Mầu nhiệm Nhập Thể - Mầu nhiệm Chữa Lành
TGPSG -- Mỗi dịp Giáng Sinh về, tôi thường nhớ đến tác phẩm “Một Con Người Ra Đời” của Maxim Gorky. Vì trong tác phẩm này, tác giả đã diễn tả hình ảnh một người mẹ nhìn đứa con ra đời và hạnh phúc reo lên “Lạy Chúa tôi, Chúa ơi... Sung sướng quá, thích quá đi mất! Ước gì cứ thế này mà đi, đi mãi cho đến cùng trời cuối đất, và thằng con tôi cứ thế lớn lên, nép vào lòng mẹ mà lớn lên mãi trong cảnh tự do, con yêu của tôi...”. Quả thật, một con người ra đời đều là một sự kiện vĩ đại, một sự vui mừng vì "cao cả thay cái chức vị làm người trên trái đất”.
Hôm nay chúng ta cùng mọi người thiện tâm, cũng như vũ hoàn chiêm ngắm khuôn mặt của “Thiên Chúa nhập thế” trong niềm vui, cùng thần thánh trên trời ngân vang “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời – Bình an dưới thế cho con người thiện tâm”. Hài Nhi Giêsu ra đời là một Tin Mừng quan trọng nhất cho mọi ngóc ngách của vũ trụ này vì đây là thời khắc “cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8, 22) chờ đợi.
-
Thiên Chúa nhập thế trong thế giới đầy đau thương
Việc hạ sinh của Chúa Giêsu được gọi là Tin Mừng (Lc 2,10). Tin Mừng này mang một tầm vóc vĩ đại lớn lao hơn bất cứ việc hạ sinh của một nhân vật lịch sử nào khác trong nhân loại. Tin Mừng này cao cả nhất trong các tin mừng như Cha thánh Vianey diễn giải: “Sứ điệp của các thiên thần trên cánh đồng Belem hoàn toàn là một loại tin mừng khác. Nó đến từ trời, cùng với những vẻ đẹp, phúc lành, và ân sủng thiên đàng. Nó sẽ không bao giờ ngừng tiếng, cho dù khi thế giới đang nửa đêm, hay cuốn sách của nhân loại đóng lại, thì tiếng vang của nó vẫn vọng tới cõi đời đời: Đấng cứu tinh được sinh ra cho chúng ta. Người là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thế mà, Tin Mừng trọng đại này lại được loan báo trong một bức tranh khá buồn: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2, 7).
Đó là bức tranh của nhân loại bị gãy đổ, đầy thương tích. Gãy đổ trong tương quan với Thiên Chúa từ khởi đầu khi tổ tông loài người chống lại Thiên Chúa. Từ khoảnh khắc này, nhân loại bước đi trong tăm tối, trong nô lệ gông cùm, bị cái ách của tội lỗi đè xuống như bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Isaia diễn tả. Chính tội lỗi, làm cho tương quan con người với nhau cũng vỡ vụn, người ta chối từ nhau. Thế nên cảnh hai ông bà Giuse - Maria không tìm được chỗ trọ là một chuyện gặp thường xuyên trong lịch sử loài người, và dường như ngày càng không có dấu hiệu giảm đi. Nhân loại gãy đổ, đau thương như thế nhưng Thiên Chúa vẫn nhập thế và đi đến tận cùng, đến nơi tồi tàn nhất của nhân loại này.
Kinh nghiệm cho thấy nghèo khó tồn tại thực sự đối với con người chúng ta. Thậm chí cả người giàu có cũng bất lực và thê thảm biết bao! Có biết bao nhiêu sự nghèo khó trong cuộc sống của chúng ta! Nên việc Thiên Chúa hạ sinh trong cảnh nghèo nàn làm cho chúng ta hiểu tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta tới đâu. Ngài yêu thương chúng ta đến mức yêu mến thân phận con người, đến nỗi chạm vào cái khổ đau tồi tệ nhất của chúng ta, bằng tình yêu thương của Ngài. Ngài đã đến thế gian trong vị thế của một trẻ thơ yếu đuối, để chúng ta có thể đón nhận sự mỏng dòn của bản thân bằng sự hiền lành dịu dàng. Và để chúng ta khám phá ra một điều quan trọng: Cũng giống như Belem, Thiên Chúa thích làm nên những điều lớn lao qua sự khó nghèo của chúng ta. Ngài đã đặt tất cả niềm hy vọng của chúng ta nơi máng cỏ và Ngài không sợ cái nghèo của chúng ta: Chúng ta hãy để cho tình thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài biến đổi những nỗi khốn cùng của chúng ta. Thiên Chúa nhập thể là để chữa lành nhân loại đau thương này.
-
Mầu nhiệm Nhập Thế - Mầu nhiệm Chữa Lành
Như trong bài đọc 1, tiên tri Isaia khẳng định Hài Nhi này là một món quà Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại. Hay trong bài đọc 2, Thánh Phaolô cho thấy Thiên Chúa nhập thế làm người là Ân Sủng. Ân Sủng này là là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu làm thay đổi cuộc đời, lịch sử, mang lại hòa bình và niềm vui. Đêm nay, tình yêu của Thiên Chúa được tỏ ra cho chúng ta: Hài Nhi Giêsu. Nơi Chúa Giêsu, Đấng tối cao tự trở nên Em Bé, để được chúng ta ôm lấy. Tình yêu này là ân sủng vì hoàn toàn nhưng không, miễn phí. Đây quả thật “như thể mặt trời lặn xuống xuyên qua giọt nước biển, qua sự chìm xuống này mới có thể chiếu sáng tất cả những giọt nước khác trong đại dương. Như thể cành cây quý giá được ghép vào cây ô liu hoang dại, tất cả nhánh cây và cành con sẽ tháp nhập vào sức mạnh của cành ghép này. Thánh Augustino nói rằng loài người chúng ta cũng được tháp nhập vào vinh quang, ân sủng, và công nghiệp của Chúa Giêsu, nhờ sự nhập thế của Người”.
Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện (Tt 2, 14). Những thương đau của nhân loại được chữa lành, những gãy đổ được nối liền, xiềng xích bị chặt đứt, ách được tháo cởi khỏi nhân loại. Từ trong u tối của tội lỗi, nhân loại sẽ được Ánh Sáng của Ân Sủng bao trùm. Quả thực, khi Con Thiên Chúa làm người thì “Thiên Chúa được Vinh Danh và con người được bình an”. Mầu Nhiệm Nhập Thể chữa lành, cho đất trời se duyên và con người được làm hòa với Thiên Chúa. Chính tình yêu nhưng không của Thiên Chúa biểu lộ qua Hài Nhi Giêsu mà nhân loại chúng ta không những được cứu chuộc mà còn được trả lại tước vị làm người, được nâng lên như các thánh giáo phụ khẳng định “Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa”. Bên cạnh đó, chính Tình yêu này cũng mời gọi đáp lại và như lời thách đố với mỗi chúng ta.
-
Trở nên những Chuyên viên Chữa Lành
Trong dịp Giáng sinh năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: sẵn sàng đón nhận món quà là ân sủng của Thiên Chúa ban tặng. Trước khi đi tìm Thiên Chúa, chúng ta hãy để mình được Thiên Chúa tìm. Chúng ta không khởi đi từ khả năng của mình, nhưng từ ân sủng của Ngài, vì Ngài, Giêsu, là Đấng Cứu Độ. Chúng ta sẽ không còn lý do để từ chối, không để mình được Ngài yêu: bởi những sai lầm trong cuộc sống, những điều không ổn trong Giáo hội, những gì chưa được trên thế giới. Nó sẽ là thứ yếu, bởi vì đối diện với tình yêu điên dại của Giêsu, một tình yêu tất cả sự nhẹ nhàng và gần gũi, không còn sự lên án nữa.
Hôm nay chúng ta đang đối diện với rất nhiều vấn đề và khủng hoảng từ cá nhân, gia đình, xã hội, đất nước, Giáo hội cũng như thế giới. Con người thời đại hôm nay đôi lúc như mất phương hướng. Nhiều nỗi đau do thảm kịch chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, tình trạng ly dị. Nhu cầu chữa lành là một nhu cầu đang rất khẩn thiết với mọi người trong xã hội hôm nay. Con người ta không còn bình an và mong ước được chữa lành. Người ta truyền tai nhau rần rần trên mạng: ăn chữa lành, du lịch chữa lành, ngủ chữa lành, đọc sách chữa lành… nhưng thực tế cho thấy dường như chẳng mấy ai được chữa lành sau khi làm những điều đó. Mà những vết thương còn đó, những gãy đổ còn đó. Có chăng chỉ là chúng ta tự ru ngủ nhau, hay một số người chỉ là theo trào lưu, để up hình, “trend” cho mọi người biết mình cũng đi chữa lành như ai vậy.
Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng Chữa Lành đích thực. Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để dâng lên Ngài tất cả, từ những đau khổ, những gãy đổ mà chúng ta đang đối diện. Chúng ta chỉ được chữa lành thực sự khi gặp Chúa Hài Đồng như các mục đồng ở Bê Lem năm xưa. Vì chính lúc gặp được Chúa Hài Đồng, cũng là lúc chúng ta được ôm lấy bởi Ân Sủng, bởi Tình Yêu vô biên của Thiên Chúa, một tình yêu chữa lành. Trong một câu chuyện được kể lại, vào một đêm Giáng Sinh, thánh Giêrônimô đang quì cầu nguyện bên mảng cỏ, ngài được thị kiến thấy Chúa Hài Đồng. Chúa Hài Đồng đã nói với thánh nhân: “Ta muốn con dâng tội lỗi của con để tha thứ cho con. Đó là điều Ta mong đợi”. Quả thật, Chúa Giêsu Hài đồng chờ đợi mỗi người chúng ta để ôm vào và chữa lành những vết thương cho chúng ta, tha thứ tội lỗi, biến đổi chúng ta thành những người hạnh phúc bình an.
Hơn thế nữa, chúng ta cần ra khỏi cái tháp ngà an toàn của bản thân, bước đi trong tự do của ân sủng. Dù là những bước ngắn, nhưng Thiên chúa mời gọi chúng ta cất bước, đi đến với mọi người, trao tặng nhau những món quà của tình người giữa một thế giới vô cảm, thiếu vắng tình người để trở thành những “chuyên viên của sự chữa lành”. Giáng sinh là “Tin Mừng sống động, là chan hòa sự sống, là lễ của niềm vui, của bàn tay nắm lấy bàn tay, của bước chân tiếp nối bước chân dấn thân vào đời phục vụ cho hạnh phúc con người”. Nối lại những gãy đổ trong tương quan với Thiên Chúa cũng như gãy đổ trong tương quan với nhau: trong gia đình, khu phố hay cộng đoàn. Làm được như thế, cộng đoàn chúng ta sẽ cho Chúa Giêsu Hài Đồng hạ sinh mọi lúc mọi nơi và chúng ta sẽ luôn luôn nghe âm vang lời ca của các thiên thần “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
F.x Hoàn Phạm, HTSVN, MSV (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Đức Giê-su Ki-tô - Đường hiện diện
-
Những người thợ thầm lặng bên máng cỏ Hài Nhi Giêsu -
Chuẩn bị hang đá tâm hồn để đón chờ Chúa Giáng sinh -
Cầu nguyện như thánh Augustinô -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19