Hy vọng và Cầu nguyện
Chờ đợi luôn là khoảng thời gian dài nhưng lại có niềm vui riêng biệt, dẫu đôi khi có bồn chồn, khắc khoải, thậm chí là “khổ sở”. Thí sinh hồi hộp chờ kết quả thi. Nông dân thắc thỏm mong mưa về để gieo hạt, rồi lại lóng ngóng đợi ngày thu hoạch. Những người yêu nhau thao thức trông ngóng nhau từng phút, từng giây. Và còn rất nhiều mối chờ khác đã, đang và sẽ luôn tồn tại trên cõi đời này.
Riêng với người Kitô hữu có một mối chờ đặc biệt hơn, điều mà đối với người không có niềm tin tôn giáo thì coi đó là mơ hồ, thiếu thực tế hoặc ảo tưởng. Đó là mong chờ Đấng Thiên Sai – còn được gọi là Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa Ngôi Hai, Con Một Thiên Chúa, Đức Kitô hay Con Người.
Đã mong chờ thì hẳn là có dáng vẻ trầm tư, nghĩa là mặc nhiên mang nét bâng khuâng, được thể hiện qua màu tím. Cõi lòng chờ đợi luôn là cõi-lòng-tím.
Trong cổ tích hay thần thoại, những người cùng khổ luôn được thần tiên cứu giúp. Trong thời đế quốc và thực dân, nhân dân Việt Nam đã từng ròng rã bao năm trường khao khát được giải thoát khỏi ách nô lệ. Và niềm vui thực sự được nhân lên khi chính người Việt Nam làm chủ đất nước.
Chúng ta đang ở thiên niên kỷ thứ ba. Như vậy, Đấng Thiên Sai đã giáng trần hơn hai ngàn năm. Ngài đến như một phàm nhân để cứu độ nhân loại. Nhưng nhân loại còn trông đợi Ngài giáng lâm lần hai trong ngày Cánh Chung hầu kiện toàn lời hứa.
Cuộc sống hôm nay chỉ là thời kỳ quá độ, làm cầu nối vào cuộc sống vĩnh hằng mai sau. Thế nhưng cuộc đời có bao chước cám dỗ, bao điều khiến lòng người chia trí hoặc thoái hóa trên suốt chặng đường trần gian: Tiền tài, danh vọng, địa vị, sắc dục, quyền thế, chức tước, ghen ghét, hận thù,… Biết vậy, Đức Kitô đã căn dặn: “Hãy tỉnh thức” (Mt 24, 42 & 25, 13). Đặc biệt hơn, Ngài nhấn mạnh: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. Tinh thần thì sẵn sàng, nhưng thân xác thì yếu đuối” (Mt 26, 41). Như vậy, chúng ta không thể không cầu nguyện. Thánh Augustinô định nghĩa: “Cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa”.
Cầu nguyện là cuộc đàm đạo thân mật giữa Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện không chỉ đơn thuần là “xin” mà còn là xưng tụng và tôn vinh Đấng đã yêu ta từ trước muôn đời bằng tình thương vô thủy vô chung. Để đáp lại, không gì cân xứng. Vả lại, tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng tình yêu. Cần có thái độ dứt khoát, vì Ngài muốn vậy: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3, 15-16).
Hai người yêu nhau luôn nôn nóng và mong được gặp nhau (trực diện, thư từ, email, điện đàm,…). Và khi gặp nhau, có thể họ không nói gì, chỉ cần nhìn nhau cũng thấy thỏa mãn. Đối với người yêu Chúa, cầu nguyện phải là điều tất yếu. Cầu nguyện là “đường dây nóng” để liên lạc với Ngài, là nhiên liệu cho cỗ máy hoạt động, là nắng ấm khi giá lạnh, là cơn mưa khi hạn hán, là tất cả những gì không thể thiếu, là chất cần thiết nhất của sự sống: Không khí. Thiếu cầu nguyện, tâm hồn hóa xanh xao, gầy guộc, èo uột và vàng võ như lá úa.
Cầu nguyện không hẳn là đọc kinh, có đọc kinh thì phải suy niệm theo lời kinh. Đọc nhiều, đọc to, đọc nhanh như chạy đua thì khác chi cassette! Cuộc sống ngày nay quá xô bồ, ồn ào vì những lo toan đời thường. Chắc hẳn khó tập trung khi cầu nguyện, nên luôn phải cố gắng không ngừng. Bạn đã bao giờ nhìn thấy một đôi nam nữ trên một chuyến xe hay ở công viên? Họ thủ thỉ với nhau y như chỉ có riêng hai người vậy. Họ dễ dàng “quên” tất cả những gì xảy ra xung quanh để có thể tạo nên một thế-giới-riêng-hai-người. Thế thì bất kỳ lúc nào hoặc ở đâu, chúng ta vẫn có thể tạo ra một “khoảng sa mạc riêng” ngay trong lòng mình để tâm sự với “người yêu” là Thiên Chúa. Cầu nguyện rất đơn giản, chỉ cần hướng tâm lên tới Chúa mà không cần nói nhiều.
Có đôi khi mỏi mệt và thất vọng ê chề, lòng người lại hồi sinh khi có Thiên Chúa. Chuyện kể: Trên bãi biển vắng, linh hồn thấy có hai loại dấu chân khi đời vui, nhưng khi thấy một loại dấu chân khi đời buồn. Linh hồn hoảng hốt. Nhưng không, chính lúc linh hồn thấy một loại dấu chân là lúc linh hồn đang được Thiên Chúa cõng trên lưng như chủ chiên cõng một con chiên nhỏ yếu. Thánh Augustinô đã trải nghiệm: “Ngài có đó khi ta tưởng đơn côi, Ngài thương ta khi mọi người ghét bỏ, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại”. Thiên Chúa luôn ở ngay bên ta!
Lạy Chúa, con thực sự cần Ngài, luôn khao khát Ngài và luôn mong chờ Ngài. Xin soi đường dẫn lối con đi và luôn nâng đỡ con trong từng nhịp thở. Nếu không có Ngài, con chẳng làm được gì, và bỏ Ngài thì con biết theo ai? Xin giúp con sống trọn vẹn các nhân đức đối thần và đối nhân. Dù đường đời trắc trở, con không lo gì một khi con được Ngài dẫn dắt (Tv 22). Con muốn nhận diện chính mình và sống trọn khoảng mong chờ để xứng đáng đón Ngôi Hai giáng sinh. Nhưng trước tiên, xin Ngài giúp con sửa ngay ngắn những đoạn đường khúc khuỷu, và san bằng những nơi nào còn gồ ghề. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi