Quỷ thần và sự dữ

Quỷ thần và sự dữ

1. Có quỷ thần và sự dữ hay không?

a. Định nghĩa quỷ thần và sự dữ

Nhiều người đã đặt câu hỏi: Có quỷ thần hay không? Nếu có, thì làm sao chống lại ma quỷ và sự dữ?

Để trả lời những câu hỏi này, cần phân biệt quỷ thần và sự dữ. 

Chắc chắn có ma quỷ hay ác thần, đây là điều đã được khẳng định trong Kinh Thánh. Các sách Tin Mừng đã thuật lại: Chúa Giêsu xua đuổi ma quỷ ra khỏi nhiều người và ban cho các tông đồ quyền năng trừ quỷ.

Ma quỷ hay ác thần là các thiên thần sa ngã - một loài thụ tạo thiêng liêng được Thiên Chúa dựng nên, nhưng đã dùng tự do của mình để chọn con đường chống lại Thiên Chúa, và sự lựa chọn này cũng là chọn lựa hỏa ngục đời đời, vĩnh viễn trở thành ma quỷ.

Còn sự dữ hay sự ác, đã được người ta nhắc đến như là nguyên nhân gây ra biết bao đau khổ, chết chóc, bệnh tật… thì sao? Sự dữ hay sự ác là gì?

Giáo huấn hay học thuyết của nhiều vị thánh đã định nghĩa: Sự ác hay sự dữ chính là tình trạng khiếm khuyết, thiếu vắng sự thiện nơi tạo vật. Những thụ tạo do Thiên Chúa tạo dựng - như các thiên thần sa đọa và con người - đã từng dùng tự do của mình mà chống lại Thiên Chúa. Những hành động ấy thiếu vắng sự thiện của Thiên Chúa nên đã tạo ra sự ác, sự dữ nơi tạo vật.

Ma quỷ hằng hoạt động trong thế giới chúng ta để làm cho con người sa ngã, phạm tội, gây ra sự ác.

Và sự ác ấy chính là vắng bóng bình an, vắng bóng trật tự, vắng bóng sức khỏe, vắng bóng niềm vui và hạnh phúc. 

Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta khẩn cầu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.” Lời kinh này nhắc đến “ma quỷ cám dỗ” và “sự dữ”. Ma quỷ cám dỗ, làm cho chúng ta phạm tội, gây ra sự dữ, làm mất quân bình, mất bình an, mất trật tự, mất tình yêu và mất lòng tin vào Thiên Chúa. Đấy chính là sự dữ, sự ác, một tình trạng thiếu vắng sự thiện, thiếu vắng ân sủng của Thiên Chúa, nên gây ra đau khổ, khốn cùng

Cũng cần phân biệt “sự quấy rối của ma quỷ” và “trường hợp quỷ ám”. Chỉ là quỷ ám khi người ta cảm thấy mình bị ma quỷ chiếm hữu hoàn toàn. Ma quỷ làm như có vẻ chiếm hữu hoàn toàn người đó, nhưng thực ra, không thể chiếm hữu được linh hồn người này, nếu người đó không hoàn toàn thuận theo ma quỷ.

b. Huyền nhiệm sự dữ

Giải thích Sự dữ là một vấn đề hóc búa nhất của nhân loại. Cho đến hiện nay, nhân loại chưa có một học thuyết nào, dù là huyền thoại, triết học hay tôn giáo đã có được câu trả lời thỏa đáng. Ngay những vị thánh tiến sĩ lớn của Giáo hội Kitô giáo, chẳng hạn thánh Âu Tinh và thánh Tô-ma, một khi cố gắng giải thích về sự ác cũng không được nhiều người chấp nhận. Nói chung, ngày nay, đa số nhìn nhận cách nói của G, Marcel về một thứ “huyền nhiệm” của sự dữ.

Với đức Tin Kitô giáo, ta chỉ có thể thấy rằng, nguyên do của sự dữ không phải do bởi Chúa nhưng do từ những hữu thể tự do đã quyết định chọn thái độ bất trung với Chúa. Tuy nhiên, đó chỉ là cách nói chung về căn nguyên xa, không thể qui kết vào từng trường hợp cá biệt, không thể quy kết sự ác nơi sự kiện một người mù bẩm sinh là do lỗi của chính anh ta hay do lỗi của cha mẹ… Chính Đức Giêsu cũng từ chối thái độ quy kết như vậy.

Cách nói của thần học Kitô giáo cho rằng sự ác chỉ là khiếm khuyết sự thiện, kiểu nói ấy cho ta thấy bản chất siêu hình của sự dữ và cách nhìn ấy có thể khai mở nẻo đường chống lại sự dữ, vì con người không có cách nào dẹp bỏ được sự ác nếu không hướng về, nếu không gắn bó với Đấng là Sự Thiện Hoàn Hảo.

Tuy nhiên, trong kinh nghiệm thường tình, người ta thấy sự ác có mặt lù lù ra đó; và việc từ chối sự hiện hữu thật của sự dữ có thể bị coi là một thứ “ngụy tín”. Hơn nữa, nếu cách giải thích ấy được nhìn như một sự hợp lý hóa hiện trạng hoặc muốn “bào chữa” cho Chúa, … thì người ta sẽ rơi vào điều mà G. Marcel gọi là “trò ảo thuật trí thức”.

Nói chung, con người ngày nay không ảo tưởng mình có thể giải thích được sự dữ; và người ta hiểu rằng không nên lao đầu vào cuộc truy tìm cách thức giải thích sự dữ. Điều quan trọng trước mắt phải làm là dùng hết tâm lực để chống lại sự ác.

Cuộc sống con người thực sự là cuộc chiến đấu không ngừng với sự dữ; và với Kitô giáo, cách giải thích “bản chất của sự dữ là khiếm khuyết sự thiện” là một chiến lược để đi vào cuộc chiến ấy, không được để cho lối giải thích ấy làm giảm nhẹ cảm nhận về sự bi đát, nỗi đau thương có khi là đau thương tột cùng do sự dữ gây ra. Cách giải thích ấy cho thấy “mặt trận chính yếu” để dẹp bỏ sự dữ chính là chống lại ma quỷ cùng nhưng đồng minh của chúng, nghĩa là chống lại tội lỗi.

2. Đối diện với quỷ thần và sự dữ

a. Vượt qua nỗi sợ hãi

Con người được Thiên Chúa tạo dựng để tham dự vào cuộc sống của Thiên Chúa, có sự sống của Ngài.

Sự dữ xuất hiện nơi con người khi họ nghe theo ma quỷ mà rời xa Thiên Chúa, đánh mất sự sống của Chúa.

Khởi đầu của tội lỗi và sự dữ có vẻ chỉ là một sự yếu đuối, một sự lười biếng thôi, nhưng hậu quả thì rất tai hại, dẫn đến muôn ngàn đau khổ và sự chết.

Và điều này cũng dẫn đến sợ hãi, khiến cho cho con người càng thêm hốt hoảng mà vấp ngã thêm. Sự sợ hãi của con người, nhất là những người bị quỷ ám, sẽ làm mất đi sức mạnh vốn có của mình. Mình càng sợ thì sức mạnh của quỷ càng đè nặng, nhưng nếu mình không sợ, mình gắn bó với Chúa, thì sức mạnh của quỷ không làm hại được mình.

Điều quan trọng là cần nhớ mình đã được lãnh phép Rửa tội, được sức mạnh của Chúa. Sức mạnh thiêng liêng đó lớn lên nhờ cầu nguyện, xưng tội và thực hành đời sống tốt lành của người tín hữu.

Trong gia đình, có thể cầu nguyện cho người bị rơi trường hợp này: Mọi người quy tụ để cầu nguyện, để đọc kinh, làm dấu thánh giá với tượng Chuộc tội, rảy nước phép, đọc kinh cầu các thánh, đọc kinh Chúa Thánh Thần. Sau đó đọc Lời Chúa, đọc bản văn Tin Mừng.

Thường thì có cuốn nghi thức với những kinh được chuẩn bị sẵn. Sau đó có việc tuyên xưng đức tin, có việc hỏi đương sự tuyên xưng việc từ bỏ ma quỷ và những việc làm của ma quỷ, rồi tuyên xưng danh Ba Ngôi như trong phép Rửa Tội.

b. Các dạng quỷ ma

Căn nguyên sâu xa của sự dữ chính là ma quỷ. Cho nên nếu chúng ta chỉ chiến đấu với sự dữ đơn thuần, chúng ta chỉ mới lo giải quyết phần ngọn; và hết sự dữ này sẽ lại có sự dữ khác, có khi còn lớn hơn nữa.

Cần nhận diện căn nguyên của sự dữ là ma quỷ. Tài năng lớn nhất của ma quỷ là lừa dối. Do đó, để chiến thắng sự dữ, cần một sự khôn ngoan của đức Tin, Đức Giêsu nói : anh em hãy khôn ngoan như con rắn…

Có thể nói bằng một hình ảnh cụ thể như  sau:

Có ba thứ quỷ: quỷ con, quỷ bố và quỷ mẹ.

Quỷ con : chuyên cám dỗ những về sự yếu đuối của con người. Thực sự quỷ con chưa có khả năng làm nên một sự đảo ngược thiện ác, nó chỉ cám dỗ những người yếu đuối, biết điều gì đó là xấu, là không nên làm, nhưng không kềm lòng được…

Quỷ bố : quỷ bố mối là kẻ cám dỗ chuyên nghiệp, nó có thể đưa ra những điều vô cùng độc ác, nhưng lại được bao bọc trong lớp vỏ ngọt ngào. Quỷ bố là kẻ tạo nên những học thuyết có vẻ như để cứu đời, nhưng lại là thứ thuốc độc hủy hoại nhiều thế hệ và nhiều quốc gia…

Quỷ mẹ : là thứ quỷ hỗ trợ cho quỷ bố, nó che mờ lương tâm của người ta, tạo cho người ta có những lương tâm méo mó, lấy hệ quả để biện minh cho phương tiện. Chính nhờ quỷ mẹ mà quỷ bố mới có thể thênh thang, mạnh tay để hủy hoại con người.

Tôi nghĩ rằng “nghề tư tưởng” là nghề nguy hiểm nhất, vì có thể trở thành tay sai của quỷ bố. Nhưng chính vì nhận thức sự nguy hiểm của quỷ bố, nên con người cần khôn ngoan, cần dấn thân vào lãnh vực tư tưởng bằng sự khôn ngoan của Chúa để có thể thực sự chiến đấu với ma quỷ, tìm cách loại trừ sự dữ từ nơi căn nguyên của chúng.

c. Quỷ đời thường và quỷ ám

Người ta hỏi: có khi nào gặp chúng ta gặp quỷ dữ không?

Một linh mục trừ quỷ kể rằng thỉnh thoảng cũng gặp Satan trong những trường hợp trừ quỷ quan trọng, còn cách chung thì rất hiếm khi gặp quỷ thực sự.

Rất nhiều khi người ta bị rối loạn quá nhiều, quá lo âu trong tâm trí, khiến họ có cảm tưởng như là mình đang bị ma quỷ tấn công. Khi ấy cần bình tĩnh quay trở về với thực tại của mình, giải gỡ tâm lý bất ổn của mình.

Tuy nhiên, ma quỷ có thể thực sự đi vào trong đời sống của chúng ta, khi chúng ta có những lý luận sai lạc. Ma quỷ tạo ra trong tâm tưởng của chúng ta những lý luận lầm lạc, lôi kéo chúng ta vào trong những lý luận mê lầm ấy, dưới những dáng vẻ của sự thiện.

Điều này xảy ra ngay cả với những người tốt lành. Ví dụ, họ bắt đầu lý luận: “lâu nay tôi phục vụ Chúa, tôi đã làm điều tốt này, làm điều thiện kia, thế mà bây giờ lại có những người chống lại việc làm của tôi…” Người đó dần dần rơi vào tội kiêu căng và bất mãn, do ma quỷ lèo lái mà họ không nhận ra.

Khi ấy, ma quỷ rất tinh khôn, nó làm cho chúng ta nghĩ rằng nó không hiện hữu. Và thế là ta bị lún sâu vào cạm bẫy của ma quỷ mà không hề hay biết.  

Trở lại vấn đề ma quỷ có hiện hữu thực sự hay không. Theo lời kể của vị linh mục trừ quỷ thì ngài có gặp quỷ trong những ca trừ quỷ lớn.

Lúc đó, vị linh mục này nhìn thấy người bị quỷ ám gào lên, gào to lên, nó la lên: “Hãy ngừng lại, ngừng lại, tôi bị đốt nóng lắm”.

Khi vị linh mục rảy nước phép lên nạn nhân, hoặc khi vị linh mục cầm thánh giá ban phúc lành trên nạn nhân, thì nạn nhân thét lên: “Đừng, đừng!”

Vị linh mục không nhìn thấy ma quỷ, chỉ nghe tiếng của nạn nhân thét lên, nhưng linh mục ấy xác định là biết quỷ đang hiện diện.

Vị linh mục khẳng định đây là cuộc chiến khốc liệt. Nhưng ngài không sợ, vì tin là có Chúa Kitô đang hiện diện, và tin là Chúa Kitô đã chiến thắng. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta tiếp tục chiến đấu, như thánh Phaolô đã nói: “Tôi bổ túc trong thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô cho thân thể của người là Giáo hội.”

d. Diện mạo của ma quỷ

Tôi chỉ xin nói vể sự hiện diện của ma quỷ trong đời thường.

Tôi nhớ có một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nodar Vladimirovich Dumbadze, nhà văn Georgia (Liên xô cũ), trong cuốn tiểu thuyết “Quy Luật của Muôn Đời” có tả một tên cò mồi mua bán trái phép trong thời kỳ bao cấp… Đó là cách tả quỷ độc đáo nhất: quỷ không có bộ mặt riêng. Quỷ có khuôn mặt bình thường như mọi người, có thể mang nhiều bộ mặt khác như những người bình thường xung quanh ta, thậm chí ngay trong chính cái tôi của mình. Đó là tài năng lừa dối siêu đẳng nhất của Satan.

Có một cuốn tiểu thuyết khác của Anatole France: Vũ nữ Thais. Trong đó cô vũ nữ nổi tiếng tội lỗi Thais cuối cùng trở về với Chúa trong một tu viện; còn Paphnuce, một ẩn sĩ thánh thiện, được coi như một vị thánh, đã nỗ lực hoán cải Thais, nhưng cuối cùng lại là một kẻ thất bại thảm thương.

Tôi cũng biết một số những trường hợp những giáo phái, hoặc ngay trong giáo hội Công giáo, có những người có những “mặc khải tư”, được củng cố bằng nhiều sự kiện lạ lùng mà khoa học, hoặc người bình thường không thể hiểu được… nhưng tất cả sẽ chỉ đưa đến một kết cuộc là những chuyện hết sức tệ hại.

Tóm lại, quỷ đang có mặt trong đời sống thường ngày của chúng ta. Người ta chỉ lo chống lại quỷ con. Nhưng thật ra, chính quỷ bố và quỷ mẹ mới là những tên sát thủ hàng loạt đối với vận mạng của nhân loạt.

Top