Niềm vui Chúa Giáng Trần - Mầu Nhiệm Ơn Cứu Độ

Niềm vui Chúa Giáng Trần - Mầu Nhiệm Ơn Cứu Độ

Bài 45 :

“VUI LÊN ! NÀO VUI LÊN …”
(Is 61,1-2a.10-11 ; 1 Tx 5,16-24 ; Lc 1,26-38)

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/1/1b/ANGELICO%2C_Fra_Annunciation%2C_1437-46_%282236990916%29.jpg

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Càng gần đến lễ Chúa Giáng Sinh thì bầu khí phụng vụ, đặc biệt là phụng vụ Lời Chúa, càng thôi thúc chúng ta đến sát hơn với bầu khí của niềm vui ơn cứu độ khi Con Thiên Chúa ngự đến trần gian. Trong tinh thần đó, Chúa nhật III Mùa Vọng được gọi là “Chúa nhật Gaudete”, nghĩa là “Chúa nhật hồng”, hay là “Chúa nhật vui”, và trong Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng thì niềm vui đó càng rộn ràng hơn nữa qua các bài đọc Lời Chúa.

Trước hết là lời ngôn sứ I-sai-a :

Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA” (Is 61,1-2a).

Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ ĐỨC CHÚA, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao ! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10).

Thứ đến là bài đáp ca trích lời ngợi khen Magnificat được bắt đầu với niềm vui của Đức Ma-ri-a : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).

Sau nữa là lời kêu gọi của thánh Phao-lô tông đồ trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca :

Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Ki-tô Giê-su” (1 Tx 5,16-18).

Sau cùng là trình thuật Truyền Tin trong Tin Mừng Lu-ca. Trong trình thuật này, cuộc đối thoại giữa sứ thần Gáp-ri-en và Đức Ma-ri-a cũng được bắt đầu bằng lời kêu gọi của sứ thần Gáp-ri-en : Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).

Thưa quý ông bà và anh chị em,

Động từ Hy-lạp khai-re(χαῖρε) ở lối mệnh lệnh, dạng chủ động, có nghĩa là “hãy vui mừng”. Trong bản Bảy Mươi, động từ “khai-re” trong Cựu Ước chỉ xuất hiện bốn lần (Ge 2,21 ; Xp 3,14 ; Dcr 9,9 ; Ac 4,21) và được dùng để công bố niềm vui về việc Thiên Chúa ngự đến ban ơn giải thoát cho dân của Người. Trong đó nổi bật nhất là sứ điệp vui mừng mà ngôn sứ Xô-phô-ni-a công bố : Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi, vì có thể nói đây là sứ điệp duy nhất về sự an ủi, tạo nên một nét vui mừng duy nhất trong tuyển tập những lời ngôn sứ về sự diệt vong (Xp 3,14-20). Hơn nữa, sứ điệp vui mừng của ngôn sứ Xô-phô-ni-a cũng rất giống với sứ điệp mà sứ thần Gáp-ri-en đã loan báo cho Đức Ma-ri-a trong phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật IV Mùa Vọng này. Theo đó, lời sứ thần nói với Đức Ma-ri-a : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) sẽ không chỉ là một lời chào hỏi thông thường, mà còn là một lời công bố sứ điệp niềm vui Đấng Thiên Sai dành cho Đức Ma-ri-a, hình ảnh cụ thể của “thiếu nữ Xi-on” mà ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã từng đề cập đến.

Trong Tân Ước, sứ điệp niềm vui Đấng Thiên Sai cũng được các tác giả Tin Mừng nhắc lại nhiều lần như khi sứ thần báo tin Đấng Cứu Thế ra đời cho các mục đồng :

Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10).

Hoặc khi từ biệt các môn đệ, Chúa Giê-su đã an ủi các ông rằng :

Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Và cuối cùng, khi Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ sau khi Người sống lại từ cõi chết, các ông đã vui mừng vì được thấy Chúa (Ga 20,20).

Theo đó, chúng ta thấy sứ điệp niềm vui luôn được cất lên vào những thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ như cách thức để xác nhận rằng sứ điệp tin mừng trọng đại mà sứ thần Gáp-ri-en loan báo cho Đức Ma-ri-a đang được Thiên Chúa thực hiện.

Quay trở lại với câu chuyện truyền tin trong Tin Mừng Lu-ca, chúng ta có thể nhận thấy rằng đối với tác giả Lu-ca, niềm vui chính là dấu chỉ của việc Thiên Chúa giải thoát nhân loại qua cuộc nhập thể của Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì thế, trong sách Tin Mừng của mình, tác giả Lu-ca luôn sử dụng những thuật ngữ “vui mừng” [kha-ra - χαρά] (1,14.28.58 ; 6,23 ; 8,13 ; 13,17 ; 15,7.9.10.32 ; 19,37 ; 24,52), “vui sướng”, “hớn hở” [ag-al-li-as-is - ἀγαλλίασις] (1,44.47 ; 10,21) một cách cẩn thận và có chủ ý, để qua đó không chỉ đánh dấu những khoảnh khắc vui mừng về sự ra đời của Đấng Cứu Thế, hay của Gio-an Tẩy Giả, mà còn để đánh dấu sự hoán cải của một người khi họ đón nhận ân sủng cứu độ của Thiên Chúa. Tác giả Lu-ca đã diễn tả niềm vui đó qua các câu chuyện như “Người Mục Tử Tìm Thấy Con Chiên Bị Lạc” (Lc 15,4-6), câu chuyện “Người Phụ Nữ Tìm Thấy Đồng Bạc Đã Mất” (15,8-9), câu chuyện “Người Con Hoang Đàng Trở Về Với Cha” (Lc 15,11-32), qua đó Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng cả triều thần thiên quốc sẽ “vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,10), hoặc việc ông Gia-kêu mừng rỡ đón rước Chúa vào nhà ông (Lc 19,1-10) …

Theo đó, có thể nói “niềm vui ơn cứu độ” giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt Tin Mừng Lu-ca, bắt đầu từ cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su và trải dài cho đến khi Người phục sinh rồi lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Cũng vậy, tác giả Lu-ca trình bày cuộc giáng sinh và cuộc phục sinh của Chúa Giê-su như hai nửa của tin mừng cứu độ, nhưng tất cả “niềm vui ơn cứu độ” đó được khởi nguồn từ câu chuyện truyền tin hôm nay.

Tuy nhiên, mặc dù sứ điệp niềm vui được gởi đến cho tất cả mọi người không loại trừ ai, nhưng để có thể thật sự đón nhận được niềm vui cứu độ, mỗi người phải học được bài học của Đức Ma-ri-a, đó là hết lòng khiêm nhường cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa mà không hề “lẩm bẩm kêu ca”, vì lời “xin vâng” của Đức Ma-ri-a không thuần tuý là một sự chấp nhận thụ động và miễn cưỡng, nhưng là một lời cầu nguyện, và là cách bày tỏ niềm vui dâng hiến và phó thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa.

Bắt đầu với câu chuyện về truyền tin, tác giả Lu-ca đã sắp xếp và chứng minh biến cố giáng sinh cùng với cuộc phục sinh của Chúa Giê-su đã mang lại niềm vui cho thế giới này, đồng thời niềm vui đó cũng thuộc về cả các môn đệ và tất cả những ai đã tin và đi theo Chúa Giê-su. Cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su hoà trong tiếng hát của đạo binh thiên thần : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14) đã, đang và vẫn tiếp tục vang vọng mọi lúc, mọi nơi “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8), và đó cũng là sứ điệp tin mừng cho tất cả chúng ta hôm nay.

Hoà chung niềm vui và niềm hy vọng vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, giờ đây chúng ta hiệp lời ca mừng Thiên Chúa với tác giả thánh vịnh 148 :

Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,

ngợi khen Người

trong cộng đoàn những kẻ hiếu trung !

Hỡi Ít-ra-en, nào hoan hỷ,

vì có Chúa là Đấng tạo thành ngươi.

Con cái Xi-on, hãy nhảy mừng,

vì được Chúa làm Vua hiển trị.

Mừng Thánh Danh, nào dâng điệu vũ,

nhịp trống hoạ đàn theo khúc hoan ca.

Bởi vì CHÚA mến chuộng dân Người,

ban cho kẻ nghèo hèn

được vẻ vang chiến thắng (Tv 148,1-4).

 

Top