Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình - Liên Dòng Nữ: Thánh lễ Bế giảng năm học 2023 - 2024
TGPSG -- “Xin biến đổi tim con lạy Chúa.
Để hồn con chất chứa yêu thương.
Xin cho con sống thiện lương
Trung thành theo Chúa nẻo đường chứng nhân”.
Đây là khổ thơ kết thúc bài chia sẻ mà Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Công Trác nêu lên, khi ngài chủ tế Thánh lễ Bế giảng năm học 2023 - 2024 của Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình - Liên Dòng Nữ vào lúc 9g30, thứ Tư, ngày 22/05/2024, tại Hội trường Gioan Baotixita, Trung tâm Mục vụ TGP Tp.HCM, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
Thánh lễ do Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Nguyễn Công Trác chủ tế. Đồng tế với ngài, có: Linh mục (Lm) Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt và 6 Lm giáo sư giảng dạy tại TTMV.
Trước đó, 57 nữ tu ra trường đã rước đoàn đồng tế vào Hội trường trong tiếng hát ca nhập lễ.
Đến hiệp dâng Thánh lễ, có: Nữ tu (Nt) Anna Hồ Thị Sum - Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán - Giám đốc Học viện (GĐHV) Phaolô Nguyễn Văn Bình - Liên dòng nữ, Nt Anna Lê Thị Kim Chi - Dòng Phaolô Sài Gòn - Phó giám đốc Học viện, Nt Anna Lê Thị An Bình – Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Huế) - Phó giám đốc Học viện, quý giáo sư, quý Bề trên đại diện các đơn vị Dòng tu và hơn 280 người hiện diện là học viên và khách mời của các nữ tu.
Trước khi bước vào Thánh lễ, Nt Anna - GĐHV đã giới thiệu với ĐGM Giuse và quý Lm đồng tế sự hiện diện của quý Lm Giáo sư và 248 nữ tu (3 lớp: K25, K26 và K27) thuộc 46 đơn vị Dòng và Tu hội khắp 3 miền đất nước. Trong đó, có 57 nữ tu ra trường (K25).
Thay lời Đức TGM Giuse và thay lời Giáo hội, ĐGM Giuse gởi lời: “Cảm ơn quý bề trên, cách riêng những ai đang chịu trách nhiệm đào tạo các ứng sinh trong các hội dòng khác nhau, đã đáp lại lời mời gọi của Giáo hội để lo cho ơn gọi của Hội dòng mình, cũng như lo cho đời sống và sinh hoạt của Giáo hội. Xin hết lòng cảm ơn BGĐ Học viện Liên Dòng Nữ và quý Giáo sư đã hết lòng, hết sức vì lòng yêu mến Chúa và vì lòng yêu mến Giáo hội đã tận tâm lo cho việc đào tạo các ứng sinh. Nhất là, xin cảm ơn tất cả quý sơ đã đáp lại lời mời gọi, chẳng những của Hội dòng mà còn của Giáo hội để chính mình tự đào luyện để trở nên môn đệ của Chúa một ngày một đẹp ý Chúa, trở nên các tu sĩ đẹp ý Chúa làm việc trong cánh đồng truyền giáo của Giáo hội. Cách riêng, trong TGP-SG”.
Lm Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt công bố Tin mừng theo Thánh Marcô và ĐGM Giuse giảng lễ.
Mở đầu bài giảng, ĐGM Giuse nhắc lại câu Lời Chúa trong bài Tin Mừng “Ai không chống đối các con là ủng hộ các con.” Ngài chia sẻ: Bài Tin Mừng hôm nay thật ngắn, chỉ có 3 câu. Nhưng Chúa Giêsu dạy cho chúng ta phải biết đón nhận người khác, cộng tác với người khác trong tinh thần thiện chí. Phải có một cái nhìn và tâm hồn quảng đại, bao dung. Trong tâm tình ngày Bế giảng năm học, những bài học ấy cũng rất cần cho đời sống dấn thân phục vụ.
Ngài chia sẻ với cộng đoàn đôi điều:
- Ngày xưa vào thời Chúa Giêsu còn tại thế, Chúa cần các tông đồ và các môn đệ để tiếp nối sứ mạng của Chúa. Và ngày nay, Chúa vẫn cần có nhiều người quảng đại, dấn thân trong đời sống chứng nhân. Nhất là những người dấn thân trong đời tu trì dâng hiến. Nhờ đó, chương trình của Chúa vẫn được thực hiện, Ơn Cứu Độ của Chúa vẫn được trao ban và đó là Ơn gọi của chúng ta, những người dấn bước theo Chúa trong đời sống tu trì dâng hiến. Một cách đặc biệt, đối với quý sơ kết thúc chương trình học và ra đi để phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội. Chúng ta nhìn lại những người theo Chúa ngày xưa, một cách cụ thể là các đông đồ, các ngài với tuổi tác khác nhau: người thì già, kẻ thì trẻ, người đã thành gia thất, kẻ chưa lập gia đình,... giờ sống chung với nhau. Chúng ta cũng vậy, nhiều gia đình khác nhau, nhưng quy tụ nhau lại trong gia đình cộng đoàn - Hội dòng thiêng liêng - hứa sống chung với nhau cho đến chết. Các ngài ngày xưa nghề nghiệp khác nhau: có người là bác thuyền chài, làm nghề thu thuế, … và rồi chỉ làm một nghề duy nhất là nghề tông đồ. Chúng ta cũng vậy, có khi chúng ta xuất thân gia đình khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, giờ chúng ta chỉ một nghề duy nhất là làm tông đồ: làm môn đệ Chúa
- Như các tông đồ ngày xưa trình độ khác nhau, người có học, người thất học,… các ngài được sai đi như nhau, cùng trao một sứ vụ. Chúng ta cũng vậy, khi bước vào đời sống tu trì dâng hiến, người học nhiều, người học ít,… nhưng chúng ta chỉ được trao một sứ vụ: Phục vụ trong yêu thương. Không có một điều gì khác.
- Như các tông đồ ngày xưa, 12 người được chọn, nhưng con đường các ngài đi không trọn vẹn. Có kẻ phản bội, có người chối thầy,… Cũng vậy chúng ta đừng tưởng con đường ơn gọi của mỗi người trong chúng ta luôn bằng phẳng. Cũng có lúc chúng ta phản bội, cũng có những lúc chúng ta chối Chúa. Điều đó cho thấy sự bất lực của con người. Tất cả ơn gọi chúng ta đều là nhờ Ơn Chúa.
- Một điều khác, các tông đồ có một đặc tính chung là hay cãi nhau: hôm qua, các ông cãi nhau xem ai là người lớn nhất; hôm nay, các ông lại cãi nhau vì có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ; ngày mai, các ông lại cãi nhau vì muốn dành chỗ ngồi bên hữu hay bên tả Chúa… Khác nhau nhiều lắm, nhưng giống nhau ở chỗ thích cãi nhau. Không biết chúng ta có giống như vậy không? Để rồi bài học Chúa dạy mỗi người mỗi tính, giờ cùng nhau cộng tác, phải biết đón nhận nhau, đón nhận cả tính xấu của nhau, cả cá tính của nhau để cùng nhau xây dựng, chẳng những một cộng đoàn yêu thương, cả giáo phận, cả thế giới, cả xã hội yêu thương. Đó là sứ mạng của chúng ta. Không có một sứ mạng nào khác ngoài việc sứ mạng được trao ban cho chúng ta, phải làm sao cho cộng đoàn, cho thế giới được tốt đẹp hơn.
- Điều qua trọng, là chúng ta cần phải canh tân chính mình. Vì thế, mới gọi là tu học. Cần phải đào luyện chính mình, cần phải học.
ĐGM Giuse kể câu chuyện “Hai viên gạch”: Có một chú tiểu nọ được sư phụ giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc. Chú làm việc kỹ lưỡng và chậm rãi. Chú hoàn thành công việc lúc hoàng hôn buông xuống. Chú đứng ra xa để ngắm nhìn công trình, thì phát hiện có hai viên gạch ngay giữa bức tường bị đặt nghiêng. Kể từ đó, khi du khách viếng thăm chùa, chú tiểu dẫn họ đi khắp nơi, nhưng hkông bao giờ dẫn họ đến xem bức tường mà chú đã cất công xây dựng. Một hôm, hai sư già đến tham quan ngôi chùa, chú tiểu cố gắng cho họ sang một hướng khác. Nhưng vị sư già nghe nói trong chùa có bức tường rất đẹp và nói muốn thăm bức tường đó. Chẳng đặng đừng, chú tiểu dắt hai vị sư già đến, nhưng trong lòng áy náy vì người ta sẽ nhận ra những điều mà còn thiếu sót trong bức tường ấy. Nhưng điều lạ là khi ngắm nhìn thấy bức tường, thì một trong hai vị sư già nói: “Ôi, bức tường mới đẹp làm sao!”. Lúc ấy chú tiểu nghĩ trong lòng “chắc là vị sư không để ý thấy hai viên gạch ngay giữa bị đặt nghiêng”, chú tiểu nói: “Kính thưa hai sư phụ, hai sư phụ nói thật sao? Hai sư phụ không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia sao?” . Lúc ấy, một vị sư già nói “Có chứ. Thầy có thấy. Nhưng thầy còn thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao”.
Ngài tiếp: Đó là một câu chuyện. Cùng với Lời Chúa chúng ta vừa nghe, Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn rộng hơn, đừng chăm chú đến cái nhỏ (lo cãi nhau) mà quên đi cái lớn (được trao phó). Mỗi người là một viên gạch, mỗi người là một vườn hoa.
Ngài nói thêm: Một người nước ngoài mà đến đây, họ sẽ cảm nhận được sức sống trong ơn gọi tu trì dâng hiến, ít là trong giáo phận của chúng ta. Quả thật, đó là một điều chúng ta phải tạ ơn Chúa không ngừng. Đừng mong ai cũng hoàn hảo, cũng đừng kì vọng hoa nào cũng thơm. Hãy tập nhìn toàn thể, đừng chú trọng vào một chi tiết, hãy nhìn thấy muôn điều tốt lành, chứ đừng chăm chú vào một điều còn thiếu sót. Hãy tập nhận ra những tính tốt của người đối diện, chứ đừng xét nét một vài tính xấu. Đó là điều mà Chúa muốn. Chẳng những nhắn gửi với các môn đệ ngày xưa, mà còn nói với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tu học. Chưa tốt mới phải tu, chưa biết mới phải học.
Ngài cho biết: Ngoài đời, người ta chú trọng đến việc học. Học kiến thức, người ta chú trọng đến bằng cấp, đến hiểu biết. Trong đạo, nhất là trong đời sống tu trì, những điều ấy là cần thiết, nhưng chúng ta còn chú trọng đến một khía cạnh khác, quan trọng hơn nhiều, đó là tu. Bởi vì đời tu, chúng ta được mời gọi phải tu tâm, dưỡng tánh để mỗi ngày tốt hơn một chút, để những kiến thức chúng ta học, chẳng những giúp ta thêm hiểu biết, mà còn biết phân định, biết nhìn mọi sự với cái nhìn của Chúa. Và hành động với lòng thương xót và đồng cảm yêu thương. Hay nói cách khác là để chúng ta nhận ra đâu là ý Chúa mà cố gắng thực hiện Thánh ý Chúa trong từng ngày sống cuộc đời mình.
“Xin biến đổi tim con lạy Chúa.
Để hồn con chất chứa yêu thương.
Xin cho con sống thiện lương
Trung thành theo Chúa nẻo đường chứng nhân”.
Với khổ thơ trên, ĐGM kết thúc vài suy nghĩ Lời Chúa nói với môn đệ ngày xưa, ngài học được và nay chia sẻ với cộng đoàn.
Sau đó, Thánh lễ được tiếp nối với nghi thức phụng vụ Thánh Thể.
NGHI THỨC SAI ĐI
Sau lời nguyện hiệp lễ, Nữ tu Anna Hồ Thị Sum - Giám đốc Học viện đã lần lượt nêu tên 57 sinh viên Khóa 25 đã theo học và hoàn tất chương trình thần học 3 năm (2021-2024). Xin ĐGM thay mặt Mẹ Hội Thánh trao chứng nhận tốt nghiệp và nhận lời tuyên thệ của các sinh viên.
ĐGM Giuse đã cử hành Nghi thức Sai đi và trao chứng nhận tốt nghiệp cho các sinh viên.
Tiếp đến, một nữ tu thay lời cho các bạn cùng khóa K25 bày tỏ tâm tình tri ân đến ĐGM Giuse, quý Lm đồng tế, quý giáo sư, quý bề trên các Dòng và Tu hội, quý Soeurs trong Ban giám đốc Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình - Liên Dòng Nữ, Lm giám đốc, Lm quản lý TTMV, chị Ánh Nguyệt, chị Hoàng Thu, quý thầy giúp lễ, chú Tuấn, quý Soeurs phụ trách, quý cô chú trong Ban truyền thông TGP Sài Gòn, các cô chú nhân viên của TTMV, những người đang hiện diện tại hội trường và cảm ơn các sinh viên K26 và K27. Nữ tu cũng gởi lời chúc đến các nữ tu cùng khóa K25 trở nên những tông đồ của niềm vui để đem Chúa đi vào đời.
Đáp từ, ĐGM xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho các Soeurs, nhất là các Soeurs ra trường và mọi người qua hai bài thơ vui vui và ý nghĩa:
“Hôm nay Bế giảng vui rất vui
Ban Giám đốc thì cứ đứng cười
Sắp xếp mọi sự cho chu đáo
Dù trời âm u vẫn cứ tươi
Quý Soeurs học viên thật rạng rỡ
Quý Soeurs ra trường càng rạng ngời
Lễ xong mọi sự đều tốt đẹp
Nên men, nên muối ướp mặn đời”.
“Bế giảng năm học ngày hôm nay
Áo dòng đa sắc cứ bay bay
Nhìn Ban Giám đốc cười rạng rỡ
Chuẩn bị từ lâu cho ngày này
Đôi lời cảm ơn và cầu chúc
Giáo sư truyền đạt thật mê say
Học trò bù đầu vì bài vở
Mai làm Bề Trên sẽ có ngày”.
Lúc 11g00, Thánh lễ kết thúc trong tâm tình tri ân và cảm tạ. ĐGM và quý linh mục chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên ra trường, các nữ tu hiện diện và toàn thể hội trường.
Được biết, lúc 7g45, Với chủ đề “Người nữ tu dấn thân trong sức mạnh của Lời và Thánh Thể”, chương trình Văn nghệ Bế giảng đã diễn ra thật sinh động, vui tươi và sâu sắc qua các tiết mục do các nữ tu thuộc các dòng thể hiện.
Bài Bích Vân (TGPSG)
Ảnh: Bảo Phạm
bài liên quan mới nhất
- Thông báo long trọng về lễ Phục sinh và những ngày lễ chính trong năm phụng vụ 2025
-
Khai mạc Năm Thánh 2025 tại Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Lễ Đêm Giáng sinh tại Nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn 24-12-2024 -
Đêm nhạc Giáng sinh 2024 “Ngợi Ca Tình Yêu Nhập Thể” của giáo hạt Thủ Thiêm -
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúc mừng Giáng Sinh 2024 tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn -
Chủ tịch MTTQVN Đỗ Văn Chiến chúc mừng Giáng sinh tại Tòa Tổng giám mục TPHCM -
Thánh lễ Tạ ơn và trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Giáo Lý Viên Cấp 1 & 2 tại Cơ sở Đào tạo Giáo Lý Viên Giuse Thợ (15-12-2024) -
Lãnh đạo TP.HCM chúc mừng Lễ Giáng Sinh 2024 và Năm Mới 2025 -
Tĩnh huấn Mùa Vọng 2024 của giáo hạt Tân Sơn Nhì -
Giờ lễ Giáng sinh 2024 cho các cộng đoàn nước ngoài (Christmas Schedule 2024)
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023