Mầu nhiệm người tín hữu trong trần thế
Mầu nhiệm người tín hữu trong trần thế
Lời mở
Đời sống Kitô hữu là gì. Đời sống người Kitô hữu có khác đời sống những người khác không? Người Kitô hữu chia sẻ đời sống chung với những người khác trong xã hội, nhưng thực sự đời sống người Kitô hữu có sự khác biệt rất lớn. Đời sống này là đời sống ân sủng bắt nguồn từ cái chết khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Từ những con người vốn phải chết trong tội, người kito hữu được tái sinh làm Con Thiên Chúa, nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần, được quy tụ trong thân mình của Chúa Giêsu (Ep 3,6). Họ được quy tụ trong Giáo Hội, là thân mình của Chúa Kitô, biểu lộ hữu hình đời sống của Chúa Giêsu.
1. Cách chung con người có chiều hướng bằng lòng với cuộc sống tự nhiên và hưởng hạnh phúc trần thế và kết thúc cuộc đời là hết. Có phải đời người có những ý nghĩa giới hạn như thế hay còn có điều gì khác hơn nữa?
Ngày nay với chiều hướng duy vật người ta sống như thế. Người ta chỉ bằng lòng với những gì khả giác như của cải, danh vọng, lạc thú. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống con người không chỉ dừng lại như thế, với những viễn tượng giới hạn này. Còn theo nhận xét của Mạc Khải Kinh Thánh thì con người có hướng chiều sống theo bản tính tự nhiên nên kiêu căng tự mãn, chỉ muốn và thỏa mãn với những thành quả của những gì mình làm ra, muốn tự khép mình trong chính mình không chấp nhận ơn cứu độ bởi Thiên Chúa. Về mặt tôn giáo do thái giáo, sau giai đoạn lưu đày, do thái giáo lần hồi đã xây dựng một tôn giáo duy luật, đề cao sự công chính do bởi việc chu toàn lề luật. Chính Chúa Giêsu đã tố cáo điều này rất gay gắt trong khi người tiếp xúc với giới luật sĩ và Pharisêu. Vào thời các tông đồ, các ngài cũng nhận thức rõ là chúng ta được ơn cứu đô nhờ bởi cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và sự Phục Sinh của người, và các tông đồ là những chứng nhân và rao giảng ơn tha thứ tội lỗi cho những người tin vào Chúa Giêsu.
Chính Thánh Phaolô, người tông đồ dân ngoại, một người biệt phái xác tín, đã bắt đầu nhận thức được hiệu quả của công trình cứu độ do bởi cái chết thập giá và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô có một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh trên đường Đa mát, từ đó ông xác tín vào giá trị và hiệu quả của cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trên thập giá (Gl 1,15) : “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát. Ba năm sau tôi mới lên Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.”
Vì thế, Tin mừng mà Thánh Phaolô rao giảng là thập giá Chúa Giêsu, Tin mừng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, cớ vấp phạm đối với người do thái và điên rồ đối với người hy lạp, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. “Tôi không biết điều gì khác ngoài tin mừng Chúa Giêsu chịu đóng đinh” (1 Cr 2,2). Tại sao Ngài nhấn mạnh điều này: thập giá của Chúa Giêsu. Đối với Thánh Phaolô, trước đây ngài cũng nghĩ thập giá là cớ vấp phạm và là điều điên rồ, cho đến khi Chúa Giêsu làm cho ngài ngã ngựa để cho ngài hiểu sức mạnh của Đấng đã chịu đóng đinh giờ đây đã Phục Sinh. Và khi đã hiểu thì Thánh Phaolô từ đây chỉ rao giảng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, bởi vì chỉ khi chấp nhận sự điển rồ của thâp giá mà người ta đón nhận được ơn cứu độ. Nếu Thiên Chúa phải trao ban người Con một của ngài cho thế gian được cứu độ, là vì nếu không có người con này, thì chúng ta đã phải hư mất đời đời. Hình ảnh Đấng chịu đóng đinh sẽ làm tan đi những sự công chính giả hiệu của con người. Trước đây Thánh Phaolô đã đặt tin tưởng vào lề luật theo trường phái biệt phái mà ông đã được đào tạo, thì giờ đây ông xác tín rằng vì Chúa Kitô, ông chấp nhận mất tất cả (Phil 3,4-11), tất cả những gì mà trước đây ông vốn tin tưởng. Từ nay mục tiêu của cuộc đời ông là biết Chúa Kitô và quyền năng sự phục sinh của người (Phil3,10) đến mức độ ông có thể nói: “Tôi đã chịu đóng đinh với Chúa Kitô: từ nay tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2,19).
2. Góc nhìn của con người ngày nay là góc nhìn từ vật chất. Người ta đánh giá mọi sự từ góc nhìn vật chất: nào là lợi nhuận, sản xuất tăng trưởng, còn góc nhìn của Thánh Phaolô là từ đâu? Góc nhìn của Thánh Phaolô đã ăn sâu vào góc nhìn của Kito giáo làm nên bản lề quan trọng của giáo thuyết Kitô giáo, góc nhìn này từ đâu?
Góc nhìn của Thánh Phaolô có thể nói là siêu nhiên dựa trên Mạc khải và hiện thực. Siêu nhiên vì nhìn Thiên Chúa là đấng Hằng sống, là Đấng muốn ban tặng sự sống cho con người và ngược lại con người mang thân phận phải chết.. Thánh Phaolô đã ngã ngựa trên đường Đa-mát, người đã được gặp gỡ Chúa Giêsu Phục Sinh và quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh (Chúa Giêsu đã bị đóng đinh mà nay đang hiển trị vinh quang), nên người đã có được ơn hoán cải và hiểu rõ thân phận yếu hèn của mình. Từ đó người có sự hiểu biết sâu xa về thân phận con người và giá trị cứu độ của thập giá Chúa Giêsu. Thánh Phaolô tự nhìn mình cũng như mọi tín hữu khác như những người đã chết và cùng sống lại với Chúa Kitô. Vậy tại sao đã chết? và đã sống lại theo nghĩa nào? Thiên Chúa là Đấng hằng sống, là Đấng ban sự sống. Trong khi đó thế gian, vốn mang thân phận thụ tạo mà tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, vì thế bị kết án phải chết đời đời. Cái chết chờ đợi mọi người (Rm 5,12).
Từ quan điểm này, chúng ta là những người như đã chết bao lâu mà Thánh Thần Thiên Chúa chưa làm cho chúng ta sống. Hình ảnh đứa con hoang đàng là hình ảnh của mọi người, nó là một đứa con coi như đã chết và chỉ được xem là sống lại khi trở về nhà cha. Đó là điều mà Thánh Phaolô đã diễn tả trong ngôn ngữ trừu tượng khi nói rằng mọi người đều xem như đã chết. “chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do-thái cũng như Hy-lạp đều bị tội lỗi thống trị. Như có lời chép rằng: Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi. Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc họa. Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an, chẳng thấy cần phải kính sợ Thiên Chúa” (Rm 3,20). Đối với Thánh Phaolô, lề luật không cứu được con người, mà luật còn làm cho con người phải chịu kết án nặng hơn, làm cho tội trở nên nặng hơn. Tình trạng con người dưới chế độ luật là tuyệt vọng. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đã ban tặng người con một của người chịu chết đền thay tội lỗi mọi người. “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,7) Đức Giêsu đã chết vì tội chúng ta, người đã mang trên mình mọi tội của chúng ta và cho chúng ta được chiến thắng của người. Tội của chúng ta được đóng vào thập giá của người. Con người cũ của chúng ta đã chết và được đóng đinh vào thập giá với người, và chúng ta được sống sự sống mới trong người cùng với Thánh Thần của người. “Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,5-6). “Chúng ta hãy xem mình như những người đã chết cho tội lỗi” (Rm 6,11).
3. Ân sủng của Chúa Giêsu là siêu nhiên, và vì thế khó hình dung. Có phải chính trong đời sống cụ thể của con người với những cố gắng mà ân sủng Phục Sinh của Chúa Giêsu đang tác động và biến đổi.
Ân sủng thì siêu nhiên, nhưng tác động của ân sủng cụ thể trong đời sống của chúng ta. Hẳn nhiên là chúng ta cũng biết rằng mình chưa đạt được hoàn toàn điều này, nhưng từ nay, con người thật của chúng ta đã được ơn sủng Phục Sinh của Chúa Giêsu thánh hóa, ân sủng này làm cho chúng ta được kết hiệp với người để được Phục Sinh với người. Chiến đấu chống những đam mê xác thịt là điều cụ thể. Chiến đấu chống lại những ghen ghét đố kỵ với người khác là điều rất cụ thể. Chiến đấu chống lại tham lam của cải là cụ thể. Đó là điều mà chúng ta cần phải không ngừng để cho Chúa Thánh Thần tác động trong đời sống của mình. Sống ân sủng Phục Sinh của người, chúng ta đừng nhìn lại phía sau nữa, đừng trở lại với con người phải chết nữa, nhưng là sống đời sống mới, nhìn về phía trước, mắt hướng về Đức Giêsu Phục Sinh để chúng ta được biến đổi trong người nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Col 3,1-4).
Vì thế mà Thánh Phaolô kiên quyết chống lại những người muốn hủy bỏ thập giá của Chúa Kitô để trở về với những thực hành lề luật. Nhưng làm như thế là làm cho vô hiệu ân sủng của Thiên Chúa, làm cho hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá ra vô hiệu (Gl2,21), trong khi mà hiến tế này là điều lớn lao cao cả mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta để cứu độ chúng ta. Nhờ bởi hiến tế thập giá mà Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và Phục Sinh vinh quang để giải thoát chúng ta khỏi tội và sự chết. Từ đó người tín hữu không còn phải sợ hãi gì cả (Rm 8,32-39). “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? ”.
4. Khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người không phân biệt là do thái hay dân ngoại, thì phải chăng là Thiên Chúa không còn trung tín đối với dân Israel, tại sao Thiên Chúa lại bỏ rơi họ? tại sao dân do thái là dân riêng của Chúa giờ đây lại bị gạt ra bên ngoài?
Thập giá được dựng lên để ban ơn cứu độ cho mọi người không trừ ai.Vậy phải nghĩ sao về giao ước cũ, sứ mạng của dân được tuyển chọn. Thật ra đây là điều mới mẻ mà các tông đồ hiểu được về dự định của Thiên Chúa. Thánh Phaolô phân biệt giữa Israel theo xác thịt và Israel theo lời hứa. Tức là chúng ta được kể là con cháu Abraham không phải theo huyết thống mà là theo lòng tin. Nơi Đức Giêsu Kitô, lời hứa cho Abraham được thực hiện hoàn tất:” Mọi dân tộc nhờ ông mà được chúc phúc, mọi người dù là dân ngoại hay do thái đều được kết hiệp vào trong cùng ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dấu chỉ của giao ước mới là bí tích rửa tội, được ban cho mọi người tin: họ được dìm mình trong nước là hình ảnh dìm mình trong sự chết cho tội, và phép rửa trong thánh thần ban cho người tin sự sống mới được Phục Sinh trong Chúa Kitô (Rm 6,3-4). “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl,3, 27-29).
Để hiểu tầm quan trọng của những khẳng định này, cần nhớ lại chủ trương chủng tộc do thái tuyệt đối của do thái giáo sau lưu đày cấm mọi tiếp xúc với các dân ngoại giáo. Nhưng Thánh Phaolô đã có hiểu biết mới, nhìn thấy thánh ý Thiên Chúa chọn người do thái theo kế hoạch nhiệm mầu để cho mọi người được hưởng ơn cứu độ, và xem việc Thiên Chúa kết hợp mọi người do thái cũng như dân ngoại vào một thân mình duy nhất là một trong những mầu nhiệm lớn của đức tin. “Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Ki-tô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. (Ep 3,2-9)
5. Giáo Hội sẽ là Israel mới qui tụ mọi người tin. Nhưng một vấn đề vẫn tồn tại: một phần dân Israel đã từ chối Đấng cứu thế, tại sao Thiên Chúa cho phép điều này?
Vấn đề này đã ám ảnh Thánh Phaolô. đến mức độ ngài đau lòng (Rm 9,3) và đã đề cập trong thư Roma ch. 9-11. Đâu là chỗ của Israel trong dự định cứu độ của Thiên Chúa? Vai trò của Israel là rất lớn lao, vì ơn cứu độ đến từ người do thái (Ga 4,22), từ nơi dân tộc này Đấng cứu thế được sinh ra (Rm 9,4). Nhưng lịch sử của dân tộc này chứng tỏ cho chúng ta rằng mọi con cái Israel không phải là những người Israel đích thực. Israel đích thực là Israel của lời hứa, bởi lòng tin mà người ta là con cái Abraham (Rm 9,6). Thiên Chúa dùng những phương thế cứu độ nơi nào người muốn: những dự định của Thiên Chúa là khôn dò thấu (Rm 9,6). Việc tuyển chọn Israel suốt chiều dài lịch sử vẫn là một mầu nhiệm ân sủng : “Ta thương ai ta thương, Ta xót ai ta xót” (Rm 9,15). Đức Kitô đã loan báo rằng chỉ một số sót được cứu (Rm 9,27). Từ số sót này, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một mầm sẽ sinh ra một dân tộc mới (Rm 9,29). Vì đám đông những người Israel đã đặt tin tưởng vào việc làm, thì sứ điệp cứu độ bởi ân sủng đã gây cho đám đông này bị vấp ngã (Rm 9,30): “Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin. Còn dân Ít-ra-en tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm.” Trong khi đó những dân ngoại chấp nhận sứ điệp thập giá đã đi vào trong giao ước ân sủng. Không muốn cũng như không biết, Israel đã là phương tiện cho những dự định không thay đổi của Thiên Chúa, phương tiện cho việc dân ngoại trở lại.
Lời cuối của Thiên Chúa đối với Israel không phải là lời kết án, mà là thương xót. Thánh Phaolô có ý thức mạc khải cho những độc giả của người một mầu nhiệm mới mẻ vể Giáo Hội (Rm 11,25): việc loại trừ Israel, một phần Israel chỉ là tạm thời thôi; để sau khi nhiều dân ngoại đã vào trong Giáo Hội, bấy giờ Israel sẽ sám hổi. Bởi vì “khi Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi thì người không hề đổi ý” (Rm 11,29). Thiên Chúa đã muốn rằng không ai có thể tự hào trước mặt người: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,33). Điều này cũng là một ao ước và mời gọi. Tất cả tùy chọn lựa can đảm của những người do thái.
Kết: Nói cách khác, sau khi dân ngoại tìm được đường về nhà cha, thì Israel cũng sẽ tìm lại đường về này, và việc Israel trở lại sẽ được xem như “sự sống lai giữa những người chết” (Rm 11,25) “người Do-thái, nếu họ từ bỏ thái độ ngoan cố chẳng chịu tin, thì họ sẽ được tháp vào, vì Thiên Chúa thừa sức tháp họ một lần nữa. Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ” (Rm 11,23). Theo Thánh Phaolô thì việc người do thái trở lại là điều đáng mong ước.
Bài: Lm Phêrô Lê Văn Chính (TGPSG)