Linh mục truyền giáo kỹ thuật số phục vụ người trẻ
TGPSG/CatholicNewAgency -- Trong bối cảnh của sự kiện Năm Thánh dành cho các nhà truyền giáo kỹ thuật số và những người Công giáo có ảnh hưởng trên mạng xã hội, sẽ được tổ chức tại Rôma từ ngày 28 đến 29-7, linh mục người Mexico Heriberto García Arias - tác giả cuốn sách sắp phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha “Các nhà truyền giáo kỹ thuật số: Người ảnh hưởng hay chứng nhân của Chúa Kitô hôm nay?” - đã chia sẻ những suy tư về vai trò loan báo Tin Mừng trên mạng xã hội và tầm quan trọng của sự hiện diện trong môi trường kỹ thuật số.
Với hơn 2 triệu người theo dõi trên tài khoản TikTok @heribertogarciaar và hơn 200.000 trên Instagram, vị linh mục trẻ đã trả lời phỏng vấn chương trình tiếng Tây Ban Nha “EWTN Noticias” của kênh truyền hình Công giáo EWTN, từ Thành phố Vĩnh cửu, nhấn mạnh rằng Giáo hội Công giáo “đang thực hiện những bước tiến rất quan trọng để hiện diện trong toàn bộ bối cảnh kỹ thuật số.”
Đối với cha Heriberto García Arias, việc cử hành Năm Thánh dành cho các nhà truyền giáo kỹ thuật số và những người Công giáo có ảnh hưởng - vốn cũng trùng với Năm Thánh Giới Trẻ - là “sự công nhận chính thức từ Giáo hội dành cho tất cả những nhà truyền giáo này.”
Sự khác biệt giữa một người Công giáo có ảnh hưởng và một nhà truyền giáo kỹ thuật số
Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và nội dung cuốn sách vừa xuất bản, cha García giải thích sự khác biệt giữa một người Công giáo có ảnh hưởng và một nhà truyền giáo kỹ thuật số, bởi “mục đích của họ là khác nhau.” Dù “cả hai đều sử dụng truyền thông,” người có ảnh hưởng có thể quảng bá và bán các sản phẩm phù hợp với giá trị của mình, trong khi nhà truyền giáo kỹ thuật số lại nhắm đến việc
chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô trên các nền tảng mạng xã hội. Ngài chỉ ra lượng thời gian mà thế hệ trẻ ngày nay dành cho mạng xã hội: “Có những người đang tìm kiếm Thiên Chúa, và vì thế, chúng ta phải hiện diện ở đó, như những chứng nhân, nhưng không phải để dừng lại ở đó, mà là để dẫn đưa [người xem] từ màn hình đến bàn thờ.” “Vì thế,” ngài nói thêm, “đó chỉ là con đường, chứ không phải đích đến.”
Từ màn hình đến bàn thờ
Vị linh mục người Mexico chỉ ra rằng Giáo hội “luôn biết thích nghi với các nền văn hóa khác nhau” để loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô, và khẳng định rằng “giờ đây đến lượt chúng ta, trong một nền văn hóa mà các thế hệ mới mang theo cách tư duy khác biệt, nơi thế giới kỹ thuật số là một thực tại đối với họ.”
Đối với ngài, việc cử hành Năm Thánh dành cho các nhà truyền giáo kỹ thuật số và những người Công giáo có ảnh hưởng - trùng với Năm Thánh Giới Trẻ - chính là “sự công nhận chính thức của Giáo hội dành cho tất cả những nhà truyền giáo này.”
“Chỉ mới ba năm trước đây, thuật ngữ ‘nhà truyền giáo kỹ thuật số’ còn chưa tồn tại,” ngài cho biết, đồng thời nói thêm rằng ngày nay đã có hơn 3.500 nhà truyền giáo kỹ thuật số trên toàn thế giới. Dù thừa nhận rằng thực tại mới này có thể gây nên một số “nỗi sợ hãi,” ngài vẫn quả quyết rằng “hoa trái đã bắt đầu xuất hiện.”
Theo vị linh mục đến từ bang Jalisco, Mexico, việc hiện diện trên mạng xã hội là “một điều cấp thiết và cần thiết,” vì rất nhiều người trẻ “xem TikTok” nhưng “không bước chân qua ngưỡng cửa nhà thờ.”
Vì thế, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sáng tạo nội dung khơi dậy sự quan tâm nơi họ và giúp họ “đến gần hơn với Giáo hội.” Trước nguy cơ làm tầm thường hóa sứ điệp, ngài nhận định rằng Giáo hội luôn có kinh nghiệm trong việc hội nhập văn hóa và nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo và đồng hành với các nhà truyền giáo kỹ thuật số để họ “hiệp nhất trong cùng một chân lý.”
“Không phải là mình trở thành trung tâm và nói về Chúa Kitô; chính Ngài mới phải là trung tâm,” cha Heriberto García Arias - nhà truyền giáo kỹ thuật số - chia sẻ.
‘Không phải con đang nói, mà là chính Ngài’
Giải thích về nguồn gốc sự hiện diện của mình trên mạng xã hội, cha García cho biết đó là phản ứng trước “một sự cấp thiết mục vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu của người trẻ đang hiện diện nơi đó.”
“Chúng ta có một sứ điệp rất đẹp, một triết lý không gì sánh được, một đề nghị mang tính siêu việt. Nhưng đôi khi, chúng ta không biết cách truyền đạt, không biết cách nói ngôn ngữ của họ. Tôi tin rằng chúng ta cần phải chia sẻ sứ điệp mình đã cảm nghiệm, được thích nghi với thế hệ trẻ hôm nay.”
Vị linh mục, người đã cảm nhận tiếng gọi dâng hiến khi mới 15 tuổi, thú nhận rằng thuở ban đầu bước vào đời linh mục, ngài từng rất sợ phải nói trước đám đông. Tuy nhiên, nhờ được đào tạo trong ngành truyền thông của Giáo hội, ngài hiểu rằng: “Thiên Chúa cho tôi thấy rằng không phải tôi đang nói, mà là chính Ngài.”
Vị linh mục trẻ đảm nhận công việc truyền thông xã hội với tinh thần trách nhiệm lớn lao, và trước cám dỗ trở nên “tự quy chiếu,” ngài chia sẻ: “Nếu muốn sứ điệp được truyền đạt, bạn phải đối diện với cám dỗ đó, vì rốt cuộc, họ theo dõi bạn là vì họ đồng cảm với bạn, vì họ thích bạn.”
“Nhưng bạn phải luôn cảnh giác. Không phải bạn trở thành tâm điểm để nói về Chúa Kitô; chính Ngài mới phải là trung tâm,” ngài nói thêm.
Ngài thừa nhận rằng chính quá trình đào tạo đã giúp mình hiểu rằng mình là một “người phát ngôn” của Giáo hội: “Bạn không phải là nhân vật chính; điều quan trọng là Giáo hội, là Chúa Kitô, và bạn phải luôn ghi nhớ điều đó, vì nguy cơ lớn là Giáo hội không chỉ bị mất uy tín, mà còn có thể đánh mất thẩm quyền trong thế giới. Và điều đó nằm trong tay chúng ta.”
‘Chúa Thánh Thần đang hành động qua các thuật toán’
Cha García chia sẻ rằng ngài đã nhận được nhiều chứng từ từ những người có cuộc đời được biến đổi nhờ các sứ điệp của ngài.
“Có những người chuẩn bị phá thai nhưng rồi đã không làm thế, có những người đang xa cách Thiên Chúa vì con họ đang nằm viện - và rồi họ nhận được một sứ điệp nâng đỡ để tiếp tục bước đi. Thậm chí có người đang muốn tự tử, nhưng một sứ điệp đã ngăn họ lại và tiếp thêm nghị lực để họ kiên trì sống tiếp.”
“Chúa Thánh Thần đang hành động qua các thuật toán, chạm đến những tâm hồn đang cần Lời của Ngài, đang cần niềm hy vọng,” ngài nhấn mạnh.
Cuối cùng, ngài xác tín rằng công việc của mình có được sự hỗ trợ từ Giáo hội và Giám mục giáo phận - điều mang lại cho ngài sự bình an và sức mạnh để tiếp tục tiến bước trong sứ vụ loan báo Tin Mừng ngày càng cần thiết này.
Tác giả: Paola Arriaza Flynn & Almudena Martínez-Bordiú - Phóng viên EWTN tại Vatican
Xuân Đại (TGPSG) biên dịch từ CatholicNewAgency
bài liên quan mới nhất

- Kỹ thuật số: Miền Galilê mới
-
Giáo dục Công giáo và trí tuệ nhân tạo -
Antiqua et Nova: Những lưu ý về mối tương quan giữa Trí tuệ nhân tạo và Trí tuệ con người -
Sứ điệp của Đức Thánh cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh năm 2025 “AI vì công ích” -
Trí tuệ nhân tạo dưới góc nhìn Triết học -
Nguồn gốc của tri thức: Trí tuệ nhân tạo và con người -
Câu hỏi thầm lặng trong cuộc chạy đua vũ trang AI: AI dùng để làm gì? -
Ngày Năm Thánh các nhà truyền giáo kỹ thuật số và những người Công giáo có ảnh hưởng -
Tầm nhìn tiên tri của Giáo hoàng Lêô XIII về công nghệ -
Nhân phẩm con người và sự bùng nổ kỹ thuật số
bài liên quan đọc nhiều

- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
Inter Mirifica: Sắc Lệnh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo