Theo Bước Chân Đan Sĩ Tráppít
THEO BƯỚC CHÂN ĐAN SĨ TRÁPPÍT
MAI ĐỆ LIÊN
“Tráppít” (Trappiste) là cái tên còn tương đối mới mẻ đối với người Công giáo ở Việt Nam. Ngay cả khi chúng tôi giới thiệu Tráppít với danh xưng đầy đủ “Dòng Xitô Nhặt Phép” (Order of Cistercians of the Strict Observance, O.C.S.O.), nhiều người vẫn lắc đầu không biết. Đó đây trên thế giới, người ta nhìn tu sĩ Dòng Tráp (Trappe) như những thợ thủ công bậc thầy chuyên sản xuất phômai, bia, rượu, sôcôla, thực phẩm ăn kiêng… Những sản phẩm có chất lượng hảo hạng với công thức bí truyền nổi tiếng khắp thế giới. “Về mặt xã hội, chúng tôi là những người lao động nhỏ bé như bao người. Về mặt giáo hội, và đây mới là điều quan trọng, chúng tôi là những đan sĩ chiêm niệm – những người dâng mình cho Chúa trong đời sống cầu nguyện để phụng sự Người, và phục vụ Giáo Hội của Người.”[1]*
Mặt tiền nhà thờ Đan viện Sept-Fons.
CHÂN DUNG ĐAN SĨ TRÁPPÍT
Đời sống đan tu = Đời sống cầu nguyện
“Chúa Giêsu vẫn sống ; Người hằng ở giữa chúng tôi ; Người hiện diện trong Thánh Thể. Chính vì thế mà Thánh Thể là nền tảng, là trung tâm, mái ấm của tôn giáo này. Từ đó lan tỏa tất cả sự sống. Không nơi nào khác ! […] Lẽ nào Vua-các-vua chẳng có trung thần cho Người ? Lẽ nào chẳng có ai hầu cận Người với lòng tôn kính trỗi vượt, từ đó mà làm nên ơn gọi của họ ? Đấy là vai trò của đan sĩ, vai trò của chúng tôi. Giữa sự dửng dưng của những tâm hồn đã lãng quên Chúa của họ, chúng tôi, mang tư cách cá nhân cũng như nhân danh anh em đồng loại, đến tỏ lòng tôn thờ Đức Kitô, Đấng sống và hiện diện, cũng là Đấng đã bị ruồng bỏ […] Và chúng tôi biết Người ở đó, Người lắng nghe, Người yêu mến chúng tôi.” Dom Jean-Baptiste Chautard, |
Nếu như một thập niên trở lại đây, chủ nghĩa sống tối giản (minimalism) mới bắt đầu được ưa chuộng khắp thế giới, thì trong Dòng Tráp, cách riêng ở Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons, các đan sĩ đã duy trì nếp sống đơn sơ đó gần chín thế kỷ qua tại miền Trung nước Pháp. Đan sĩ Tráppít từ bỏ mọi sự không cần thiết để chỉ chuyên tâm tìm kiếm Thiên Chúa. Kiến trúc đan viện tối giản, vừa đủ trang trọng, không có quá nhiều chi tiết để dẫn tới chia trí. Các đan sĩ mang trên mình tu phục là áo thụng trắng với áo tà vai đen, cộng thêm áo chùng trắng khi tham dự phụng vụ. Tất cả có mái đầu húi cua đặc trưng. Đời sống trong đan viện được tổ chức sao cho mọi hoạt động trong ngày đều hướng về cầu nguyện.
Nếu nói rằng đời sống đan tu chính là đời sống cầu nguyện, thì các đan sĩ chính là chuyên gia về cầu nguyện ! Khi cầu nguyện, cụ thể khi hát Kinh Thần Vụ, môi miệng người đan sĩ ngợi khen Thiên Chúa. Khi lao động, thân xác anh tôn vinh Chúa và trái tim vẫn tìm phương cách để cầu nguyện liên lỉ, bằng những lời nguyện tắt chẳng hạn. Nếu như bảy lần trong ngày, đan sĩ tập trung tại nhà thờ để thực hiện bổn phận quan trọng nhất của anh : dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện bằng Thánh vịnh thay cho toàn thể Hội Thánh ; thì đời sống cầu nguyện còn được tiếp tục không chỉ trong những giờ nguyện ngắm cá nhân, nhưng còn trong mọi sinh hoạt trong đan viện khi đan sĩ không ngừng đặt mình dưới cái nhìn của Chúa.
Lễ khấn trọn đời một đan sĩ Việt Nam.
Vì suốt ngày tập trung vào cầu nguyện theo một nghĩa rộng nhất – sống sự hiện diện với Chúa – và từng ngày làm nên cuộc đời, đời cầu nguyện, nên thật chí lý khi có lời cách ngôn của một đan phụ trong sa mạc : “Nếu một đan sĩ chỉ cầu nguyện khi đứng, đan sĩ đó chẳng cầu nguyện gì cả.” Quả thật tưởng rằng kết thúc giờ Kinh Thần Vụ, rời khỏi nhà thờ (“cầu nguyện khi đứng”), thì đan sĩ không cầu nguyện hay không cần cầu nguyện nữa, đấy là điều sai lầm !
Các phép tuân thủ
Đan sĩ Tráppít lấy Tu luật Thánh Biển Đức làm kim chỉ nam cho đời sống của mình, như cách các vị sáng lập Xitô đã sống. Lối sống của họ được diễn tả cụ thể qua các phép tuân thủ, bao gồm : cầu nguyện, lectio divina (đọc sách hướng thần), lao động tay chân như một phương kế sinh nhai trong một cuộc sống huynh đệ nhiều đòi hỏi, vừa mang tính cộng đoàn lại vừa trong bầu khí thinh lặng, một cuộc sống toàn bộ diễn ra trong nội vi đan viện – nghĩa là tách biệt hoàn toàn với thế giới, ngõ hầu duy trì sự hiện diện thường trực trước Nhan Chúa.
Giờ kinh Canh Thức.
Chúa thánh hiến ai thì Chúa tách riêng người đó cho Người, đấy là lý do nền tảng của việc tách biệt với thế giới. Đan sĩ Tráppít thừa hiểu và cần tìm những phương thế để sống hiệu quả sự tách biệt để thuộc trọn về Chúa, cách riêng trong thời đại bùng nổ phương tiện đa truyền thông như ngày nay.
Thường bị gán nhãn là “khổ tu”, nhưng trái lại các đan sĩ Tráppít không có tham vọng trở thành những nhà vô địch về khổ chế. Sự khắc khổ, nhiệm nhặt không bao giờ nên là thước đo cho sự thánh thiện trong đời tu, dẫu rằng những thánh nhân nổi tiếng thánh thiện cũng là những bậc thầy về khổ hạnh và hãm mình. Đúng vậy, khổ chế là một trong những phương tiện, Thiên Chúa mới là cùng đích mà đan sĩ hướng tới.
Giờ lao động.
Truyền thống kể rằng, trên núi Cassinô đã từng có một ẩn sĩ tên Martinô, ông tự xích chân mình vào tảng đá lớn, để dẫu mưa nắng hay tuyết sa, không bao giờ ông rời khỏi hang của mình. Cha Thánh Biển Đức khi nghe nói về Martinô, đã sai người gửi tới ông một lời nhắn : “Nếu ngài thật là một tôi tớ của Thiên Chúa, thì đừng buộc mình bằng dây xích sắt, song bằng dây bác ái của Đức Kitô.” Nghe được lời ấy, Martinô kinh ngạc và bừng tỉnh, sợi xích không phải là bằng chứng về sự thánh thiện của ông đối với thế gian, ông đơn sơ nói : “Xin hãy giúp tôi làm như lời ngài dặn”, và họ đã dùng những viên đá nhọn, đập vỡ cái xích sắt để giải phóng nhà ẩn tu. Từ đó, Martinô trung thành với ơn thiên triệu của mình chỉ với lòng yêu mến Thiên Chúa.[2]
TRÁPPÍT VÀ ƠN GỌI TẠI VIỆT NAM
Bắc một nhịp cầu
Trong hơn 100 đan viện nam và 70 đan viện nữ của đại gia đình Dòng Xitô Nhặt Phép trên toàn thế giới, Đan viện Đức mẹ Sept-Fons là một trong những đan viện quan trọng của Dòng với số lượng đan sĩ gần như hùng hậu nhất. Đan viện này bao gồm các đan sĩ đến từ 14 quốc gia khác nhau từ bốn châu lục, đa phần đều rất trẻ, thuộc thành phần trí thức của xã hội.
Đan viện Sept-Fons là một cộng đoàn quốc tế.
Những con người ấy vốn có thể có được cuộc sống thành đạt nơi thế gian, nhưng lại từ bỏ sự nghiệp bác sĩ, luật sư… để tới đan viện chăn nuôi bò sữa, canh tác nông nghiệp, làm việc trong xưởng mộc… Một sư huynh chia sẻ : “Tôi đã làm bác sĩ, nhưng luôn cảm thấy không đủ.” Vì thế, năm 27 tuổi, vị bác sĩ ấy trở thành đan sĩ Tráppít, sống trọn đời gần bên Thiên Chúa và làm những việc không mấy liên quan tới chuyên môn. Lạ thay, như thế anh lại phục vụ thế giới hiệu quả hơn.
Vì chỉ hiện diện không thường trực tại Giáo phận Sài Gòn, cứ định kỳ ba đến bốn tháng Đan viện Sept-Fons lại gửi các sư huynh đến để đồng hành với các bạn trẻ có ý hướng theo đuổi ơn gọi. Những ngày cuối tháng Tám 2023, trong khuôn khổ “Ngày đan tu dành cho giới trẻ” (JMJ) do Đan viện này tổ chức tại Nhà Tĩnh tâm Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn, chúng tôi có cơ hội được gặp mặt những đan sĩ Tráppít ngoài đời thực.
Thật là một vinh dự lớn lao khi trong những ngày JMJ này có mặt cả Dom Marie Guillaume, bề trên đương nhiệm của Sept-Fons. Ngài đã chú giải Tu luật Thánh Biển Đức cho chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ giản dị đến từ kinh nghiệm, thay vì những lý luận triết học xa vời. Ngài giống như một người thầy, một người cha, một người bạn, rất gần gũi và thân thiết. Kiên nhẫn, từ tốn, Ngài dẫn chúng tôi đi sâu vào nội tâm để nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa và không quên nhấn mạnh : “Thiên Chúa có thể sử dụng mọi phương tiện để đánh động các con : Một biến cố trong đời, thậm chí là tội lỗi và sự yếu đuối của các con, lời nói bất chợt của ai đó, một cuốn sách hay một bài hát… Tuy nhiên, cảm xúc dạo đầu là nhất thời và không đủ. Cảm xúc sẽ thay đổi theo thời gian. Không phải cứ yêu là cưới, mà cần nhận ra điều gì đang thật sự diễn ra.”
Dấu chỉ đầu tiên của ơn gọi : ước muốn sâu xa
“Có một thời khi tìm hiểu về ơn gọi đan tu, ơn gọi chiêm niệm của mình, tôi đã mày mò tìm cho ra những lý do, những bề sâu thiêng liêng của ơn gọi ấy… Rồi thời ấy đã qua, khi mà mọi ánh sáng dẫn đường như thế chợt tan biến. Ơn gọi của tôi đã đánh mất ý nghĩa khả tri của nó… Cha Jérôme
|
Điều thật sự đang diễn ra ấy, được Cha Marie Thomas, đặc trách ơn gọi của Đan viện, diễn tả bằng cụm từ “ước muốn sâu xa”. Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta một cách cá vị, Người cũng mời gọi chúng ta đi vào tương quan với Người trên một hành trình cá vị. Vì thế, Người có một kế hoạch dành riêng cho từng người chúng ta. Vấn đề là làm sao khám phá ra kế hoạch đó.
Một ơn gọi Việt Nam tại Sept-Fons.
Ơn gọi trước tiên là tiếng gọi, dù rất khẽ, của Chúa Giêsu, ngỏ với con tim tôi : chính Người đặt vào tim tôi một “ước muốn sâu xa” dâng mình cho Người và Người chờ đợi tôi tự do đáp lại. Sẽ là lệch lạc khi ta nhìn một thực tại siêu nhiên như ơn thiên triệu dưới nhãn quan của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng : “Với khả năng và sở trường của tôi, tôi sẽ làm gì cho Chúa ?”, thay vào đó nên tự hỏi : “Chúa muốn gì cho tôi ? Liệu Người có gọi tôi phụng sự Người ?” Vậy để khám phá kế hoạch đó, trước hết hãy nhìn vào sâu thẳm trong tim mình mà trả lời với Chúa câu hỏi trọng tâm của ơn gọi nêu trên.
Vượt qua định kiến
Vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người có cái nhìn chưa thật đúng đắn về ơn gọi nói chung, cách riêng ơn gọi đan tu ; đồng thời cũng đặt ra những tiêu chuẩn cấp bậc trong ơn gọi. Chỉ có một khởi điểm của ơn gọi : Chúa gọi tôi như “những kẻ Người muốn” (x. Mc 3, 13). Chỉ có một tiêu chuẩn : tôi mang trong mình ước muốn ấy của Chúa, nói khác đi, tôi muốn và tôi chọn điều Chúa muốn cho tôi. Chỉ có một cấp bậc làm nên hiệu năng tông đồ cho mọi dạng ơn gọi, dù tu triều hay tu dòng, hoạt động hay chiêm niệm : đức ái !
Có lẽ hình ảnh đan sĩ đối với nhiều người Công giáo Việt Nam nói chung chỉ là những người có khả năng lao động tay chân tốt, không cần trình độ học hành. Tu sĩ chiêm niệm như thể những người chậm chạp, giao tiếp kém, không có khả năng hoạt động xã hội, quanh năm buồn bã trong bốn bức tường nội vi, thậm chí là người cáu kỉnh và trốn đời. Một người trẻ có tư chất và học vấn tốt, chắc hẳn sẽ theo đuổi ơn gọi triều hoặc những dòng hoạt động nổi tiếng để rạng danh gia đình cũng như tìm kiếm tương lai tu học rộng mở hơn.
Sư huynh Guerric, tiến sĩ thần học của Sept-Fons, đang làm thảm hoa mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ gõ cửa Dòng Tráp, cách riêng Đan viện Sept-Fons lại tìm kiếm một điều khác. Họ thật sự khao khát đời sống đan tu nghiêm túc, một đời sống cho phép họ toàn tâm phụng sự Thiên Chúa, và họ hiểu được rằng, một sự dâng mình vì tình yêu Chúa không thể tách rời những sự từ bỏ thuộc đòi hỏi của ơn gọi và lối sống đan tu. Đúng vậy, thông thường để đến với Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi chính mình, mà trường hợp của Abraham có thể xem là mẫu hình của ơn gọi, cách riêng ơn gọi đan tu : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Thánh Basiliô Cả đã dứt khoát khẳng định : “Những ai yêu mến Chúa, thì từ bỏ tất cả và chỉ lo bước theo Chúa mà thôi.” Quả thật, “kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 21).
Và Thiên Chúa lại tiếp tục khơi gợi để nhiều bạn trẻ Việt Nam nhận ra kho tàng đích thực của lòng mình, có lẽ sẽ được tìm thấy trên mảnh ruộng là Đan viện Sept-Fons. 10 năm đồng hành với ơn gọi Việt Nam. 10 đan sĩ Việt Nam tại Sept-Fons như hoa quả đầu mùa để dâng lên Thiên Chúa trong khi chờ đến mùa gặt mới tại chính mảnh đất quê nhà. Nhiều bạn trẻ Việt Nam, nam cũng như nữ, khao khát ơn gọi cầu nguyện, đang tiếp bước hành trình…
Ơn gọi như một sự kế thừa và chuyển giao
Theo Hiến chương, Dòng Tráp là một “dòng đan tu hoàn toàn hướng về việc chiêm niệm”. Để sống được điều đó, đòi hỏi phải dựa vào một truyền thống đan tu sống động được trung tín chuyển giao từ thế hệ này cho thế hệ khác. Một trong những đặc nét của huấn luyện đan tu tại Sept-Fons vốn diễn tả sự chuyển giao này đó là phương pháp đồng hành 1-1. Linh phụ như một người dẫn đường giàu kinh nghiệm sẽ chỉ ra cho người thụ huấn lối đi an toàn. Ngài biết đường đi và cách đi thế nào để đến đích. Linh phụ không dạy gì khác ngoài truyền thống đan tu, kho tàng mà ông đã lãnh nhận và có trách nhiệm trao truyền lại.
Đan viện Sept-Fons có một bề dày truyền thống từ năm 1132.
Trong một “Giờ Lặp Lại” (một hình thức để chuyển giao truyền thống), cha Marie Thomas chia sẻ : “Các phép tuân thủ đan tu rất quan trọng. Đan viện không phải là một doanh trại quân đội. Nhưng, “nhặt phép” diễn tả sự gắn bó đặc thù với các phép tuân thủ truyền thống đã được chứng thực qua hàng thế kỷ. Ta cần đến chúng. Các phép tuân thủ giúp chúng ta sống đời cầu nguyện”. Đó là dòng chảy về nguồn bất tận trong trái tim những đan sĩ ý thức những giới hạn của mình mà cần đến những khuôn khổ cụ thể để duy trì căn tính ơn gọi. “Con hãy giữ Luật rồi Luật sẽ giữ con”, câu này vẫn thường được gán cho Thánh Biển Đức tổ phụ đời sống đan tu Tây phương. Như thế mà các đan sĩ Tráppít lại tiếp bước Tổ phụ của mình, đúng như Thiên Chúa đã tỏ bày cho Cha Thánh trong một thị kiến nửa đêm : “Mãi mãi trong thiên hạ, sẽ còn người tiếp tục sống theo quy luật của con !”[3]
TÍNH TÔNG ĐỒ CỦA ƠN GỌI ĐAN TU
“Giáo hội cần các con”
Hãy là những ngọn hải đăng cho những ai gần gũi các con, và nhất là những người ở xa các con. Hãy là những ngọn đuốc sáng hướng dẫn những người nam và nữ trong hành trình đi qua đêm tối của họ trong thời đại này. Hãy là những người lính gác ban mai (x. Is 21,11-12), sứ giả lúc rạng đông (x. Lc 1,78). Nhờ vào đời sống được biến đổi, với Lời Chúa được suy đi nghĩ lại trong thinh lặng, các con hãy cho mọi người thấy Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống (x. Ga 14,6), chỉ mình Người mới có thể mang lại cho chúng ta một sự hoàn thiện và một đời sống phong phú. Đức Thánh Cha Phanxicô, |
Trong Tông hiến Vultum Dei quaerere [Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa], Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng cảm mến với hoa trái tông đồ kín ẩn của các dòng tu chiêm niệm : “Thế gian hay ít nhất là phần lớn những ai thuộc về nó, những người để cho não trạng quyền lực, giàu có và chủ nghĩa tiêu thụ làm chủ mình, không dễ dàng hiểu ơn gọi đặc biệt cũng như sứ mạng thầm kín của các con. Thế nhưng thế giới ấy lại cần chúng con biết bao. Giáo hội cần các con như một người thủy thủ nơi biển xa cần một ngọn hải đăng để hướng dẫn anh ta về bến an toàn.”
Những người lính gác.
Trong khi kết quả hoạt động được nhìn nhận dễ dàng bằng mắt thường, kẻ đói được cho ăn, người bệnh được chăm sóc, trẻ em được giáo dục… Kết quả của cầu nguyện thường chỉ thấy được bằng con mắt đức tin.
Mầu nhiệm của lời chuyển cầu
Và đây là một trong những chân lý đức tin : Thiên Chúa hoàn toàn có thể ban ơn cho con người mà không cần chúng ta can thiệp, Người cũng thừa biết những gì chúng ta cầu xin và nhu cầu của tha nhân, nhưng chính Chúa lại muốn ban ơn cho con người nhờ lời chuyển cầu của chúng ta. Điều này diễn tả khoa sư phạm của một Thiên Chúa là Cha Tình Thương : phẩm giá của con-người-được-làm-con-Chúa chính là cộng tác với Thiên-Chúa-Đấng-Tạo-Dựng-như-Cha, nhất là khi đích nhắm của lời chuyển cầu là ơn cứu độ cho tha nhân. Sự cộng tác này diễn tả tình yêu cao cả của Chúa, Đấng không chỉ muốn cho con người được cứu độ nhưng còn được cộng tác vào ơn cứu độ của chính mình và người khác, nhờ kết hiệp với Đức Kitô.
Trong giờ nguyện ngắm.
Cha Thomas trong một Giờ Lặp Lại đã giải thích điều này với hình ảnh một đứa bé nhấp nhổm muốn lên cầu thang. Đôi chân của bé quá nhỏ để leo lên dù chỉ một bậc cầu thang. Cũng vậy, ơn cứu độ là điều nằm ngoài khả năng của ta. Vậy có hai phương án mà cha hiền của bé có thể làm : hoặc sẽ nhấc bổng em mang lên đầu cầu thang, hoặc nắm tay em và đưa lên từng bước một như thể em đang tự đi. “Đặt mình là cha đứa bé, chúng con sẽ chọn cách nào ?” – Thừa biết câu trả lời, Cha Thomas hỏi chúng tôi và kết luận : “Lựa chọn đầu tiên rất dễ dàng và thuận tiện cho ông. Với lựa chọn thứ hai, em bé cộng tác với sự trợ giúp của cha và em rất hài lòng, em mừng rỡ và khoe với cha khi lên tới nơi. Như vậy là con người dự phần vào công trình cứu độ. Thiên Chúa trở thành chính con người, để Con Người có thể cứu độ con người. Chúng ta phải có Chúa Giêsu trong việc cùng cứu độ người khác. Đây cũng là khoa sư phạm của Chúa dành cho chúng ta liên quan đến việc chuyển cầu : Ta không thể thi ân cho người khác, nhưng Thiên Chúa cần lời cầu nguyện của chúng ta như thể chính chúng ta là đồng tác giả.”
Đan sĩ = kẻ vô tích sự ?
Chính vì khó mà thấy được hoa trái nhãn tiền của đời sống cầu nguyện, đã có một thời tại châu Âu, người ta coi các đan sĩ là những kẻ vô tích sự, một thứ gánh nặng cho xã hội. Và chính quyền đã ra lệnh trục xuất các đan viện khỏi đất nước hoặc buộc phải chuyển dạng “tu kín” (chiêm niệm) sang “tu hở” (hoạt động) hoặc “nửa kín nửa hở” trước nhu cầu của xã hội.
Điều này không chỉ diễn ra trong thế giới tục hóa, nhưng còn nơi một số gia đình Công giáo có con cái muốn dâng mình cho Chúa trong một dòng kín như Dòng Tráp chẳng hạn. Một bạn trẻ đến với JMJ đã ấm ức thổ lộ : “Ba tôi cấm đi tu dòng kín, ông nói : Đi tu thì phải làm gì giúp ích cho đời chứ ?” Tệ hơn nữa, cũng bạn ấy cho biết phản ứng của cha xứ : “Con làm gì cứ suốt ngày vào nhà thờ cầu nguyện. Cầu nguyện nhiều được ích gì ?”
“Trong con tim của Giáo hội, tôi sẽ là Tình Yêu”
Đừng quên rằng bên cạnh một Phanxicô Xaviê, vị truyền giáo lỗi lạc của Dòng Tên đã ngang dọc châu Á đưa biết bao linh hồn về với Chúa, Giáo hội cũng đặt ngang hàng với ngài làm thánh quan thầy các xứ truyền giáo Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu Cát Minh chỉ suốt đời ở trong bốn bức tường của đan viện. Chị Thánh từng mơ ước đến thành lập nhà dòng ở Việt Nam đã nắm được bí quyết tông đồ của đời sống chiêm niệm như sau : “Trong con tim của Giáo Hội, tôi sẽ là Tình Yêu. Tình Yêu bao gồm mọi ơn gọi. Tình Yêu là tất cả. Tình Yêu là vĩnh cửu !”
Cầu nguyện có chức năng như mặt trời.
Cầu nguyện có chức năng như mặt trời, nó soi sáng những thực tại mà mắt không thấy, không nhận biết được. Đan sĩ được Thiên Chúa tách khỏi thế gian để sống riêng với Người và trở nên một với Người. Đó là sự biến đổi căn bản mà Thánh Bernađô Viện phụ, người con ưu tú nhất của Dòng Xitô, gọi là “được thần hóa”, được liên kết chặt chẽ vào sự gắn bó với Chúa Kitô và được Người chiếm đoạt. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Bằng Tình Yêu, đời sống cầu nguyện ôm trọn tất cả các chức năng của đời sống hoạt động. Và đó là cách mà ân sủng của Thiên Chúa hoạt động xuyên qua tác vụ của con người.
Cầu thay nguyện giúp
Một đan sĩ Tráppít không bon bon một mình trên hành trình hướng về Chúa. Anh kéo theo mình, cột với mình, bằng những mối dây vô hình, muôn muôn người khác nữa. Chính Thiên Chúa là người đã buộc những sợi dây ấy. Trước hết là các Kitô hữu, những người luôn cần tiếp sức để bước theo Đức Kitô. Nhưng còn là những người mà cánh cửa hướng về Chúa chỉ mới hé mở, những ai đã khởi sự tìm kiếm nhưng chưa thỏa mãn trong ngoại giáo, Phật giáo, tìm kiếm nhưng chỉ thấy trống rỗng trong chủ nghĩa duy vật, những ai vẫn còn rối bời vì tim mình vẫn chưa thỏa khát khao… Và thậm chí những người dửng dưng, người mù tối, làm sao để đạt được ân sủng cho họ từ một chuyển động ban đầu hướng về Chúa, nếu không bởi cầu nguyện nhằm đốc thúc uy quyền thần thiêng diệu huyền ? Đời sống tráppít quả thật mang đậm tính truyền giáo !*
Đan sĩ Tráppít không bon bon một mình trên hành trình hướng về Chúa.
“Nếu như cầu bầu cho ai đó là cầu xin Chúa ban cho người ấy một hồng ân, một điều tốt lành. Cầu thay nguyện giúp cho ai đó không những là xin ơn cho người ấy, mà còn xin chu toàn thay cho người ấy những bổn phận tôn giáo mà người ấy bỏ bê. Như vậy, cầu bầu chỉ là xin, còn cầu thay nguyện giúp liên quan đến cả việc thờ phượng và chúc tụng.”[4] Ở khía cạnh này, Cha Jérôme trong cuốn sách đúc kết kinh nghiệm 50 năm đời cầu nguyện của ngài đã ví von :
Trên chuyến tàu lên thiên đàng, có những toa xe không phải trả tiền, và có những toa xe đặc biệt phải trả tiền vé. Thật thú vị, toa xe dành cho những người bạn của Chúa thì phải trả tiền, và giá vé rất đắt, gấp mười, hai mươi lần bình thường. Cứ một lúc, Ông Chủ lại tới và đòi tiền vé… cho tới lần thứ hai mươi. Các bạn của Chúa hiểu rằng, họ phải trả cho những người khác nữa, cho những người đi xe không vé trong toa xe miễn phí kia. Đó là một sự đòi buộc, nhưng cũng là một đặc ân dành cho các bạn của Chúa. “Lạy Chúa, con đặt vào tay Ngài tất cả những người con yêu thương : hãy xem Ngài là gì đối với con ! Và con sẽ tìm thêm những người khác, vì thời gian sẽ cho con biết và yêu thương những kẻ khác nữa. Con sẽ đặt tất cả họ trong tay Ngài. Và chúng ta sẽ chỉ có một tình yêu, tình yêu của Chúa, Cha chúng ta”.[5]
NGÀY ĐAN TU DÀNH CHO GIỚI TRẺ TẠI SÀI GÒN
Trải nghiệm những ngày sống tròn đầy cho Chúa
Chầu Thánh Thể tại JMJ Sài Gòn 2023.
“Ngày đan tu dành cho giới trẻ” (gọi tắt là JMJ – Journées Monastiques de la Jeunesse) là chương trình được Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons tổ chức tại Sài Gòn dành cho các bạn trẻ có định hướng ơn gọi, cách riêng ơn gọi chiêm niệm được trải nghiệm ngày sống cùng các đan sĩ. Chương trình được thiết kế kỹ lưỡng, mô phỏng đời sống tại đan viện và có một vài điều chỉnh phù hợp với bối cảnh thực tế : Nhà Tĩnh tâm Mẹ Benjamin Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Sài Gòn. Trước ngày JMJ chính thức diễn ra, Sư huynh Marie Noël, đan sĩ Tráppít người Việt tiên khởi tại Sept-Fons và là người điều phối chính đã gửi lời động viên các bạn trẻ : “Đặt mình là các em, chúng tôi sẽ cảm thấy hơi ngộp với chương trình sống này. Nhưng chúng tôi tự nhủ, chỉ có bốn ngày JMJ, với sức trẻ và sự năng động, chắc hẳn các em sẽ theo kịp. Tuy nhiên, hãy cứ đơn sơ như chính mình là, hãy mở lòng và quảng đại, chắc chắn các em sẽ thấy thích thú và ý nghĩa với những ngày được sống tròn đầy cho Chúa sắp tới.” – trích Thư đồng hành số 2.
Một ngày bắt đầu vào 4h30 sáng. Sư huynh Irénée là người giữ giờ của chúng tôi. Với chiếc chuông nhỏ, anh đi dọc hành lang, rung từng hồi chuông nhanh dần thay cho lời nói : “Thức dậy thôi, chúng ta đến nhà nguyện.” Mọi hoạt động đều diễn ra trong thinh lặng. Các bạn trẻ vội vàng bật dậy, sửa soạn việc cá nhân để đến gặp Chúa ngay. Một số bạn do chưa kịp làm quen mà cố gắng ngủ nướng thêm chút ít. Vài bạn khác, thậm chí đã quỳ ngay ngắn trong nhà nguyện từ trước đó. Giờ nguyện ngắm 30 phút đầu ngày tại JMJ là không bắt buộc. Nhưng bắt đầu một ngày mới bằng việc chiêm ngắm Chúa Giêsu nơi Nhà Tạm là một trải nghiệm rất ý nghĩa, và hầu như không ai muốn bỏ qua giờ này. Trong sự thinh lặng của màn đêm, khi thế gian còn đang say ngủ, tâm trí cởi mở và khoáng đạt, chúng tôi đến cùng Chúa để dâng lên Người những khoảnh khắc sống đầu tiên của ngày mới. Giờ Kinh Canh thức (Kinh Đêm) là giờ Kinh Thần vụ dài nhất trong ngày. Khi lời nguyện chúc lành vừa kết thúc, chúng tôi vừa gập sách kinh lại và ngẩng mặt lên thì cũng là thời khắc hừng đông.
Sau bữa sáng là Thánh Lễ và Kinh Sáng. Có thể nói Thánh Lễ chính là “đặc sản” của JMJ. Hai linh mục đan sĩ là Cha Marie Thomas và Dom Marie Guillaume luân phiên chủ tế Thánh Lễ. Thánh Lễ được cử hành bằng tiếng Pháp, và mặc dù chúng tôi không hiểu hết mọi lời linh mục chủ tế nói, vẻ đẹp thánh thiêng của phụng vụ và cầu nguyện vẫn khiến chúng tôi phải ngỡ ngàng. Thánh Lễ đẹp, không bởi có ca đoàn hát hay, hay thánh nhạc cảm động. Chủ tế không hô hào lớn tiếng, hay quảng diễn sự thờ phượng bằng cách giang cánh tay thật rộng hay lắc lư cơ thể. Không có một danh sách dài các ý lễ. Không có lời lẽ, hình ảnh, hay âm thanh nào kích động tình cảm. Trái lại, Thánh Lễ đẹp bởi sự giản dị và những khoảng lặng ! Tại nhà nguyện đơn sơ, trên một bàn thờ nhỏ bé, vị “đan sĩ hèn mọn” và cũng là tư tế nhỏ nhẹ cất lời khẩn cầu. Bằng cử chỉ khiêm cung, ngài tiến dâng Thiên Chúa Cha hy tế thập giá của Đức Kitô biểu hiện dưới hình bánh và rượu. Thánh Lễ hoàn toàn hướng về Thiên Chúa, và dành trọn cho Thiên Chúa. Trong thinh lặng mà mầu nhiệm được tỏ lộ. Là linh mục, ngài bày tỏ trước mắt chúng tôi thực tại về Thánh Lễ và Thánh Thể với nội tâm kính trọng sâu sắc. Là đan sĩ, ngài cầu thay nguyện giúp, và dẫn chúng tôi tới trình diện trước nhan Chúa. Nhờ điều đó, chúng tôi được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong đức tin, cậy, mến mà kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô.
Trong khi Thánh Lễ chậm rãi, lắng đọng như thế, thì xin bạn chớ hiểu lầm rằng đời sống đan tu là nhàn tản, thong dong suốt ngày. “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” như thể là khẩu hiệu ở JMJ này ! Bảy giờ Thần vụ trong ngày cứ tiếp nối liên tục, xen kẽ là các giờ lectio divina (đọc sách hướng thần), giờ chia sẻ của các đan sĩ và công tác lao động. Theo Têrêsa M.D. ở Đồng Nai : “Lần đầu tiên được trải nghiệm những ngày sống gần giống với các đan sĩ, khi nhìn vào thời gian biểu một ngày tôi thấy khá ngộp vì hầu hết thời gian được tận dụng triệt để. Tuy nhiên, điều tôi cảm nhận được qua những ngày này là Chúa như có thể được chạm vào mọi lúc mọi nơi mặc dù mọi hoạt động diễn ra liên tục, lúc nào cũng phải sẵn sàng.”
Về các giờ kinh, bạn Giacôbê N.A.D., thợ bảo trì điện lạnh tại Sài Gòn, cho biết cảm nghĩ : “Những giờ kinh lớn bằng tiếng Việt thì tôi thấy mình dễ dàng hòa nhập với cộng đoàn, còn những giờ kinh nhỏ bằng tiếng Pháp tôi nâng tâm hồn mình lên bằng cách hòa theo những cung điệu du dương, êm dịu khi nghĩ về một Thiên Chúa thật hiền từ và yêu thương nhân loại.”
Đã có một thời, người viết bài này suy nghĩ về các đan sĩ như những người chỉ ăn ngủ, cầu nguyện và… mơ mộng. Ngoài giờ cầu nguyện, họ dạo chơi trong vườn, tay cầm sách, chân bước đi chậm rãi, ngẩng đầu ngắm chim chóc và mây trời. Đời đan tu thi vị quá ! Hài hước thay trong những ngày trải nghiệm đan tu này, kẻ ấy đã luôn tay, luôn chân như một chú sóc, không thể đi một cách bình thường nữa mà là vừa đi, vừa chạy (nhưng tâm hồn rất tĩnh lặng). Chuông báo cất lên liên tục. Khi chưa quen với thời gian biểu, bạn sẽ không thể nhớ nổi giờ này phải làm việc gì… Nhưng một khi đã quen, bạn sẽ nhận thấy ngày sống đó được thiết kế theo một quy luật nào đó, xen kẽ giữa các giờ cầu nguyện là giờ lao động, lao động trí óc (học tập) kết hợp với lao động chân tay. Dom Marie Guillaume giảng giải về quy luật này trong một giờ Hội : “Thánh Antôn Cả được coi là tổ phụ các đan sĩ. Trước tiên, để tìm kiếm Thiên Chúa, ngài vào rừng cầu nguyện, vì đọc trong Thánh Kinh viết như thế. Thế rồi, ngài mệt mỏi vì bị chia trí, cám dỗ, và… đau đầu gối. Antôn nghĩ rằng mình không thể làm được nữa và quyết định trở về làng. Trên đường, ngài trông thấy một người cứ cầu nguyện rồi lại nghỉ ngơi, làm việc đôi chút rồi lại cầu nguyện. Thánh nhân đã hiểu và đúc kết ra nguyên tắc “Ora et Labora” (Cầu nguyện và Lao động) để đạt được sự quân bình. Đây được gọi là 'Luật của Thiên Thần’, vì người mà thánh Antôn gặp giữa đường là một thiên thần hiện ra để hướng dẫn Ngài.”
Bốn mùa Chúa đổ hồng ân.
Cứ thế mà các hoạt động đan tu nối tiếp nhau từ sáng sớm đến đêm khuya. Bạn Maria N.T.T. kể lại : “Về Việt Nam từ Philippines trễ một ngày JMJ nhưng tôi đã bắt nhịp khá tốt. Khi theo chương trình sống hết mình, tôi thậm chí không còn giờ để bận tâm đến bản thân mình.” Thiết nghĩ đây là cách để các đan sĩ sống sự hiện diện với Chúa ngang qua giây phút hiện tại thật quảng đại ! Có lẽ ngày sống của họ là một sự bỏ mình rất lớn và đích thực khi luôn hướng đến Thiên Chúa và tha nhân.
Ngày này qua ngày khác. Cứ lặp đi lặp lại mãi, đặc biệt trong thinh lặng như thế thì có nhàm chán không ? Mời bạn “đến-mà-xem”, như lời chào mời của Bạn Phêrô Đ.C.T., một sinh viên y khoa đến từ Huế : “Trước khi đến với JMJ, bản thân tôi vẫn nghĩ đây sẽ là một cuộc tĩnh tâm như bao lần khác, nhưng không, tất cả đều mới mẻ, khác xa với trí tưởng tượng. JMJ thực sự là một nơi để tôi hồi tâm sau bao ngày học hành làm việc cuốn theo guồng quay cuộc sống. Ở đây, tất cả thời gian trong ngày dành cho cầu nguyện, đọc sách, đồng hành cá nhân và lao động. Nhưng tất cả các hoạt động này đều quy hướng về Chúa. Bạn đã cảm nhận được sự thinh lặng để thưa chuyện với Chúa chưa ? Rất tuyệt vời ! Thinh lặng không nhàm chán như ta nghĩ. Để khám phá chiều sâu con người và tìm kiếm Thiên Chúa thì sự thinh lặng là cần thiết. Trong sự tĩnh mịch, tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, vui tươi, đầu óc thanh thản. Có lẽ bao sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài có thể thu hút đại đa số giới trẻ, nhưng trong nội vi của JMJ thì thinh lặng lại hấp dẫn hơn rất nhiều.”
Một bạn khác tâm sự : “Dù không được dùng điện thoại, không được nói chuyện, không có gì chơi, nhưng tôi rất vui vì được ở cùng Chúa. Lao động thể lý làm tôi bớt đi những suy nghĩ vẩn vơ, không cần thiết. Tôi cảm thấy gần Chúa khi tôi cầm chổi quét lá, hay rửa chén, lau nhà... Lao động chân tay cùng nhau giúp chúng tôi thắt chặt tình huynh đệ và tôi cầu nguyện được tốt hơn. Khi nghe giảng là lúc thân thể được nghỉ ngơi và tâm trí được nuôi dưỡng, giờ chia sẻ nào tôi và các bạn cũng cười”.
Một ngày có bốn lần thỉnh giảng : giờ Hội, hai giờ Lặp Lại sáng-chiều, và giờ thuyết trình vào buổi tối. Giờ Hội là giờ Cha Bề trên chú giải Tu luật Thánh Biển Đức. Giờ Lặp Lại là giờ để đào sâu những gì được khai mở trong giờ Hội và đồng thời giúp chúng tôi nhận ra những vấn đề trọng tâm của ơn gọi đan tu, như đã ghi nhận trong những phần trước. Giờ thuyết trình để giới thiệu về Dòng Tráp khi được xem hai bộ phim tài liệu về đời sống đan tu ở Đan viện Sept-Fons, bên cạnh hình thức Q&A (hỏi-đáp) mà chúng tôi đã tham gia hết mình bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa cho các đan sĩ. Chúng tôi xin dành phần này trong loạt cuối của bài viết khi gộp chung với một phỏng vấn bên lề JMJ.
Giờ đồng hành với linh phụ tại Sept-Fons.
Đồng hành cá nhân là một hoạt động quan trọng tại JMJ. Được biết trong đan viện, đan sĩ trong giai đoạn thụ huấn đều gặp linh phụ mỗi ngày ít là hai lần, một lần dài hơn, nhằm mục đích huấn luyện đan tu theo cách thức “truyền nghề” 1-1 rất cá vị, tùy theo khả năng của từng người và một lần khá ngắn vào cuối ngày để “điểm lại ngày sống” trước khi được linh phụ chúc lành. Hình thức này ít nhiều cũng được áp dụng cho các tham dự viên JMJ : mỗi bạn đều được gặp linh phụ 20 phút mỗi ngày. Việc đồng hành thiêng liêng mang nhiều ý nghĩa hơn một cuộc tâm sự chuyện trò. Vị linh phụ sẽ lắng nghe chăm chú suốt buổi. Chỉ khi chạm đến điểm mấu chốt, ngài sẽ dừng lại dùng đôi mắt sáng suốt nhìn trực diện bạn và đặt các câu hỏi, bạn buộc phải đối diện với chính mình và tháo cởi mọi nút thắt trong lòng. Bạn Phêrô C.T. chia sẻ : “Cha linh hướng đã giúp tôi những điều tất yếu ban đầu để nhận ra ơn gọi, được giải đáp những điều thắc mắc, ưu tư hay là những bận tâm lâu nay của cá nhân. Các cha nắm bắt tâm lý từng người, nhìn nhận bạn theo hướng tích cực nhất, đưa ra lời khuyên khách quan cho bạn, hoặc chia sẻ những kinh nghiệm của các ngài để hướng bạn đi đúng con đường mà Chúa đã vạch ra cho mỗi người.”
Đồng quan điểm trên, có những bạn đã từng đồng hành từ xa với các đan sĩ Sept-Fons trước khi đến với JMJ cũng đồng ý rằng việc gặp gỡ trực tiếp có giá trị khác hẳn. Ban Mađalêna H.T.V. chia sẻ đôi dòng nhật ký thiêng liêng của bạn : “Con được ngồi trước mặt cha, được nắm tay cha, cha còn rót nước cho con uống. Đôi mắt sáng của cha làm con sợ, dù cha rất hiền. Cha hỏi con những điều mấu chốt, khiển trách khi con đắm chìm trong cảm xúc vô nghĩa, cái gật đầu của cha củng cố thêm sự phân định còn mù mờ của con về thánh ý Chúa. Ngày cuối cùng, cha không cho con thời gian chần chừ thêm nữa mà thúc đẩy con tiến thêm một bước : ‘Bây giờ con hãy nói, con muốn gì ?’ ‘Con muốn trở thành đan sĩ của Chúa’, câu trả lời mãi mãi thay đổi cuộc đời tôi. Khi bước ra khỏi phòng đồng hành, tôi đã khóc vì sợ, và vì hạnh phúc. Chưa khi nào tôi cảm thấy tự do đến như vậy.”
Một số hoa quả từ JMJ
Trước tiên phải kể đến hoa quả của cầu nguyện. Bạn Têrêsa N.T.H.T., mà ngày sinh nhật tuổi 18 rơi vào ngày cuối của JMJ đã chia sẻ : “Những ngày đan tu này đã gợi lên trong sâu thẳm tâm hồn tôi khát khao cháy bỏng việc cầu nguyện, nói chuyện, tâm sự với Chúa như một người bạn. Sau những ngày JMJ, tôi hình thành được thói quen nói chuyện với Chúa nhiều hơn.”
Tiếp đến, các bạn trẻ được hiểu hơn về một ơn gọi khá đặc biệt trong Hội Thánh. Bạn Giacôbê N.A.D. nói thêm : “Trong một thế giới đang hỗn loạn đang chạy theo đà hủy diệt vì sự xúc phạm đến Thiên Chúa, đời sống ẩn mình của các đan sĩ chắc hẳn là những ngọn lửa sáng soi vào nơi tăm tối của bóng đêm tội lỗi, là một sức mạnh nội tâm của cho những ai đang chán chường, tuyệt vọng và mất niềm tin vào Thiên Chúa. Các đan sĩ không đi mục vụ, không dùng lời giảng hay việc tông đồ bên ngoài để phục vụ Hội Thánh như các tu sĩ hoạt động, nhưng tôi tin rằng chính họ là dầu để châm cho ngọn lửa truyền giáo của Giáo hội.” Hơn thế nữa, trong một giờ Lặp Lại, Sư huynh Marie Noël đã nhấn mạnh : “Các đan sĩ chúng tôi không chỉ là ‘hậu phương’, nhưng cũng là ‘tiền tuyến’ trong tất cả các hoạt động tông đồ của Giáo hội với vũ khí chiến đấu là cầu nguyện và thực hành đức ái trong nội vi đan viện.”
Có những hoa trái rất đỗi bình thường mà những ngày JMJ này để lại ấn tượng đẹp trong lòng các bạn trẻ. Bạn Đaminh N.B.H., 17 tuổi, đã nói trong nước mắt khi một đan sĩ tiễn bạn ra về, sớm hơn ngày kết thúc vì lý do sức khỏe : “Như Frère đã biết gia cảnh của con, con vô cùng xúc động vì bầu khí huynh đệ trong những ngày JMJ này. Đây là lần đầu tiên trong đời con được người khác quan tâm để ý rất tinh tế khi tham dự Thánh Lễ, khi làm việc cùng nhau, khi ngồi ăn chung… Con hứa là nếu Chúa cho con khỏe, con sẽ tiếp tục tìm hiểu ơn gọi.”
JMJ đã giúp cho những bạn tìm được ơn gọi của mình. Giuse N.V.Đ., sinh viên năm cuối Đại học Ban Mê Thuột cho biết : “Tôi đã đồng hành với các đan sĩ Sept-Fons từ cuối cấp Ba, khi ấy tôi chỉ là một chú bé lễ sinh và thành viên của một nhóm ơn gọi trong giáo xứ. Mỗi năm khi các đan sĩ đến Việt Nam tôi đều đến gặp để được đồng hành thiêng liêng. Đã đến lúc tôi phải đưa ra quyết định cho định hướng tương lai của mình : sau khi tốt nghiệp tôi sẽ vào tìm hiểu chủng viện của giáo phận. Tôi luôn ước mong trở thành một cha xứ có một đời sống nội tâm sâu sắc như các đan sĩ.”
Dĩ nhiên cũng có nhiều bạn đã nhận ra Chúa mời gọi mình trong đời sống chiêm niệm. Một bạn nữ muốn dấu tên đang là dự tu của một dòng hoạt động đã tìm đến JMJ vì những thôi thúc nội tâm thiên về đời sống chiêm niệm. “Tôi đã nhận ra đâu là khao khát thẳm sâu trong tôi, bạn thổ lộ, tôi muốn trở thành nữ đan sĩ để phụng sự Chúa đắc lực nhất. Tôi biết những bước khởi đầu cho hành trình mới, chuyển hướng ơn gọi, là điều không dễ dàng, dù tôi chỉ mới là một dự tu. Xin hãy cầu nguyện cho tôi.”
Cùng một hoa trái như trên, bạn Giêrônimô T.P.T. đã không ngại chia sẻ : “Quả thực trong những ngày này có rất nhiều điều kỳ diệu đã xảy đến với tôi. Nhưng điều mà tôi học được và nhận được đó là lòng can đảm. Can đảm để bước đi theo Chúa đến cùng ! Rốt cuộc, nhờ ơn Chúa trong những ngày này mà tôi có thể làm được điều mà bấy lâu nay tôi chẳng đủ dũng khí làm. Tạ ơn Chúa !” Đúng vậy, T. đã ôm ấp một ơn gọi chỉ sống cho Thiên Chúa sau cuộc trở lại đạo của bạn, nhưng hoàn cảnh gia đình ngoại giáo là một khó khăn lớn. “Điều mà bấy lâu nay chẳng đủ dũng khí làm” thì sau những ngày JMJ, T. đã thực hiện được : viết thư cho mẹ bạn để nói lên khao khát dấn thân cho Chúa : “Thưa mẹ, con muốn đi tu. Thưa mẹ, con muốn làm thánh !”
MẠN ĐÀM CÙNG CÁC ĐAN SĨ
Được trực tiếp trải nghiệm lối sống đan tu mang tính thích nghi trong những ngày JMJ, chúng tôi cũng có dịp đối chiếu với ngày sống của đan sĩ tại chính Đan viện Đức Mẹ Sept-Fons qua hai bộ phim tài liệu được quay về Đan viện này. Với cái nhìn toàn cảnh ấy, các tham dự viên JMJ tại buổi mạn đàm, trong và ngoài khuôn khổ JMJ, đã đặt ra những câu hỏi thực tiễn cho các đan sĩ, cách riêng Cha Marie Thomas, một trong những linh phụ của Sept-Fons và đặc trách ơn gọi vùng châu Á của Đan viện. Thông minh, sâu sắc và luôn hài hước, những câu trả lời hoàn toàn thuyết phục !
Cha có thể cho biết khái quát về Dòng Tráp trên thế giới, cách riêng tại Á châu ? Đâu là di sản tinh thần chung cho các đan viện trong Dòng ? Mỗi đan viện có những đặc nét không ạ ?
Dòng Tráp có khoảng 2.500 đan sĩ nam và nữ trên toàn thế giới. Như chúng con được biết, nguồn gốc của Dòng là tại châu Âu – mà Đan viện Sept-Fons (thành lập năm 1132) được xếp vào hàng các đan viện tiên khởi sau thời kỳ thành lập Đan viện Mẹ Xitô (năm 1098). Châu Âu vẫn chiếm đại đa số các đan viện của Dòng. Tuy nhiên, Dòng đã mau chóng lan tỏa đến khắp các châu lục, cách riêng trong giai đoạn mà Giáo hội mở mang đến các xứ truyền giáo. Từ đó mà các đan viện tại châu Á đã ra đời trong khoảng hơn một thế kỷ đổ lại đây, đa phần đều có nhà mẹ từ châu Âu. Sept-Fons có một đại diện ở châu Á là Đan viện Đức Mẹ Latroun ở Israel. Trong vùng Đông Nam Á, Dòng có các đan viện Đông Nam Á là tại Indonesia và Philppines, cả nhánh nam lẫn nhánh nữ. Ngoài ra còn nhiều đan viện khác ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan và Macau. Là những đan viện trẻ, các đan sĩ những nơi đây làm nên sự năng động của Dòng.
Đan viện Sept-Fons nhìn từ trên cao.
Di sản tinh thần của Dòng chính là lối sống đan tu theo Tu luật Thánh Biển Đức và truyền thống Xitô, cũng như những cải cách từ Viện phụ Rancé ở La Trappe hay Dom Eustache de Beaufort ở Sept-Fons, tựu chung lại làm nên một đan sĩ không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa trong khuôn khổ đời sống huynh đệ, một người chiêm niệm sống sự hiện diện thường trực với Chúa, một người bạn của Chúa Giêsu khi cùng Người cộng tác vào công trình cứu độ nhân loại. Dĩ nhiên di sản này được diễn tả thành những đặc nét khác nhau trong mỗi đan viện vốn có lịch sử hình thành khác nhau, nhân sự và môi trường sống khác nhau. Sự khác biệt không làm nên chia rẽ nếu luôn biết quy hướng về nguồn cội.
Đâu là tiêu chí để chọn ứng sinh của Đan viện, tuổi tác, trình độ học vấn chẳng hạn ?
Đối với Sept-Fons, tiêu chí đầu tiên là… nam (mọi người cười ầm) và tiêu chí thứ hai là có… ơn gọi. Nếu như ơn gọi là do Chúa gọi và đương sự đáp lời, tại sao ta cần đặt ra những tiêu chí ? Bằng cấp chỉ là chứng nhận của con người, còn đi tu thì chỉ có Chúa chứng nhận. Mọi ơn gọi đều cá vị, vì thế cần đồng hành thiêng liêng cá nhân để giúp nhận ra đâu là điều Chúa muốn trên đương sự. Dĩ nhiên, những tiêu chí như chúng con đề cập là nhắm đến vấn đề huấn luyện về lâu dài nhưng không phải là điều kiện ban đầu phải có làm nên một ơn gọi, vì Chúa gọi ai Người muốn, khi Người muốn và theo cách Người muốn. Ta cần phân biệt rõ, một bên là ơn gọi và một bên là việc huấn luyện trở thành tu sĩ một dòng. Tất nhiên, hai điều đó có liên hệ với nhau, vì một trong những dấu chỉ của ơn gọi là liệu đương sự có thăng tiến trong ơn gọi đó không, nghĩa là có đi vào được đường lối huấn luyện của nhà dòng và triển nở tốt hay không với những phương tiện đời tu mà linh đạo dòng cung cấp. Với những đòi hỏi đặc thù của ơn gọi đan tu, kinh nghiệm cho thấy một ứng sinh càng trẻ, càng dễ uốn nắn. Nếu hơi đứng tuổi, thì phải thẩm định xem người đó có khả năng lãnh hội hay không.
Nếu quyết định bắt đầu cùng đi với Đan viện, chúng con phải làm gì ?
Trước tiên là… gặp cha (mọi người lại cười), hay đúng hơn là gặp người phụ trách ơn gọi. Từ sự mở lòng của chúng con mà chúng ta cùng nhau nhận định xem Chúa có muốn con cùng đi với chúng tôi hay không. Nếu có những dấu hiệu tích cực, chúng con sẽ khởi đầu giai đoạn ứng sinh tại Việt Nam với mục đích là làm quen với đời sống huynh đệ trong khuôn khổ ít nhiều mang tính đan tu (Thánh Lễ hằng ngày, một số giờ kinh, giờ cầu nguyện, phục vụ cộng đoàn…) đồng thời để học ngoại ngữ. Cha tiếc rằng tại Pháp, ngôn ngữ chính thức chưa phải là tiếng Việt (cười). Sau khoảng một năm thì chúng con có thể trải nghiệm chính thức đời sống với chúng tôi tại Sept-Fons, lần đầu trong sáu tháng. Sau đó, nếu tiếp tục phù hợp, chúng con sẽ trở về Việt Nam để làm giấy tờ hầu quay trở lại Pháp bước vào giai đoạn huấn luyện chính thức trong tư cách thỉnh sinh (một năm), tập sinh (hai năm) rồi khấn tạm, v.v... theo những quy định của Giáo luật.
Học tiếng Pháp không phải dễ, liệu đây có là cản trở cho việc đeo đuổi ơn gọi này ?
Như chúng con biết, Sept-Fons là một cộng đoàn có tính quốc tế khá cao. Anh em từ các nước khác đến đây cần biết tiếng Pháp, vì thế phải học, có người học mau, có người học chậm, tùy khả năng riêng, nhưng tiếng Pháp chưa bao giờ là cản trợ của ơn gọi. Điều quan trọng là chúng con nhận ra mình có ơn gọi đan tu. Một khi xác tín và sống xác tín đó, những khó khăn như việc học tiếng Pháp (chứ không phải cản trở) càng giúp củng cố xác tín ấy của chúng con, miễn là chúng con biết cách tận dụng nó. Hãy nhớ khó khăn không phải là rào ngăn, nhưng là bệ đỡ, hay bậc nhúng để chúng ta “phóng” đến Chúa gần hơn và mau hơn. Dĩ nhiên, trong Đan viện luôn có những trợ giúp thông ngôn cho những anh em ít có khả năng ngoại ngữ. Một cách chung, cha nhận thấy, khi đã ở trong môi trường nước thích hợp, cá nào cũng có thể tự bơi. Cá muốn nói tiếng Pháp, thì phải bơi qua Pháp (lại cười).
Cha toàn nói về ứng sinh nam và Sept-Fons, vậy các ứng sinh nữ thì sao, xin cho cho biết về các nữ đan sĩ ?
Các ứng sinh nữ cũng phải trải qua cùng một tiến trình ban đầu như thế. Sở dĩ chúng tôi nhận cả ứng sinh nữ không phải để đến Sept-Fons, vốn là một đan viện chỉ dành cho nam (cười). Trong Dòng Tráp chưa có dạng “đan tu mix”, như chúng ta có thể làm trong những ngày JMJ này. Các ứng sinh nữ được huấn luyện chính thức tại nữ Đan viện Chambarand, tên hiện thời là “Huynh đoàn Bernadines”, gồm khoảng 15 nữ tu trẻ, những người đã gõ cửa Sept-Fons cách đây hơn một thập kỷ với ước mong được sống đời sống thánh hiến như chúng tôi sống tại Sept-Fons. Thực ra ban đầu, các chị tiên phong đã được gởi đến những nữ đan viện khác trong Dòng, nhưng các chị vẫn muốn sống cùng tinh thần với những đặc nét như tại Sept-Fons, vì thế chúng tôi mới đặc trách huấn luyện các chị theo sự đồng thuận của Giám mục sở tại khi họ thành lập Huynh đoàn Bernadines, hiện vẫn trực thuộc giáo phận, nhưng với định hướng sẽ sáp nhập vào Dòng Tráp, một khi họ đã đủ lông đủ cánh !
Đan viện Chambarand.
Nữ đan sĩ tại Đan viện Chambarand.
CHO NHỮNG AI CON THƯƠNG MẾN Những gì tim con ước muốn thì Giêsu, Người sẽ ban cho họ, tốt hơn con, nếu điều đấy tốt lành cho họ. Những gì miệng lưỡi con thì Giêsu hỡi, bài giảng thuyết của con chỉ Người sẽ giảng giải cho họ Chỉ nơi thực tại vô hình của ơn thiêng và nơi hoạt động đầy quyền uy của Chúa chúng con mà con muốn xây dựng đời mình cho những ai con thương mến.
Cha Nicolas
|
Người Việt Nam vốn rất gắn bó với gia đình, đi tu có phải là mãi mãi cắt đứt tương quan gia đình, nhất là khi việc huấn luyện phải thực hiện tại Pháp ?
Ai nói với chúng con là đi tu phải “cắt đứt dây chuông” ? (Anh thông dịch đã rất lém khi dùng diễn ngữ này làm cả hội trường cười rung rinh.) Không, không, và không ! Mọi chọn lựa đều giả định một sự từ bỏ. Nếu chúng con lập gia đình chúng con phải từ bỏ gia đình để đến với người yêu của chúng con. Đi tu cũng vậy thôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân cha cho thấy chính cha lại là người gần gũi ba mẹ của cha hơn bất cứ anh chị của cha vốn đã yên bề gia thất. Với cha, ba mẹ cha, trong những dịp đến thăm cha, có thể trò chuyện những vấn đề thật sự là “vấn đề” với một độ sâu sắc mà không thể diễn tả với những người con khác. Cha muốn nói, chọn đời tu không phải là cắt đứt tương quan với gia đình, nhưng là đặt gia đình vào một tương quan sâu hơn, thiêng liêng, ở phạm trù đức tin và lòng tín thác. Nếu Chúa gọi chúng con, Người thừa biết chúng con là ai, con ông nào bà nào. Chúa quan tâm thế nào với con khi dẫn chúng con vào ơn gọi thì Người cũng quan tâm như thế đối với người thân và những người chúng con liên đới, vì tất cả họ đều nằm trong kế hoạch của Người khi Người gọi chúng con ! Chúng con phải nhìn nhận Chúa chúng ta là siêu thông minh !
Vậy việc thăm viếng của gia đình ra sao, các đan sĩ có được về phép ?
Đời sống đan tu là 24h/24h, 7 ngày/tuần không có ngày nghỉ. Quần thần túc trực chầu Vua thì không nghĩ đến chuyện nghỉ phép. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, đan sĩ vẫn có thể ra ngoài, như chúng con đang thấy chúng tôi tại đây. Tại Sept-Fons, thân nhân của đan sĩ có thể đến thăm ngoại trừ mùa Chay và mùa Vọng. Chúng tôi có một khu vực nhà khách, gọi là “Nhà Khách của Ba Mẹ” vì mục đích này. Tuy nhiên để người thân từ Việt Nam thăm đan sĩ Việt Nam ở Pháp không phải chuyện dễ dàng. Vì thế trong những dịp đặc biệt, khoảng 3-4 năm, Đan viện tạo điều kiện để anh em Việt Nam sẽ về quê hương thăm gia đình. Đấy là trường hợp của Sư huynh Irénée, vừa khấn tạm và được về thăm gia đình ở miền Bắc Việt Nam.
Câu hỏi này xin dành cho Sư huynh Marie Noël. Là người Việt Nam tiên phong tại Sept-Fons, đâu là nguyên nhân dẫn đưa Frère đến Dòng Tráp ạ ?
Thay vì đi vào chi tiết về lịch sử ơn gọi của tôi, tôi xin mạn phép gợi lại ba dấu chỉ của ơn gọi mà các bạn đã được nghe Cha Thomas chia sẻ trong giờ Lặp Lại. Thứ nhất, ước muốn sâu xa. Thứ hai, sự sắp đặt của Chúa Quan Phòng. Thứ ba, sự thăng tiến trong ơn gọi. Điều dẫn đưa tôi đến với Sept-Fons chắc chắn nằm trong dấu chỉ thứ hai mà khi ngẫm lại, tôi luôn xác tín có bàn tay Chúa dẫn tôi đi qua từng chặng hành trình trong lịch sử ơn gọi của mình. Mỗi chặng đều là một mắt xích mà ngài đã sắp đặt thật tài tình, không mắt xích nào là vô nghĩa, thậm chí đôi khi có mắt xích là những biến cố đau lòng mà lúc xảy ra ta chưa thế khám phá ngay ý nghĩa của nó.
Khi đến Sept-Fons đầu tiên cách đây hơn mười năm, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành đan sĩ. Tôi chỉ mang trong lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa và chính Người là ý nghĩa cho ơn gọi của tôi, cùng tìm kiếm một môi trường giúp tôi sống đời sống cầu nguyện mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Tôi cần đến những cuộc hoán cải để Chúa mở mắt cho tôi nhận ra tôi cần để cho Chúa làm mọi sự trên cuộc đời tôi. Một trong những ơn hoán cải đó đã mở mắt tôi nhận ra Sept-Fons chính là ngôi nhà mà bấy lâu mình tìm kiếm.
Trở lại với Cha Thomas, cha có nhận xét gì về giới trẻ Việt Nam nói chung và ơn gọi Việt Nam mà cha đang phụ trách huấn luyện ?
Người Việt Nam nói chung có đức tính cần cù, chịu khó, vốn là lợi thế cách riêng cho ơn gọi đan tu. Đời đan tu ví như cuộc chạy đua đường trường, chứ không không phải chạy nước rút 100 mét. Cha đã thấy giới trẻ Việt Nam có những tiềm năng của những vận động viên marathon cho ơn gọi này. Bên cạnh đó, giới trẻ Việt Nam ngày nay khá nhạy cảm, tự nó là một phẩm chất rất tuyệt, nếu ta biết đặt đúng chỗ của nó, bằng không nó sẽ gây nên khó khăn trong hành trình huấn luyện đan tu. Chính vì thế, là người huấn luyện, cha không những hướng dẫn các bạn về vấn đề thiêng liêng, nhưng đồng thời cũng là những vấn đề rất nhân bản, nghĩa là học để biết mình, biết làm chủ cảm xúc, biết diễn tả cảm xúc bằng lời, nghĩa là buộc các bạn sử dụng quan năng cao cấp hơn của con người, là lý trí, để diễn tả điều cảm xúc mình nghĩ và đánh giá nó theo những thẩm định của lý trí. Đúng vậy, huấn luyện để trưởng thành tâm cảm là một việc huấn luyện đáng bõ công.
Liệu Cha có ngại chia sẻ định hướng của Đan viện tại Việt Nam trong tương lai ?
Chúng tôi đến Việt Nam không phải để tìm ơn gọi hầu lấp đầy Đan viện Sept-Fons. Tạ ơn Chúa, Đan viện vẫn được Chúa gởi đến nhiều ơn gọi trẻ từ khắp nơi. Khác với nhiều đan viện khác của Dòng, cách riêng tại châu Âu, có thể nói Chúa cho chúng tôi dồi dào ơn gọi. Định hướng của chúng tôi khi đến Việt Nam là tạo điều kiện để các bạn trẻ Việt Nam biết thêm về một ơn gọi đặc biệt này ; và quả thật lối sống của chúng tôi giao thoa với lòng khao khát sâu xa của một số bạn trẻ Việt Nam yêu mến đời sống cầu nguyện trong một dòng kín ; sau đó các bạn ấy sẽ được huấn luyện trở thành đan sĩ trong một môi trường đan tu khá đòi hỏi, với dự phóng trở về Việt Nam tiếp tục sống ơn gọi này trên quê hương của các bạn. Dĩ nhiên, nếu Chúa muốn và khi nào Chúa muốn.
Dự phóng trở về Việt Nam tiếp tục sống ơn gọi Tráppít.
Xin cho dự phóng ấy của Đan viện được Chúa ban ơn và sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần. Chúng con chân thành cám ơn Cha và các Frère.
[1] Các trích dẫn * lấy từ www.trappitvn.com.
[2] Thánh Biển Đức, anh hùng của núi đồi, Tủ sách Nữ Biển Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2018, chương 11.
[3] Thánh Biển Đức, anh hùng của núi đồi, Tủ sách Nữ Biển Đức, Nxb. Tôn Giáo, 2018, chương 11.
[4] Cha Jérôme, Chọn lựa của con tim làm nên khác biệt, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr. 90.
[5] Cha Jérôme, Những khả thể và giai điệu, Nxb. Đồng Nai, 2018, tr. 65.
bài liên quan mới nhất
- Con đường hiệp hành – một trong những ưu tiên của các nữ tu Salêdiêng
-
Hướng đến việc khám phá một lối đường hiệu quả khi đào tạo người tu sĩ-linh mục -
Lá thư gửi người khao khát trở thành linh mục -
Tam đạo mục huấn trình -
Linh mục - Gương mẫu về đời sống hiệp nhất trong cộng đoàn Giáo hội -
Sáu nguyên tắc căn bản cho đời sống tu sĩ Đa Minh -
Làm thế nào đánh thức ơn gọi tu trì trong các gia đình? -
Hội nghị các đại chủng viện tại Việt Nam năm 2024 - Đồng tính dưới góc nhìn khoa học và đức tin -
Mọi tín hữu tham gia vào sứ vụ đào tạo linh mục -
Tu sĩ sống hiệp thông - Những chia sẻ thực hành
bài liên quan đọc nhiều
- Chia sẻ với em, người muốn đi tu làm linh mục
-
Phó Tế - Người Phục Vụ -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 61 năm 2024 -
Linh mục triều và dòng có gì khác? -
Những thắc mắc phổ biến về ơn gọi tu trì trong Giáo hội -
Bước theo Chúa Giêsu nghèo khó: Tính cách tiên tri của người tu sĩ trong thế giới -
Nữ đan viện Biển Đức -
Ban Mục vụ Ơn Gọi: Thông báo Tuyển Sinh -
Đời tu là hạnh phúc -
Cái động và cái tĩnh của người tu