Kỷ niệm 150 năm khám phá ra dầu hỏa
Phỏng vấn ông Carlo Stagnaro, giám đốc nghiên cứu và học hỏi thuộc học viện Bruno Leoni
Cách đây 150 năm vào cuối tháng 8 năm 1859, hãng Pensylvania Rock Oil ra lệnh cho đại tá Edwin Drake đóng cửa xưởng khai thác dầu hỏa, vì sau một năm khoan hết chỗ này đến chỗ nọ mà không tìm ra dầu. Ông Drake thật ra đã chẳng bao giờ đi lính, nhưng để cho dân chúng vùng Titusville kính nể ông một chút người ta gọi ông là đại tá. Ông được hãng khai thác dầu hỏa Pensylvania Rock Oil gửi tới Titusville năm 1857. Người dân tại đây ngày ngày thấy ông vác dây chão và các trục khoan và áp dụng các kỹ thuật khoan hầm muối vào việc khoan dầu, mà họ gọi là ”trò điên của lão Drake”.
Sau một năm rưỡi trời lao công khổ nhọc, đại tá Drake cũng thất vọng ngã lòng. Hãng Pensylvania Rock Oil cũng hết tiền, và ông giám đốc hãng là James Townsend đã ra lệnh cho đại tá Drake trả hết mọi thứ nợ nần và ngưng việc tìm dầu. Lá thư tới Titusville ngày 27 tháng 8 năm 1859, đúng ngày máy khoan của đại tá Drake khoan trúng một vết nứt nằm sâu 21 mét dưới lòng đất, nơi có mỏ dầu. Sáng hôm sau chất nhờn đen nhánh bắt đầu chảy ra từ ống khoan khiến cho đại tá Drake vừa ngạc nhiên vừa sung sướng. Thế là cách đây 150 năm giếng dầu đầu tiên bắt đầu hoạt động. Người ta đã lấy các thùng Whisky 159 lít để đựng dầu thô, và cho tới nay nó vẫn là đơn vị của các thùng dầu thô. Trước đó hãng Pensylvania Rock Oil đã đổi tên thành Seneca Oil.
Dầu hỏa của hãng Seneca Oil được gửi về thành phố Pittsburgh, nơi ông Kier đã nghĩ ra cách làm Kerosen, là một chất đốt đặc biệt hữu hiệu và rẻ tiền hơn là dầu đốt lấy từ mỡ cá voi rất nhiều.
Mỡ cá voi là chất liệu thời đó người ta dùng để đốt đèn đường phố. Kỷ nguyên dầu hỏa đã bắt đầu. Các giếng khoan dầu kiểu của ông Drake, tức của những người mạo hiểm, mọc lên khắp nơi trên đất Mỹ cùng với các nhà máy lọc dầu. Kỹ nghệ dầu hỏa phát triển rất nhanh và hỗn loạn trong khoảng 10 năm cho tới khi ông John Rockfeller thành lập hãng Standard Oil, và từ từ mua lại tất cả mọi giếng dầu và các nhà máy lọc dầu bên Hoa Kỳ, đến độ vào đầu thế kỷ XIX hãng Standard Oil kiểm soát 90% dầu hỏa toàn thế giới. Năm 1911 Tòa Thượng Thẩm chia hãng Standard Oil thành 34 hãng nhỏ độc lập, và dầu hỏa chứng tỏ cho thấy tầm quan trọng và tất cả khả năng đa diện của nó.
Thật vậy, cho tới nay đã có 200 sản phẩm khác nhau được lấy ra từ dầu hỏa và bắt đầu từ thế kỷ XX đã bước vào trong cuộc sống thường ngày của người dân Tây phương: từ bột giặt cho tới thuốc tây, từ nylon cho tới mọi loại vải may quần áo và nhựa để tráng đường. Và từ ba năm nay người dân Mỹ còn trông thấy trên đường phố chiếc xe Ford kiểu T, là chiếc xe hơi khối đầu tiên có một máy chạy bằng nhiên liệu đốt dầu hỏa lọc bên trong. Hãng xe Ford đổi phương thức làm kỹ nghệ, và kiểu xe này thay đổi bộ mặt của Tây Phương. Thế rồi việc phát triển trong lãnh vực lưu thông đã khiến cho dầu hỏa trở thành nhiên liệu chính.
Bên Âu châu ông Winston Churchill thuyết phục chính quyền Anh dùng dầu hỏa thay thế than đá cho hạm đội hoàng gia. Đó là năm 1911 và 3 năm sau thế chiến thứ I bùng nổ. Việc chuyển hướng thình lình của Churchill khiến cho hạm đội của Anh chế ngự được hạm đội của Đức, tuy rất mạnh nhưng chạy bằng than đá. Churchill cũng đã là một trong những người đầu tiên hiểu rằng nếu dầu hỏa quan trọng như vậy, thì phải tìm cách bảo đảm có được nó. Ông đầu tư vào hãng Anglo-Persian Oil, ngày nay là Bristish Petrolium, do ông William Knox D'Arcy thành lập và kiểm soát nhiều giếng dầu bên Iran.
Chẳng bao lâu thế giới ý thức được rằng các mỏ dầu quan trọng nhất nằm bên Trung Đông là vùng đất bất ổn. Thế là các quốc gia Tây âu bắt đầu tranh giành nhau chiếm các mỏ dầu hỏa trong vùng, bắt đầu với phong trào thuộc địa của Anh và Pháp, rồi việc giải tỏa vùng thuộc địa và việc liên minh với các chính quyền địa phương để bảo đảm cho việc cung cấp dầu hỏa.
Vào thập niên 1950 ông Enrico Mattei đã khiến cho nhóm khai thác dầu Italia trở thành một trong các hãng dầu lớn nhất thế giới. Là sử gia của tổ chức năng lượng Italia ENIL, ông đã từng nói: ”Ai làm chủ được dầu hỏa là làm chủ thế giới”. Câu nói này được minh chứng bởi các thực tại xảy ra hồi năm 1973. Để trả thù Hoa Kỳ và các nước Âu châu đã ủng hộ Israel trong trận chiến 6 ngày hồi năm 1968, các quốc gia A rập sản xuất dầu hỏa quyết định không cung cấp dầu cho Hoa Kỳ và các nước Tây âu nữa, khiến cho Tây Phương phải lâm cảnh tối tăm.
Tại Italia chính quyền đưa ra chương trình ”khắc khổ” bắt buộc phải tiết kiệm năng lượng, tắt điện theo giờ giấc chính thức, ngày Chúa Nhật các loại xe vận tải phải ngưng di chuyển vv... Đó đã là các chiến thuật được đưa ra trước như hiện thấy áp dụng ngày nay. Nhưng ngày nay chúng có mục đích bảo vệ môi sinh, nhằm giảm lượng thán khí thải vào trong không trung, gây ra hiện tượng lồng kính hâm nóng trái đất, làm thay đổi khí hậu và gây ra các tai ương thiên nhiên.
Ngoài ra các chiến cuộc xảy ra trong mấy thập niên qua thường phát xuất từ ước muốn kiểm soát các nguồn dầu hỏa. Vì dầu hỏa nên người ta đánh nhau bên Trung Đông và bên Phi châu. Tất cả quyền lực của các chính quyền hiếu chiến và không tin cậy được đều dựa trên dầu hỏa, điển hình như trường hợp của chính quyền Iran và Libia, nhưng cả các chính quyền dân chủ nữa, thí dụ như chính quyền Venezuela. Hồi tháng 10 năm ngoái, trong một buổi diễn thuyết tại Mantova, bắc Italia, ông Ahmed Zaki Yamani, nguyên bộ trưởng dầu hỏa của A Rập Sauđi hồi năm 1973 có nói: ”Nếu qúy vị muốn hiểu lý do thật sự của các cuộc chiến, thì hãy tìm người đàn bà. Giống như hoàng hậu Elena đã gây ra chiến tranh thành Troie bên Hy Lạp xưa kia, phụ nữ đứng đàng sau mỗi cuộc chiến. Và qúy vị sẽ tìm thấy cùng một lớp bầy nhầy hôi hám chảy ra từ giếng khoan dầu của ông Edwin Drake cách đây 150 năm vậy”.
OPEC là tổ chức quy tụ 12 quốc gia chính sản xuất dầu hỏa. Mỗi khi nhóm họp để ấn định số lượng dầu thô sản xuất, tổ chức đều yêu cầu các nước thành viên tôn trọng quyết định chung. Nhưng trên thực tế không thể biết được mỗi nước sản xuất bao nhiêu thùng dầu thô mỗi ngày, vì mỗi nước đều theo đuổi các lợi lộc riêng của mình. Vì vậy thống kê do các bộ trưởng Năng Lượng công bố trong các thông cáo chính thức không phản ánh sự thật.
Chỉ có sự trợ giúp của các gián điệp dầu hỏa mới cho phép biết được phần nào sự thật mà thôi.
Theo thống kê sản xuất năm 2008, A Rập Sauđi đứng đầu với 10.846 triệu thùng dầu thô mỗi ngày tức chiếm 13,1% tổng lượng dầu sản xuất trên thế giới; tiếp đến là Nga với 9.886 triệu thùng chiếm 12,4%; Hoa Kỳ với 6.736 triệu thùng chiếm 7,8%; Iran với 4.325 triệu thùng chiếm 5,3%; Trung Quốc với 3.795 triệu thùng, chiếm 4,8%; Canada với 3.238 triệu thùng chiếm 4%; Mehicô với 3.157 triệu thùng chiếm 4%; Vương quốc A rập thống nhất với 2.980 triệu thùng chiếm 3,6%; Kuweit với 2.784 triệu thùng chiếm 3,5%; Venezuela với 2.566 triệu thùng chiếm 3,4%.
Trong số các quốc gia hằng ngày tiêu thụ nhiều dầu hỏa nhất thế giới Hoa Kỳ đứng hàng đầu chiếm 22,5% với 19.419 triệu thùng; tiếp đến là Trung Quốc 9,6% với 7.999 triệu thùng; Nhật Bản 5,6% với 4.845 triệu thùng; Ấn Độ 3,4% với 2.882 triệu thùng; Nga 3,3% với 2.797 triệu thùng; Đức 3,% với 2.505 triệu thùng; Brasil 2,7% với 2.397 triệu thùng; Canada 2,6% với 2.295 triệu thùng; Nam Hàn 2,6% với 2.291 triệu thùng; Arập Sauđi 2,7% với 2.224 triệu thùng.
Trên thế giới có nhiều mỏ dầu, nhưng ai cũng biết là tới một lúc nào đó chúng cũng sẽ cạn. Theo ước đoán của các chuyên viên dầu hỏa giữa các năm 2012 và 2037 thế giới sẽ khai thác hết phân nửa số lượng đầu trên thế giới. Nhưng giáo sư Carlo Stagnaro, giám đốc nghiên cứu và học hỏi thuộc học viện Bruno Leoni không bi quan như thế. Lý do là vì có thể tìm kiếm các mỏ dầu khác và từ nay cho tới khi thế giới không còn dầu hỏa nữa, thì con người cũng sẽ không còn cần nó nữa. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư về vấn đề này.
Hỏi: Thưa giáo sư Stagnaro, trong các năm qua người ta đã báo động nhiều về sự kiện các mỏ dầu trên thế giới sẽ cạn. Các báo động đó có đáng tin cậy hay không?
Đáp: Các tiên liệu đó tính toán, nhưng không chú ý đến những điều không thể lường trước được. Lý do vì họ đã tiên liệu điều này từ mấy chục năm nay rồi và kết qủa luôn luôn sai. Bên Hoa Kỳ hồi thế kỷ thứ XIX họ đã tiên liệu là sẽ hết củi đốt. Và qúy vị sẽ thấy là chẳng bao lâu nữa sẽ có người nói là hơi đốt cũng sắp hết. Nhưng kiểu nhìn vấn đề sai, vì các nhà nghiên cứu này chỉ nhìn số lượng dầu hỏa mà chúng ta hiện có, và xem chúng ta tiêu thụ bao nhiêu, rồi từ đó rút ra kết luận. Nhưng họ lại không chú ý tới sự kiện chúng ta có số lượng dầu hỏa lớn hơn những gì chúng ta biết được cho tới nay. Trong trái đất có tất cả khối lượng dầu hỏa mà chúng ta chưa tìm thấy.
Hỏi: Thưa giáo sư, như vậy còn có biết bao nhiêu ”vàng đen” cần phải khám phá hay sao?
Đáp: Câu hỏi cần đưa ra không phải là chúng ta còn có thể tìm được bao nhiêu dầu hỏa nữa, mà là chúng ta có sẵn sàng trả giá hay không. Nếu chúng ta sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn, thì các phương thức thích hợp của việc khai thác sẽ mới và sẽ đắt hơn. Tôi nghĩ tới các mỏ dầu còn nằm dưới nước và các mỏ dầu của loại cát có nhựa bitum. Có rất nhiều dầu hỏa mà chúng ta có thể khai thác, nếu cái năng động cung cầu sẽ làm tăng giá.
Hỏi: Như vậy có nghĩa là chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho các thập niên với giá dầu thô mắc mỏ hay sao thưa giáo sư?
Đáp: Không, không hẳn là như thế. Lý do là vì với các kỹ thuật hiện có chúng ta vẫn có thể tìm ra dầu hỏa mới trong các mỏ mà chúng ta cho là đang cạn. Thế rồi chúng ta cũng biết rằng trong vùng Trung Đông còn có rất nhiều dầu hỏa, dễ khai thác và vì thế ít mắc mỏ. Nhưng tại Trung Đông có các vấn đề khác.
Hỏi: Vấn đề gì thưa giáo sư?
Đáp: Vâng, có các vấn đề, vì tại Iran và Arập Sauđi, nơi có các mỏ dầu lớn nhất thế giới, các chính quyền thù nghịch với các đầu tư của các hãng quốc tế. Cách đây mấy hôm Iran mới khám phá ra 4 mỏ dầu lớn khác. Nếu họ để cho các nhóm Tây âu khai thác với các kỹ thuật tối tân hơn các kỹ thuật của Iran rất nhiều, thì chúng ta có thể khai thác sự phong phú của vùng này nhiều hơn nữa. Đó là chưa nói tới Irak, là nơi kể từ khi xảy ra chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, thì không có ai tìm kiếm dầu hỏa nữa.
Hỏi: Thưa giáo sư Stagnaro, với các kỹ thuật khai thác mới chúng ta sẽ có thể thay đổi ”bàn đồ dầu hỏa” trên thế giới hay không?
Đáp: Ngày nay chúng ta có khả năng khám phá các vùng mới trên thế giới. Mỏ dầu hỏa cát bitum lớn nhất hiện nay ở bên Canada, rồi còn có loại dầu nặng của vùng Orinoco bên Venezuela nữa. Bên Phi châu cũng có thể có nhiều mỏ dầu hỏa cần phải khai thác. Nhưng một phần quan trọng của các mỏ dầu hỏa trên thế giới hiện nay nằm trong các nước thuộc tổ chức OPEC và chúng ta phải học sống chung với thực tại này, nghĩa là sự kiện các quốc gia sản xuất dầu hỏa tìm cách tăng giá dầu thô - nhưng hầu như không bao giờ thành công - và ngăn cản việc sử dụng tốt hơn các tài nguyên của họ.
Hỏi: Thưa giáo sư, tập trung sức lực vào việc tìm ra và sử dụng các nguồn năng lượng khác lại không là điều thích hợp hơn hay sao?
Đáp: Vâng, người ta hiện cũng đang làm điều này. Trước đây với dầu hỏa chúng ta đã làm hầu như tất cả mọi chuyện. Cách đây 20-30 năm tại Italia này dầu thô đã là nguồn đầu tiên cung cấp điện. Nhưng hiện nay nhờ có hơi đốt số lượng đầu thô đã giảm bớt. Thế rồi chúng ta cũng có nguyên tử năng và các nguồn năng lượng có thể canh tân được, nhưng trên bình diện kinh tế chúng chưa thích hợp. Đối với các phương tiện di chuyển như xe hơi, máy bay vv... thì vẫn chưa có địch thủ nào có thể cạnh tranh được dầu hỏa.
bài liên quan mới nhất
- Hành hương thời Cựu ước - Phần 1: Tiếng gọi lên đường
-
Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn -
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19