Khởi đầu lịch sử cứu độ: tội của con người

Khởi đầu lịch sử cứu độ: tội của con người

Khởi đầu lịch sử cứu độ: tội của con người

TGPSG - Nói đến mầu nhiệm Cứu độ (MNCĐ) chúng ta có mầu nhiệm Giáng sinh và mầu nhiệm Khổ nạn - Phục sinh. Đó là cao điểm của mầu nhiệm Cứu độ.

Để có thể hiểu đầy đủ về MNCĐ này, cần phải hiểu từ đầu lịch sử cứu độ, để có một cái nhìn xuyên suốt và nhất quán, để có thể đánh giá hết tầm mức quan trọng và cần thiết của chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

1. Thánh Kinh cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt về MNCĐ của Thiên Chúa với câu chuyện tạo dựng, qua đó, chúng ta cũng có một cái nhìn xuyên suốt vận mệnh con người từ khi Thiên Chúa tạo dựng. 

Sách Sáng thế ký trong bộ Ngũ thư cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt MNCĐ với công trình tạo dựng thế giới và con người, vận mệnh con người và sự sa ngã của con người.

Câu hỏi về nguồn gốc thế giới và con người là câu hỏi thôi thúc con người từ bao đời: Thế giới từ đâu mà có, con người hiện hữu ở trần thế để làm gì và sau khi con người qua đời thì sẽ ra sao? Còn có gì sau khi chết nữa không hay chết là hết?

Mùa Chay, khi cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì cũng trả lời cho những câu hỏi nêu ra này.

Vì thế, ngay từ Chúa nhật 1 mùa Chay, chúng ta đã đọc bài Sáng thế ký tường thuật việc sa ngã của nguyên tội. Nhưng nói cho có ngọn nguồn hơn phải nói trước hết đến công trình tạo dựng thế giới và con người của Thiên Chúa. Thế giới được Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời của Thiên Chúa là ý tưởng rất quan trọng. Thế giới không tự mình mà có. Nó được tạo dựng do tình thương của Thiên Chúa đây tràn tình yêu và quyền năng với một dự định vô cùng quan trọng là cho con người được hiệp thông sự sống với Thiên Chúa.

Thánh Kinh diễn tả bằng cách nói Thiên Chúa tạo dựng bằng Lời: “Thiên Chúa phán, hãy có ánh sang, và ánh sang liền có, và Thiên Chúa thấy ánh sang tốt đẹp, và Thiên Chúa tách lìa ánh sang khỏi bóng tối.” Đây là mô tả được lặp lại trong từng đoạn của chương 1 sách Sáng thế ký, cho thấy rõ tương quan giữa Thiên Chúa và công trình tạo dựng, giải tỏa những quan niệm phiếm thần, cũng gọi là lưu xuất (emanation). Tức là quan niệm cho rằng từ Thiên Chúa phát xuất cách cần thiết những hiện hữu tinh thần và vật chất có mang bản tính thần linh nhưng càng lúc càng giảm dần bản tính này.

Những quan niệm này không có phân biệt giữa Thiên Chúa và công trình tạo dựng, lẫn lộn giữa Thiên Chúa siêu việt và công trình tạo dựng. Thiên Chúa tạo dựng thế giới bằng Lời quyền năng của Người, nghĩa là bởi hành vi tự do đầy tràn tình yêu và sự sống của Thiên Chúa, bởi ý muốn quyền năng của Người. Thế giới được tạo dựng bởi Lời và hơi thở từ miệng Thiên Chúa, vì thế mà lời cuối cùng về thế giới thuộc thẩm quyền của Thiên Chúa và chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa. Và bởi vì Thiên Chúa là Đáng tạo dựng thế giới nên cũng chính người điều khiển lịch sử thế giới dù cho bề ngoài chúng ta thấy dường như Thiên Chúa thinh lặng để cho sự ác thống trị trong thế giới.

2. Thiên Chúa tạo dựng là một giải đáp của Thánh kinh, hay giải đáp của đức tin, làm sao những người không có đức tin có thể đón nhận được lời giải đáp này?

Quan niệm duy vật vô thần là quan niệm nhiều người theo ngày nay cho rằng vật chất là nền tảng của mọi sự. Họ không theo quan niệm của Thánh Kinh.

Quan niệm duy vật là quan niệm nhiều người theo. Những người này cho rằng tinh thần phát xuất từ vật chất. Chính vật chất làm phát sinh não bộ và não làm phát sinh tư tưởng. Vì thế Thiên Chúa cũng là do con người tạo ra. Con ngươi khao khát hạnh phúc mà con người không có được nên con người tạo ra Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ là ảo tưởng mà con người tạo ra thôi.

Trong khi đó giáo thuyết đức tin cho rằng quan niệm thế giới do vật chất tự tạo là một quan niệm sai lầm tự căn bản. Giáo thuyết Kitô giáo đặt trên nền tảng của quan niệm nguyên nhân hậu quả và mục đích được đặt định nơi mỗi vật làm chứng có một tinh thần hiện hữu trước đã đặt định mục đích cho từng vật hiện hữu.

Người ta có thể và phải dùng trí năng suy tư tìm tòi để từ thế giới được tạo dựng tốt đẹp mà đi đến chỗ nhận thức Thiên Chúa là nguyên nhân tạo dựng mọi sự, là Đấng hằng hữu đã tạo dụng hay thông ban sự sống cho mọi loài và không ngừng chăm sóc mọi sự.

Không thể nào có hiệu quả là thế giới mà không có một tinh thần đã tạo dựng. Các thánh không ngừng khẳng định chỉ có Thiên Chúa hằng hữu đã tạo dựng thế giới, vì thuở ban đầu thế giới chưa hiện hữu, thế giới chỉ hiện hữu sau khi đã được tạo dựng. Chính Thiên Chúa sinh ra Lời là khôn ngoan của Thiên Chúa để rồi Lời của Thiên Chúa tạo dựng thế giới và con người.

Công trình tạo dựng có ý nghĩa, có mục đích, nghĩa là được tạo dựng bởi Thiên Chúa và được trao cho con người quyền làm chủ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và khởi đi từ cuộc tạo dựng ban đầu để đi đến cuộc tạo dựng mới trong Chúa Kitô với cuộc nhập thể cứu độ của người. Cho nên những lời đầu của Tin mừng Gioan là những lời giải thích về vai trò tạo dựng thế giới nhờ bởi Ngôi Lời Thiên Chúa. Giờ đây Lời tạo dựng đã nhập thể làm người để những ai tin nơi người thì được đón nhận quyền làm con Thiên Chúa.

Những người được sinh lại không phải bởi máu huyết nhưng bởi Thánh Thần Thiên Chúa. “Lúc khởi đầu đã có Lời và Lời vốn ở với Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa. Tất cả mọi sự đã được tạo thành nhờ Lời và không có gì được tạo thành mà không nhờ bởi Lời. Trong Lời có sự Sống và sự Sống là ánh sáng cho mọi người… Lời ở trong thế gian, nhưng thế gian đã không nhận biết Người. Và Lời đã nhập thể làm người nơi Đức Giêsu Kitô. Lời đã ở giữa chúng ta và chúng tôi đã chiêm ngắm vinh quang của Người”.

3. Được tạo dựng bởi Thiên Chúa, lẽ ra con người được ở mãi trong vinh quang hạnh phúc của đời sống trần thế. Tại sao chúng ta lại phải bệnh tật và sau cùng là cái chết? Phải chăng cuộc đời là những chuỗi ngày đau khổ triền miên? 

Nhiều khi mất đức tin vì cảm thấy bơ vơ đau khổ trong cuộc đời, nhất là những khi bệnh tật. Giữa giáo thuyết nói "Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa và cho con người quyền làm chủ cá biển chim trời" với thực tế. sao cảm thấy khác nhau nhiều...

Sách Sáng thế ký là lời giải đáp của MK cho con người, cho những băn khoăn mà lâu nay con người không ngừng đặt ra cho chính mình. Nguyên nhân sâu xa của những đổ vỡ trong thế giới là do tội, do con người không muốn vâng phục theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Câu chuyện sách Sáng thế ký nói rằng con người được ăn mọi trái cây trong vườn nhưng không được ăn trái cây biết lành biết dữ. Ngày nào con người ăn nó thì con người sẽ chết.

Câu chuyện nghe như truyền thần tiên nhưng hàm chứa những giải thích căn bản về thân phận con người. Thiên Chúa ấn định những giới hạn mà con người không được vượt qua. Điều này cũng có nghĩa con người phải chịu thử thách. Đặc điểm của con người là tự do, tự do chọn lựa tuân phục Thiên Chúa để sống hay tự do chọn lựa theo ý riêng mình để phải chết.

Về phía Thiên Chúa thì tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Tự do mà con người có thể phải chết đời đời, trong khi đó dự định đầy tràn tình yêu của Thiên Chúa lại muốn cho con người được sống vinh quang.

Thánh Augustinô nói con người té ngã trên chính mình. Một đàng con người được kêu gọi trở nên giống Thiên Chúa do bởi lòng vâng phục và yêu mến Thiên Chúa, một đàng con người có cám dỗ muốn bằng Thiên Chúa nhờ bởi sức mạnh của riêng mình. Có thể nói đặc tính của con người là thụ tạo có lý trí là phải chịu thử thách về tự do lựa chọn. Lựa chọn vâng theo Thiên Chúa để sống hay lựa chọn theo ý mình để chết đời đời.

4. Cha nói đến việc tạo dựng, xin cha cũng nói đến tình trạng ban đầu khi con người còn ở trong vườn địa đàng - một tình trạng tốt đẹp, con người được hưởng hạnh phúc và không phải chết?

Thực tình mà nói, chúng ta không còn có thể biết tình trạng của con người ban đầu khi còn ở trong vườn địa đàng, vẫn được gọi là tình trạng công chính nguyên thủy. Đó là tình trạng đáng ao ước nhưng chúng ta cần chú ý đến tình trạng tốt đẹp mà ngày nay chúng ta được sống hiện nay trong CGK, là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là Ađam mới, tức là con người mới, mà chúng ta được tỏ cho biết cách chắc chắn là vận mệnh đích thực của con người chúng ta.

Ađam mới này là hình ảnh mà chúng ta được mời gọi bước theo để thực hiện cuộc đời của mình. Ngài chiến đấu mạnh mẽ chống lại tội lỗi trong cuộc đời, ngài đã sống cuộc đời hết lòng yêu mến và vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa và dạy cho chúng ta cũng biết yêu mến Thiên Chúa cha và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Nhất là ngài thực hiện cuộc Vượt qua để chiến thắng sự chết nhờ cái chết tận hiến vì tình yêu trên thập giá như người nói: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho người mình yêu.

Thực trạng của tội là điều được ghi lại trong sách Sáng thế ký. Nó nói lên bi kịch của tự do. Tự do là đặc tính chuyên biệt của ơn gọi con người là kẻ có thể vâng lời Thiên Chúa hay bất phục đối với Thiên Chúa. Con người có khả năng đáng sợ đó là có thể từ chối vâng lời Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa muốn có những người con vâng phục hơn là những nô lệ.

Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay là thế giới có tội lỗi, đau khổ và sự chết ngự trị. Chúng ta không còn có thế giới tốt đẹp ban đầu trước khi phạm tội. Vì thế mà nhân loại chứng kiến nhiều những cuộc chiến tranh hủy diệt ghê sợ, hằng chục triệu người, hằng triệu người vô tội bị giết chết bởi những nhà độc tài trong những thập kỷ qua.

Chương 3 sách Sáng thế ký nói tội và hậu quả của tội nhưng không nói nguồn gốc của sự ác, không giải thích con rắn từ đâu mà đến. Dầu vậy con rắn cũng là loài thụ tạo, nó không phải là nguyên lý vĩnh cữu như là Thiên Chúa. Thiên Chúa cho phép con người bị cám dỗ bởi con rắn nhưng rồi một ngày kia Đấng Cứu thế, được sinh ra từ dòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn và tiêu diệt con rắn.

Lm Phêrô Lê Văn Chính
Giáo sư Giáo phụ học và Lịch sử Tín điều
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

Top