Một Giáo Hội hiệp hành truyền giáo lữ hành đường hy vọng

Một Giáo Hội hiệp hành truyền giáo lữ hành đường hy vọng

MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH TRUYỀN GIÁO LỮ HÀNH ĐƯỜNG HY VỌNG

WHĐ (20.07.2024) - Làm sao trở nên một Hội thánh gần gũi với mọi người hơn, ít quan liêu, nơi mọi người tín hữu - cả những người làm việc trong các bộ giáo triều và giáo hội địa phương với các vai trò khác nhau - đồng trách nhiệm và tham gia vào đời sống Giáo hội.

Tóm lược Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) cho Phiên họp thứ hai của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục tháng Mười 2024

MỘT GIÁO HỘI HIỆP HÀNH TRUYỀN GIÁO LỮ HÀNH ĐƯỜNG HY VỌNG

Thế nào là một Giáo hội hiệp hành truyền giáo?

Đó là câu hỏi trọng tâm của Tài liệu làm việc (TLLV: Instrumentum Laboris (IL)) cho Phiên họp sắp tới của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ diễn ra diễn ra từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 năm 2024. Đây là Phiên họp thứ hai của Đại hội Thường lệ thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp theo năm 2023. TLLV không đưa ra bất kỳ “câu trả lời đóng gói sẵn” mà chỉ là “những chỉ dẫn và đề nghị”. Quan tâm đến câu trả lời chúng ta phải trả lời như thế nào để đáp ứng nhu cầu Giáo hội trở nên ‘hiệp hành trong sứ vụ loan báo Tin Mừng’.

Làm sao trở nên một Hội thánh gần gũi với mọi người hơn, ít quan liêu, nơi mọi người tín hữu - cả những người làm việc trong các bộ giáo triều và giáo hội địa phương với các vai trò khác nhau - đồng trách nhiệm và tham gia vào đời sống Giáo hội.

Tài liệu gồm năm phần

Tài liệu gồm năm phần: giới thiệu, nền tảng, ba phần chính. Phần giới thiệu nhắc lại tiến trình đã đi qua cho đến nay và nhấn mạnh các điểm quan trọng đã đạt được, như sự sử dụng rộng rãi phương pháp trò chuyện trong Thánh Thần. Phần nền tảng (ss. 1-18) nói đến ý nghĩa của tính hiệp hành, được nhìn như con đường hoán cải và cải tổ. Trong một thế giới như hôm nay đầy sự chia rẽ và xung đột, Giáo hội được mời gọi là dấu chỉ của hiệp nhất, công cụ của hòa giải và lắng nghe mọi người, đặc biệt là những người nghèo, những người bị gạt bên lề, những người dân thiểu số bị loại trừ quyền hành.

Quí trọng phụ nữ trong Giáo hội

Phần nền tảng cũng dành nhiều chỗ (ss. 13-18) cho suy tư về vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực đời sống Giáo hội, nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải nhìn nhận đầy đủ hơn đặc sủng và ơn gọi của các phụ nữ. TLLV nhắc “Thiên Chúa đã chọn chị em phụ nữ là những nhân chứng và sứ giả đầu tiên loan báo Tin mừng Phục Sinh”. Vì vậy, “nhờ Bí tích Rửa tội, họ hưởng hoàn toàn sự bình đẳng, cùng nhận được những ơn huệ dồi dào của Chúa Thánh Thần và được mời gọi phục vụ sứ vụ của Đức Kitô”.

Tham gia và Đồng trách nhiệm

Tài liệu lưu ý ở một số nền văn hóa, “sự hiện diện của nam giới vẫn còn rất mạnh”; do đó, phiên họp lần này THĐGM kêu gọi “phụ nữ được tham gia rộng rãi hơn vào các tiến trình phân định của Giáo hội và mọi giai đoạn của tiến trình ra quyết định” đồng thời họ được “tham gia rộng rãi hơn vào các vị trí hữu trách trong các giáo phận và các tổ chức giáo hội”, cũng như trong các chủng viện, học viện, phân khoa thần học, và “gia tăng số lượng các nữ thẩm phán trong tất cả các thủ tục tố tụng theo Giáo luật”. Những gợi ý cũng nói đến các nữ tu, những người sống đời thánh hiến. Cần thiết phải công nhận và hỗ trợ nhiều hơn nữa cuộc sống và đặc sủng của họ, cùng với việc đặt phụ nữ vào trong các vị trí trách nhiệm”.

Tiếp tục suy tư thần học về chức nữ phó tế

Nói về sự tiếp nhận phụ nữ vào thừa tác vụ phó tế, TLLV cũng nhắc lại rằng đang khi “một số Giáo hội địa phương” đã yêu cầu điều này, thì cũng có những Giáo hội địa phương khác “phản đối” (s. 17). Tài liệu lưu ý rằng đây sẽ không phải là chủ đề để bàn tới trong phiên họp tháng 10 sắp tới, nên phải tiếp tục suy tư thần học về chức phó tế cho nữ giới.

Dẫu sao, TLLV nói suy tư về vai trò của phụ nữ làm nổi bật mong muốn củng cố hơn nữa mọi thừa tác vụ do giáo dân (nam cũng như nữ) đảm nhận. Tài liệu lưu ý đến yêu cầu cần phải huấn luyện thích hợp người nam và người nữ để họ góp phần vào nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa, gồm cả trong cử hành Thánh Thể (s. 1).

Phần I – Tương quan với Chúa, với anh chị em và giữa các Giáo hội

Sau phần giới thiệu và những nội dung nền tảng, tài liệu tập trung vào việc sống các mối tương quan (ss. 22-50) sao cho Giáo hội có tính hiệp hành trong sứ vụ loan báo Tin mừng, tức là các mối tương quan hệ với Chúa là Cha, với anh chị em và giữa các Giáo hội với nhau. Các đặc sủng, các thừa tác vụ, và các thừa tác vụ chức thánh rất cần thiết trong một thế giới và cho một thế giới như hôm nay, nhiều mâu thuẫn, đang đi tìm kiếm công lý, hòa bình, và hi vọng.

Phần II – Những con đường huấn luyện và sự phân định cộng đoàn

Kế đến những tương quan này nên được phát triển trong tinh thần Kitô giáo theo các con đường huấn luyện (ss. 51-79) và “phân định cộng đoàn”, cho phép Giáo hội đưa ra những quyết định phù hợp, nêu rõ trách nhiệm và sự tham gia của tất cả mọi người. Tài liệu khẳng định có một “trường dạy hiệp hành” trong sự gắn kết giữa các thế hệ. Mọi người, “kẻ yếu đau người mạnh khỏe, trẻ nhỏ, người trẻ, người già” tất cả đều có “nhiều để đón nhận và cho đi” (s. 55).

Tầm quan trọng của trách nhiệm giải trình

“Một Giáo hội hiệp hành đòi hỏi một văn hóa thực hành tính minh bạch và có ý thức trách nhiệm phải giải trình, vốn là điều thiết yếu để thúc đẩy sự tin tưởng nhau trong khi đồng hành và thực thi đồng trách nhiệm vì sứ mạng chung” (s. 73). Tài liệu nhấn mạnh ngày nay “xuất hiện nhu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong Giáo hội và từ Giáo hội, đó là hệ quả của việc bị mất uy tín do bê bối tài chính, và còn hơn thế nữa, do những lạm dụng tình dục và những lạm dụng khác đối với trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình tiếp tay cho xu hướng giáo sĩ trị” (s. 75).

Cần có cơ cấu lượng giá

Tài liệu khẳng định trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cũng ảnh hưởng đến “các kế hoạch mục vụ, phương pháp loan báo Tin Mừng và cách thức Giáo hội tôn trọng phẩm giá nhân vị, chẳng hạn như, về điều kiện làm việc trong các tổ chức của Giáo hội” (s. 76). Bởi thế, “cần thiết phải có các cơ cấu và hình thức lượng giá thường xuyên trách nhiệm mục vụ mọi loại được thực hiện như thế nào” (s. 77). TLLV giải thích Giáo hội nên bảo đảm bằng việc công bố báo cáo hàng năm về quản trị tài sản và nguồn lực, cũng như về việc thực hiện các sứ vụ, bao gồm “một minh họa các sáng kiến được đem thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ an toàn (trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương) (s. 79).

Phần III - Những nơi chốn đối thoại đại kết và liên tôn

TLLV kế đến phân tích những nơi cần diễn ra quan hệ và hình thành nên những con đường đối thoại. Tài liệu mời gọi chúng ta vượt qua cái nhìn tĩnh về các kinh nghiệm Giáo hội, nhìn nhận nơi chốn và con đường đối thoại rất đa dạng. Chính trong bối cảnh như thế mà đặt ra các chủ đề lớn của đối thoại đại kết, liên tôn và văn hóa. Cũng trong bối cảnh này, chúng ta thấy việc tìm kiếm các hình thức thực thi thừa tác vụ Phêrô là phải cởi mở trước “hoàn cảnh mới” của hành trình đại kết (ss. 102 và 107).

Những người lữ hành đường Hi vọng

TLLV kết thúc bằng một lời mời gọi tiếp tục cuộc hành trình như “những người lữ hành đường Hi vọng” hướng tới năm thánh 2025 (s. 112).

Louis Nguyễn Anh Tuấn
Gm. Hà Tĩnh
Phó Tổng Thư Ký HĐGMVN

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top