Học hỏi Phúc âm: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Học hỏi Phúc âm: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

Học hỏi Phúc âm: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa

LỄ MẸ THIÊN CHÚA

Lời Chúa: Lc 2, 16-21

16 Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.17 Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này.18 Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ. 21 Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Học hỏi:

1. Đọc Lc 2,8-15. Thiên sứ có bảo những người chăn chiên đi Bê-lem để gặp Đấng Cứu độ, Đấng Ki-tô không? Tại sao họ lại đi? Thiên sứ có dẫn đường cho họ đi không?

2. Đọc Lc 2,12.16. Nhờ dấu hiệu nào mà họ nhận ra Đấng Cứu độ? Theo bạn, dấu hiệu này có gì khác thường không? Các người chăn chiên có đặt vấn đề về dấu hiệu khác thường này không?

3. Bạn học được gì nơi các người chăn chiên sau khi đọc Lc 2,8-20?

4. Đọc Lc 2,7. Tại sao Hài nhi Giêsu lại nằm trong máng cỏ? Đọc Lc 2,7 và Mc 14,14 (katalyma). Bạn có biết ngôi nhà của người Do-thái thời Đức Giêsu thường gồm mấy phòng không? Hài nhi Giêsu ở phòng nào?

5. Đọc Lc 2,19. Đức Maria có kinh ngạc không? Mẹ có hiểu hết những gì đang xảy ra cho Con của Mẹ không? Mẹ đã làm gì? Bạn học được điều gì từ thái độ của Đức Maria?

6. Đọc Lc 2,21 và Sáng thế 17,9-14. Hài nhi Giêsu được chịu phép cắt bì sau khi sinh 8 ngày, nghi thức đó có ý nghĩa gì?

7. Hài nhi được đặt tên là Giêsu. Ai là người đặt tên này cho Hài nhi? Đọc Lc 1,31; Lc 2,21; Mt 1,21.25.

8. Tại sao chúng ta gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa (Dei Genitrix, Theotokos)? So sánh Lc 1,43 với Lc 1,46. So sánh Lc 1,47 với Lc 2,11.

GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Maria là phụ nữ được mang tước hiệu cao trọng là Mẹ Thiên Chúa làm người. Bạn có thấy Mẹ Maria xa cách bạn vì Mẹ được Chúa ban những tước hiệu độc nhất vô nhị không? Bạn có thấy suốt đời Mẹ đã chịu khổ nhiều vì Đức Giêsu không?

PHẦN TRẢ LỜI

Khi thiên sứ Gabriel báo cho Maria về chuyện bà Êlisabét, cao niên và hiếm muộn, nhưng đã thụ thai được sáu tháng, thiên sứ không bảo Maria hãy đi thăm bà chị họ. Nhưng Maria đã nhận ra đó là một lời mời kín đáo, và Maria đã vội vã đi thăm bà (Lc 1,36.39). Khi một vị thiên sứ hiện ra với các người chăn chiên, báo cho họ biết Đấng Cứu độ đã được sinh ra ở thành của vua Đa-vít tức Bê-lem, và còn cho họ dấu chỉ để nhận ra Hài Nhi đó, các người chăn chiên cũng nhận ra đó là một lời mời kín đáo của Thiên Chúa. Sau đó, họ đã rủ nhau hối hả sang Bê-lem để thấy điều thiên sứ đã cho biết (Lc 2,15-16). Thiên sứ chẳng cần dẫn đường cho họ vì họ đã biết Bê-lem.

Đây là dấu hiệu thiên sứ cho các người chăn chiên để họ nhận ra Đấng Cứu Độ, cũng là Đấng Mêsia và là Đức Chúa: một trẻ sơ sinh, quấn tã, nằm trong máng cỏ (Lc 2,12). Sau này khi đến Bê-lem họ đã gặp đúng dấu hiệu đó (Lc 2,16; x. Lc 2,7). Một trẻ sơ sinh được mẹ quấn tã thì không có gì lạ, nhưng được đặt nằm trong máng cỏ thì lại là chuyện rất khác thường. Máng cỏ là máng ăn của súc vật như chiên bò lừa, chẳng sạch sẽ gì. Tại sao bé mới sinh lại không được đặt nằm trên giường hay trong nôi? Phải chăng vì bé đã được sinh ra trong chuồng nuôi súc vật nên mới có cái máng này? Gia đình của bé là ai mà nghèo đến nỗi phải sinh con trong hoàn cảnh thiếu thốn đó? Các người chăn chiên có thể nghĩ ngay đến những câu hỏi trên. Hơn nữa, thiên sứ lại còn cho biết em bé này là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Mêsia được Chúa xức dầu cho làm Vua Israel. Làm sao một vị vua mà người Do-thái mong đợi lại sinh ra trong hoàn cảnh tồi tệ như thế? Lạ thay, những người chăn chiên không hề đặt câu hỏi với vị thiên sứ, cũng không tỏ vẻ hoài nghi không tin.

Chúng ta cũng học được nơi họ niềm tin đơn sơ, dựa trên những dấu chỉ tầm thường. Những người chất phác, ít học, bị coi là không đạo đức mấy, lại là những người được Chúa tỏ mình trước tiên và là những người đầu tiên gặp mặt Đấng Cứu Độ. Chúng ta cũng họ được nơi họ sự hân hoan vội vã đi gặp Đấng mà thiên sứ loan báo. Chính họ là những người đầu tiên kể lại cho mọi người thông điệp Giáng sinh của thiên sứ (Lc 2,17). Khi rời Bê-lem, họ làm điều các thiên sứ đã làm, đó là hân hoan ca tụng Thiên Chúa vì được nghe thiên sứ báo tin và thấy quả đúng như vậy (Lc 2,20).

Bé thơ phải đặt nằm trong máng cỏ là vì không có chỗ cho hai ông bà trong “nhà trọ” (katalyma, Lc 2,7). Hiện nay nhiều tác giả không hiểu katalyma có nghĩa là nhà trọ. Để nói về nhà trọ, thánh Luca dùng từ pandokheion (Lc 10,34). Thánh Luca dùng từ katalyma để nói về cái phòng nơi Đức Giêsu và các môn đệ ăn lễ Vượt Qua (Lc 22,11; x. Mc 14,14). Đó là cái phòng dành cho khách. Có lẽ vì phòng khách đã chật rồi, nên không còn chỗ cho đôi vợ chồng, hơn nữa bà vợ lại đang gần ngày sanh. Nhà người Do-thái ở vùng Giu-đê, ngoài phòng cho gia đình và phòng khách, còn có nơi cho súc vật bò lừa. Đây cũng là một phần của căn nhà, nhưng ở chỗ thấp kém hơn. Chắc Giuse và Maria đã phải xuống đó ở, và sinh con ở đó.

Nhờ được thiên sứ Gabriel truyền tin, Mẹ Maria biết Hài Nhi Con của Mẹ là ai, là Đấng Mêsia thuộc dòng vua Đa-vít. (Lc 1,31-33). Bởi đó Mẹ không ngạc nhiên khi nghe các người chăn chiên kể. Nhưng Mẹ có thể không hiểu được tại sao Con của Mẹ lại phải sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn đến như vậy: không có nhà, không có chỗ tử tế để nằm, trong khi đó thiên sứ lại nói đến ngai vàng và ngôi vua. Trước những biến cố mầu nhiệm không thể hiểu hết được, Maria không từ khước, nhưng giữ kỹ tất cả và suy đi nghĩ lại trong tim mình (Lc 2,19). Chúng ta học được nơi Maria thái độ tín thác vào Chúa, dù chúng ta không bao giờ hiểu trọn vẹn những gì Chúa cho xảy ra.

Luật Do-thái đòi buộc mọi bé trai phải được cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh (St 17,9-14). Cha mẹ Đức Giêsu đã tuân theo Luật đó khi cắt bì cho Hài Nhi Giêsu (Lc 2,21). Cắt bì là dấu hiệu giao ước giữa Thiên Chúa với dân Do-thái. Người được cắt bì trở thành phần tử của Dân Giao ước của Thiên Chúa. Ai không cắt bì bị coi như dân ngoại. Có chút gì tương tự với Bí tích Thánh Tẩy của Kitô giáo.

Theo Tin Mừng Luca, “bà (Maria) sẽ gọi tên của Người là Giêsu” (Lc 1,31). Đây là tên do thiên sứ cho trước khi Người được thụ thai (Lc 2,21). Còn trong Tin Mừng Mát-thêu, thiên sứ bảo ông Giuse đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu (Mt 1,21), và ông đã vâng lời (Mt 1,25). Như vậy tên Giêsu là tên đến từ thiên sứ của Thiên Chúa. Cha và mẹ đều có thể đặt tên cho con (xem Lc 1,59-63).

Trong ngày đầu năm Dương lịch, Giáo hội kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa Con Một đã làm người nơi cung lòng Mẹ, nên Đức Giêsu mà Mẹ sinh ra chính là Thiên Chúa thật. Mẹ là Mẹ Đức Giêsu nên là Mẹ Thiên Chúa nhập thể (Mẹ không phải là Mẹ của Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần). Công đồng Êphêsô năm 431 đã công nhận tước vị này. Trong Lc 1,46, Đức Chúa để chỉ Thiên Chúa tối cao; còn trong Lc 1,43 Mẹ được bà Êlisabét gọi là Mẹ của Đức Chúa. Trong Lc 1,47 Thiên Chúa được gọi là Đấng Cứu Độ; còn trong Lc 2,11 thiên sứ gọi Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Độ.

 

Top