Hồng y Roche: Thánh Têrêsa Calcutta được nhắc đến trong các bản văn phụng vụ như ‘Ngọn hải đăng hy vọng’
TGPSG / VATICAN NEWS (12.2.2025) – Nhân dịp Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích ban hành sắc lệnh ghi tên Thánh Têrêsa thành Calcutta vào Lịch Chung của Giáo hội Rôma Đức Hồng y Arthur Roche, Bộ trưởng Bộ Phụng tự, giải thích về các bản văn phụng vụ cho ngày lễ vào ngày 5 tháng 9, đồng thời ca ngợi mẫu gương phục vụ khiêm nhường của vị nữ tu, người được biết đến trong cuộc đời với danh xưng Mẹ Têrêsa.
Vào ngày 24 tháng 12 năm 2024, ngày Đức Thánh Cha Phanxicô mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Vatican, đánh dấu khai mạc Năm Thánh Hy vọng, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành Sắc lệnh nhân danh Đức Thánh Cha (Prot. N. 703/24), qua đó ấn định ngày cử hành lễ Thánh Têrêsa thành Calcutta, trinh nữ, vào ngày 5 tháng 9 như một lễ nhớ không buộc trong Lịch Phụng vụ Rôma.
Việc ghi tên Thánh Têrêsa thành Calcutta vào lịch phụng vụ được Đức Thánh Cha quyết định nhằm đáp ứng lời thỉnh cầu của các giám mục, tu sĩ và các hội đoàn giáo dân, đồng thời xét đến ảnh hưởng sâu rộng của linh đạo Mẹ Têrêsa trên toàn thế giới. Ngài mong muốn đề xuất Mẹ như một chứng nhân nổi bật của niềm hy vọng cho những người bị bỏ rơi trong cuộc sống.
Cùng với Sắc lệnh này, các bản văn bằng tiếng Latinh cũng được ban hành để bổ sung vào tất cả các Lịch phụng vụ và Sách phụng vụ để cử hành Thánh lễ, Phụng vụ Các Giờ Kinh cũng như Sổ Bộ Các Thánh.
Giờ đây, các Hội đồng Giám mục có trách nhiệm dịch thuật, phê chuẩn và, sau khi được Bộ này xác nhận, công bố các bản văn phụng vụ cho lễ kính này, theo các quy định hiện hành (x. Tông thư dưới dạng tự sắc Magnum principium).
Trong bài giảng tại Thánh lễ phong thánh cho Thánh Têrêsa thành Calcutta vào ngày 4 tháng 9 năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu bật Mẹ như một khí cụ quảng đại của lòng thương xót Thiên Chúa, giống như “muối” làm cho mọi sự thêm đậm đà và “ánh sáng” xua tan bóng tối, thấm nhuần vào mọi công việc Mẹ thực hiện.
Do đó, người nữ tỳ của những kẻ bé mọn nhất này thực sự là một biểu tượng sống động của người Samaria nhân hậu. “Sứ mạng của Mẹ đến với những vùng ngoại biên, cả về mặt địa lý lẫn hiện sinh,” như Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng, “vẫn là một chứng tá hùng hồn về sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất trong số những người nghèo.”
Trong các bản văn phụng vụ của lễ kính này, lời nguyện Nhập lễ mở ra cho chúng ta tâm hồn của linh đạo Thánh Têrêsa: lời mời gọi đáp lại cơn khát của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá bằng cách yêu thương phục vụ những người nghèo khổ nhất. Vì thế, chúng ta nài xin Thiên Chúa Cha ban ơn để, noi gương thánh nhân, chúng ta có thể phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em đang đau khổ.
Về các bài đọc trong Sách Bài đọc, bài đọc thứ nhất được trích từ sách ngôn sứ Isaia, nói về ăn chay đẹp lòng Thiên Chúa (x. Is 58,6-11), tiếp theo là Thánh vịnh 34: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa.”
Bài Tin Mừng, trước đó là câu Tung hô Tin Mừng, nhấn mạnh đến việc mặc khải các mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn (x. Mt 11,25), và bao gồm đoạn Tin Mừng theo Thánh Matthêô, trong đó liệt kê các công việc của lòng thương xót và kết thúc bằng câu nói đã được Mẹ Têrêsa thể hiện cách tuyệt vời: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Trong Phụng vụ Các Giờ Kinh, sau tiểu sử thánh nhân, bài đọc thứ hai của Giờ Kinh Sách được trích từ bức thư Mẹ Têrêsa viết cho cha Joseph Neuner vào năm 1960. Trong thư, Mẹ giãi bày tâm hồn, diễn tả bóng tối của sự vắng mặt của Thiên Chúa mà Mẹ đã trải qua trong nhiều năm, nhưng vẫn vui tươi dâng hiến cho Chúa, để nhờ trung thành chịu đựng thử thách này, nhiều linh hồn được soi sáng.
Các bản văn phụng vụ kết thúc với phần tán tụng trong Sổ Bộ Các Thánh, đặt lễ kính Thánh Têrêsa thành Calcutta vào vị trí đầu tiên trong các lễ cử hành vào ngày 5 tháng 9.
Nguyện xin việc ghi lễ kính này vào Lịch Chung Rôma giúp chúng ta chiêm ngắm vị nữ tu, một ngọn hải đăng hy vọng, nhỏ bé về vóc dáng nhưng vĩ đại trong tình yêu, một chứng nhân cho phẩm giá và đặc ân của sự phục vụ khiêm nhường, trong việc bảo vệ sự sống con người và chăm sóc những người bị bỏ rơi, gạt ra bên lề, thậm chí ngay từ trong dạ mẹ.
___________________
Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
Nguồn: Vatican News
bài liên quan mới nhất
![](/Images/Articles/MainImages/12022025_093912.jpeg)
- Mẹ Têrêsa Calcutta được ghi vào Lịch Phụng vụ chung Rôma
-
Mang thai hộ dưới góc nhìn từ Rome đến Michigan -
Thánh lễ Năm Thánh của Lực lượng Vũ trang và An ninh -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới chống nạn buôn người -
Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo 2025: Mang hy vọng trong một thế giới khủng hoảng -
Ý cầu nguyện tháng 2/2025: Cầu cho ơn gọi linh mục và tu sĩ -
Đức Hồng y Tagle: Đối thoại là liều thuốc giải độc cho sự nghi ngờ và thù địch -
Diễn văn Đức Thánh Cha dành cho các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên về Quyền Trẻ em -
Tiếp kiến chung Năm Thánh (01/02/2025): Niềm hy vọng từ thánh Maria Magdalene -
Bài giảng Lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh (01/02/2025) - Ánh sáng nghèo khó, khiết tịnh và vâng phục
bài liên quan đọc nhiều
![](/Images/Articles/MainImages/24032020_093311.jpg)
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô