Khóa huấn luyện Mục vụ Di dân lần 1

Khóa huấn luyện Mục vụ Di dân lần 1

Tường thuật buổi huấn luyện thứ hai ngày 17-10-2010

WGPSG -- Ban Mục vụ Di dân (MVDD) TGP Sài Gòn tổ chức “Khóa huấn luyện Mục vụ Di dân lần 1”, diễn ra tại giáo xứ Phaolô, hạt Tân Sơn Nhì với chủ đề: “Tình yêu Đức Kitô dành cho di dân”.

Đến với buổi học hôm nay, có sự hiện diện đầy ưu ái của Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (Chủ tịch UBMVDD), cha Giuse Đỗ Đình Ánh (Thư ký văn phòng Tòa TGM), cha Giuse Phạm Trung Dong (chánh xứ giáo xứ Phaolô, Trưởng ban MVDD TGP Sài Gòn), cha Giuse Mai Văn Hoàn (phụ tá giáo xứ Phaolô), quý cha dòng Tên, quý cha dòng Donbosco, quý cha Đặc trách Mục vụ Di dân các giáo xứ, giáo hạt, quý xơ thuộc các dòng.

Tham dự khóa học hôm nay gồm 30 đơn vị dòng tu: Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Đức Mẹ Mân Côi, Dòng Têrêsa (cha Tam), Dòng Gioan Tẩy Giả, Dòng Thánh Thể…

Về phía giáo dân, có các bạn trẻ phục vụ MVDD TGP Sài Gòn đến từ các giáo xứ: Khiết Tâm, Thạch Đà, Bình Thuận, Nam Hòa, Phú Trung, Bà Điểm, Xóm Chiếu, Lái Thiêu, Hữu Lễ, Bến Cát, An Tôn, Hiển Linh, Bình Phước, Phanxicô (cha Tam), Gx. Lasan, Gx. Nguyễn Duy Khang, Phaolô, Tân Phước, Bình Chánh, Bình An Thượng, Chợ Quán… và các đoàn thể Lêgio, Phạt Tạ Thánh Tâm, Quý chức Hội đồng Mục vụ giáo xứ Phaolô.

Tổng số tham dự trên 300 thành viên.

Thảo luận chia sẻ

Ngày thứ hai trong khóa huấn luyện ba ngày 10/17 và 24/10/2010, Ban Tổ chức dành phần lớn thời gian để tham dự viên chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và nguyện vọng của mình trong khi tham gia công tác MVDD.

Mở đầu, cha Giuse Nguyễn Văn Chủ, chánh xứ Xóm Thuốc chia sẻ: Giáo xứ Xóm Thuốc không có di dân, nhưng nằm cận các khu công nghiệp nên đã mở các lớp giáo lý Dự tòng hằng năm từ 200 đến 300 người, và rửa tội mỗi tháng từ 25 đến 50 người, lớp giáo lý Hôn nhân từ 400 đến 500 người, trong đó, các bạn trẻ đa số là di dân. Đồng thời, giáo xứ cũng gặp phải những khó khăn như: Khi các bạn trẻ hoàn thành các khóa giáo lý Tân tòng, giáo lý Hôn nhân, giáo xứ đã cấp giấy chứng nhận và giới thiệu đến các giáo xứ nơi các bạn sinh sống nhưng không được các giáo xứ tiếp nhận. Vì thế, các bạn gặp khó khăn trong thủ tục hôn phối khi cần đến.

Cha Giuse Trần Văn Lưu, giáo xứ Nam Hòa cho biết, giáo xứ của ngài chăm sóc MVDD là những sinh viên, thường xuyên tổ chức sinh hoạt giao lưu, tổ chức giờ chầu, tĩnh tâm hằng tháng, có đến 200 bạn trẻ tham dự. Ngài còn khẳng định, các bạn trẻ di dân được chăm sóc, mời gọi tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để củng cố đức tin, hầu dễ dàng lướt thắng các cạm bẫy trong cuộc sống đầy thử thách hôm nay.

Cha dòng Donbosco, giáo xứ Xuân Hiệp phát biểu, ngài đã mở ra các giải thể thao để đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ di dân.

Phần quý xơ chia sẻ: Chương trình phục vụ MVDD ở TGP Sài Gòn chưa được nhiều người ý thức và quan tâm nên có giáo xứ sẵn sàng đón nhận, có giáo xứ lại hờ hững với anh chị em di dân.

Các tham dự viên phát biểu sôi nổi và phong phú về các lãnh vực, phản ánh rõ nét thực trạng đời sống của di dân tại Thành phố đang có nhu cầu cấp thiết, rất cần sự giúp đỡ của Giáo hội và xã hội. Trước hết, Giáo hội cần thống nhất chương trình giáo lý Hôn nhân, giáo lý Dự tòng chung cho các Giáo phận trong cả Nước; thứ đến, khi các bạn di dân đến tạm trú dù dài hạn hay ngắn hạn, giáo xứ cũng nên tiếp nhận các bạn vào sinh hoạt của giáo xứ mình; sau cùng, giáo xứ nên tổ chức cho các bạn di dân có cơ hội học hỏi về chuyên môn, có diễn đàn, sân chơi và ca đoàn riêng cho di dân như ở giáo xứ Thạch Đà; hoặc lập Văn phòng Tư vấn, giúp các bạn giao lưu, học hỏi để dễ dàng hòa nhập cộng đồng.

Một số các bạn phục vụ MVDD cũng nêu lên những hạn chế về khả năng sinh hoạt giới trẻ, và đề nghị Ủy ban MVDD TGP nên đưa ra đường hướng phục vụ, mở các khóa bồi dưỡng, để nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ phục vụ di dân được tốt hơn.

Cho đến nay, Giáo xứ Phaolô được chọn làm tâm điểm cho chương trình MVDD của TGP do cha chánh xứ Phaolô Phạm Trung Dong làm Trưởng ban MVDD Giáo phận. Hiện nay, giáo xứ thường xuyên mở các lớp học tình thương xòa mù chữ, lớp cắt may, lớp tiếng Anh, lớp vi tính, lớp giáo lý Dự tòng (400 học viên), lớp giáo lý Hôn nhân… Đội ngũ giáo viên gồm quý thầy các dòng tu, quý xơ và các giáo viên thiện nguyện đảm trách.

Mục vụ Di dân đang là công việc cấp bách đối với Giáo hội Việt Nam thời kinh tế phát triển, UBMVDD sớm đề ra những định hướng và thiết lập cơ cấu tổ chức nhân sự, mời gọi và huấn luyện đội ngũ giáo dân có chuyên môn để họ tham gia cộng tác... Tất cả đều hướng đến sứ vụ “Chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân là trách vụ gắn liền với sứ mạng truyền giáo và cần được lưu tâm đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.” (Đề cương Giáo hội tại Việt Nam, HĐGMVN, Ban Tổ chức Năm Thánh 2010 trg. 68-69).

Hơn nữa, “Di dân như một dấu chỉ thời đại, một tiếng gọi của Thiên Chúa mời gọi Giáo hội Việt Nam rộng mở tiếp nhận trong đối thoại hiệp thông, trong phục vụ và truyền giáo.” (Hội nghị UBMVDD lần thứ I).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top