Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 Thường niên năm C

(Ga 2,1-11)

Lời Chúa

1Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. 2Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". 4Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến" 5Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".

6Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!" Và họ đổ đầy tới miệng. 8Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc". Họ liền đem cho ông. 9Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ".

Học hỏi

1. Trong toàn bộ Tin Mừng Gioan, có mấy đoạn kể chuyện về Đức Giêsu và Mẹ Ngài?

2. Toàn bộ Tin Mừng Gioan có bao nhiêu “dấu lạ”? Đọc Ga 2,1-11; 4,43-54; 5,1-18; 6,1-15; 9,1-41; 11,1-57.

3. Trong bài Tin Mừng này, có mấy cuộc gặp gỡ đối thoại cả thảy?

4. Tin Mừng Gioan có nói đến tên Đức Maria không? Trong Tin Mừng này, Đức Mẹ được gọi là gì? Khi nghe Đức Giêsu gọi Mẹ là , bạn thấy có bình thường không? Xem Ga 2,4; 19,26; 4,21; 20,15.

5. Trong Ga 2,4 Đức Giêsu cho thấy giờ của mình chưa đến. Khi nào thì giờ ấy mới thật sự đến trọn vẹn?

Đọc Ga 7,30; 8,20; 12,27-28; 13,1; 16,32; 17,1.

6. Trước khi giờ ấy đến trọn vẹn, có khi nào giờ ấy loé lên trong cuộc sống của Đức Giêsu không?

Đọc Ga 4,23; 5,25.

7. Bạn nghĩ gì về thái độ của Đức Mẹ? Đọc Ga 2,5.

8. Bạn nghĩ gì về thái độ của những gia nhân? Đọc Ga 2,7-9.

GỢI Ý CẦU NGUYỆN Qua dấu lạ ở Cana, Đức Giêsu đem đến điều gì cho đôi tân hôn và tiệc cưới của họ? Các cuộc hôn nhân trong xã hội chúng ta hôm nay đang thiếu gì? Làm sao để có được những phép lạ Cana mới trong các gia đình đang gặp khó khăn?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Toàn bộ Tin Mừng Gioan chỉ kể hai câu chuyện trong đó có sự hiện diện của Đức Giêsu và Thân Mẫu của Ngài. Câu chuyện thứ nhất là về tiệc cưới ở Cana (Ga 2,1-11), tại đây Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên biến nước thành rượu, sau khi được Thân Mẫu gợi ý. Câu chuyện thứ hai diễn ra dưới chân thập giá, nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh (Ga 19,25-27). Chính tại đây Ngài đã xin Thân Mẫu nhận lấy người-môn-đệ-mình-yêu làm mẹ của anh. Như thế, Tin Mừng Gioan đã đặt Thân Mẫu của Đức Giêsu hiện diện ở đầu và ở cuối sứ vụ của Ngài.
  2. Tin Mừng Gioan thích gọi các phép lạ là “dấu lạ” (sêmeion). Phép lạ ở tiệc cưới Cana được Tin Mừng Gioan gọi là “dấu lạ” đầu tiên trong số những dấu lạ (Ga 2,11). Ngoài ra còn có năm “dấu lạ” (sêmeion) khác trong Tin Mừng này: chữa con một viên quan của vua ở Cana (Ga 4,43-54), chữa người bất toại ở hồ nước Bết-da-tha (Ga 5,1-18), làm bánh hóa nhiều ở bên kia biển hồ Tibêria (Ga 6,1-15), chữa một người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41), và hoàn sinh anh Ladarô ở Bêtania gần Giêrusalem (Ga 11,1-57). Cả thảy có sáu dấu lạ trong Tin Mừng Gioan. Dấu lạ vừa báo về một thực tại lớn lao sắp đến, vừa cho thấy thực tại ấy đã bắt đầu có mặt rồi.
  3. Đoạn Tin Mừng hôm nay có thể nói có bốn cuộc đối thoại, dù không nhất thiết hai bên đều phải lên tiếng. Đối thoại 1 giữa Thân Mẫu và Đức Giêsu (Ga 2,3-4). Đối thoại 2 giữa Thân Mẫu với những người hầu bàn (Ga 2,5). Đối thoại 3 giữa Đức Giêsu với những người hầu bàn (Ga 2,7-8). Đối thoại 4 giữa người quản tiệc với chú rể (Ga 2,9-10).
  4. Tin Mừng Gioan không gọi tên Đức Mẹ là Maria, chỉ gọi Mẹ là “Thân Mẫu của Đức Giêsu” hay “Thân Mẫu của Người” (Ga 2,1.3.5.12; 19,25-26). Hơn nữa, khi nói chuyện với Mẹ Maria, Đức Giêsu có lối xưng hô đặc biệt. Ngài gọi Đức Mẹ là “Bà” (gunai, woman, x. Ga 2,4; 19,26). Ngài gọi người phụ nữ Samaria và chị Maria Mácđala cũng là “Bà” (Ga 4,21; 20,15). Ngày nay chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu gọi Mẹ mình là Bà, một lối gọi có vẻ xa lạ và lạnh lùng, nếu không muốn nói là thiếu tôn kính (x. Mt 15,28; Lc 22,57). Thật ra, vào lúc Đức Giêsu hấp hối trên thập giá, khi đau khổ vì sắp phải chia tay Mẹ, khi tình yêu hiếu thảo đối với người mẹ dâng cao, Đức Giêsu đã gọi Mẹ là “Bà” (Ga 19,26). Vậy lối xưng hô “Bà” không phải là do thiếu kính trọng hay yêu mến. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng trong các tác phẩm văn chương Do-thái hay Hy-lạp, không bao giờ thấy con gọi mẹ là “Bà.” Khi gọi Mẹ mình là “Bà,” Đức Giêsu cho thấy một chút khoảng cách với người đã sinh ra mình, cho thấy tình mẹ con ruột thịt phải nằm trong một tương quan lớn hơn và nền tảng hơn nhiều, đó là tương quan giữa Đức Giêsu là Con Một đối với Thiên Chúa Cha (x. Lc 2,49).
  5. Khi Đức Mẹ báo cho Đức Giêsu biết về tình trạng hết rượu của tiệc cưới (Ga 2,3), Ngài có vẻ muốn từ chối, và đưa ra lý do: “Giờ của con chưa đến” (Ga 2,4). Trong Tin Mừng Gioan, Giờ (hôra) là một từ mang ý nghĩa đặc biệt. Giờ để chỉ toàn bộ biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu: chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá, được phục sinh, được tôn vinh và trở về với Chúa Cha. Giờ để chỉ việc Ngài từ bỏ thế gian này mà về lại bên Cha, sau khi đã hoàn thành sứ mạng (Ga 13,1). Nhiều lần sách Tin Mừng nói giờ của Ngài chưa đến (Ga 2,4; 7,30; 8,20). Rồi đến lúc chính Đức Giêsu nói giờ Ngài ấy đã đến rồi (Ga 12,23; 16,32; 17,1). Giờ này có làm Ngài xao xuyến (Ga 12,27), vì giờ Ngài được Cha tôn vinh cũng là giờ các môn đệ tan tác vì Thầy bị bách hại (Ga 16,32; 17,1).
  6. Trước khi Giờ ấy đến một cách trọn vẹn với cuộc trở về nhà Cha của Đức Giêsu qua cái chết thập giá, ta thấy có những lần lóe sáng của Giờ qua sứ vụ của Đức Giêsu. Ngài nói với người phụ nữ Samaria và các người Do-thái: “Giờ đã đến, và chính là lúc này đây” (Ga 4,23; 5,25; x. 5,28).
  7. Câu trả lời của Đức Giêsu “Chuyện đó can gì đến bà và con?” (Ga 2,4) cho thấy có vẻ Ngài không muốn liên can đến chuyện hết rượu, dù Ngài biết Mẹ rất muốn tiệc cưới được kết thúc một cách tốt đẹp. Đức Giêsu sẽ không làm gì nếu điều đó không hợp với ý muốn của Đấng sai Ngài. Ngài đắn đo vì đây có thể là “dấu chỉ” đầu tiên Ngài làm khi bắt đầu sứ vụ Cha trao. Đối với Mẹ Maria, câu trả lời của Đức Giêsu, với tất cả cung giọng của Ngài, không phải là một lời từ chối dứt khoát, rõ ràng, và Mẹ vẫn thấy có chút hy vọng Con mình sẽ làm một điều gì đó cho tiệc cưới. Chính vì thế Mẹ đã dặn dò các người hầu tiệc: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2,5).
  8. Phép lạ (hay dấu chỉ) đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Gioan đã có sự cộng tác tinh tế và hiệu quả của Đức Mẹ. Tuy nhiên, chúng ta không quên sự cộng tác của các người hầu tiệc. Họ đã vâng lời Đức Mẹ để mà vâng lời Đức Giêsu (Ga 2,5). Họ đã vâng lời Đức Giêsu khi vất vả đổ nước cho đầy sáu chum đá (Ga 2,6-7). Hơn nữa, họ còn liều lĩnh vâng lời Ngài khi dám múc nước trong các chum để đem cho ông quản tiệc nếm (lúc ấy họ chưa biết nước đã thành rượu ngon).

Top