi xuống hi sinh phục vụ. Phần Mẹ Maria thì đã khiêm nhường thưa với sứ thần: “Tôi đây là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38); noi gương Mẹ, thày phó tế cũng phải khiêm nhường thưa với Chúa: Lạy Chúa, con đây là nô bộc của Ngài. Xin cứ thực hiện thánh ý Ngài trên con. Có Chúa Giêsu trong lòng, Mẹ Maria đã đon đả ra đi phục vụ mang lại niềm vui cứu độ cho gia đình bà Êlisabét. Cũng thế, khi thi hành sứ mạng phục vụ của mình, phó tế luôn phải nhằm mục đích mang lại niềm vui cứu độ cho người được phục vụ.
Có lẽ suốt cả đời phục vụ, thày phó tế không làm được những công việc to lớn, nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là phó tế phải dành tình yêu lớn cho từng công việc nhỏ. Tình yêu thương sẽ tự động thúc đẩy mỗi người phục vụ một cách chu đáo, tuyệt vời. Hình ảnh các bậc cha mẹ yêu thương hết tình chăm sóc, phục vụ những đứa con bé bỏng của họ đã minh chứng điều này. Phục vụ luôn là hoa trái ngọt ngào của tình yêu chân thực. Cùng với tình yêu, niềm tin phục vụ anh em là phục vụ chính Chúa sẽ khiến cho việc phục vụ trở nên thật tuyệt vời: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23).
Phục vụ không luôn dễ dàng, vì thế rất cần có ơn Chúa giúp sức. Phục vụ không đúng cách thì không khéo chính khi mải mê làm việc lại hóa ra thành “làm hại”, vì thế rất cần có Chúa soi sáng. Sức con người mỏng manh yếu đuối, nên cần phải cậy dựa và tín thác vào Chúa là “Đấng không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37). Phải mang Chúa trong lòng thì phó tế mới có thể phục vụ trong yêu thương đích thực, phục vụ cho sự sống trọn vẹn và phục vụ một cách khôn ngoan, khoa học.
Xin dâng lời tạ ơn Chúa đã đoái thương tuyển chọn những chủng sinh bất xứng tham dự vào sứ mạng phục vụ của Chúa. Xin cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là công ơn cha mẹ sinh thành đã một sương hai nắng dưỡng nuôi; xin tri ân công ơn đào tạo huấn luyện vất vả của quý Đức cha, quý Bề trên, quý Cha giáo sư Đại chủng viện; xin cảm ơn quý thân nhân, ân nhân và bạn hữu đã luôn cầu nguyện, dành những tình cảm thân thương và trợ giúp quý báu cho các tân phó tế.
Cuối cùng, xin mượn lời của mẹ Têrêxa như lời nguyện ước cho các phó tế luôn biết: chìa tay ra để phục vụ và dâng trái tim để yêu thương. Nhờ đó, các phó tế luôn trung thành với những đòi hỏi của thừa tác vụ thánh và trở nên người đầy tớ tốt lành của Thiên Chúa.
(Lễ Truyền Tin 25/03/2009)
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu -
Một lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục