Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII
Ban hành ngày 8 tháng 9 năm 1957, Tông thư Miranda Prorsus - Điều kỳ diệu được mặc khải của Đức Thánh Cha Piô XII là lời khẩn thiết gửi đến nhân loại về việc sử dụng đúng đắn tiềm năng to lớn của truyền thông hiện đại, đặc biệt là điện ảnh, phát thanh và truyền hình.
Thấu hiểu sức mạnh vô hình mà những phương tiện này có thể tác động đến đời sống tinh thần nhân loại, Đức Thánh Cha đề cao sứ mệnh cao cả của chúng trong việc phục vụ chân lý và vun trồng đức hạnh, đồng thời cũng không quên chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn khi chúng bị lạm dụng. Để hiện thực hóa sứ mệnh cao cả ấy, Đức Thánh Cha đã phân tích một cách có hệ thống vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, từ những người trực tiếp tạo ra sản phẩm như nhà sản xuất, nghệ sĩ, cho đến người thụ hưởng là khán giả và cả cơ quan quản lý như chính quyền, trong việc kiến tạo một môi trường truyền thông lành mạnh và phát triển. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, phân loại chương trình, cũng như vai trò không thể thiếu của Giáo hội trong việc đồng hành, giám sát và cung cấp những nội dung phù hợp với tinh thần Kitô giáo cho công chúng.
Sau đây là toàn văn Tông thư được chuyển ngữ bởi Tu sĩ Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM.
* * * * *
TÔNG THƯ
MIRANDA PRORSUS
ĐIỀU KỲ DIỆU ĐƯỢC MẶC KHẢI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PIÔ XII
GỬI ĐẾN
QUÝ CHƯ HUYNH ĐÁNG KÍNH LÀ CÁC THƯỢNG PHỤ, GIÁO CHỦ,
TỔNG GIÁM MỤC, GIÁM QUẢN TÔNG TÒA
VÀ TOÀN THỂ HÀNG GIÁO PHẨM HIỆP THÔNG VỚI TÒA THÁNH
VỀ ĐIỆN ẢNH, PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH
DẪN NHẬP
Những phát minh kỹ thuật phi thường là niềm tự hào của nhân loại ngày nay. Các phát minh này, tuy là thành quả của trí tuệ và nỗ lực con người, nhưng đồng thời cũng là ân huệ từ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nguồn mạch mọi ân sủng. “Ngài không chỉ tạo dựng muôn loài mà còn gìn giữ và nuôi dưỡng chúng.” [1]
Trong số đó, có những phát minh giúp con người mở rộng khả năng và cải thiện đời sống. Đặc biệt, một số phát minh tác động sâu sắc đến tâm trí, thâm nhập vào đời sống đại chúng với hình ảnh và âm thanh sống động. Chúng truyền tải tin tức, tư tưởng và văn hóa từ khắp nơi trên thế giới, cung cấp "lương thực" cho tâm hồn, giúp con người tìm thấy niềm vui và sự thư giãn trong đời sống hiện đại.
Ngày nay, Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình là những ngành nghệ thuật hưởng lợi nhiều nhất từ những phát minh tuyệt vời này.
Sự quan tâm của Giáo hội
Chính vì tầm ảnh hưởng to lớn đó, ngay từ khi mới xuất hiện, các loại hình nghệ thuật này đã được Giáo hội chào đón. Giáo hội luôn dành cho chúng sự quan tâm và chăm sóc ân cần, như người mẹ lo lắng cho con cái, mong muốn bảo vệ con cái khỏi những thử thách và nguy cơ tiềm ẩn trên con đường phát triển này.
Sự quan tâm này xuất phát từ chính sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó. Thực tế, những hình thức nghệ thuật mới này có sức ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và hành động của cá nhân và cộng đồng.
Hơn nữa, Giáo hội còn có một lý do khác để đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Hơn ai hết, Giáo hội có sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân – một sứ điệp vô cùng quý giá và mạnh mẽ. Đó là điều mà mọi người, thuộc mọi dân tộc và mọi thời đại, đều được mời gọi đón nhận, như lời Thánh Phaolô, Tông đồ Dân ngoại, đã nói: "Tôi là người kém cỏi nhất trong số các thánh, nhưng tôi đã được Thiên Chúa ban cho ân sủng này là loan báo cho dân ngoại biết về kho tàng vô tận của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người nhận biết mầu nhiệm từ ngàn đời ẩn giấu trong Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên muôn loài." [2]
Những chỉ dẫn trước đây
Các vị Giáo hoàng tiền nhiệm, với thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội, đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề quan trọng này. Họ luôn hướng đến ơn cứu rỗi muôn đời cho những ai được cứu chuộc "không phải bằng vàng bạc hay của phù vân... mà bằng chính huyết báu của Đức Kitô". [3] Đồng thời, họ cũng không ngừng quan tâm đến những vấn đề phức tạp mà Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình đặt ra cho các Kitô hữu ngày nay.
Đã hơn hai thập kỷ trôi qua kể từ khi Đức Thánh Cha Piô XI, vị tiền nhiệm đáng kính, sử dụng "phát minh vĩ đại của Marconi" (radio) để truyền tải thông điệp đầu tiên qua sóng Radio "đến muôn dân và mọi tạo vật". [4]
Sau đó, ngài đã ban hành Thông điệp Vigilanti Cura nổi tiếng đến Hàng Giáo phẩm Hoa Kỳ. [5] Trong đó, ngài đưa ra những chỉ dẫn sáng suốt về việc sử dụng phim ảnh một cách phù hợp với nhu cầu của thời đại. Ngài nhấn mạnh: "Chúng ta cần hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi tiến bộ về tri thức và kỹ thuật đều hướng đến vinh quang của Thiên Chúa, ơn cứu rỗi cho muôn dân và mở rộng Nước Chúa. Hãy sử dụng những gì thuộc về thế gian này một cách khôn ngoan để không đánh mất những giá trị vĩnh cửu." [6]
Trong suốt thời gian giữ chức vụ Giáo hoàng, Chúng Tôi đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Những hướng dẫn cụ thể đã được gửi đến không chỉ các Giám mục mà còn các tổ chức Công giáo và nhà giáo dục Kitô giáo. Chúng Tôi cũng rất vui mừng được gặp gỡ những người làm việc trong lĩnh vực Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình. Chúng Tôi bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu đáng kể mà họ đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những trách nhiệm mà họ cần phải gánh vác. Bên cạnh những thành công, Chúng Tôi cũng nêu lên những nguy cơ tiềm ẩn và khuyến khích họ hướng đến những giá trị đạo đức và nhân văn cao quý.
Như quý vị đã biết, Chúng Tôi đã thành lập một Ủy ban đặc biệt thuộc Giáo triều Rôma [7] để nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đức tin Công giáo và đạo đức Kitô giáo. Ủy ban này sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các Giám mục và những người liên quan.
Chúng Tôi cũng đã sử dụng những phát minh hiện đại này để kết nối với các tín hữu trên toàn thế giới. Tiếng nói của Chúng Tôi đã vượt qua khoảng cách địa lý và rào cản tâm lý, đến với mọi người để mang lại sự chữa lành và an ủi, phù hợp với sứ mệnh tông đồ mà Chúa đã giao phó. [8]
Trái ngọt của Giáo huấn
Chúng tôi cảm thấy phần nào được an ủi khi biết rằng những lời dạy bảo về chủ đề này, từ cả chúng tôi và vị tiền nhiệm đáng kính - Đức Thánh Cha Piô XI, đã tạo được ảnh hưởng đáng kể. Chúng đã định hướng cho Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình, giúp các phương tiện này nhắc nhở con người theo đuổi sự hoàn thiện tâm hồn. Qua đó, các phương tiện truyền thông góp phần tôn vinh Thiên Chúa.
Nhờ sự quan tâm và giám sát chặt chẽ của quý vị, thưa chư huynh đáng kính, những hoạt động tông đồ theo định hướng này đã được khởi xướng. Chúng không chỉ được cổ vũ trong các giáo phận và quốc gia riêng lẻ mà còn lan rộng ra toàn thế giới thông qua những nỗ lực và kế hoạch chung.
Nhiều chính khách, những người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn hoặc kinh doanh, cùng với phần lớn khán giả - cả Công giáo và không Công giáo - đã thể hiện suy nghĩ đúng đắn về vấn đề quan trọng này. Họ đã nỗ lực, thậm chí chịu thiệt thòi về vật chất, để tránh những nguy hiểm, tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa và gìn giữ phẩm giá con người.
Tuy nhiên, chúng ta phải lặp lại lời của Thánh Phaolô Tông đồ: "Không phải mọi người đều vâng theo Tin Mừng". [9] Bởi vì, trong vấn đề này, vẫn còn những người không hiểu hoặc không công nhận chức năng giáo huấn của Giáo hội. Thậm chí, một số người còn dùng mọi cách để chống đối.
Đó là những người, như quý vị biết, bị lòng tham vô độ chi phối, hoặc bị những sai lầm dẫn lối, khiến họ không có cái nhìn đúng đắn về phẩm giá và tự do con người, hoặc tệ hơn, hoàn toàn chấp nhận một quan điểm sai lầm về ý nghĩa thực sự của nghệ thuật.
Mặc dù cách hành xử của những người này khiến chúng ta đau buồn, nhưng chúng ta không thể chùn bước khỏi nhiệm vụ và con đường đúng đắn. Chúng ta hy vọng rằng, những lời mà kẻ thù đã nói về Đấng Cứu Chuộc cũng sẽ được áp dụng cho chúng ta: "Chúng tôi biết ông là người chân thật, ông dạy đường lối Thiên Chúa theo sự thật, ông không sợ ai cả". [10]
Lý do cho Tông thư này
Giữa những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực kỹ thuật Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình ngày nay, con người có thể gặt hái được những lợi ích to lớn, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn khôn lường.
Thật vậy, những phương tiện và công cụ mới mẻ này, nay đã trở nên phổ biến rộng rãi, đang tác động mạnh mẽ đến tâm trí con người. Chúng có thể soi sáng tâm hồn, nâng con người lên tầng cao của lý tưởng, vun trồng cho tâm hồn thêm cao đẹp. Nhưng chúng cũng có thể làm lu mờ lý trí, hủy hoại nhân phẩm con người bằng sự tha hóa, khiến họ trở thành nô lệ của những đam mê vô độ, tùy thuộc vào việc nội dung được truyền tải là đáng khen ngợi hay đáng lên án. [11]
Thế kỷ trước đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật trong lĩnh vực kinh doanh, nhưng kết quả thường là: máy móc, vốn được tạo ra để phục vụ con người, khi được đưa vào sử dụng, lại đẩy con người vào vòng nô lệ và gây ra những tổn hại nghiêm trọng. Ngày nay cũng vậy, nếu sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực truyền tải hình ảnh, âm thanh và ý tưởng, không được đặt dưới sự hướng dẫn của luật Chúa Kitô,[12] thì chính nó có thể trở thành nguồn gốc của vô số tội lỗi. Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi không chỉ sức mạnh vật chất mà ngay cả tâm trí con người cũng bị nô dịch, và do đó, những phát minh của con người bị tước đoạt đi những lợi ích mà theo kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, phải là mục đích chính đáng của chúng.[13]
Vì vậy, với tư cách là người Cha thiêng liêng, mỗi ngày, Chúng tôi càng thêm trăn trở suy tư về bản chất của vấn đề này. Chúng tôi cũng nhận thấy những lợi ích thiết thực - trong lĩnh vực điện ảnh - mà Thông điệp Vigilanti cura đã mang lại trong hơn hai thập kỷ qua, đáp lại lời thỉnh cầu của các Giám mục và các tín hữu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế, qua Tông thư này, Chúng tôi mong muốn đưa ra những chỉ thị và hướng dẫn liên quan đến cả lĩnh vực Phát thanh và Truyền hình.
Sau khi tha thiết cầu nguyện cùng Thiên Chúa và nài xin sự trợ giúp của Đức Trinh Nữ Maria, Chúng tôi tha thiết kêu gọi chư huynh đáng kính, những người mà Chúng tôi luôn ghi nhận sự khôn ngoan trong việc chăn dắt đoàn chiên. Ước mong sao, không chỉ trình bày rõ ràng giáo huấn Kitô giáo về vấn đề này, mà còn đề ra những kế hoạch và sáng kiến cho phù hợp. Với tất cả thẩm quyền của mình, Chúng tôi mong muốn khẳng định với chư huynh tầm quan trọng của việc bảo vệ đoàn chiên khỏi mọi sai lầm và nguy hại - từ bất kỳ nguồn nào - mà việc sử dụng các loại hình nghệ thuật nói trên có thể gây ra cho đời sống Kitô hữu.
1. HƯỚNG DẪN CHUNG
Phổ biến giáo lý Kitô giáo
Chúng tôi ý thức rằng, mỗi ngành nghệ thuật - Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình - trong việc vun trồng sự phát triển của tâm trí và tinh thần, đều đặt ra những vấn đề đặc thù cần được giải quyết, không chỉ trong phạm vi nghệ thuật, mà còn trong lĩnh vực kỹ thuật và kinh tế. Tuy nhiên, trước khi bàn đến những vấn đề riêng biệt ảnh hưởng đến từng ngành, Chúng tôi thấy cần thiết phải khái quát ngắn gọn những nguyên tắc liên quan đến việc phổ biến rộng khắp những lợi ích mà các ngành nghệ thuật này mang đến cho toàn thể xã hội nhân loại và cho mỗi cá nhân.
“Điều lành”
Vì Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo tuyệt đối, Ngài luôn ban phát ân sủng cho con người, những tạo vật được Ngài ưu ái. Trong số những ân sủng ấy, có những ân sủng nâng đỡ đời sống vật chất nơi trần thế, nhưng cũng có những ân sủng hướng đến đời sống tinh thần. Rõ ràng, ân sủng trần thế phải lệ thuộc vào ân sủng thiêng liêng, cũng như thân xác phải phục vụ linh hồn. Trước khi Thiên Chúa ban tặng chính Ngài cho linh hồn qua thị kiến vinh phúc, Ngài đã kết hợp với linh hồn ấy bằng đức tin và đức mến, là "được tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta".[14]
Hơn nữa, Thiên Chúa mong muốn nhìn thấy nơi con người hình ảnh của chính sự hoàn hảo nơi Ngài.[15] Vì thế, Ngài muốn con người được chia sẻ ân sủng vô biên ấy, và đã liên kết con người với công trình cứu độ của chính Ngài như là những sứ giả Tin Mừng. Con người trở thành người trao ban và phổ biến Tin Mừng ấy cho anh em mình và cho toàn thể nhân loại. Ngay từ thuở ban sơ, con người đã có khuynh hướng tự nhiên và chính đáng là chia sẻ với tha nhân những kho tàng trong tâm trí mình bằng những biểu tượng. Qua đó, con người mỗi ngày nỗ lực phát triển một phương tiện hoàn thiện hơn để diễn tả những vấn đề của đời sống vật chất. Do đó, từ những bức họa và chữ viết thời cổ đại cho đến những thiết bị kỹ thuật tân tiến nhất, tất cả những công cụ truyền thông của con người đều hướng đến mục đích cao cả là biểu lộ vai trò cộng tác của con người trong công trình của Thiên Chúa.
Vì vậy, để kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa được thực hiện cách chắc chắn và hiệu quả hơn, bởi quyền bính Tông đồ, trong một Tông thư,[16] Chúng tôi đã thiết lập "Thánh Tổng lãnh Thiên thần Gabriel, Đấng đã mang đến cho nhân loại Tin Vui được mong đợi từ lâu về ơn Cứu Độ của con người, là Đấng bảo trợ trên trời" cho những ngành nghệ thuật mà con người có thể sử dụng năng lượng điện để ghi lại lời nói với tốc độ nhanh chóng, truyền tải đến những người ở xa, có thể đối thoại từ những nơi cách xa nhau, gửi thông điệp không dây và xem hình ảnh của các sự vật và sự kiện được truyền đến như thể họ đang chứng kiến trực tiếp, mặc dù trên thực tế, họ đang ở rất xa.[17] Bởi vì, khi chọn vị Bảo Trợ trên trời này, ý định của Chúng tôi là tất cả những ai hoạt động trong các ngành nghệ thuật này đều nhận thức rõ ràng sự cao quý của sứ mạng được trao phó, vì trong tay họ đã được trao ban những công cụ hữu ích. Nhờ đó, những kho tàng vô giá của Thiên Chúa có thể được gieo rắc giữa con người như những hạt giống tốt, sinh sôi nảy nở những hoa trái của chân lý và lòng nhân ái
“Điều ác”
Khi xem xét những mục đích cao quý và đáng trân trọng mà kỹ thuật này hướng đến, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao chính những ngành nghệ thuật này đôi khi lại trở thành phương tiện dẫn đến tội lỗi? "Vậy thì cỏ lùng từ đâu mà ra?" [18]
Tất nhiên, mọi tội lỗi, vốn đối nghịch với các nguyên tắc đạo đức ngay chính, đều không thể bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng là Thiện Hảo tuyệt đối; nó cũng không đến từ chính các kỹ thuật, là những hồng ân quý giá của Ngài. Nó chỉ có thể xuất phát từ việc con người, vốn được ban cho tự do ý chí, lại lạm dụng những hồng ân ấy, bằng cách phạm tội và nhân rộng tội lỗi, và do đó tự đồng hóa mình với kẻ thù của Thiên Chúa, chúa tể bóng tối: "Kẻ thù đã gieo cỏ lùng."[19]
Do đó, tự do đích thực của con người đòi hỏi chúng ta phải sử dụng và chia sẻ với người khác tất cả những tài nguyên này, những điều có thể góp phần củng cố và kiện toàn bản tính của chúng ta.
Nền tự do truyền thông đích thực
Giáo Hội, với vai trò là vị Thầy dẫn đến ơn cứu độ và sở hữu mọi điều cần thiết cho sự thánh thiện, có quyền bất khả xâm phạm trong việc truyền dạy giáo lý Thiên Chúa ủy thác. Các nhà chức trách có bổn phận nhìn nhận quyền thiêng liêng này, tạo điều kiện để Giáo Hội sử dụng mọi phương tiện nhằm truyền bá chân lý và đức hạnh.
Là con cái Giáo Hội, chúng ta ý thức về ân huệ Cứu Chuộc và có trách nhiệm sử dụng những tiến bộ kỹ thuật để góp phần thánh hóa các linh hồn.
Tuy nhiên, khẳng định quyền này của Giáo Hội không đồng nghĩa với việc phủ nhận quyền của Nhà nước trong việc sử dụng các phương tiện tương tự để phổ biến thông tin và giáo dục vì lợi ích chung.
Hơn nữa, mỗi công dân, trong khuôn khổ luật pháp và đạo đức, đều có quyền đóng góp vào sự phát triển văn hóa trí tuệ và tinh thần cho bản thân và cộng đồng.
Những sai lầm về quyền tự do truyền thông
Tuy nhiên, trái ngược với giáo huấn Kitô giáo và mục đích chính đáng của các phương tiện truyền thông, một số người lại muốn lợi dụng chúng để thúc đẩy các toan tính chính trị hoặc đạt được lợi ích kinh tế. Họ xem nhẹ mục tiêu cao quý của Giáo Hội như một giao dịch tầm thường.
Ta cũng không thể chấp nhận lập luận sai lầm của những người cho rằng họ có quyền tự do mô tả và tuyên truyền bất cứ điều gì, bất chấp những hậu quả nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần đã được chứng minh rõ ràng trong những năm qua. Đó không phải là nền tự do đích thực mà chúng tôi đã đề cập ở trên, mà là sự buông thả, xem thường mọi giới hạn đạo đức, gây nguy hiểm cho các linh hồn.
Giáo Hội luôn khuyến khích và hỗ trợ mọi hoạt động nhằm phát triển trí tuệ con người, vì Giáo Hội là người bảo trợ và nuôi dưỡng tri thức và nghệ thuật chân chính. Do đó, Giáo Hội không thể cho phép vi phạm những nguyên tắc và luật lệ hướng dẫn con người đến với Thiên Chúa, cùng đích cuối cùng của họ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong vấn đề này, Giáo Hội hành động thận trọng và khôn ngoan, theo lời Thánh Phaolô: "Anh em hãy cân nhắc mọi sự, hãy nắm giữ điều gì tốt đẹp. Hãy tránh xa mọi thứ gian ác". [20]
Do đó, những kẻ công khai tuyên bố rằng việc phổ biến rộng rãi những vấn đề cản trở hoặc trực tiếp chống đối các nguyên tắc đạo đức là điều nên được khuyến khích và thực hiện, miễn là phương pháp đó phù hợp với các quy luật của nghệ thuật tự do hoặc kỹ thuật, thực sự đáng lên án. Trong một bài diễn văn ngắn gọn nhân dịp kỷ niệm 500 năm ngày mất của Fra Angelico, Chúng Tôi đã nhấn mạnh với thính giả rằng: “Đúng là nghệ thuật tự thân không nhất thiết phải mang chức năng giáo dục luân lý hay tôn giáo một cách lộ liễu”; nhưng “nếu nghệ thuật tôn vinh những hình thức sai lệch, trống rỗng và hỗn loạn, không phù hợp với dự định của Đấng Sáng Tạo; nếu thay vì nâng cao tâm hồn con người, nó lại khơi dậy những đam mê thấp hèn, thì có lẽ nó sẽ được một số người đón nhận, nhưng chỉ vì tính mới lạ của nó, một phẩm chất không phải lúc nào cũng có giá trị và chỉ chứa đựng một mảnh nhỏ nhoi của hiện thực mà mọi loại hình nghệ thuật của con người đều sở hữu. Nhưng một nghệ thuật như vậy sẽ tự hạ thấp mình, phủ nhận yếu tố cơ bản và thiết yếu của nó: nó sẽ không còn mang tính phổ quát và trường tồn như chính tinh thần con người mà nó hướng đến”. [21]
Thẩm quyền của chính quyền và ngành giải trí
Chắc chắn rằng, các nhà quản lý công cộng có nghĩa vụ phải theo dõi chặt chẽ những loại hình nghệ thuật hiện đại này. Họ không nên nhìn nhận vấn đề này chỉ từ góc độ chính trị, mà còn từ góc độ đạo đức công cộng, nền tảng vững chắc dựa trên Luật Tự Nhiên, điều mà theo lời khẳng định đầy cảm hứng, đã được ghi khắc trong trái tim mỗi người. [22]
Không thể cho rằng sự giám sát này của chính quyền là hạn chế bất công đối với quyền tự do cá nhân, vì nó nhắm đến lợi ích của toàn xã hội, những người cùng thụ hưởng loại hình nghệ thuật này.
Như Chúng Tôi đã nói trong một dịp khác, "Chúng Tôi nhận thức rõ rằng, có một quan điểm phổ biến trong số những người đương thời, những người có thái độ thiếu khoan dung vô lý đối với sự can thiệp của chính quyền, cho rằng nên ưu tiên sự kiểm duyệt trực tiếp từ chính ngành công nghiệp giải trí". [23] Mặc dù những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật có thể hỗ trợ một cách đáng khen ngợi cho hành động của các quan chức và vô hiệu hóa những điều xấu có thể dễ dàng hủy hoại nền đạo đức chân chính, nhưng những quy tắc và biện pháp bảo vệ do họ đặt ra không nên đi ngược lại nhiệm vụ quan trọng của chính quyền.
Do đó, cả vị tiền nhiệm quá cố của Chúng Tôi và chính Chúng Tôi đều sẵn sàng khen ngợi những người, theo nhiệm vụ được giao phó trong lĩnh vực này, đã ban hành những biện pháp bảo vệ và quy tắc phù hợp mà không ảnh hưởng đến thẩm quyền của chính quyền. Bởi vì Chúng Tôi tin rằng, thì chỉ khi nào Giáo Hội, Nhà nước và họ cùng hợp tác một cách có trật tự, thì những loại hình nghệ thuật mới này mới có thể đóng góp đúng đắn và tự nhiên vào việc định hình tâm trí của những người sử dụng chúng; ngược lại, nếu những loại hình nghệ thuật này, không có luật lệ hay bất kỳ biện pháp bảo vệ đạo đức nào, mà tiếp tục đi theo con đường xuống dốc và không bị kiểm soát, thì chắc chắn chúng sẽ kìm hãm sự phát triển thực sự của con người và làm suy yếu đạo đức của họ.
Truyền thông bằng hình ảnh và âm thanh
Trong số các loại hình kỹ thuật truyền tải tư tưởng của con người, như Chúng Tôi đã nói, thì những loại hình truyền tải tin tức bằng âm thanh và hình ảnh đến tai và mắt một cách rộng rãi nhất đang chiếm một vị trí đặc biệt ngày nay.
Cách thức truyền bá hình ảnh và âm thanh này, xét về mặt tinh thần, là phù hợp nhất với bản chất của con người, như Thánh Tô-ma Aquin từng nói: "Con người đến với những điều thuộc về trí tuệ thông qua những điều thuộc về giác quan, bởi vì mọi kiến thức của chúng ta đều bắt nguồn từ giác quan".[24] Thật vậy, thị giác, là giác quan cao quý và đáng trân trọng hơn các giác quan khác,[25] dễ dàng dẫn con người đến sự hiểu biết về những điều thuộc linh hơn.
Do đó, ba phương tiện kỹ thuật chính của viễn thông, đó là Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình, không chỉ liên quan đến giải trí và thời gian rảnh rỗi của con người - mặc dù nhiều người "lắng nghe" và xem chỉ vì mục đích này - mà còn đặc biệt liên quan đến việc truyền bá những chủ đề, vừa giúp ích cho việc trau dồi trí tuệ và phát triển tinh thần, vừa có thể đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng và định hình xã hội văn minh của thời đại chúng ta.
Chắc chắn rằng, thì dễ dàng hơn nhiều so với sách báo, những loại hình kỹ thuật này có thể tạo cơ hội cho con người gặp gỡ và đoàn kết trong nỗ lực chung; và, vì mục đích này về cơ bản gắn liền với sự tiến bộ của nền văn minh của mọi dân tộc, nên Giáo Hội Công Giáo - theo nhiệm vụ được giao phó, là bao trùm toàn thể nhân loại - mong muốn sử dụng nó để mở rộng và phát huy những lợi ích xứng đáng với danh hiệu ấy.
Thật vậy, đây nên là mục tiêu hàng đầu của Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình: phục vụ chân lý và đức hạnh.
Phục vụ chân lý và đức hạnh
Mong rằng các loại hình nghệ thuật mới mẻ này phục vụ chân lý theo cách thức có thể thắt chặt hơn nữa tình anh em giữa các dân tộc; để họ hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau hơn; để họ có thể hỗ trợ lẫn nhau trong bất kỳ cơn khủng hoảng nào; và cuối cùng, để có được sự hợp tác thực sự giữa các vị lãnh đạo quốc gia và công dân.
Phục vụ chân lý không chỉ đòi hỏi mọi người tránh xa sai lầm, dối trá, lừa gạt dưới mọi hình thức, mà còn phải tránh xa mọi điều có thể cổ vũ cho lối sống và hành động sai trái, bất toàn hoặc gây hại cho người khác.
Nhưng trên hết, hãy giữ gìn những chân lý được Thiên Chúa mặc khải, vốn thánh thiện và bất khả xâm phạm. Hơn thế nữa, tại sao những loại hình nghệ thuật cao quý này lại không thể nỗ lực hướng tới mục tiêu này, đó là loan truyền giáo huấn của Thiên Chúa và Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô, "và gieo vào tâm trí con người chân lý Kitô giáo, là chân lý duy nhất có thể ban sức mạnh từ trên cao cho nhân loại, nhờ đó họ có thể bình tĩnh và can đảm vượt qua những cơn khủng hoảng và chịu đựng những thử thách khắc nghiệt của thời đại mà chúng ta đang sống?" [26]
Hơn nữa, những loại hình nghệ thuật mới này không chỉ nên phục vụ chân lý mà còn phải hoàn thiện đời sống tinh thần và luân lý con người. Mong rằng chúng đóng góp tích cực vào điều này theo ba cách mà Chúng Tôi sắp trình bày, đó là: công bố tin tức, truyền tải tri thức và trình diễn các chương trình.
Tin tức
Tin tức về mọi sự kiện, ngay cả khi chỉ là sự thật trần trụi, đều có khía cạnh liên quan đến vấn đề đạo đức. "Khía cạnh này, ảnh hưởng đến luân lý con người, không bao giờ được bỏ qua; bởi lẽ bất kỳ loại tin tức nào cũng đều khơi gợi sự phán xét trong tâm trí và ảnh hưởng đến ý chí. Người đưa tin thực hiện nhiệm vụ một cách xứng đáng sẽ không dùng lời lẽ để đè bẹp bất kỳ ai, mà cố gắng hết sức để hiểu và giải thích những thảm họa được tường thuật và những tội ác đã xảy ra. Giải thích không nhất thiết là bào chữa; nhưng là gợi ý cho một hướng khắc phục, và do đó, là thực hiện một nhiệm vụ tích cực và mang tính xây dựng". [27]
Hướng dẫn
Điều chúng tôi vừa viết chắc chắn sẽ thấm thía hơn khi đề cập đến việc truyền đạt kiến thức; phim tài liệu, chương trình phát thanh và truyền hình dành cho trường học cung cấp những ý tưởng và mở ra những khả năng mới, không chỉ đối với những người trẻ tuổi mà còn đối với cả những người trưởng thành. Tuy nhiên, mọi biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện để đảm bảo rằng những hướng dẫn được đưa ra không đi ngược lại giáo lý và quyền thiêng liêng của Giáo hội, hoặc cản trở hay phá hoại nhiệm vụ giáo dục con trẻ trong phạm vi gia đình.
Tương tự như vậy, chúng ta hy vọng rằng các phương tiện truyền thông mới này, cho dù được sử dụng bởi các cá nhân hay do nhà nước kiểm soát, sẽ không truyền bá những học thuyết mà lại loại bỏ việc nhắc đến danh Chúa và luật thiêng liêng của Ngài.
Thật đáng tiếc, Chúng tôi nhận thức rõ rằng ở một số quốc gia mà chủ nghĩa Cộng sản vô thần đang hoành hành, những phương tiện viễn thông này đang được sử dụng trong trường học để nhổ tận gốc mọi ý niệm tôn giáo khỏi tâm trí. Thật vậy, bất cứ ai xem xét tình hình này một cách bình tĩnh và không định kiến đều không thể không nhận thấy rằng lương tâm của trẻ em và thanh thiếu niên, bị tước mất chân lý thiêng liêng, đang bị áp bức một cách tinh vi và mới mẻ, vì chúng không thể học được chân lý do Chúa mặc khải, mà như Đấng Cứu Chuộc đã tuyên bố, là điều giải thoát chúng ta; [28] và bằng phương pháp xảo quyệt này, một cuộc tấn công mới đang được thực hiện nhắm vào tôn giáo.
Nhưng hỡi các Vị Giám mục đáng kính, Chúng tôi tha thiết mong muốn rằng những công cụ kỹ thuật này, bằng cách dễ dàng và dễ chịu thu hút thính giác và thị giác vào những sự kiện diễn ra ở xa, nên được sử dụng cho một mục đích cụ thể, đó là cung cấp cho con người một nền tảng văn hóa rộng lớn hơn với kiến thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của họ, và trên hết, là những nguyên tắc Kitô giáo. Nếu những nguyên tắc này bị bỏ qua, thì sẽ không thể có tiến bộ nào xứng đáng với tên gọi của nó, ngay cả trong những vấn đề đơn thuần của con người. [29] Do đó, Chúng tôi mong muốn bày tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những ai, cho dù bằng phim ảnh, chương trình phát thanh hay truyền hình, đều hướng những nỗ lực của mình đến mục tiêu cao cả nhất này.
Trình diễn
Ngoài việc công bố tin tức và truyền đạt kiến thức, cần lưu ý rằng các loại hình nghệ thuật mới này còn có khả năng đóng góp đáng kể vào lợi ích thực sự của con người thông qua các buổi trình diễn. Nội dung các chương trình thường không chỉ giới hạn ở việc giải trí và cung cấp thông tin mà còn hướng đến việc rèn luyện trí tuệ cho người tiếp nhận.
Chính vì lẽ đó, Đức Piô XI, vị tiền nhiệm đáng kính, đã gọi rạp chiếu phim là "trường học của các sự kiện" [30]. Sự kết hợp hài hòa giữa cốt truyện kịch tính, hình ảnh sống động được khắc họa bởi ánh sáng chuyển động, âm thanh và âm nhạc đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, tác động mạnh mẽ đến người xem, khơi gợi sự đồng cảm và cuốn họ vào câu chuyện được trình bày.
Mặc dù có những điểm tương đồng nhất định với các loại hình biểu diễn đã xuất hiện từ lâu, Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình vẫn mang đến những sản phẩm và hình thức biểu diễn mới mẻ. Thay vì hướng đến một nhóm đối tượng nhất định, các loại hình nghệ thuật này nhắm đến đông đảo quần chúng với mọi lứa tuổi, hoàn cảnh và nền văn hóa khác nhau.
Giáo dục công chúng
Để các hình thức giải trí đạt được mục đích đích thực của mình, việc giáo dục và định hướng cho khán giả là vô cùng quan trọng. Khán giả không chỉ cần được trang bị hiểu biết về đặc trưng của mỗi loại hình nghệ thuật mà còn cần được hướng dẫn bởi tiêu chuẩn đạo đức vững vàng, đặc biệt là trong lĩnh vực này. Nhờ đó, họ có thể phân tích và đánh giá một cách chín chắn về những nội dung được trình chiếu trên màn ảnh, thay vì bị lôi cuốn một cách thụ động bởi sức hấp dẫn bề ngoài.
Thực tế cho thấy, nếu thiếu đi sự giáo dục và định hướng dựa trên giáo lý Công giáo, con người sẽ không thể hưởng thụ những niềm vui lành mạnh "mà ai cũng công nhận là cần thiết cho những ai phải đối mặt với bộn bề lo toan của cuộc sống" [31], cũng như không thể phát triển một cách toàn diện.
Chính vì vậy, Hướng đi đúng đắn của Giáo hội Công giáo trong việc khuyến khích giáo dục khán giả, đặc biệt là trong những năm gần đây, là điều đáng ghi nhận. Nhiều kế hoạch đã được triển khai nhằm giúp cả người trẻ và người lớn tuổi có khả năng đánh giá một cách đầy đủ và chính xác về lợi ích cũng như tác hại của các chương trình giải trí, từ đó đưa ra những lựa chọn sáng suốt.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc cho phép tham gia vào những chương trình trái với đạo đức. Trái lại, chúng ta cần phải biết lựa chọn những chương trình phù hợp với giáo luật và luật luân lý của Giáo hội, đồng thời tuân theo các hướng dẫn của Giáo hội trong lĩnh vực này.
Miễn là những kế hoạch này, phù hợp với hy vọng của Chúng tôi, tương ứng với các nguyên tắc sư phạm và các quy tắc đúng đắn về phát triển trí tuệ, Chúng tôi không chỉ tán thành mà còn hết lòng khen ngợi chúng; và do đó, Chúng tôi mong muốn chúng được đưa vào mọi loại trường học, các nhóm Phong trào Công giáo Tiến hành, và các hội đoàn giáo xứ.
Việc đào tạo và giáo dục khán giả một cách đúng đắn theo cách này, một mặt, sẽ đảm bảo giảm bớt những nguy cơ có thể gây hại cho luân lý; mặt khác, cho phép các Kitô hữu, thông qua kiến thức mới mà họ tiếp thu, nâng tâm hồn lên chiêm ngắm các chân lý Nước Trời.
Nhân dịp này, Chúng tôi muốn đặc biệt khen ngợi những người rao giảng lời Chúa, những người cũng sử dụng một cách chính đáng các phương tiện do Điện ảnh, Truyền Thanh và Truyền hình cung cấp cho mục đích này. Họ ý thức rằng mình có nghĩa vụ bảo vệ sự toàn vẹn luân lý của những người mà họ phục vụ và dẫn dắt họ đi trên con đường chân lý; và do đó, họ chia sẻ với họ những lợi ích và phát minh thực sự có ích mà thời đại chúng ta đã mang lại. Vì vậy, Chúng tôi mong muốn rằng những người nắm quyền hành, dù trong Giáo hội hay Nhà nước, nên đặc biệt hỗ trợ hoạt động và sự nghiệp của những người rao giảng này.
Giải trí cho thanh thiếu niên
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc giáo dục và định hướng người xem, như đã đề cập, tự thân nó là chưa đủ trong việc kiểm soát vấn đề này. Mỗi chương trình giải trí cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với khả năng nhận thức của từng lứa tuổi, khả năng cộng hưởng cảm xúc và trí tưởng tượng, cũng như mức độ phát triển đạo đức của các em.
Thực vậy, điều này mang một ý nghĩa hết sức quan trọng bởi lẽ các chương trình phát thanh và truyền hình, với khả năng len lỏi vào tận mái ấm gia đình, tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ lớp rào bảo vệ cho sự phát triển lành mạnh của thế hệ trẻ, vốn cần được giữ vững cho đến khi các em đủ trưởng thành để đương đầu với những cám dỗ của thế giới. Chính vì lẽ đó, ba năm trước, trong thư gửi các Giám mục Ý, Chúng tôi đã viết: "Liệu có đáng rùng mình khi nghĩ đến việc ngay cả trong chính ngôi nhà của mình, người ta cũng có thể hít thở bầu không khí độc hại của chủ nghĩa duy vật, thứ gieo rắc những quan niệm lệch lạc về thú vui và khơi dậy đủ loại ham muốn tầm thường, như nó vẫn từng hoành hành trong các rạp chiếu bóng?" [32]
Chúng ta ghi nhận những nỗ lực đáng khen ngợi từ cả chính quyền và các tổ chức tư nhân trong việc giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là những chương trình và kế hoạch nhằm định hướng các em tránh xa những chương trình giải trí không phù hợp với lứa tuổi, vốn có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bên cạnh những rối loạn về mặt sinh lý và tâm lý, điều đáng lo ngại hơn cả chính là những nguy cơ tiềm ẩn đối với đạo đức của giới trẻ. Nếu không được ngăn chặn và uốn nắn kịp thời, những nguy cơ này có thể gây ra những tổn hại to lớn, thậm chí là hủy hoại chính nền tảng của xã hội.
Về vấn đề này, với tình thương của một người Cha, Chúng tôi kêu gọi những người trẻ, những tâm hồn trong sáng dễ bị tổn thương trước những cạm bẫy của thế giới giải trí, hãy ý thức rõ bổn phận của mình trong việc gìn giữ sự trong trắng và khiết tịnh theo tinh thần Kitô giáo. Các con hãy tự rèn luyện sự khôn ngoan và kiềm chế để chế ngự sự tò mò, ham muốn được nghe nhìn một cách vô độ. Thay vào đó, hãy hướng tâm hồn mình đến những giá trị cao đẹp, lánh xa những thú vui tầm thường và dục vọng thấp hèn.
Sứ mạng của Giáo Hội - Các văn phòng quốc gia
Giáo Hội ý thức rõ rằng những loại hình nghệ thuật mới mẻ, với khả năng tác động trực tiếp đến thị giác và thính giác, có thể mang đến vô số lợi ích, song cũng tiềm ẩn vô vàn cạm bẫy và hiểm nguy, tùy thuộc vào cách con người sử dụng. Do đó, Giáo Hội mong muốn thực thi bổn phận của mình trong vấn đề này - không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa nói chung mà trên hết là trong lĩnh vực tôn giáo, đặc biệt là việc định hướng và bảo vệ nền đạo đức. [33]
Để thực hiện sứ mạng này một cách hiệu quả và phù hợp, vị tiền nhiệm đáng kính, Đức Piô XI, đã long trọng tuyên bố rằng "các Giám mục cần thiết phải thiết lập một Văn phòng Giám sát Quốc gia thường trực với nhiệm vụ khuyến khích các bộ phim lành mạnh, đồng thời phân loại rõ ràng các bộ phim khác nhau, sau đó công bố đánh giá của mình đến các linh mục và giáo dân"; [34] và ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng mọi sáng kiến Công giáo liên quan đến Điện ảnh hướng đến một mục tiêu cao đẹp.
Dưới sự hướng dẫn của những chỉ thị này, các Giám mục ở một số quốc gia đã quyết định thành lập những Văn phòng kể trên, không chỉ riêng cho lĩnh vực Điện ảnh mà còn cho cả Phát thanh và Truyền hình.
Vì vậy, khi xem xét những lợi ích tinh thần mà các loại hình kỹ thuật nghệ thuật này có thể mang lại, đồng thời nhận thức được sự cần thiết phải bảo vệ sự toàn vẹn của nền đạo đức Kitô giáo trước những nguy cơ tiềm ẩn từ các hình thức giải trí, Chúng tôi mong muốn rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, nếu các Văn phòng được đề cập ở trên chưa được thành lập, thì cần phải được thực hiện ngay lập tức. Các Văn phòng này cần được giao phó cho những người có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật, cùng với sự cố vấn của một linh mục do các Giám mục tuyển chọn.
Hơn nữa, hỡi các Vị chư Huynh đáng kính, Chúng tôi khuyến khích rằng ở mỗi quốc gia, các Văn phòng phụ trách Điện ảnh, Phát thanh hoặc Truyền hình nên được đặt dưới sự điều hành của một Ủy ban duy nhất, hoặc ít nhất là phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, Chúng tôi kêu gọi các tín hữu, đặc biệt là những thành viên năng nổ của Phong trào Hành động Công giáo, hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ hết mình cho các Văn phòng này.
Bên cạnh đó, vì có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực này không dễ dàng giải thích và giải quyết trong phạm vi một quốc gia, việc các Văn phòng Quốc gia của mỗi nước liên kết với nhau thành một Hiệp hội Quốc tế sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Tòa Thánh, sau khi xem xét kỹ lưỡng, sẽ chính thức phê chuẩn cho Hiệp hội này.
Hỡi các Vị chư Huynh đáng kính, Chúng tôi tin tưởng rằng những nỗ lực của các Vị, dù có gặp phải khó khăn và trở ngại, cũng sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp và đáng mong đợi khi các Vị tuân theo những chỉ thị này. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn một cách dễ dàng và hiệu quả hơn, cần phải áp dụng một cách cẩn trọng những quy tắc cụ thể mà Chúng tôi sẽ trình bày trong Thông điệp này, liên quan đến từng lĩnh vực Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình.
2. ĐIỆN ẢNH
Ra đời cách đây khoảng sáu mươi năm, Điện ảnh ngày nay đã trở thành một trong những phương tiện quan trọng bậc nhất để truyền bá tư tưởng và những khám phá của thời đại. Về những kỹ thuật đa dạng và sức hút của Điện ảnh, Chúng tôi đã có dịp đề cập đến. [35] Từ sự phát triển này, đặc biệt là trong trường hợp của những bộ phim tái hiện một câu chuyện cụ thể được thể hiện một cách sống động bằng hình ảnh và âm thanh, đã xuất hiện một ngành công nghiệp đồ sộ, trong đó không chỉ có các nghệ nhân, người lao động và kỹ thuật viên, mà cả các tập đoàn tài chính cũng hợp lực hoạt động; bởi lẽ các cá nhân không dễ dàng thực hiện một hoạt động rộng lớn và phức tạp như vậy. Do đó, để Điện ảnh luôn là một công cụ xứng đáng dẫn con người đến ơn cứu rỗi, nâng con người lên những điều cao cả hơn và trở nên tốt đẹp hơn thực sự, [36] thì điều hết sức cần thiết là mỗi nhóm người được đề cập ở trên, với tinh thần trách nhiệm thực sự, phải sẵn sàng cộng tác với nhau để sản xuất và phân phối những bộ phim có thể được chấp nhận.
Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tính nghiêm túc của vấn đề này, đồng thời khuyến khích tất cả những ai quan tâm và mong muốn phát triển nền điện ảnh theo hướng tích cực, đặc biệt là sản xuất loại "phim lý tưởng" nhằm góp phần vào một nền giáo dục toàn diện. [37]
Hỡi các Vị chư Huynh đáng kính, mong các Vị đặc biệt lưu tâm, sử dụng các Văn phòng Quốc gia đã đề cập để phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp công chúng những thông tin, lời khuyên và chỉ thị phù hợp, nhằm định hướng cho môn nghệ thuật Điện ảnh phát triển theo hướng tích cực, góp phần vào ích lợi của các linh hồn.
Phân loại phim ảnh
Để đạt được mục đích này, "hãy lập và in ấn các bảng hoặc danh sách được sắp xếp rõ ràng, trong đó các bộ phim được phân loại thường xuyên nhất có thể, để thu hút sự chú ý của mọi người". [38] Hãy để công việc này do một Ủy ban gồm những người đáng tin cậy đảm nhiệm. Ủy ban này sẽ trực thuộc mỗi Văn phòng Quốc gia của các Vị.
Tất nhiên, những người này phải là những người nổi bật về học thuyết và sự khôn ngoan thực tiễn. Họ phải đánh giá từng bộ phim theo các quy tắc đạo đức của Kitô giáo.
Chúng tôi tha thiết khuyên nhủ các thành viên của Ủy ban này dành thời gian thích hợp để nghiên cứu sâu rộng, lâu dài và cầu nguyện sốt sắng về các chủ đề này. Họ phải giải quyết một vấn đề rất quan trọng, gắn bó chặt chẽ với quan niệm sống của Kitô giáo. Do đó, họ phải có kiến thức vững vàng về sức mạnh của điện ảnh, một sức mạnh biến đổi tùy theo hoàn cảnh khác nhau của người xem.
Mỗi khi phải đánh giá khía cạnh đạo đức của một chương trình điện ảnh, họ nên xem xét kỹ lưỡng những chỉ thị mà Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra tùy theo từng trường hợp. Đặc biệt là khi Chúng tôi nói về "bộ phim lý tưởng", về những điểm liên quan đến tôn giáo, và đồng thời về việc thể hiện các hành vi xấu xa: không bao giờ được bỏ qua hoặc đi ngược lại nhân phẩm, sự khiêm nhường của môi trường gia đình, sự thánh thiện của đời sống, Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô, các hình thức hiệp hội của con người và xã hội.
Hơn nữa, hãy nhớ rằng nhiệm vụ được giao cho họ là phân loại và đánh giá từng chương trình phim. Điều này đặc biệt nhằm mục đích định hướng rõ ràng và phù hợp cho cộng đồng. Ủy ban có nhiệm vụ dẫn dắt mọi người đánh giá cao các quy tắc và nguyên tắc đạo đức. Bởi lẽ thiếu chúng, sự phát triển đúng đắn của trí tuệ và nền văn minh đích thực sẽ trở thành những thuật ngữ vô nghĩa.
Do đó, chắc chắn người ta phải bác bỏ cách hành động của những người dễ dãi. Họ đã chấp nhận những bộ phim mà tuy có kỹ thuật xuất sắc nhưng lại xúc phạm đến luân lý. Hoặc bề ngoài có vẻ đúng đắn nhưng ẩn chứa nội dung đi ngược lại với giáo lý Công giáo.
Tuy nhiên, nếu họ chỉ ra một cách rõ ràng và công khai những bộ phim nào mọi người được xem, giới trẻ được xem, người lớn được xem; mặt khác, những bộ phim nào gây nguy hiểm về mặt đạo đức cho người xem; và cuối cùng, những bộ phim nào hoàn toàn xấu xa và có hại, thì mỗi người sẽ chỉ nên xem những bộ phim mà từ đó "họ sẽ ra về với tâm hồn vui tươi, tự do và tốt đẹp hơn" [39]. Họ sẽ có thể tránh được những bộ phim có hại cho mình. Và tất nhiên là gấp đôi, khi những bộ phim đó trở thành phương tiện kiếm lời cho những kẻ buôn bán những thứ xấu xa, và làm gương xấu cho người khác.
Lặp lại những chỉ dẫn kịp thời mà vị tiền nhiệm đáng kính của Chúng tôi, Đức Piô XI, đã công bố trong Thông điệp Vigilanti Cura, [40] Chúng tôi tha thiết mong muốn các Kitô hữu không chỉ được cảnh báo cẩn thận về chủ đề này thường xuyên nhất có thể, mà còn phải chu toàn nghĩa vụ nghiêm túc là tự mình tìm hiểu những quyết định của Giáo quyền về những vấn đề liên quan đến Điện ảnh, và trung thành tuân theo những quyết định đó. Các Giám mục, nếu thấy thích hợp, có thể dành riêng một ngày đặc biệt trong năm để nói về vấn đề này. Trong ngày đó, các tín hữu sẽ được hướng dẫn cẩn thận về bổn phận của mình, đặc biệt là liên quan đến việc xem phim, và được khuyến khích sốt sắng cầu nguyện với Chúa về vấn đề này.
Để giúp mọi người dễ dàng nắm rõ và tuân theo những quyết định này, những chỉ thị này, cùng với một bài bình luận ngắn gọn về chúng, phải được công bố vào thời điểm thích hợp và được phân phát rộng rãi nhất có thể.
Phê bình phim ảnh
Để đạt được mục tiêu này, các nhà phê bình phim ảnh Công giáo gánh vác trọng trách rất lớn. Họ cần phân tích vấn đề đạo đức trong nội dung phim một cách chính xác, bảo vệ những quan điểm giúp khán giả tránh sa vào "đạo đức tương đối" hay đánh mất những giá trị quan trọng.
Vì vậy, thật đáng lên án khi các cây bút trên báo chí và tạp chí, dù tự nhận là Công giáo, lại không đưa ra định hướng đạo đức rõ ràng cho độc giả khi viết về những bộ phim như vậy.
Người quản lý rạp chiếu phim
Mỗi khi mua vé xem phim, khán giả cần ý thức rằng mình đang góp phần ủng hộ cho một bộ phim, dù là hay hay dở. Tương tự như vậy, và thậm chí còn hơn thế nữa, những người quản lý rạp chiếu phim hoặc phân phối phim cũng có bổn phận này.
Chúng tôi nhận thức rõ những khó khăn to lớn mà ngành Điện ảnh đang phải đối mặt ngày nay, bên cạnh những yếu tố khác, còn do sự gia tăng mạnh mẽ của truyền hình. Tuy nhiên, ngay cả khi đối mặt với những khó khăn này, họ phải nhớ rằng lương tâm cấm họ trình chiếu những chương trình phim trái với Đức tin và luân lý đạo đức, hoặc tham gia vào các hợp đồng buộc họ phải trình chiếu những chương trình như vậy.
Vì ở nhiều quốc gia, những người hoạt động trong ngành này đã cam kết không trình chiếu, vì bất kỳ lý do gì, những chương trình phim có hại hoặc xấu xa, nên Chúng tôi tin tưởng rằng sáng kiến tuyệt vời này sẽ lan rộng ra toàn thế giới và sẽ không có người Công giáo nào trong ngành quản lý điện ảnh do dự, không làm theo những đề xuất hợp lý và có lợi như vậy.
Chúng tôi cũng lên án mạnh mẽ việc sử dụng các hình ảnh quảng cáo mang tính khiêu gợi hoặc phản cảm, ngay cả khi chúng được dùng để quảng bá cho những bộ phim có nội dung đứng đắn. "Ai có thể nói được những hình ảnh này gây hại như thế nào cho tâm trí, đặc biệt là tâm trí của giới trẻ, khơi dậy những suy nghĩ thấp hèn và những thú vui ô uế như thế nào, chúng góp phần làm băng hoại luân lý công cộng như thế nào, từ đó gây tổn hại đến chính lợi ích của Quốc gia?"[41]
Nhà hát Công giáo
Do đó, trong các rạp chiếu phim thuộc thẩm quyền của Giáo hội, cần phải có những buổi chiếu phù hợp với việc giáo dục đạo đức cho các tín hữu, đặc biệt là giới trẻ. Những buổi chiếu này cũng cần phù hợp với môi trường xung quanh, nên rõ ràng là chỉ những bộ phim hoàn toàn không có gì phải chê trách mới được phép trình chiếu.
Giám mục phải giám sát chặt chẽ các rạp chiếu phim này - bao gồm cả những rạp của các dòng tu được miễn trừ - mà công chúng có thể lui tới, cảnh báo tất cả các giáo sĩ có trách nhiệm phải tuân thủ một cách trung thành và chính xác các quy định đã được đặt ra trong vấn đề này, và không được đặt lợi ích cá nhân lên trên nếu họ muốn hoàn thành vai trò của mình trong sứ vụ mà Tòa Thánh coi là quan trọng hàng đầu. Chúng tôi đặc biệt khuyên những người quản lý các rạp hát Công giáo này nên tập hợp lại với nhau - như đã được thực hiện ở một số nơi với sự chấp thuận và đồng ý hoàn toàn của Chúng tôi - để thực hiện hiệu quả hơn các khuyến nghị của Văn phòng Quốc gia tương ứng, và thống nhất về lợi ích và chính sách chung.
Nhà phân phối phim ảnh
Lời khuyên mà Chúng tôi đã gửi gắm đến các chủ rạp chiếu phim, Chúng tôi cũng muốn gửi đến các nhà phân phối, những người đôi khi cũng là nhà đầu tư sản xuất phim. Hiển nhiên là họ có vị thế thuận lợi hơn, và do đó, có nghĩa vụ nghiêm túc hơn trong việc hỗ trợ cho những bộ phim đáng tin cậy. Bởi lẽ, công việc phân phối không thể chỉ đơn thuần là một chức năng kỹ thuật kinh doanh, vì phim ảnh - như Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định - không chỉ là hàng hóa để mua bán, mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn và giáo dục tinh thần, đạo đức cho người xem. Vì vậy, các nhà phân phối và cho thuê phim cũng có cùng một mức độ công đức và trách nhiệm tùy theo việc điều tốt hay điều xấu xuất phát từ màn ảnh.
Diễn viên
Vì cần đưa ngành Điện ảnh đi vào quỹ đạo của những chính sách lành mạnh hơn, các diễn viên cũng mang một trách nhiệm không nhỏ. Thật vậy, với phẩm giá của mình là con người và là những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, họ cần nhận thức rõ rằng mình không được phép sử dụng tài năng để tham gia vào những vai diễn trong các vở kịch, hoặc thực hiện những bộ phim trái với đạo đức.
Không chỉ vậy, một diễn viên, khi đã đạt được danh tiếng vang dội nhờ tài năng và kỹ thuật của mình, cần sử dụng danh tiếng ấy một cách chính đáng để khơi dậy trong tâm hồn công chúng những tình cảm cao thượng. Đặc biệt, họ nên nhớ rằng đời sống cá nhân của mình phải là một tấm gương sáng về đức hạnh cho người khác.
Trước đây, khi nói chuyện với các diễn viên chuyên nghiệp, Chúng tôi đã từng khẳng định: “Ai cũng có thể thấy rằng, trước một đám đông đang chăm chú lắng nghe lời bạn nói, vỗ tay và reo hò, thì chính bản thân bạn cũng xúc động và tràn đầy niềm vui, sự phấn khởi nào đó”.[42] Quả thật, nếu có thể nói rằng ai đó hoàn toàn có lý do chính đáng để cảm nhận những cảm xúc này, thì điều đó không có nghĩa là các diễn viên Kitô hữu được phép chấp nhận từ khán giả những lời tán dương mang hơi hướng sùng bái ngẫu tượng. Trong trường hợp này, lời của Đấng Cứu Độ chúng ta vẫn luôn đúng: “Hãy để ánh sáng của bạn chiếu giãi trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của bạn và tôn vinh Cha của bạn, Đấng ngự trên trời”.[43]
Nhà sản xuất và đạo diễn
Tuy vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trách nhiệm nặng nề nhất vẫn thuộc về các nhà sản xuất và đạo diễn. Ý thức được gánh nặng này không phải là một trở ngại cho những dự án cao quý, mà trái lại, cần phải trở thành động lực củng cố tinh thần cho những ai, với thiện chí, tài năng thiên phú hoặc tiềm lực tài chính, đang có ảnh hưởng lớn trong việc sản xuất phim ảnh.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất và đạo diễn thường đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi yêu cầu của nghệ thuật xung đột với các nguyên tắc tôn giáo và luật luân lý. Trong những trường hợp như vậy, trước khi bộ phim được hoàn thiện hoặc trong quá trình sản xuất, họ cần tìm kiếm lời khuyên từ những người có thẩm quyền, đồng thời lập ra một kế hoạch vững chắc nhằm vừa bảo đảm lợi ích tinh thần cho khán giả, vừa đạt được sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật cho tác phẩm. Họ không nên ngần ngại tìm đến Văn phòng Điện ảnh Công giáo địa phương, nơi sẵn sàng hỗ trợ thông qua việc cử một cố vấn giáo sĩ có chuyên môn để giám sát công việc nếu cần thiết, miễn là các biện pháp phòng ngừa thích hợp được tuân thủ.
Kết quả của sự tin tưởng mà họ dành cho Giáo hội không chỉ giúp duy trì uy tín và sự nổi tiếng của họ, mà còn mang lại sự bình an nội tâm và sự công nhận lâu dài từ cộng đồng. Như đã được khẳng định: "Đức tin, cho đến tận cùng thời gian, sẽ là thành trì của con người." [44] Trong quá trình sản xuất các tác phẩm, dưới ánh sáng của giáo huấn Kitô giáo và các nguyên tắc luân lý đúng đắn, con người sẽ được làm phong phú và hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, các giáo sĩ không được phép hợp tác với các đạo diễn phim nếu không có sự đồng ý rõ ràng từ các bề trên của mình. Điều này là cần thiết, bởi để đưa ra những lời khuyên đúng đắn trong lĩnh vực này, cần có sự xuất sắc đặc biệt trong nghệ thuật và một sự đào tạo vượt trội. Quyết định về những điều này không thể được phó mặc cho ý muốn chủ quan của từng cá nhân.
Do đó, Chúng tôi gửi lời cảnh báo đầy tình phụ tử đến các nhà sản xuất và đạo diễn phim Công giáo: không được phép sản xuất những bộ phim đi ngược lại Đức Tin hoặc luân lý Kitô giáo. Nhưng nếu - điều mà Chúa cấm - điều này xảy ra, thì các Giám mục có trách nhiệm nhắc nhở họ để giúp họ quay trở lại con đường đúng đắn, và nếu cần thiết, áp dụng các biện pháp chế tài một cách công bằng và đầy tình thương.
Tuy nhiên, Chúng tôi tin chắc rằng, để đưa ngành Điện ảnh đạt đến đỉnh cao của những "bộ phim lý tưởng", không có điều gì hiệu quả hơn là việc những người tham gia sản xuất phim hành động phù hợp với các giới răn của luật Kitô giáo. Hãy để những người chịu trách nhiệm sản xuất phim tiếp cận các nguồn mạch từ đó mọi ân sủng cao quý tuôn trào. Họ cần thấu hiểu giáo huấn Tin Mừng và nắm vững giáo lý truyền thống của Giáo hội về các chân lý của đời sống, về hạnh phúc và nhân đức, về đau khổ và tội lỗi, về thân xác và linh hồn, về các vấn đề xã hội và khát vọng của con người. Nhờ đó, họ sẽ tìm được những cốt truyện mới mẻ và tuyệt vời để khai thác, đồng thời cảm nhận được nguồn cảm hứng dạt dào để sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị lâu dài.
Những sáng kiến và thực hành nhằm nuôi dưỡng, củng cố và phát triển đời sống thiêng liêng của họ cần được khuyến khích và mở rộng. Đặc biệt, cần chú ý đến việc đào tạo Kitô giáo cho những người trẻ đang có ý định bước vào ngành điện ảnh một cách chuyên nghiệp. Việc đào tạo này không chỉ giúp họ xây dựng nền tảng đạo đức vững chắc mà còn khơi dậy trong họ lòng nhiệt huyết để cống hiến những tác phẩm có giá trị thật sự.
Để kết thúc những hướng dẫn liên quan đến Điện ảnh, Chúng tôi kêu gọi các quan chức nhà nước không được hỗ trợ cho việc sản xuất hoặc phổ biến những bộ phim mang tính thấp kém. Thay vào đó, bằng cách thiết lập các quy định phù hợp và tận dụng các nền tảng công nghệ hiện đại, hãy góp phần thúc đẩy những chương trình phim lành mạnh, đáng được khen ngợi, đặc biệt là những chương trình dành cho giới trẻ. Khi những khoản tiền lớn đang được chi cho giáo dục công cộng, họ cũng nên dành sự quan tâm hợp lý đến lĩnh vực này, vì đây là một phần thiết yếu của giáo dục.
Ngoài ra, vì ở một số quốc gia, cũng như tại các liên hoan phim quốc tế, các giải thưởng đã được thiết lập và xứng đáng trao tặng cho những bộ phim được đánh giá cao về giá trị giáo dục và tinh thần, Chúng tôi kêu gọi tất cả những người thiện chí và khôn ngoan hãy chung tay bảo vệ và tôn vinh những bộ phim có giá trị, để chúng nhận được sự công nhận xứng đáng từ công chúng. Sự tán thưởng và ủng hộ dành cho những tác phẩm này chính là phần thưởng quý giá, khích lệ các nhà sản xuất tiếp tục sáng tạo nên những bộ phim có ý nghĩa sâu sắc và giá trị lâu dài.
3. TRUYỀN THANH (RADIO)
Chúng tôi cũng với lòng quan tâm không kém khi muốn bày tỏ với anh em đáng kính nỗi lo âu của Chúng tôi liên quan đến một phương tiện truyền thông khác, được ra đời cùng thời kỳ với ngành điện ảnh: đó chính là Radio.
Mặc dù Radio không sở hữu những yếu tố sân khấu trực quan hay những lợi thế về thời gian và không gian như ngành công nghiệp điện ảnh, nhưng nó lại có những ưu điểm khác biệt, mà không phải tất cả đều đã được khai phá trọn vẹn.
Như Chúng tôi đã từng nói với các thành viên và giám đốc của một công ty phát thanh: "Phương thức truyền thông này dường như tách biệt và không bị giới hạn bởi điều kiện về không gian và thời gian, vốn thường cản trở hoặc làm trì hoãn các phương thức giao tiếp khác giữa con người. Với một loại 'đôi cánh' đặc biệt, nhanh hơn cả sóng âm, và với tốc độ của ánh sáng, nó vượt qua mọi biên giới trong chốc lát và truyền tải những thông điệp được giao phó cho nó." [45]
Nhờ những phát minh mới, công nghệ vô tuyến gần như đã đạt đến sự hoàn thiện, mang lại những lợi ích vượt trội cho các quy trình kỹ thuật. Ví dụ, bằng cách sử dụng các tia sóng, người ta có thể điều khiển các thiết bị máy móc không người lái đến những địa điểm đã định sẵn. Tuy nhiên, theo Chúng tôi, chức năng cao quý nhất của Truyền Thanh (Radio) là soi sáng, giáo dục con người, hướng tâm trí và trái tim họ đến những giá trị cao đẹp, tinh thần.
Tuy nhiên, con người, ngay cả khi ở trong chính ngôi nhà của mình, vẫn luôn khao khát được lắng nghe đồng loại, được biết đến những sự kiện diễn ra ở phương xa và được chia sẻ những khía cạnh trong đời sống văn hóa, xã hội của những người khác.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một khoảng thời gian ngắn, rất nhiều ngôi nhà đã được trang bị các thiết bị thu sóng. Qua đó, như những cánh cửa sổ thần kỳ mở ra thế giới, con người kết nối với cuộc sống sôi động của những nền văn minh, ngôn ngữ và chủng tộc khác nhau bất kể ngày đêm. Điều này được hiện diện sống động bởi vô số chương trình phát thanh bao gồm tin tức, phỏng vấn, trò chuyện và các nội dung cung cấp thông tin hữu ích, thú vị từ các sự kiện cộng đồng, nghệ thuật, ca hát và âm nhạc giao hưởng.
Như Chúng tôi đã nói gần đây: "Thật là một lợi thế to lớn, một trách nhiệm to lớn được trao cho con người ngày nay, và thật khác biệt so với thời xưa, khi mà giáo huấn về chân lý, về giới luật yêu thương anh em, về lời hứa hạnh phúc đời đời, đến với con người một cách chậm chạp qua các Tông đồ, những người đã phải đi trên những con đường gập ghềnh của thời đại đó; trong khi ngày nay, thông điệp thiêng liêng có thể được truyền tải đến hàng chục, hàng trăm ngàn người cùng một lúc." [46]
Do đó, người Công giáo cần nắm lấy ưu thế của thời đại này, khai thác nguồn tài nguyên phong phú về giáo lý, giải trí, nghệ thuật và cả Lời Chúa mà Truyền thanh mang lại, để từ đó mở rộng và nâng cao tầm nhìn của bản thân.
Ai cũng hiểu rõ những chương trình radio hay có thể góp phần to lớn vào việc giáo dục đúng đắn; tuy nhiên, việc sử dụng công cụ này cũng đặt ra một trách nhiệm về lương tâm như trong các lĩnh vực kỹ thuật khác, bởi vì nó có thể được sử dụng cho mục đích tốt hoặc xấu. Do đó, những lời được viết trong Kinh thánh có thể được áp dụng cho nghệ thuật Truyền Thanh: "Bởi đó, chúng ta chúc tụng Thiên Chúa là Cha; và bởi đó, chúng ta nguyền rủa loài người, là những kẻ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Từ cùng một miệng mà ra cả lời chúc phúc và lời nguyền rủa." [47]
Trách nhiệm của người nghe
Trách nhiệm đầu tiên của người nghe radio là lựa chọn một cách cẩn thận và có chủ đích từ các chương trình được phát sóng. Đừng để chúng tự do xâm nhập vào nhà một cách bừa bãi, mà hãy chào đón chúng dựa trên cùng những nguyên tắc như khi ta thận trọng và khôn ngoan mời một người bạn đến chơi. Sẽ là sai lầm nếu một người không hề chọn lọc khi giới thiệu bạn bè với gia đình mình.
Vì vậy, các chương trình radio được phép bước vào nhà phải là những chương trình khuyến khích sự thật và lòng tốt, không lôi kéo các thành viên trong gia đình khỏi việc chu toàn bổn phận của họ, dù là với cá nhân hay với xã hội. Chúng phải là những chương trình củng cố họ để thực hiện các bổn phận đó một cách đúng đắn. Riêng đối với trẻ em và thanh thiếu niên, các chương trình lựa chọn cần đảm bảo không gây hại mà thay vào đó là hỗ trợ và mở rộng sự kiểm soát lành mạnh của cha mẹ và giáo viên.
Các Văn phòng Công giáo về Phát thanh được thành lập ở mỗi quốc gia, sử dụng các tờ nhật báo và tạp chí Công giáo, cần nỗ lực thông báo trước cho các tín hữu về bản chất và giá trị của các chương trình. Tuy nhiên, việc thông báo trước như vậy sẽ không phải lúc nào cũng khả thi; và thông thường, những thông tin này sẽ chỉ là những đánh giá sơ lược, khi mà nội dung của chương trình không thể được biết trước một cách dễ dàng.
Các linh mục chánh xứ nên cảnh báo giáo dân của mình rằng họ bị luật Chúa cấm nghe các chương trình radio gây nguy hiểm cho Đức tin hoặc luân lý của họ. Đồng thời, các linh mục cũng nên khuyên nhủ những người tham gia đào tạo giới trẻ phải cảnh giác và thấm nhuần các nguyên tắc tôn giáo liên quan đến việc sử dụng radio được lắp đặt trong nhà.
Hơn nữa, các Giám mục có nhiệm vụ kêu gọi các tín hữu tránh nghe các đài được biết là phát sóng những nội dung bảo vệ cho những vấn đề trái ngược hoàn toàn với Đức tin Công giáo.
Một bổn phận khác ràng buộc người nghe là cho ban điều hành chương trình biết những mong muốn và phê bình chính đáng của họ. Nghĩa vụ này xuất phát rõ ràng từ bản chất của radio, vốn là một phương tiện truyền thông một chiều, trong đó người nói hướng đến người nghe.
Mặc dù các hệ thống khảo sát dư luận ngày càng phổ biến để tìm hiểu mức độ quan tâm của người nghe đối với mỗi chương trình, nhưng điều này có thể dẫn đến việc đánh giá phổ biến, dù được thể hiện ít hay nhiều, lại dựa trên những nguyên nhân tầm thường, nhất thời, hoặc dựa trên sự nhiệt tình thiếu cơ sở lý trí, khiến cho phán đoán như vậy không thể được coi là kim chỉ nam chắc chắn cho hành động.
Vì vậy, người nghe radio cần phải tự mình thức tỉnh để có được một quan điểm cân bằng trong công chúng, bằng cách, trong khi vẫn tuân thủ các phương pháp thích hợp, các chương trình này - theo giá trị của chúng - được tán thành, ủng hộ, hoặc bị khiển trách, từ đó đưa nghệ thuật Phát thanh, được coi như một phương pháp giáo dục, "phục vụ cho sự thật, cho luân lý tốt đẹp, cho công lý và tình yêu thương". [48]
Để đạt được hiệu quả này là nhiệm vụ của tất cả các hội đoàn Công giáo, những người nhiệt thành trong việc đảm bảo lợi ích cho các Kitô hữu trong vấn đề này. Ở những quốc gia mà hoàn cảnh địa phương cho phép, các nhóm người nghe hoặc người xem có thể được tổ chức cho mục đích này, dưới sự giám sát của Văn phòng Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình Quốc gia được thành lập tại mỗi quốc gia.
Cuối cùng, người nghe radio nên ý thức rằng họ có nghĩa vụ khuyến khích các chương trình có uy tín, đặc biệt là những chương trình hướng tâm trí con người đến với Thiên Chúa. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi mà những học thuyết sai lầm và độc hại đang được lan truyền trên khắp không trung, khi mà bằng sự gây nhiễu có chủ ý, một loại "bức màn sắt" trên không đang được dựng lên với mục đích ngăn chặn sự thật có thể lật đổ đế chế của chủ nghĩa duy vật vô thần.
Trong thời đại này, khi hàng trăm ngàn người trên thế giới vẫn đang tìm kiếm ánh sáng bình minh của Tin Mừng, khi người bệnh và những người khuyết tật khác cũng đang mong mỏi được tham dự vào những lời cầu nguyện và nghi thức Thánh Lễ của cộng đồng Kitô hữu, thì chẳng phải các tín hữu, đặc biệt là những người sử dụng radio hàng ngày, nên nhiệt tình khuyến khích những chương trình như vậy hay sao?
Các chương trình tôn giáo
Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực đáng ghi nhận ở nhiều nơi nhằm gia tăng các chương trình Công giáo trên sóng phát thanh. Nhiều cá nhân, từ linh mục đến giáo dân, đã tiên phong trong nỗ lực này, dành nhiều tâm huyết để đảm bảo chương trình tôn giáo được coi trọng một cách xứng đáng, bởi việc thờ phượng Thiên Chúa là điều cao quý hơn cả.
Trong khi đó, trong khi suy tư về tiềm năng to lớn của phát thanh trong việc hỗ trợ sứ mạng loan báo Tin Mừng, và được thôi thúc bởi lời dạy của Chúa Giêsu: "Hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo", [49] chúng tôi tha thiết kêu gọi anh em Giám mục hãy nỗ lực gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình Công giáo, tùy theo nhu cầu và điều kiện của mỗi nơi.
Để thể hiện vẻ đẹp của các nghi thức phụng vụ, chân lý đức tin và các sự kiện liên quan đến Giáo hội một cách trang trọng và thu hút qua sóng phát thanh, đòi hỏi tài năng và kỹ năng đáng kể. Do đó, việc đào tạo bài bản về phương pháp truyền thông cho cả linh mục và giáo dân đảm nhận nhiệm vụ này là vô cùng cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, ở những nơi có điều kiện thuận lợi về trang thiết bị và kinh nghiệm sản xuất chương trình, nên tổ chức các khóa đào tạo bài bản, tạo điều kiện cho các nơi khác đến học hỏi kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật cho các chương trình tôn giáo trên sóng phát thanh.
Các Văn phòng Quốc gia có trách nhiệm khuyến khích, tổ chức và phối hợp các chương trình tôn giáo đa dạng trong phạm vi mình quản lý. Đồng thời, cần hợp tác chặt chẽ với ban quản lý các đài phát thanh khác, đảm bảo nội dung phát sóng luôn phù hợp với các giá trị đạo đức.
Các Giám mục cần ban hành những hướng dẫn cụ thể cho các giáo sĩ, bao gồm cả tu sĩ, đang làm việc tại các đài phát thanh và truyền hình, và giao cho các Văn phòng Quốc gia giám sát việc thực hiện.
Các đài phát thanh Công giáo
Chúng tôi đặc biệt muốn gửi lời động viên đến các đài phát thanh Công giáo. Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được muôn vàn khó khăn mà các đài phải đối mặt trong lĩnh vực này; tuy nhiên, Chúng tôi tin tưởng rằng công việc tông đồ mà Chúng tôi trân trọng này sẽ được các đài theo đuổi với năng lượng và sự cộng tác lẫn nhau.
Về phần mình, Chúng tôi đã sắp xếp để mở rộng và hoàn thiện Đài Phát thanh Vatican, đài phát thanh đã thực hiện công việc xuất sắc cho Giáo hội, một hoạt động ý nghĩa mà như Chúng tôi đã tuyên bố với các tín hữu Công giáo Hà Lan - những người đã đóng góp rất hào phóng cho đài. Hoạt động này đã đáp ứng tốt "những mong muốn tha thiết và nhu cầu thiết yếu của toàn thế giới Công giáo". [50]
Trách nhiệm của chương trình
Hơn nữa, Chúng tôi muốn biểu dương tất cả những giám đốc và nhà sản xuất chương trình phát thanh lương thiện vì sự nhận thức sâu sắc của họ về nhu cầu của Giáo hội, mà nhiều người trong số họ đã làm chứng bằng cách tự nguyện dành thời gian thích hợp để truyền bá Lời Chúa, hoặc bằng cách cung cấp các thiết bị cần thiết. Hành động này thể hiện sự tham gia của họ vào công việc tông đồ, được thực hiện ngay cả trên sóng phát thanh. Quả thực, như lời Chúa chúng ta đã hứa: "Ai tiếp đón một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ được lãnh phần thưởng của tiên tri". [51]
Ngày nay, chất lượng kỹ thuật cao trong các chương trình phát thanh đòi hỏi chúng phải phù hợp với các nguyên tắc đích thực của nghệ thuật; do đó, các tác giả và những người tham gia chuẩn bị và sản xuất chúng phải có nền tảng giáo lý vững chắc và một tâm hồn phong phú. Vì vậy, Chúng tôi tha thiết mời gọi họ, như Chúng tôi đã làm với các thành viên của ngành Điện ảnh, hãy khai thác một cách hiệu quả kho tàng phong phú của nền văn minh Kitô giáo. Cuối cùng, các giám mục hãy nhắc nhở các quan chức Nhà nước rằng một phần trách nhiệm của họ là thực hiện sự quan tâm đúng mức trong việc bảo vệ việc truyền tải các chương trình liên quan đến Giáo hội Công giáo, và cần đặc biệt lưu tâm đến các ngày lễ và nhu cầu tinh thần hàng ngày của các Kitô hữu.
4. TRUYỀN HÌNH (TELEVISION)
Thưa anh em đáng kính, về vấn đề còn lại, Chúng tôi muốn trao đổi đôi chút với anh em về Truyền hình, một phương tiện trong triều đại Giáo hoàng của Chúng tôi đã có những bước phát triển vượt trội ở một số quốc gia và đang dần phổ biến ở những quốc gia khác. Phương tiện truyền thông này không ngừng phát triển và chắc chắn đã trở thành một bước tiến quan trọng trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi luôn quan tâm theo dõi sự phát triển của nó với nhiều kỳ vọng, nhưng đồng thời cũng không khỏi băn khoăn. Một mặt, ngay từ đầu, Chúng tôi đã nhận thấy rõ những tiềm năng to lớn và lợi ích thiết thực mà nó mang lại. Nhưng mặt khác, Chúng tôi cũng nhận thức rõ và đã cảnh báo về những nguy cơ tiềm tàng cũng như sự lạm dụng của một số người đối với phương tiện truyền thông này. Truyền hình và Điện ảnh có nhiều điểm chung, bởi vì cả hai đều mang đến cho khán giả những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống; hơn nữa, nhiều chương trình truyền hình được chuyển thể từ các bộ phim điện ảnh. Truyền hình cũng sở hữu bản chất và sức ảnh hưởng mạnh mẽ như phát thanh, vì nó đến với mọi người ngay tại nhà riêng chứ không phải ở rạp chiếu phim. Chúng tôi xin không nhắc lại ở đây những huấn dụ về bổn phận của người xem, người nghe, nhà sản xuất và các cơ quan chức năng liên quan đến phim ảnh và phát thanh đã được đề cập trước đó. Chúng tôi cũng không cần nhắc lại tầm quan trọng của việc quan tâm, đầu tư đúng mức để xây dựng và phát triển các chương trình tôn giáo phù hợp.
Chương trình Công giáo
Chúng tôi nhận thấy đông đảo khán giả dành sự quan tâm đặc biệt đến các chương trình truyền hình về các sự kiện Công giáo. Dĩ nhiên, như Chúng tôi đã tuyên bố cách đây vài năm [52], việc theo dõi Thánh Lễ qua truyền hình không thể thay thế cho việc hiện diện trực tiếp tại Thánh Lễ, đặc biệt là vào các ngày lễ buộc. Tuy nhiên, việc xem các nghi thức tôn giáo trên truyền hình có thể mang lại những lợi ích quý báu, giúp củng cố đức tin và khơi dậy lòng sốt sắng cho những người vì lý do nào đó không thể tham dự trực tiếp. Do đó, Chúng tôi nhiệt thành khuyến khích các chương trình thuộc loại này.
Tại mỗi quốc gia, các Giám mục sẽ là người đánh giá sự phù hợp của các chương trình tôn giáo trên truyền hình và giao phó việc thực hiện cho Văn phòng được thành lập. Văn phòng này sẽ, như trong các vấn đề tương tự, chủ động thông tin, định hướng cho khán giả, đồng thời tổ chức và điều phối mọi hoạt động phù hợp với tinh thần và đạo đức Kitô giáo.
Những vấn đề đặc biệt về truyền hình
Bên cạnh những điểm chung với điện ảnh và radio, truyền hình còn sở hữu sức mạnh và ảnh hưởng riêng biệt. Nhờ loại hình nghệ thuật này, người xem có thể chứng kiến và lắng nghe những sự kiện diễn ra ở xa ngay lúc chúng đang diễn ra, từ đó thôi thúc họ tham gia một cách tích cực hơn. Cảm giác trực tiếp này càng được nhân lên khi xem trong môi trường gia đình ấm cúng.
Sức mạnh đặc biệt ấy của truyền hình mang đến niềm vui cho mọi nhà và được coi là rất quan trọng. Bởi lẽ, nó có thể đóng góp rất lớn cho đời sống đạo đức, sự phát triển trí tuệ và thói quen của các thành viên trong gia đình; đặc biệt là con trẻ, đối tượng dễ bị thu hút và ảnh hưởng bởi phát minh hiện đại này. Tuy nhiên, "chỉ một chút men cũng đủ làm dậy cả thúng bột" [53]. Nếu sự phát triển thể chất ở trẻ em có thể bị cản trở bởi một số mầm bệnh, khiến chúng không thể phát triển toàn diện, thì một yếu tố giáo dục lệch lạc lại càng có khả năng len lỏi vào đời sống tinh thần và cản trở sự hình thành nhân cách đúng đắn. Ai cũng biết, trẻ em có thể dễ dàng tránh được bệnh tật bên ngoài. Nhưng khi mầm bệnh đã len lỏi vào nhà, việc ngăn chặn sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Việc đưa rủi ro dưới bất kỳ hình thức nào vào sự thánh thiện của môi trường gia đình là điều sai trái. Do đó, Giáo hội, với quyền lợi và bổn phận của mình, đã luôn nỗ lực hết sức để ngăn chặn những cánh cổng thiêng liêng này bị xâm phạm, dưới bất kỳ lý do nào, bởi những chương trình truyền hình xấu.
Bên cạnh những lợi thế khác, truyền hình còn giúp người già và trẻ nhỏ dễ dàng thụ hưởng ngay tại nhà. Do đó, phương tiện này có thể củng cố tình cảm gắn bó và yêu thương trong gia đình, miễn là những gì được trình chiếu không đi ngược lại với những đức tính cao đẹp đó.
Tuy nhiên, một số người hoàn toàn phủ nhận khả năng hiện thực hóa những yêu cầu cao cả này, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Họ cho rằng, việc thỏa mãn nhu cầu của khán giả khiến họ không thể để bất kỳ khoảng thời gian nào bị bỏ trống. Hơn nữa, họ buộc phải luôn có sẵn nhiều chương trình đa dạng, đôi khi phải trình chiếu những chương trình ban đầu chỉ dành cho nhà hát công cộng. Cuối cùng, họ lập luận rằng truyền hình không chỉ dành cho giới trẻ mà còn dành cho cả người lớn.
Chúng tôi thừa nhận rằng, trong vấn đề này, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì thế mà trì hoãn việc tìm ra giải pháp. Bởi lẽ, việc sử dụng loại hình nghệ thuật này một cách thiếu kiểm soát đã và đang gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội, mức độ nghiêm trọng đến nay vẫn rất khó đánh giá.
Để việc tháo gỡ những khó khăn có thể tiến triển song song với việc sử dụng truyền hình ngày càng tăng ở mỗi quốc gia, cần phải nỗ lực hết sức để chuẩn bị nhiều chương trình khác nhau, đảm bảo chúng phù hợp về cả mặt nội dung, đạo đức lẫn kỹ thuật truyền hình.
Vì lý do này, Chúng tôi tha thiết kêu gọi những người Công giáo có kiến thức, học thuyết vững chắc và am hiểu nghệ thuật - đặc biệt là các giáo sĩ, các thành viên của các Dòng tu và Hội dòng - hãy hướng sự chú ý đến loại hình nghệ thuật mới này và tích cực hợp tác để bất kỳ lợi ích nào mà quá khứ và tiến bộ thực sự đã đóng góp cho sự phát triển của tâm trí, cũng có thể được sử dụng một cách đầy đủ cho lợi ích của truyền hình.
Ngoài ra, điều cần thiết là các nhà sản xuất phim truyền hình không chỉ lưu tâm đến việc giữ gìn nguyên vẹn các nguyên tắc tôn giáo và danh dự, mà còn phải đặc biệt cảnh giác trước nguy cơ mà giới trẻ có thể gặp phải nếu họ xem những chương trình dành cho người lớn. Đối với các buổi biểu diễn tương tự được trình chiếu trong rạp chiếu phim và nhà hát, để gìn giữ lợi ích chung, các biện pháp phòng ngừa thích hợp đã được thực hiện một cách có chủ ý ở hầu hết các quốc gia văn minh, với mục đích ngăn chặn giới trẻ tiếp cận các hình thức giải trí vô đạo đức. Nhưng ai cũng biết là truyền hình - và với lý do chính đáng hơn - cần có những lợi ích và biện pháp bảo vệ của sự cảnh giác cao độ. Thật đáng khen ngợi khi ở một số quốc gia, các mục cấm trẻ em xem đã bị loại khỏi các chương trình truyền hình; nhưng nếu xảy ra trường hợp một số nơi cho phép những điều như vậy, thì ít nhất, các biện pháp phòng ngừa nhất định là hoàn toàn cần thiết.
Thật vô ích nếu ai đó cho rằng những nguyên tắc xuất sắc và lương tâm ngay thẳng của những người tham gia vào các loại hình nghệ thuật này là đủ để đảm bảo rằng không có gì ngoài điều tốt đẹp chảy ra từ màn hình nhỏ, hoặc để loại bỏ tất cả những gì xấu xa. Do đó, trong vấn đề này, sự thận trọng và cẩn trọng đặc biệt được yêu cầu đối với những người sử dụng truyền hình. Sử dụng một cách vừa phải, thận trọng trong việc cho phép trẻ em xem theo các độ tuổi khác nhau, đánh giá cân bằng dựa trên những gì đã xem trước đó, và cuối cùng, loại trừ trẻ em khỏi những gì có ý nghĩa không phù hợp: tất cả những điều này là nghĩa vụ nặng nề đối với cha mẹ và tất cả những người tham gia vào giáo dục.
Chúng tôi không bỏ qua thực tế là những chỉ thị mà Chúng tôi vừa đưa ra trong phần cuối có thể đôi khi tạo ra những khó khăn nghiêm trọng và sự bất tiện đáng kể; bởi vì nhận thức được vai trò của mình là nhà giáo dục, cha mẹ thường sẽ phải nêu gương rõ ràng cho con cái của họ, và cũng bảo chúng phải tự từ chối - không phải là không có một số hy sinh cá nhân - một số chương trình mà chúng muốn xem. Nhưng ai nghĩ rằng gánh nặng đối với cha mẹ là quá nặng nề khi lợi ích cao nhất của con cái đang bị đe dọa?
Điều này là như vậy, - như Chúng tôi đã tuyên bố trong một bức thư gửi cho các Giám mục Ý - "nhu cầu cấp thiết nhất là lương tâm của người Công giáo đối với truyền hình phải được hình thành bởi các nguyên tắc vững chắc của tôn giáo Kitô giáo"; [54] hơn nữa, để loại hình nghệ thuật này không phục vụ cho sai lầm hoặc quảng trường của tệ nạn, mà là một sự giúp đỡ "để giáo dục và đào tạo con người, và nhắc nhở họ về trạng thái cao hơn của họ". [55]
LỜI KẾT
Gửi đến hàng giáo sĩ
Anh em khả kính, chúng tôi không thể kết thúc Bức thư này mà không nhắc nhở quý anh em về tầm quan trọng của chức năng được giao phó cho các linh mục trong việc khuyến khích và làm chủ những phát minh ảnh hưởng đến truyền thông, không chỉ trong các lĩnh vực khác của sứ vụ tông đồ, mà đặc biệt là trong công việc thiết yếu này của Giáo hội.
Các linh mục cần phải có kiến thức đầy đủ về tất cả các vấn đề mà các Kitô hữu phải đối mặt liên quan đến Điện ảnh, Radio và Truyền hình. Như Chúng tôi đã nói trong một bài diễn văn trước những người tham gia Tuần lễ Nghiên cứu về việc cập nhật thực hành mục vụ ở Ý vào thời điểm hiện tại, "Vị mục tử 'chăm sóc các linh hồn' có thể và phải biết những gì khoa học, nghệ thuật và kỹ thuật hiện đại khẳng định bất cứ khi nào chúng động chạm đến cứu cánh của con người và đời sống luân lý và tôn giáo của họ". [56] Hãy để các linh mục học cách sử dụng chính xác những phương tiện này thường xuyên như khi nào, theo phán đoán thận trọng của thẩm quyền Giáo hội, bản chất của thừa tác vụ được giao phó cho họ và nhu cầu hỗ trợ ngày càng tăng của các linh hồn đòi hỏi. Cuối cùng, nếu những phương tiện truyền thông này được linh mục sử dụng một cách có lợi, thì sự khôn ngoan, tự chủ và tinh thần trách nhiệm của họ sẽ tỏa sáng như một tấm gương cho mọi Kitô hữu.
Tổng kết
Kính gửi chư huynh khả kính,
Chúng tôi quyết định chia sẻ cùng chư huynh những suy tư và trăn trở, mà chắc hẳn chư huynh cũng đồng cảm, về những nguy cơ tiềm ẩn đối với Đức tin và luân lý Kitô giáo. Những phát minh to lớn như Điện ảnh, Radio và Truyền hình, tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu, gây phương hại đến tâm hồn con người.
Tuy nhiên, chúng tôi không vì thế mà phủ nhận những ưu điểm và tiềm năng to lớn mà những phương tiện truyền thông hiện đại này mang lại. Dưới ánh sáng của giáo huấn Kitô giáo và Luật tự nhiên, chúng tôi đã nêu rõ những nguyên tắc nền tảng để định hướng và điều chỉnh hành động của cả người sản xuất lẫn người tiếp nhận thông tin. Hơn nữa, với mong muốn ơn Chúa được lan tỏa và cứu rỗi các linh hồn, chúng tôi tha thiết kêu gọi chư huynh không chỉ cảnh giác trước những nguy cơ tiềm ẩn mà còn chủ động hành động, sử dụng thẩm quyền của mình một cách tích cực và khôn ngoan.
Các Văn phòng Quốc gia, mà chúng tôi xin gửi lời tán dương, có sứ mạng quan trọng không chỉ trong việc bảo vệ mà còn là định hướng, tổ chức và hỗ trợ các dự án giáo dục, nhằm lan tỏa những giá trị Kitô giáo rộng rãi hơn nữa thông qua nghệ thuật.
Chúng tôi tin tưởng vững chắc vào chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa, và tin rằng những lời kêu gọi và hướng dẫn này, được Ủy ban Giáo hoàng về Điện ảnh, Truyền Thanh và Truyền hình tận tâm thực thi, sẽ thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho sứ vụ tông đồ trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Với niềm hy vọng ấy, và với lòng tin tưởng vào sự nhiệt thành mục vụ của chư huynh, chúng tôi xin gửi đến chư huynh, cùng toàn thể giáo sĩ và giáo dân, Phép lành Tòa Thánh như một ân ban từ trời cao. Xin Chúa chúc lành cho những ai đang dấn thân cống hiến để biến những mong muốn và lời chỉ dạy của chúng tôi thành hiện thực.
Từ Vatican, Rôma, ngày 8 tháng 9, lễ Sinh nhật Đức Mẹ năm 1957,
năm thứ mười chín triều đại Giáo hoàng của Chúng tôi.
Đức Giáo Hoàng Piô XII
Tu sĩ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM
Chuyển ngữ từ: vatican.va
Nguồn: communication-theology.com
[1] Thánh Gioan Kim Khẩu, De consubstantiali, contra Anomoéo: P.G., 48,810. (số kề bên là số cũ)
[2] Ephes. 3:8-9
[3] 1Pr 1: 18-19
[4] Thông điệp qua Radio “Qui arcano”, ngày 12 tháng 2 năm 1931: AAS, vol. XXIII, 1931, trang 65.
[5] Thông điệp "Vigilanti cura", ngày 29 tháng 6 năm 1936: A. A. S., vol. XXVIII, 1936, trang 249 sq.
[6] Sđd., trang 251.
[7] Xem A. A. S., ngày 16 tháng 12 năm 1954, vol. XLVI, 1964, trang 783-784.
[8] Xem Bài Giảng cho các tín hữu Hà Lan, ngày 19 tháng 5 năm 1950: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. XII, trang 75.
[9] Rm 10,16.
[10] Mt 22,16.
[11] Xem Bài Giảng cho các nghệ sĩ điện ảnh Ý tại Roma, ngày 21 tháng 6 năm 1955: A. A S., vol. XLVII, 1955, trang 504.
[12] Mt 11,30
[13] Xem Bài Giảng cho các chuyên gia phát thanh từ khắp nơi trên thế giới tại Roma, ngày 5 tháng 5 năm 1950: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. XII, trang 54.
[14] Rm 5,5
[15] Mt 5,48
[16] Tông thư, ngày 12 tháng 1 năm 1951: A. A. S., vol XLV, 1952, trang 216-217.
[17] Sđd.., trang 216.
[18] Mt 13,27
[19] Mt 13,28
[20] 1Tx 5,21-22
[21] Xem Bài Giảng nhân kỷ niệm 500 năm ngày mất của Thánh Tôma Aquinô, tại Vatican ngày 20 tháng 4 năm 1955: A. A. S., vol. XLVII, 1955, trang 291-292; Thông điệp "Musicae Sacrae", ngày 25 tháng 12 năm 1955: A. A. S., vol. XLVIII, 1956, trang 10.
[22] Rm 11,15
[23] Bài Giảng cho các nghệ sĩ điện ảnh Ý tại Roma, ngày 21 tháng 6 năm 1955: A. A. S., vol. XLVII, 1955, trang 505.
[24] Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologica, I.q.1, a.9.
[25] Sđd. I, q. 67, a. 1.
[26] Bài Giảng cho Hiệp hội Phát thanh Ý, ngày 3 tháng 12 năm 1944: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio Xll, vol. VI, trang 209.
[27] Bài Giảng cho Hội đồng Thông tin Liên Hợp Quốc, ngày 24 tháng 4 năm 1956: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio Xll, vol. XVIII, trang 137.
[28] Ga 8,32
[29] Xem Thông điệp qua Radio cho các tín hữu Colombia, ngày 11 tháng 4 năm 1953, nhân dịp khánh thành Đài Phát thanh Sutatenza: A. A. S., vol. XLV, 1953, trang 294.
[30] Thông điệp "Vigilanti cura", ngày 29 tháng 6 năm 1936: A. A. S., vol. XXVIII, 1936, trang 255.
[31] Thông điệp "Vigilanti cura": sđd., trang 254.
[32] Xem Huấn từ về Truyền hình, ngày 1 tháng 1 năm 1954: A. A. S., vol. XLIV, năm 1964, trang 21.
[33] Xem Bài Giảng cho các nhà lãnh đạo, giảng viên và thành viên của Hiệp hội các Viện Khảo cổ, Lịch sử và Lịch sử Nghệ thuật Quốc tế, ngày 9 tháng 3 năm 1956: A. A. S., vol XLVIII, 1966, trang 212.
[34] Thông điệp "Vigilanti cura", ngày 29 tháng 6 năm 1936: A. A. S., vol. XXVIII, 1936, trang 261.
[35] Xem Bài Giảng cho các nghệ sĩ điện ảnh Ý tại Roma, ngày 21 tháng 6 năm 1955, A. A. S., vol. XLVII, 1955, trang 501-502.
[36] Xem Bài Giảng cho các nghệ sĩ điện ảnh tại Roma, ngày 28 tháng 10 năm 1955: A. A. S., vol. XLVII, 1955, trang 817.
[37] Xem các Bài Giảng ngày 21 tháng 6 và ngày 28 tháng 10 năm 1955; sđd., trang 502, 505 và 816 tt
[38] Thông điệp "Vigilanti cura", ngày 29 tháng 6 năm 1936: A. A. S., vol. XXVIII, 1936, trang 260-261.
[39] Xem Bài Giảng cho các nghệ sĩ điện ảnh Ý tại Roma, 21-06-1955; AAS, vol XLVII, 1955, trang 512
[40] Thông điệp “Vigilanti cura”, 29-06-1936; AAS, vol. XXVIII, 1936, trang 260.
[41] Xem Bài Giảng của Đức Piô XII cho các Cha Sở và các Giảng thuyết tại Roma trong Mùa Chay, ngày 5 tháng 3 năm 1957: xem nhật báo L'Osservatore Romano, ngày 6 tháng 3 năm 1957.
[42] Xem Bài Giảng về Nghệ thuật Sân khấu, ngày 26 tháng 8 năm 1945: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. VII, trang 157.
[43] Mt 5,16
[44] Xem Thư của Đức Piô XII gửi các tín hữu Đức, nhân dịp Đại hội "Katholikentag" tại Berlin, ngày 10 tháng 8 năm 1952: A. A. S., vol. XLIV, 1952, trang 725.
[45] Xem Bài Giảng ngày 3 tháng 12 năm 1944: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. VI, trang 209.
[46] Xem Thông điệp qua Radio cho những người tham dự Đại hội Truyền thông Quốc tế lần thứ ba, kỷ niệm 60 năm ngày phát minh ra điện báo không dây, tại Genova: A. A. S. vol. XLVII, 1955, trang 736.
[47] Gc 3,8-10
[48] Xem Bài Giảng của Đức Piô XII ngày 3 tháng 10 năm 1917, kỷ niệm 50 năm ngày phát minh ra kỹ thuật vô tuyến điện: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. IX, trang 267.
[49] Mc 16,15
[50] Xem Bài Giảng cho các tín hữu Hà Lan, ngày 19 tháng 5 năm 1950: Discorsi e Radiomessaggi di S. S. Pio XII, vol. XII, trang 75.
[51] Mt 10,41
[52] Xem Bài Giảng cho các chuyên gia phát thanh từ khắp nơi trên thế giới: ngày 5 tháng 5 năm 1950; Discorsi e Radiomessaggi di S S. Pio XII, vol. XII, trang 75.
[53] Gl 5,9
[54] Xem Huấn từ Tông đồ về Truyền hình, ngày 1 tháng 1 năm 1954: A.A.S., vol. XLVI, 1954, trang 23.
[55] Xem Bài Giảng về tầm quan trọng của Truyền hình, ngày 21-10-1955: A. A. S., vol. XLVII, 1955, trang 777.
[56] Xem Bài Giảng ngày 14 tháng 9 năm 1956: A. A. S. vol. XLVIII, 1956, trang 707.
bài liên quan mới nhất
- Hy vọng trong thời đại kỹ thuật số: Những đề xuất mục vụ cho giới trẻ
-
Vatican ra mắt bảng giới thiệu trực tuyến về Hồng y đoàn -
Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio - Hiệp thông và Tiến bộ -
Truyền thông Công giáo được kêu gọi loan truyền Tin Mừng -
Truyền thông và những giấc mơ đẹp -
Trí tuệ nhân tạo và Giáo hội: AI đang định hình công tác mục vụ như thế nào? -
Các nhà truyền giáo kỹ thuật số Công giáo được mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng trực tuyến -
Liên nhóm Mục vụ Truyền Thông Tân Chí Thọ mừng Bổn mạng 19.10.2024 -
Hiệp hội Truyền thông Công giáo Á châu tổ chức Đại hội 2024 -
Thoáng nhìn Trí tuệ nhân tạo theo quan điểm Kitô giáo: Cơ hội và thách đố
bài liên quan đọc nhiều
- Ảnh hưởng của mạng xã hội đối với giới trẻ
-
Cậu bé 14 tuổi gặp Chúa nhờ video Công giáo -
Kết quả Tổng điều tra dân số 2019 -
Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024: Trí tuệ nhân tạo và hòa bình -
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông trong đời sống nhân loại hôm nay (2) -
Học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2023 -
Bộ Truyền Thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội -
Hội ngộ Truyền thông thường niên 2021 của Công giáo Việt Nam -
ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Ngày Thế giới Truyền Thông 2020 - Những bài học từ đại dịch Covid-19 -
Hiệu quả của Truyền thông Công giáo