Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C
Lc 3,10-18
Lời Chúa:
10 Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây? " 11 Ông trả lời: "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? " 13 Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." 14 Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình."
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 17 Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi." 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Học hỏi:
1. Ông Gioan đã kêu gọi dân Do-thái đến chịu phép rửa tỏ lòng hối cải (Lc 3,3). Khi người dân kéo đến chịu phép rửa, đâu là thái độ của ông Gioan? Ông nhắc nhở họ hai lần chuyện gì? Đọc Lc 3,7-9. Vậy theo ông, hối cải là gì?
2. Đọc Lc 3,10-14. Có mấy nhóm đến gặp Gioan? Họ hỏi ông câu gì? Câu hỏi của họ cho thấy điều gì? Đọc thêm Cv 2,37; 22,10.
3. Đọc Lc 3,11-14. Gioan khuyên dân chúng, những người thu thuế và binh lính như thế nào?
4. Cả ba lời khuyên của Gioan có điểm nào giống nhau? Chịu phép rửa của Gioan mà thôi có đủ không?
5. Tìm một câu trong bài Tin Mừng này cho thấy dân chúng rất kính nể Gioan Tẩy giả.
6. Tìm những câu cho thấy Gioan không đề cao con người của mình và phép rửa của mình.
7. Để thúc đẩy người dân mau hối cải, Gioan không ngại dùng những lời đe dọa. Tìm những hình ảnh Gioan đã dùng để diễn tả sự luận phạt của Thiên Chúa trong Lc 3,9.17.
8. Hối cải trong Mùa Vọng có khác gì với hối cải trong Mùa Chay không?
GỢI Ý SUY NIỆM: Đối với bạn, hối cải (sám hối, hoán cải, trở lại) nghĩa là gì? Bạn có dự định lãnh nhận Bí tích Hòa giải trong Mùa Vọng không? Điều gì làm bạn ngần ngại khi đi lãnh Bí Tích này?
PHẦN TRẢ LỜI
- Ông Gioan đã kêu gọi đám đông dân chúng đến lãnh nhận phép rửa của ông để tỏ lòng hối cải (Lc 3,3). Nhưng lạ thay, khi họ đến với ông để xin chịu phép rửa, thì ông lại gọi họ là nòi rắn độc, đang tìm cách trốn khỏi sự trừng phạt của Thiên Chúa (Lc 3,7). Gioan đòi họ phải hối cải, nghĩa là phải sinh hoa trái trong cuộc sống. Hơn nữa, ông đòi họ phải ra khỏi sự tự hào mình là con cái của tổ phụ Abraham (Lc 3,8). Và ông không quên đe dọa họ, ví họ như những cây. Cây nào không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa, vì rìu đã đặt sát gốc cây rồi (Lc 3,9). Ông Gioan hai lần nói đến việc sinh trái (c.8), và sinh trái tốt (c.9). Theo ông, lòng hối cải thật sự bao giờ cũng được diễn tả ra bằng việc sinh trái, nghĩa là bằng những việc làm cụ thể.
- Khi Gioan đòi họ phải sinh trái bằng việc làm cụ thể, có ba nhóm người đến gặp Gioan Tẩy giả: nhóm đám đông dân chúng, nhóm những người thu thuế, và nhóm binh lính. Họ hỏi Gioan cùng một câu: “Chúng tôi phải làm gì?” “Chúng tôi” cho thấy họ muốn cả nhóm cùng nhau hối cải, chứ không phải chỉ là chuyện cá nhân. “Phải” cho thấy họ cảm được một đòi hỏi thôi thúc tự bên trong, đòi buộc họ phải hành động. “Làm gì?” cho thấy họ muốn biết mình giờ đây phải hành động như thế nào, chứ không chỉ ước muốn suông. Thánh sử Luca thích dạng câu hỏi này, nên ta thấy nó xuất hiện nhiều lần trong hai tác phẩm của ngài là Tin Mừng Luca và sách Công vụ Tông đồ. Sau này, dân chúng sẽ hỏi Phêrô một câu tương tự sau bài giảng đầu tiên của ông (Cv 2,37), và Sa-un cũng hỏi Chúa như thế sau khi bị quật ngã trên đường đi Đa-mát (Cv 22,10). Xem thêm Lc 10,25; 18,18; Cv 16,30.
- Đối với dân chúng, Gioan khuyên hãy chia sẻ cơm áo cho nhau (Lc 3,11). Ngay cả khi mình chỉ có hai chiếc áo trong (khitôn), cũng sẵn lòng chia cho người không có. Việc chia sẻ này không dễ, vì như thế mình sẽ chỉ còn một chiếc áo trong, không có áo để thay đổi khi cần. Việc chia sẻ này rất thật vì đòi tôi hy sinh nhu cầu của tôi, và rất cần vì người khác thật sự cần một chiếc áo. Việc chia sẻ này cũng đem lại sự đồng đều giữa hai người, vì sau khi chia sẻ, mỗi người sẽ có một chiếc áo trong.
Đối với những người thu thuế, Gioan khuyên họ đừng lạm thu, đừng bắt người ta đóng thuế quá mức ấn định, đừng để lòng mình bị đồng tiền chi phối (Lc 3,12). Cuối cùng ông khuyên các binh lính không dùng quyền lực để xách nhiễu dân chúng, và nên bằng lòng với đồng lương của mình (Lc 3,14).
- Cả ba lời khuyên của Gioan đều liên quan đến những hành động cụ thể đối với tha nhân, gồm những điều nên làm hay nên tránh. Nói chung phải sống công bằng (không chiếm đoạt) và bác ái (sống chia sẻ). Như thế Gioan không coi việc đến chịu phép rửa của ông ở sông Giođan là đủ để bày tỏ lòng hối cải. Lòng hối cải còn cần những thay đổi tích cực trong cách sống với tha nhân nữa.
- Dân Do-thái tin Gioan Tẩy giả là một ngôn sứ. Hơn nữa, qua lối sống và lời giảng của ông, mọi người còn nghĩ trong lòng biết đâu Gioan lại chẳng là Đấng Kitô, hay Đấng Mêsia mà họ mong đợi từ lâu (Lc 3,15). Qua suy nghĩ như thế, dân chúng cho thấy họ coi trọng Gioan.
- Câu trả lời của Gioan ở Lc 3,16 cho thấy ông tỏ ra khiêm hạ trước Đấng mà ông đến để dọn đường. Ông nhận Ngài là Đấng quyền thế hơn ông, và ông không đáng làm đầy tớ cởi quai dép cho Ngài. Ông cũng nhận phép Rửa của Đấng ấy thì cao trọng hơn phép rửa của ông: ông chỉ làm phép rửa bằng nước để dọn đường cho Đấng ấy đến, còn Đấng ấy sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần và lửa.
- Trong Lc 3,9 Gioan dùng hình ảnh cái rìu đã đặt sát gốc cây. Cây không sinh trái tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Trong Lc 3,17 Gioan lại dùng một hình ảnh khác: Đấng quyền thế mà ông loan báo sẽ dùng cái nia (hay cái chĩa) để dọn sạch sân phơi lúa, gió sẽ thổi đi thóc lép, để lại thóc mẩy. Thóc mẩy là người tốt được đưa vào kho, còn thóc lép là người xấu thì bị đốt trong lửa không hề tắt. Cả hai hình ảnh này đều nhắc đến lửa, vừa phá hủy, vừa thanh luyện.
- Phụng vụ mùa Vọng và mùa Chay đều dùng lễ phục màu tím để diễn tả tâm tình hối cải. Hối cải của mùa Vọng nhằm chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu, và chuẩn bị đón Đấng ấy sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang. Hối cải của mùa Chay nhằm chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ đã đến với chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Hối cải trong Mùa nào cũng đòi chúng ta bỏ đường tội lỗi và quay trở lại với Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B
-
Học hỏi Phúc âm Chúa nhật 8 Thường niên - năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 31 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm A -
Học hỏi Phúc âm: Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống