Lễ Phục Sinh cho người Hàn Quốc ở TP.HCM

Lễ Phục Sinh cho người Hàn Quốc ở TP.HCM

WGPSG -- Vào lúc 9 giờ 30 ngày 04/04/2010, Thánh lễ Phục Sinh dành cho người Công giáo Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, đã được cử hành trọng thể tại Nguyện Đường lầu 3 của Giáo xứ Vườn Xoài, số 413 Lê Văn Sĩ, quận 3. 

Cùng đồng tế với Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, có cha Chánh xứ Phêrô Phan Khắc Từ, cha Phêrô Nguyễn Cao Sâm - thông dịch - và cha Bênêđictô Choi Hyon-Uk. Thánh lễ có sự tham dự của gần 400 người Công giáo Hàn Quốc.

Trong dịp này, Đức Hồng Y cũng đã trao ban Bí tích Thêm Sức cho 61 người Hàn Quốc.

Trang trọng, trật tự và sốt sắng

Đó là những nét nổi bật trong Thánh lễ hôm nay. Không cần nhắc nhở, ai đến trước thì ngồi hàng ghế trên, và ngồi vào phía trong để thuận tiện cho người đến sau ngồi phía ngoài. Cứ thế, lần lượt mọi người đã ngồi chật kín Nhà Nguyện, tràn ra bên ngoài và xuống tận phía cuối Nhà Nguyện.

Rất trật tự, không ai nói tiếng nào, chỉ có những nụ cười bằng mắt và các bàn tay chìa ra nhẹ nhàng hướng dẫn hoặc nhường chỗ. Riêng những gia đình có đem theo các nhi đồng, họ tự động vào trong một căn phòng nhỏ cách âm, bên phải phía cuối Nhà Nguyện, để trong đó, sự hiếu động của chúng không gây ảnh hưởng cho buổi lễ. Nơi đây, có một màn hình rất rõ nét để họ tiện theo dõi mọi diễn biến trên bàn thờ.

Tất cả đều nhẹ nhàng và thinh lặng. Nhiều người mặc trang phục dân tộc rất đẹp. Họ cầm trên tay nhiều loại hoa: hoa huệ, hoa lan, hoa lay ơn, hoa tuylip. Người thì cầm một bông hoa, kẻ khác cầm một đoá hoa, kẻ khác nữa cầm một lẵng hoa. Nói chung, rất nhiều các loại hoa đã được mang tới để dâng lên mừng Chúa Phục Sinh. Phong cách của người Hàn Quốc khi tham dự thánh lễ đã làm cho bầu không khí của Nguyện Đường toát lên vẻ trang trọng đặc biệt và rất thánh thiêng.

Từ những điều kỳ diệu …

Với sự thông dịch của cha Phêrô Nguyễn Cao Sâm, phần giảng lễ của Đức Hồng Y đã được cộng đoàn Công giáo Hàn Quốc đón nhận thật nồng nhiệt.

Triển khai bài Tin Mừng và hai bài đọc Sách Thánh, Đức Hồng Y đã nói về ngôi mộ trống, một lý chứng không thể phản bác về sự sống lại của Đức Giêsu. Từ đó, qua mọi thời đại, hàng tỷ người trên thế giới đã tin vào sự Phục Sinh của Chúa Cứu Thế.

Nhờ tin vào Đấng Phục Sinh mà sức mạnh kỳ diệu đã từng bước xây dựng và phát triển sự sống toàn diện và hạnh phúc bền lâu của con người.

Ngài đã kể về một số lần đến thăm Hàn Quốc: “Tôi đã thấy những điều kỳ diệu ấy trên đất nước của các bạn (…) Trong Thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng một lòng tạ ơn Chúa về những điều kỳ diệu đó.

Sau phần giảng lễ, 61 người nam nữ Hàn Quốc đã nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức từ tay Đức Hồng Y. Con số 61 người được Thêm Sức hôm nay là một con số khá lớn, so với một cộng đoàn tương đối nhỏ như cộng đoàn Hàn Quốc đang sống ở đây. Nhưng đó cũng là con số bình thường, vì cứ 2 hoặc 3 năm thì cộng đoàn này mới tổ chức lễ Thêm Sức một lần.

đến “Một ca đoàn trong mơ”…

Những lời cuối lễ, ĐHY đã chia sẻ hai điều, ngài nhắc đến những lần đến thăm Hàn Quốc từ năm 2004. Ở những nơi đó, ngài đã được nghe trình diễn dân ca và thánh ca. Và hôm nay, lại được nghe một ca đoàn rất chuyên nghiệp, hình như đều xuất thân cùng một trường. Xin hết lòng chúc mừng về điều ấy.

Một tràng pháo tay thật dài đã vang lên sau lời chúc mừng của ĐHY.

Quả thật, ca đoàn Hàn Quốc hôm nay, từ trang phục đến cung cách biểu diễn, rồi kỹ thuật điều âm phối bè đã nói lên một đẳng cấp mà, theo cách nói của ĐHY là rất chuyên nghiệp. Nhiều người khác lại nhận định, đây là một ca đoàn trên cả tuyệt vời, một ca đoàn trong mơ. “Ai yêu mến mà không hề nói quá”…một câu thơ đã viết như vậy, vì thế, dù cách nói ấy có thể là đã quá lời, nhưng cũng chỉ muốn nói lên lòng mến mộ đối với một ca đoàn mà thôi.

Điều thứ hai, ngài nói tiếp: “Ngày hôm kia, trong một bữa cơm tại Seoul, tôi đã hỏi vị Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Hàn Quốc đại ý rằng, tuy đời sống của người Nhật phát triển khá cao về mọi mặt, nhưng riêng về các tôn giáo lại kém phát triển hẳn so với Hàn quốc, tại sao vậy? thì được trả lời rằng, có lẽ do người Hàn Quốc có sẵn lòng đạo đức nên dễ dàng phát triển hơn.

Cuối cùng, ngài nguyện chúc hai dân tộc Hàn – Việt sẽ cùng giúp nhau phát triển lòng đạo như tại Hàn Quốc hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Video: Lễ Phục Sinh cho người Hàn Quốc ở TP.HCM

…và những trái trứng gà Phục sinh 

Sau Thánh lễ, mỗi người được tặng một hoặc hai trái trứng gà tùy theo đi lẻ hoặc đi cặp đôi. Trứng gà đã luộc sẵn, được gói trong các bao nhiều màu và thắt nơ rất đẹp.

Cha Phêrô Nguyễn Cao Sâm đã giải thích ý nghĩa rằng, Trứng gà (trứng Phục Sinh) là biểu tượng Mùa Xuân, mùa của sự sống, cũng là sự tái sinh của muôn loài vạn vật, và do đó, sự phục sinh cũng là sự đổi mới từ con sâu hóa thành con bướm. Biểu tượng và phong tục (tặng trứng gà luộc hay trứng sôcôla) này là của Kitô giáo ở Âu Mỹ và Hàn quốc (nơi có hơn 1/3 dân số theo Kitô giáo). Từ rất lâu đời, hình ảnh và phong tục này đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Hàn.

Hiệp nhất

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón nhận rất nhiều ngoại kiều đến đây từ khắp nơi thế giới. Do sự quan phòng của Chúa, nên trong số các nhóm ngoại kiều này đã có nhiều người tin vào Chúa Kitô. Họ đến từ các nước gần như Phi luật Tân, Mã Lai, Singapore hoặc rất xa như Ấn độ, Mỹ, Ba Lan, Vương quốc Anh… Vì nhu cầu tâm linh tôn giáo là không thể thiếu, do đó, Nhà nguyện Công giáo quốc tế ra đời, do sáng kiến của các giáo dân ngoại kiều này, với tiêu chí: “Hiệp nhất bởi Chúa Kitô, hiệp nhất trong Giáo Hội”.

Cách riêng với cộng đoàn người Công giáo Hàn quốc, trước đây, ngày 30/9/1995, lúc đó chỉ với 25 tín hữu, họ đã được tham dự Thánh lễ đầu tiên do cha Oh Tae – Soon và cha Phêrô Khanh cùng đồng tế tại Lầu 3 Trà Bái, đường Cách mạng tháng 8, TPHCM.

Sau đó, vào tháng Giêng năm 1996, với sự giúp đỡ của cha Chánh xứ Phêrô Phan Khắc Từ, cộng đoàn đã được chuyển về đây sinh hoạt. Cha Chánh xứ dâng lễ bằng Tiếng Việt, sau này, cha học tiếng Hàn quốc và dâng lễ bằng tiếng Hàn quốc.

Vào tháng 12/2003, cha Inhaxiô từ Giáo phận Busan chính thức được bổ nhiệm giúp cộng đoàn Hàn quốc tại GX Vườn Xoài, các hoạt động tôn giáo bắt đầu lớn mạnh. Hiện nay, cứ vào 19 giờ tối Thứ tư hàng tuần đều có Thánh lễ. Riêng ngày Chúa Nhật phải cử hành hai Thánh lễ lúc 9 giờ 30 sáng và 19 giờ, vì Nhà nguyện không đủ chỗ cho khoảng 400 tín hữu dự lễ cùng một thời điểm.

Thánh lễ Phục sinh cho người Hàn quốc hôm nay đã kết thúc lúc 11 giờ 30, một Thánh lễ đã để lại trong tôi những dấu ấn không thể phai nhoà với nhiều cảm xúc có lúc tưởng chừng mâu thuẫn.

Có lúc, niềm vui Phục Sinh dường như vỡ oà với những ồn ào sôi động chẳng thể kìm nén.

Lúc khác, niềm vui Phục sinh lại như lắng xuống, chìm sâu, khi ngay trước mắt tôi, đang có biết bao dòng người thuộc các dân nước khác nhau, họ đã đến đây, rồi họ sẽ tản đi bốn phương tám hướng để loan báo Tin Vui Chúa đã Sống Lại rồi.

Bất giác, tôi nhận ra mình đang ngân nga nho nhỏ những thanh âm tràn niềm vui: Alleluia! Alleluia!

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top