Học làm người và học làm con Chúa
Khi tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã dựng nên con người và cho con người làm chủ muôn loài vạn vật. Nhưng so sánh với nhiều sinh vật khác, con người lại thua kém về mọi mặt giác quan. Tai nghe không bằng con dơi. Mắt nhìn thì thua con cú. Chân chạy thì kém xa con báo cả ngàn lần. Còn nếu so sánh về sức mạnh với con voi, con trâu, con bò… thì con người đáng muôn ngàn lần thất vọng. Và khi đứng trước biển cả hoặc núi non rừng rậm, con người thấy mình bé nhỏ vô nghĩa như mất hút trong thiên nhiên đến nỗi Thánh Vịnh đã phải kêu lên rằng:
“Lạy Chúa! con người có là chi, mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 144,3)
Con người thật yếu đuối, nhưng chiều kích của nó lại vô cùng vĩ đại cao cả vì là con của Thượng đế chí tôn, được có Cha là Đấng Sáng tạo, lại được phép gọi Ngài là Abba, là Cha một cách thân thương gần gũi. Những điều này nếu chỉ nói qua môi miệng thì không ấn tượng bao nhiêu, nhưng ngay cả những khi chìm trong suy niệm, cũng không mấy ai có thể hình dung để hiểu đủ và biết hết, vì đó là một điều huyền nhiệm, do đó, chỉ còn biết rưng rưng cảm tạ với lòng biết ơn sâu lắng.
“Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nỗi đã sai Con Một của Ngài đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9 ).
Thiên Chúa yêu thương đến như si tình con người, Đức Giêsu rất nhiều lần đã tự xưng mình là CON NGƯỜI. Yêu thương cũng là tôn trọng, tôn trọng đối tượng mà mình yêu mến. Đấng Sáng Tạo tôn trọng tự do của loài thọ tạo. Phúc lộc và danh dự bắt đầu từ đây, nhưng thảm kịch và bất hạnh cũng khởi đầu từ đây. Vì lịch sử con người cũng là lịch sử của những bất trung, của tình yêu trắc trở đầy tính phản bội từ phía con người đối với Thiên Chúa.
Nhân là người. Nhân cũng là nhân nghĩa, là lòng nhân ái, cũng là tình yêu thương. Khi tạo dựng con người, Chúa đã gieo những hạt mầm yêu thương trong lòng con người, Ngài mong mỏi những hạt mầm ấy sẽ trưởng thành và ngày một đâm rễ và đơm hoa kết trái để trở thành những con người từ ái mang hình ảnh Thiên Chúa tình yêu. Cái mầm kia lớn lên hay chết yểu đều do mỗi người toàn quyền quyết định, đó là vinh dự lớn lao, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề.
Như thế, cần phải học, rất cần phải thực hành những bài học làm người, vì làm con Chúa là gì, nếu không phải là làm người đích thực theo gương Đức Giêsu?
Đọc Lời Chúa để tìm biết Ý Chúa. Ý Chúa đã được thực hiện từ thuở đời đời và luôn thể hiện qua mọi cảnh sống và được diễn tả bằng muôn ngàn cách khác nhau. Ta hãy nghe ý Chúa qua một cảnh sống đầy ý nghĩa dưới đây:
1. Đại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại theo học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng vui mừng. Một hôm người đồ đệ này trở về và thưa với ngài Tinh Vân rằng:
“Bạch Sư Phụ, nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con cần phải học thêm những gì nữa không? ” Ngài Tinh Vân đáp:
“Học Làm Người”, học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.
Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ, nông, công, thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay xin cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.
Thứ Nhất: “Học nhận Lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về phần mình, tất cả mọi lỗi lầm đều dễ đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác, và thường cho rằng bản thân mình mới đúng, đang khi đó, thật ra không biết chính mình là một lỗi lầm rất lớn. Đối tượng để mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, là bạn bè và mọi người trong xã hội, thậm chí, nhận lỗi với cả con cái hoặc là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại, còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn lao nhưng cũng là điều khó thực hiện nhất.
Thứ Nhì: “Học Nhu Hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, nhưng sống chưa hết cuộc đời thì răng lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, học nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại theo quy luật tự nhiên. Tâm nhu hòa là kết quả và là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Những người cố chấp thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục cái Tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi, sinh động và ích lợi hơn biết mấy.
Thứ Ba: “Học Nhẫn Nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, biết dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sinh tồn, muốn sống an bình, thì cần phải biết nhẫn, để có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí đôi khi còn phải chấp nhận nó.
Thứ Tư: “Học Thấu Hiểu”. Thấu hiểu lẫn nhau sẽ bớt hẳn nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể sống hòa bình cho được?
Thứ Năm: “Học Buông Bỏ”. Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống. Lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta biết chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể an nhiên tự tại được.
Thứ Sáu: “Học Cảm Động”. Nhìn thấy ưu điểm hoặc thành công của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là cái tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề. Trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.
Thứ Bảy: “Học Sinh Tồn”. Để sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ và rèn luyện tập tành để thân thể được khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, đó cũng là hành vi hiếu đễ và biết ơn đối với mọi người mà không cần phải dùng đến lời nói .
2. Bảy điều Đại sư Tinh Vân muốn đệ tử của mình phải học để làm người, cách nói tuy có khác, nhưng nội dung không xa lắm với bài ca Đức Mến mà Thánh Phaolô đã dạy: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc” (1 Cr 13, 4 -7).
Thánh nữ Têrêsa còn nhấn mạnh hơn nữa: Rất cần phải học yêu thương. Yêu thương cũng phải tập tành, phải rèn luyện qua từng ngày sống… Không ai chỉ cần yêu thương một lần là đủ cho suốt cả đời.
Xem như thế, để được làm người đúng nghĩa chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Và để trở nên con Chúa một cách đích thực cũng không hề là điều đơn giản. Vì thế, không thể ảo tưởng để tự ru ngủ mình bằng một lối sống đạo dễ dãi hình thức và đầy tính ồn ào trình diễn. Quả thật, Đức Giêsu chưa bao giờ hứa hẹn con đường theo Ngài là những con đường trải toàn thảm đỏ với những hoa hồng, nhưng Ngài đã thẳng thắn và quyết liệt nói rằng:
“Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi ” (Lc 9, 23).
Rất mạnh mẽ. Thật dứt khoát và không thể hiểu lầm.
Mỗi lần nhớ lại những lời nói ấy, ai cũng thấy lòng mình như có sóng dậy, những con sóng dễ chịu và cả những con sóng hết sức khó chịu khổ đau. Vì nội tâm của ta luôn là một bãi chiến trường giữa 2 thế lực lớn là CON và NGƯỜI, ở nơi đó, ta không được phép đứng ngoài như một khán giả đi xem đá bóng. Trong những cuộc chiến ấy, ta phải nhập cuộc và tham dự một cách tích cực, vì nó sẽ là chính ta, trong CON VẬT. Nó cũng sẽ là chính ta, trong CON NGƯỜI sau những cuộc xung đột diễn ra ở nội tâm mình. Ta là CON hoặc là NGƯỜI đều tùy thuộc vào kết quả sau cùng những đấu tranh nội tâm ấy.
Vì con đường từ bỏ mình chính là con đường tự lột xác, mà sự lột xác nào lại không gây ra nhiều đớn đau và cả những xốn xang nghi ngại. Từ bỏ mình cũng chính là những lựa chọn, mà lựa chọn nào không để lại ít nhiều di chứng là những thương tích vì mệt mỏi và mất mát tiếc nuối?
Phải học làm người. Phải tập tành rèn luyện để làm con Chúa.
Chẳng ai học một lần là đủ. Cũng không có ai chỉ cần tập tành vài lần mà thành. Điều đơn giản ấy thì ai cũng biết, đó là những việc phải liên lỷ thực hiện cho đến hết cuộc đời. Đó là một thách đố khó thể vượt qua? hoặc là những đòi hỏi gắt gao quá sức mỗi người? Có thể như vậy, nhưng rất có thể, sẽ không là như vậy.
Vì thật may mắn, Thiên Chúa Tình yêu không xem xét những thành quả việc làm cho bằng muốn thấy thiện chí và niềm tin của mỗi chúng ta. Đó cũng là tâm tình và lời cầu nguyện như được gối đầu giường của chị Thánh Têrêsa Hài đồng:
“Lạy Chúa! khi đời con đã về chiều, con sẽ ra trình diện trước nhan Chúa với hai bàn tay trắng.
Xin Chúa đừng tính đếm những việc con làm, vì những việc tốt lành nhất của con cũng đều mang tỳ vết trước mặt Chúa.
Nhưng xin Chúa hãy lấy Sự Công chính của Ngài để mặc cho con làm áo, và xin Chúa cho con được lãnh nhận chính Ngài làm gia nghiệp đời đời.”
Những lời nguyện ấy đã được Chị Thánh kiên trì dâng lên từ hơn 100 năm trước, và hôm nay, chúng con vẫn thấy phù hợp không có gì cần phải đổi thay.
Amen.
bài liên quan mới nhất
- Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại
-
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện -
Tình yêu có liên quan gì không?
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19