Kinh nghiệm gặp gỡ các đạo hữu Cao Đài
WHĐ -- “Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, là một trách nhiệm mà Công Đồng Vatican II đã ủy thác cho toàn thể Giáo Hội như là một bổn phận và một thách đố” (Ecclesia in Asia, số 31).
Hội ngộ
Như một cố gắng thực thi tông huấn Giáo hội tại Á châu, sáng Chúa nhật 26.4.2009, các Học viên khóa thực hành Đối thoại liên tôn thuộc Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Tp. HCM đã gặp gỡ và trao đổi với anh chị em Cao Đài thuộc Thánh thất Bàu Sen, tại số 59/46 Trần Phú, Phường 4 - Quận 5, Tp. HCM. Đây là một Họ đạo (thánh thất có khoảng 500 đạo hữu đến sinh hoạt) thuộc Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ (Great Religion of the Third Period of Revelation and Salvation). Còn “Cao Đài là danh của Thượng Đế duy nhất và danh này được hàm chứa nơi mọi tên gọi trong hiện tại hay quá khứ mà người ta gán cho Ngài hay những tên gọi qua đó Thượng Đế tỏ bày cho con người” 1.
Đạo huynh Đạt Tịnh, chánh Hội trưởng và đạo tỷ Nguyễn Thị Son, phó Hội trưởng (phái nữ) cùng trên 20 chư huynh tỷ đệ muội đã chào đón phái đoàn Công giáo, trong những chiếc áo dài trắng, theo truyền thống của người Cao Đài. Chúng tôi thoáng thấy khăn đóng đen của các nam đạo hữu có hình chữ nhân và gồm 7 lớp, sau được giải thích cho biết đó là một biểu trưng, nhắc nhớ người tu đạo cố gắng vượt lên trên thất tình (hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục).
Khám phá
Thánh thất Bàu Sen do tiền bối Phan Thanh (1898-1952) xây dựng vào tháng 3 năm 1949. Trên mảnh đất này vào thời đó, còn có thêm phòng Chẩn tế Xã hội và Phổ tế Học đường. Đường lối tu hành của thánh sở này là thực hành Tam Công (Công Quả, Công Trình, Công Phu), hòa đồng các chi phái, hòa đồng các tôn giáo bạn.
Có lẽ người Công giáo đến đây lần đầu sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên tường của thánh thất bức ảnh lòng Chúa thương xót và hai câu Tin Mừng Giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Được biết mỗi năm, kể từ thập niên 1960, thánh thất Bàu Sen đều tổ chức mừng lễ Đức Gia Tô Giáng sinh vào ngày 24 tháng 12 DL, đây là một trong 17 đại lễ được cử hành tại Thánh thất này.
Theo niềm tin của Đại Đạo Tam kỳ Phổ Độ, Đức Gia Tô (Giêsu) đã dùng cơ bút để dạy dỗ các đạo hữu mình tại đây. Người được Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát cử đến trần gian lập Gia Tô giáo ở nhị kỳ phổ độ. Vì thế, Đức Gia Tô giáo chủ được tôn kính tại Tòa Thánh Tây Ninh và trong chương trình đào tạo giáo sĩ của Đại Đạo, có môn học về Kitô giáo.
Chia sẻ
Trong bầu khí huynh đệ, giữa những câu hỏi và trả lời về ý nghĩa của biểu tượng Thiên nhãn, về giáo lý cũng như cơ cấu tổ chức của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ, các học viên đã hát tặng anh chị em Cao Đài bài “Gặp gỡ Đức Kitô” và bài “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời”. Sau lời cám ơn của giảng viên, phái đoàn Công giáo đã gửi tặng sách cho Thánh thất Bàu Sen và một câu Lời Chúa cho mỗi đạo huynh đạo muội tham dự cuộc trao đổi.
Một bất ngờ diễn ra lúc chia tay: sau khi tặng sách cho thư viện Đại Chủng viện Thánh Giuse, Trung tâm Mục vụ và tất cả các Học viên, chánh Hội trưởng thay mặt Ban Cai quản thánh thất mời đoàn Công giáo dùng bữa cơm chay với các đạo hữu Cao Đài. Chính bữa ăn huynh đệ này đã tạo thêm dịp cho những cuộc trao đổi cá nhân giữa các Kitô hữu và các đạo hữu thuộc thánh thất Bàu Sen.
Dư âm
Cuộc đối thoại với các tín đồ của tôn giáo khác không dừng lại ở đó, nhưng còn khai mở thêm cuộc đối thoại với chính bản thân và đối thoại giữa các học viên với nhau. Qua đó, chúng tôi ghi nhận được những xác tín, cảm nhận và suy tư sau đây:
Xác tín: Chính “tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cr 5, 14) ra đi đem Tin Mừng đến với mọi người, trong đó có các anh chị em khác niềm tin với mình. Ra khỏi “biên cương” của Kitô giới, đến với người ngoài Kitô giáo mà vẫn ở lại trong tình thương của Thầy Giêsu.
Cảm nhận: Thái độ cởi mở, chân tình và lòng hiếu khách của các đạo hữu Cao Đài khiến chúng tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong chính cuộc gặp gỡ này và nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những anh chị em khác niềm tin với mình.
Suy tư: “Trông người rồi nghĩ đến ta”
* Phong cách sống và tổ chức của anh chị em Cao Đài mà chúng tôi gặp gỡ thể hiện rõ nét châm ngôn sống của đạo này là Huynh đệ, Bình đẳng và Bác ái. Sự tương hợp giữa đạo pháp và đời sống của đạo hữu này khiến chúng tôi xét mình về khoảng cách giữa nếp sống Kitô hữu với giáo huấn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.
* Chương trình “Chung tay ấn tống Kinh sách Cao Đài” của thánh thất Bàu Sen (tính đến nay đã in nhiều đầu sách khác nhau với tổng số 30.000 bản và chỉ để biếu tặng) gợi ý cho chúng tôi một trong nhiều cách chia sẻ niềm tin của mình cho bạn hữu ngoài Kitô giáo: nên chăng tặng cho các bằng hữu những sách Công giáo về Giáo huấn xã hội của Giáo hội, các chuyện Kinh Thánh, suy niệm từ các chứng từ, phim, chuyện cuộc đời các thánh, các chứng nhân về đức ái v.v… ?
* Suy nghĩ và chia sẻ với nhau sau cuộc gặp gỡ anh chị em Cao Đài, các học viên đã nhắc nhớ nhau về thái độ trân trọng thực sự người đối thoại với mình; về cung cách tiếp cận anh chị em khác đạo cũng như cách thức làm việc từ thiện của giới Công giáo cần chân thành và khiêm tốn hơn, để làm chứng cho một Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11, 29) và thể hiện tình yêu phổ quát của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
-----------------------------
1 Gabriel GOBRON, Histoire et philosophie du Caodaisme. Bouddhisme rénové, spiritisme vietnamien, religion nouvelle en Eurasie, Paris, Dervy, 1949, tr. 50.
bài liên quan mới nhất
- Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm
-
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024) -
Thánh lễ mừng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn -
Một chút tâm tình Mùa Vọng -
Tuần tĩnh tâm thường niên 2024 của linh mục đoàn Sài Gòn
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023