Lễ an táng: Sao không được cử hành?
Lá thư gửi bạn số 5
Bạn thân mến
Cám ơn anh đã chia buồn với gia đình tôi khi nghe tin mợ út của bà xã tôi vừa qua đời. Nỗi buồn của chúng tôi thực sự nhân đôi khi mợ út không được vào nhà thờ để được Giáo hội ban những nghi thức cần thiết sau cùng như bao tín hữu khác, trước khi trở về lòng đất. Chúng tôi dự lễ tang ra về mà lòng mang nặng một nỗi niềm cho Giáo hội Việt Nam, một Giáo hội đang khát khao hội nhập văn hóa dân tộc. Nhận được thư anh, tôi rất mừng được tâm sự với anh.
Theo giáo luật, những tín hữu nào lúc còn sống phạm những tội công khai, gây gương xấu cho cộng đoàn xứ đạo thì sau khi qua đời không được đưa đến nhà thờ giáo xứ dâng lễ an táng và cũng không được chôn cất trong nghĩa trang của giáo xứ. Thí dụ: rối hôn phối, an tử, tự tử… Hội Thánh cũng hiểu, vào những giây phút cuối đời nếu người tín hữu ấy biết sám hối thì Lòng Thương xót Chúa cứu họ khỏi trầm luân muôn đời. Nhưng điều đó chỉ có Chúa biết và đương sự biết. Nên các động thái chế tài trên không mang tính xét xử đương sự, nhưng chỉ có giá trị răn đe nhằm tránh gương xấu lây lan cho cộng đồng Dân Chúa. Tuy nhiên, Hội Thánh vẫn cho phép mọi hình thức cầu nguyện khác như làm nghi thức tẩn liệm, cầu lễ … và cả dâng Thánh lễ tại gia nữa.
Điểm mấu chốt ở đây là mợ út không vi phạm một điều nào trong giáo luật vừa nêu. Mợ là một giáo dân suốt cuộc đời sống gương mẫu giữa xứ đạo. Thế thì tại sao bà mợ không được hưởng những quyền lợi tối thiểu theo giáo luật qui định? Khi đến dự tang lễ, chúng tôi tìm hiểu lí do nào đã khiến cha xứ cấm đưa mợ chúng tôi vào nhà Chúa lần sau cuối, thì tôi được biết, từ ba mươi năm qua, giữa lòng một Giáo hội địa phương nang động nhất nước, giáo xứ của mợ đã có một luật: không cho phép bất cứ đám xác nào vào nhà thờ vì sợ gây ô uế thánh đường của giáo xứ. Buồn hơn nữa, khi có ‘nhà hiếu’ nào muốn báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, muốn không hụt hẫng giữa cộng đồng dân cư coi trọng đạo hiếu Á Đông, họ phải cố gắng đưa thân nhân đến lễ an táng tại một thánh đường khác, thì họ phải nhận lãnh những lời lẽ không tốt đẹp của cha xứ trên bục giảng, giữa thánh đường.
Đó là một hủ tục, hoàn toàn đi ngược lại truyền thống Đạo Hiếu Việt Nam. Như thế là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc sao? Quyền lợi chính đáng của tất cả con chiên trong gia đình giáo xứ này kể cả mợ tôi cũng bị cắt đứt, dù mợ thường xuyên công tác đoàn thể, quét dọn thánh đường, và còn động viên con cháu hợp tác vào ca đoàn, vào lễ sinh, vào giáo lý viên, để mong được một kết thúc có hậu ! Nhưng nào có được... Sáng hôm ấy, nhiều thân nhân dưới lục tỉnh cố gắng ngồi xe đêm lên đây để mong đưa mợ đến nhà thờ chịu các phép sau cùng, nhưng nào ngờ…
Quyết định của cha xứ đã gây biết bao bức xúc đớn đau cho biết bao nhà hiếu, biết bao năm qua. Viết đến đây tôi chợt nhớ tới lời của một vị linh mục: chúng ta sinh ra không được chọn lựa giáo xứ, gia cảnh giàu nghèo… Để tôi kể qua cho anh chị những hủ tục trong các giáo xứ tại thành phố này. Có giáo xứ rất hạn chế Thánh lễ cầu hồn tại gia. Có cha xứ từ chối ban phép Xức Dầu cho người tự tử. Có cha xứ lại ra luật: không cho phép đưa xác tín hữu vướng xì ke ma túy đến nhà thờ lần cuối. Nghĩa là đến lúc chết những anh em lầm lỡ này cũng không được tái hòa nhập vào cộng đồng gia đình giáo xứ v.v…
Người con gái của mợ út, một giáo lý viên xấp xỉ tuổi 30, chia sẻ trong nước mắt: Vài ba năm, một vài người có máu mặt, thân thiết với cha xứ qua đời, thì được đến nhà thờ lần cuối trong Thánh lễ an táng. Trước việc phân phát ơn Chúa cách phân biệt và không đồng đều như thế, hệ quả tất yếu là các hội đoàn trong giáo xứ rời rạc, ca đoàn, lễ sinh thưa thớt…
Tôi phải khuyên lơn, an ủi họ thế nào đây?
Phép vua thua lệ làng. Đã sinh vào gia đình giáo xứ nào thì phải đành cam nhận gia cảnh đó thôi. Tôi nghĩ vị Chủ Chăn Giáo phận chưa hay biết tệ trạng này. Mà nếu có hay biết, thì có lẽ cũng khó giải quyết. Phép vua thua lệ làng. Sống trong những gia đình giáo xứ thiếu tình người như thế, những thế hệ tín hữu trẻ Việt Nam nghĩ gì và tiếp theo họ sẽ hành động gì và sống đạo ra sao? Nơi các giáo hội phương tây, cả đời người tín hữu chỉ muốn đến thánh đường ba lần. Có lẽ, rồi đây tín hữu Việt Nam sẽ chỉ đến thánh đường hai lần trong đời: lúc nhận phép Thánh tẩy và khi làm phép Hôn phối!
Anh thân mến, cho phép chúng tôi gửi lời cảm ơn và thăm hỏi chị và các cháu. Trong tháng 11 này, hiệp ý với Giáo hội toàn cầu, chúng ta cùng xin Thiên Chúa xót thương xá tội cho các tín hữu qua đời, đặc biệt cho mợ út. Chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho những vị mục tử, là những gia trưởng gia đình giáo xứ, biết hy sinh thời giờ, tiền bạc, sức khỏe cho con chiên trong gia đình xứ đạo của mình. Ba mẹ đôi khi cũng làm những điều sai trái xúc phạm đến con cái trong gia đình, thì con cái càng phải cầu nguyện cho các ngài nhiều hơn. Chỉ có ơn Chúa mới biến đổi được lòng người thế gian.
Cảm ơn anh, chúng ta nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.
Thân mến chào bạn.
bài liên quan mới nhất
- Cầu nguyện như thánh Augustinô
-
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ ba Năm Sự Vui - Chúa Giêsu Kitô giáng sinh -
Thực hành Mùa Vọng -
Tại sao ngày Chúa Giêsu ra đời được gọi là Christmas? -
Ngôn sứ Isaia - Ngôn sứ của Mùa Vọng -
Bài giảng Mùa Vọng, mở lòng ngạc nhiên thán phục trước sự mới mẻ của Thiên Chúa -
Hành hương thời Cựu ước - Phần 2: Về miền đất hứa -
Mùa Vọng và Lời Hứa với Nhà Đavít -
Bốn cách để noi gương Thánh Giuse trong Mùa Vọng này -
Những Cánh Cửa của Hy Vọng
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19