Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu (phần 2)

Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu (phần 2)

Cái chết của CHÚA GIÊSU  trên thập giá không phải là một định mệnh nghiệt ngã mà là một cái chết đã được báo trước, theo dự định mầu nhiệm của THIÊN CHÚA, của một THIÊN CHÚA thánh thiện và của con người tội lỗi kiêu căng.

Hơn lúc nào hết, tự do của con người lại thể hiện cực độ và cao điểm: “Hãy đóng đinh nó vào thập giá đi, hãy tha Baraba!” Trong cái chết của CHÚA GIÊSU , chính những thủ lãnh và dân do thái, những người thừa tự chính thức lời hứa của THIÊN CHÚA đã chọn lựa quyết liệt như thế.

Nhưng dù con người có quyết định loại trừ THIÊN CHÚA ra khỏi cuộc đời của mình, tình thương tha thứ kỳ diệu của THIÊN CHÚA lại còn lớn lao hơn hận thù của con người. Người con một của THIÊN CHÚA đã thực hiện cho đến cùng tình yêu tha thứ và mời gọi con người hãy đi theo Người trên con đường thập giá, con đường tình yêu từ bỏ chính mình.

1. Những giờ phút cuối cùng của cuộc đời CHÚA GIÊSU  với cái chết trên thập giá

Đó là điều mà chúng ta cần phải nói. Thánh Luca viết rất rõ, lúc bất giờ CHÚA GIÊSU nhất quyết đi Giê rusalem. Người dẫn đầu các ông, còn các ông theo sau kinh hoàng sợ hãi.

Trong khi đó các ông vẫn tranh cãi với nhau ai sẽ là người lớn nhất trong nước của người, có hai môn đệ con của Giêbêđê còn xin được ngồi một người bên hữu và một bên tả trong nước của người, lúc đó CHÚA GIÊSU nói cho các ông về cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của người. Người nghĩ tới cái chết khổ nạn thì các ông lại tìm kiếm vinh quang trần thế.

Sự khác biệt trong cái nhìn về nước THIÊN CHÚA rất lớn. Đối với CHÚA GIÊSU, chỉ có khi dám hy sinh chính mạng sống mình mà người ta tìm gặp lại được sự sống đó, tức là hoàn toàn từ bỏ chính mình trong một tình yêu trọn vẹn cho THIÊN CHÚA và cho người khác mới có thể làm phát sinh sự sống, trong khi đó các môn đệ lại bị thu hút bởi lợi lộc trần thế cá nhân chật hẹp. Những đối thoại của CHÚA GIÊSU với các môn đệ nhằm giúp các môn đệ hiểu thái độ cần phải có khi làm người lãnh đạo trong Giáo hội mà các ông sẽ lãnh trách nhiệm sau này, các ông phải học tinh thần phục vụ khiêm nhường.

Gắn liền với thái độ khác biệt của CHÚA GIÊSU và các môn đệ, còn có sự khác biệt trong cái nhìn về thời cuộc. Trong khi các môn đệ còn trầm trồ khen vẻ đẹp lộng lẫy của đền thờ, thì CHÚA GIÊSU  đã tiên báo đền thờ sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Lời tiên báo này đã thành sự thật vào năm 70 khi quân đội roma đến để phá hủy đền thờ do người Do Thái nổi dậy chống chính quyền roma.

Khi nói sự kiện đền thờ bị phá hủy, CHÚA GIÊSU  cũng tiên báo những hiện tượng cuối cùng của thời gian khi xảy ra những cuộc chiến tranh giặc giã và những rung chuyển dễ sợ trong trời đất, mặt trời trở nên tối tăm mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao sa xuống và các quyền lực trên trời lay chuyển và ngày quang lâm lúc đó Chúa sẽ đến trong vinh quang để xét xử mọi người.

Người nhấn mạnh không thể biết trước được khi nào xảy ra thời kỳ cuối cùng của lịch sử nhân loại, bởi vì điều này tùy thuộc thẩm quyền của Chúa Cha, chỉ có Chúa Cha biết, phần các môn đệ phải luôn tỉnh thức và sẵn sang. Đó sẽ là lúc mà Người sẽ đến trong vinh quang.

2. Ý nghĩa những lời của CHÚA GIÊSU trong bữa tiệc vượt qua cuối cùng

Điều chúng ta nhận thấy trong những lời của CHÚA GIÊSU trên bánh rượu đó là xác định đây là hiến tế cứu độ của người cho mọi người trong cái chết thập giá người. CHÚA GIÊSU  đã xác định điều này trong bữa ăn tại nhà Simon tật phong ở Bethania. CHÚA GIÊSU đã nói việc người nữ xức thuốc thơm cam tùng cho người ám chỉ đến cái chết của người. Nên lời CHÚA GIÊSU  nói trên bánh rượu muốn nói đến giá trị đền tội của cái chết của Người, và xác định chiến thắng của Nước THIÊN CHÚA mà người thiết lập: “Đây là mình thầy hiến tế vì anh em. Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Vì thế mà bữa tiệc Thánh Thể mà các môn đệ sẽ cử hành sẽ là bữa tiệc tưởng niệm cái chết cứu độ của Thầy, hiện tại hóa công trình cứu độ và cũng để chờ đợi người lại đến trong vinh quang. Đó là bữa tiệc hiệp thông vào mình và máu của Thầy đã chịu chết vì các môn đệ đồng thời cũng để loan báo bàn tiệc Nước Trời mai ngày.

3. Lý do khiến giới thượng tế quyết đinh loại trừ CHÚA GIÊSU

Ở dinh thượng tế, câu hỏi mà thượng tế đặt ra cho CHÚA GIÊSU: Có phải ông là Đức Kitô, con THIÊN CHÚA không?

CHÚA GIÊSU  đã đáp lại: Phải. Các ông còn thấy con người ngự bên hữu Đấng toàn năng và đến trên mây trời (Mk 14,62).

Trước những người xét xử như thượng tế hay Philatô, CHÚA GIÊSU đã giữ thái độ tự do nội tâm cao độ, Người không sợ hãi né tránh sự thật. Những lời người nói và cả việc người giữ thinh lặng đều nói lên sự cao cả của Người trong khi đó thì thượng tế tỏ ra nóng nảy tức giận xé áo mình ra, còn Philatô thì lại bối rối sợ hãi vì thái độ của dân chúng. Thái độ dân chúng thì gào thét do bị thúc đẩy bởi những kẻ xúi dục đến mức độ nói những lời ngạo mạn: “Cứ để máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25).

CHÚA GIÊSU  tự nguyện hiến dâng mạng sống của người vì tình yêu. Nhưng dù vậy, người cũng lo âu buồn phiền. Tin Mừng ghi lại cho chúng ta lời của CHÚA GIÊSU: “linh hồn thầy buồn đến chết được. Các con hãy thức và cầu nguyện với Thầy.” Hoặc: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha”.

Các Tin Mừng tường thuật cho chúng ta giờ phút đau buồn này và những lo lắng nội tâm của CHÚA GIÊSU, người đổ mồ hôi máu vì lo buồn. Trong niềm tin, CHÚA GIÊSU  đón nhận cái chết đẫm máu, Người đi đến tận cùng cõi chết: “Lạy Cha, sao Cha đành bỏ con”. Tiếng kêu của người con chết trong đau đớn tủi nhục, tiếng kêu yêu thương đầy tin tưởng của người con một THIÊN CHÚA. Đây cũng là giờ của bóng tối, giờ của tội lỗi giờ của ma quỉ. Tin Mừng thuật lại, vào giờ thứ 6, tức là 12 giờ trưa mà bóng tối đã bao trùm khắp cõi đất. Và lúc đo, Tin Mừng ghi lại, CHÚA GIÊSU kêu một tiếng lớn và người trút linh hồn.

4. Sự biến đổi từ tình trạng sợ hãi đến chỗ xác tín CHÚA GIÊSU phục sinh nơi các môn đệ

Các Tin Mừng đều cho chúng ta thấy sự sợ hãi và thất vọng của các môn đệ. Thầy Giêsu đã chết và được mai tang. Những hy vọng đặt nơi thầy Giêsu đành phải chết theo thời gian sao? Người vốn đã là một vị ngôn sứ đầy quyền năng trong lời nói và việc làm, chúng tôi đã đặt hy vọng nơi người là Đấng giải thoát Israel mà.

Có một điều cần phải nói là CHÚA GIÊSU đã huấn luyên các môn đệ theo kịch bản về cái chết và sự sống lại của người, nhưng phải nói cho tới lúc này các môn đệ vẫn chưa thể lãnh hội đủ ý nghĩa của cái chết và sự sống lại vinh quang của thầy Giêsu. Giờ đây thì thất vọng của các môn đệ đã rõ do cái chết thập giá của Thầy của họ, các môn đệ hình dung sự thất bại của những dự định của thầy Giêsu vì ai có thể thắng nổi cái chết. Họ đã bắt đầu trở lại với nghề đánh cá trước đây của mình.

Dầu vậy, mọi sự vẫn chưa kết thúc. Điều lạ lùng đã diễn ra, trong khi các bà ra mộ sớm vào ngày thứ nhất trong tuần để xức dầu thơm cho xác của Thầy thì các bà đã chứng kiến những việc lạ: tảng đá lấp mộ đã được lăn ra và các bà không thấy xác Thầy ở đây nữa.

CHÚA GIÊSU phục sinh đã hiện ra cho 11 môn đê đang tụ họp trong phòng đóng kín, người cũng hiện ra cho hai môn đệ trên đường về làng Emmau. Người cũng hiện ra cho các môn đệ đang đánh cá ở biển hồ Galilê, hiện ra cho 500 anh em, và sau cùng người hiện ra cho cả Phaolô là người bắt bớ Hội thánh Chúa.

Các tường thuật hiện ra của thầy Giêsu được tường thuật lại với những nét mô tả chân thực. Thầy Giêsu hiện ra mà các môn đệ không nhận ra người, Người mời các môn đệ kiểm chứng thân xác chịu đóng đinh của người: hãy xỏ ngón tay vào cạnh sườn Thầy. Người cũng ăn uống với các ông, người giải thích Thánh Kinh cho hai môn đệ trên đường Emmau.

Nhưng đồng thời thân xác phục sinh của Người đã khác, người có thể đi vào phòng họp của các môn đệ dù cửa đóng kín. Cách thế gặp gỡ Thầy Giêsu phục sinh cũng có những nét mầu nhiệm. Ban đầu Maria thấy Chúa Giêsu phục sinh thì tưởng là người giữ vườn, đến khi Chúa Giêsu gọi tên bà thì bà mới nhận ra người, hai môn đệ được CHÚA GIÊSU đồng hành trên suốt chặng đường vẫn chưa nhận ra Chúa Giêsu phục sinh cho đến khi người bẻ bánh cho các ông. 11 môn đệ chưa nhận ra Chúa Giêsu phục sinh cho đến khi người cho ông xem những vết đinh trên tay và cạnh sườn của người. Phêrô chỉ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh khi ông đánh được một mẻ cá đầy.

Vì thế mà việc nhận ra Chúa Giêsu phục sinh không phải bằng một dấu chỉ thông thường khiến các ông nhận ra ngay khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, nhưng là do một dấu rất thân mật và riêng tư mà các ông đã có với CHÚA GIÊSU khi Người còn sống với các ông. Người Thầy xưa họ yêu mến kính trọng giờ đây được tuyên xưng là Chúa, và họ phủ phục dưới chân người. Khoảng cách giờ đây giữa họ với Người là khoảng cách giữa con người với THIÊN CHÚA.

5. Những ý nghĩa lớn lao của mầu nhiệm Phục Sinh

Khi thánh Phêrô bắt đầu rao giảng về Tin mừng phục sinh của CHÚA GIÊSU, dân chúng đã đặt câu hỏi: giờ đây chúng tôi phải làm gì. Thánh nhân trả lời: an hem hãy sám hối và tin vào Đức Giêsu, anh em sẽ được ơn tha tội và sẽ nhận được Thánh Thần. Lần hồi các tông đồ lãnh nhận được ý nghĩa của việc phục sinh. Phục sinh là chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết. Người đã phục sinh có nghĩa là người đã chiến thắng cái chết thập giá, đã chiến thắng tội và sự chết. Tảng đá che mộ người đã được lăn ra, sự chết không thể cầm giữ người trong nấm mồ.

Để hiểu ý nghĩa của sự PHỤC SINH, cần hiểu vương quốc của tội và sự chết. Vương quốc sự chết vốn ngự trị bao đời trên con người giờ đây đã được cất đi bởi chiến thắng PHỤC SINH của CHÚA GIÊSU. Người phục sinh, người đã đi đến cùng nơi giam cầm kẻ chết để giải thoát những kẻ vốn bị giam cầm trong vương quốc sự chết. CHÚA GIÊSU, Người là hoàng tử của sự sống, Người chặt đứt những thừng chảo sự chết, Người ban tặng sự sống đời đời cho những ai thuộc về Người. Người đã khuất phục những quyền lực sự chết vốn trói buộc trên loài người.

CHÚA GIÊSU  PHỤC SINH ban bình an cho các môn đệ, đó là binh an của ơn tha thứ tội lỗi, bình an được hòa giải với THIÊN CHÚA. Từ sáng phục sinh, thời của Ma quỉ, vốn là hoàng tử thế gian này đã cáo chung. Mọi sự đã được hoàn tất. Cuộc chiến quyết định đã được giải quyết. Công trình cứu độ của CHÚA GIÊSU  đã hoàn tất. Vai trò của các tông đồ giờ đây là làm chứng cho Tin mừng PHỤC SINH. Các ngài là những sứ giả công bố ơn tha thứ tội lỗi. Thập giá, tảng đá vấp phạm đã trở nên quyền năng cứu độ. CHÚA GIÊSU đã hứa trước với các môn đệ của người là Thánh Thần chân lý sẽ dẫn đưa anh em tới chân lý toàn vẹn. CHÚA GIÊSU  PHỤC SINH đã mở long trí cho các môn đệ, người giải thích Thánh Kinh cho họ. Nhờ đọc lại Thánh Kinh, các môn đệ sẽ hiểu được ý nghĩa trọn vẹn về chiến thắng vinh quang của người sau khi chịu khổ nhục thập giá.

Lời kết

 Lời cuối cùng Tin Mừng Luca đã biết: bấy giờ CHÚA GIÊSU  mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.  Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”

Top