Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C

Lc 3,1-6

Lời Chúa:

1Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrô-đê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, 2Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. 
3Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, 4như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. 5Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 6Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Học hỏi:

1.  Đọc Lc 3,1-2. Hai câu này cho ta biết những chi tiết lịch sử đạo đời nào? Chúng có cần thiết không?

Tìm câu nào cho thấy ông Gioan, con ông Dacaria, là một ngôn sứ? Đọc Isaia 38,4; Giêrêmia 1,4; 13,3.

2.  Để chuẩn bị cho biến cố ơn cứu độ của Thiên Chúa gần đến, ông Gioan Tẩy giả đã làm những gì, và đã mời dân Do-thái làm gì? Đọc Lc 3,3. Hãy mô tả phép rửa của ông Gioan ở sông Gio-đan.

3.  Đối với Đức Giêsu, sám hối có cần thiết để được ơn tha tội không? Đọc Lc 24,47; Cv 3,19. Sám hối có phải là một ơn Chúa ban không hay do tự sức con người? Đọc Cv 5,31; 11,18.

4.  Khi thời lưu đày ở Babylon sắp kết thúc, ngôn sứ Isaia mời dân Do-thái làm gì để đón ĐỨC CHÚA trở lại? Đọc Is 40,3-5.

5.  Đọc Lc 3,4-6. Ông Gioan trích Is 40,3-5, và mời gọi người ta làm để chuẩn bị đón Đức Chúa. Có nên hiểu câu này theo nghĩa đen không? Nếu hiểu theo nghĩa bóng, những việc làm này tượng trưng cho thái độ nào?

6.  Đức Chúa mà ông Gioan muốn nhắm đến bây giờ là ai? Đọc Lc 1,43; 2,11.

7.  Đọc Lc 3,6. Ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho ai? Dân ngoại có được hưởng ơn này không? Đọc Lc 2,30-32.

8.  Tại sao Giáo hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng này vào Mùa Vọng?

CÂU HỎI SUY NIỆM: Dám hoán cải và dám mời gọi mọi người hoán cải, đó là điều ông Gioan Tẩy Giả đã làm. Để làm được như thế cần nhiều can đảm. Giáo Hội chúng ta hôm nay, trong tinh thần hiệp hành (synodality) có cần những Gioan như thế không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Tin Mừng Luca 3,1-2 cho ta biết bối cảnh lịch sử, về cả đời lẫn đạo, của biến cố ông Gioan Tẩy giả xuất hiện trong hoang địa. Luca 3,1 nói đến năm thứ mười lăm triều hoàng đế Rôma là Ti-bê-ri-ô (Tiberius), ông này làm hoàng đế (Xê-da) từ 14-37 sau CN. Luca 3,1 cũng nói đến Phong-xi-ô Phi-la-tô là người cai trị vùng Giu-đê; sau đó kể tên ba người con của vua Hêrôđê Cả, mỗi ông là tiểu vương của một vùng. Đặc biệt có ông Hêrôđê làm tiểu vương cai trị vùng Ga-li-lê. Về mặt tôn giáo, Luca 3,2 nói đến tên hai vị thượng tế của Do-thái giáo là Kha-nan (làm thượng tế năm 16-18 sau CN) và Cai-pha (làm thượng tế năm 18-36 sau CN). Những chi tiết lịch sử cả đời lẫn đạo trên đây khá cần thiết vì giúp chúng ta biết bối cảnh lịch sử của thời kỳ Gioan làm phép rửa ở sông Giođan. Hơn nữa, Luca 3,1-2 còn cho thấy tất cả những biến cố xảy ra sau đó, nhất là biến cố Đức Giêsu xuất hiện, đều là biến cố có tính lịch sử. Đây không phải là huyền thoại hay truyền thuyết.

“Có lời Thiên Chúa phán cùng…” là một lối nói ta thường gặp trong các sách Ngôn sứ (x. Is 38,4; Gr 1,4; 13,3). Lối nói này cho thấy ông Gioan được Thiên Chúa kêu gọi để làm ngôn sứ cho Ngài.  Lời Thiên Chúa phán cùng ông Gioan, để ông nói lại cho dân: đó là sứ mạng của một ngôn sứ.

  1. Ông Gioan được Thiên Chúa cho biết ơn cứu độ mọi người chờ mong đã đến rồi. Bởi đó ông đã đi khắp vùng ven sông Giođan, mời người ta đến với ông để lãnh nhận phép rửa. Phép rửa này nhằm bày tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Lc 3,3). Gioan làm phép rửa bằng cách dìm người chịu phép rửa xuống dòng nước sông Gio-đan.
  2. Đối với Đức Giêsu, sám hối là đóng góp của con người, là điều cần thiết để được ơn tha tội (x. Lc 24,47; Cv 3,19). Nhưng sám hối cũng là một ơn Chúa ban (x. Cv 5,31; 11,18).
  3. Khi thời lưu đày ở Ba-by-lon sắp kết thúc (trước năm 538 trước CN), ngôn sứ Isaia, - được coi là Isaia đệ nhị, sống ở thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, - mời người ta làm một con đường để ĐỨC CHÚA dẫn đưa những người Do-thái bị lưu đày ở Babylon trở về Giêrusalem (Xion). Con đường được mô tả ở Lc 3,4-5 dĩ nhiên phải được hiểu theo nghĩa bóng. Đó là một con đường băng ngang qua sa mạc để về Xion, thay vì đi dọc theo các con sông của vùng Lưỡng-hà-địa. Để chuẩn bị cho con đường này, cần phải làm nhiều điều. Nếu đọc Is 40,3—4 ta thấy cần phải nắn đường cho thẳng, lấp đầy những thung lũng sâu, bạt xuống cho thấp những đồi núi. Luca 3,4-5 còn nói đến việc phải uốn lại chỗ quanh co, và san cho bằng chỗ gồ ghề. Để làm được một con đường hoàn chỉnh như thế, cần mất nhiều công sức. Khi Gioan Tẩy giả trích Is 40,4-6, ông có ý mời dân của ông làm một cuộc chuẩn bị nghiêm túc để đón Đức Chúa sắp đến.
  4. Ông Gioan Tẩy giả đã muốn dùng Is 40,3-5 để kêu gọi dân Israel chuẩn bị cho thời kỳ đặc biệt của ơn cứu độ đang đến. Chắc ngôn sứ Isaia và ông Gioan không có ý mời dân Do-thái làm một con đường vật chất, nhưng làm một con đường trong lòng người để Chúa có thể đi vào. Để hoàn thành con đường ấy, cần sống ngay thẳng, san bằng những cao ngạo kiêu căng, loại trừ những tham vọng ích kỷ.
  5. Ngôn sứ Isaia mời người ta dọn đường cho ĐỨC CHÚA (Is 40,3). ĐỨC CHÚA ở đây là GIA-VÊ, Đấng ba lần thánh. Còn khi ông Gioan Tẩy giả mời người ta dọn đường cho Đức Chúa (kyrios), thì Đức Chúa ở đây chính là Đức Giêsu (Lc 3,4). Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu được coi là Đức Chúa (kyrios). Bởi đó Đức Maria được gọi là Thân Mẫu của Đức Chúa (Lc 1,43), và vị thiên sứ hiện ra cho các người chăn chiên cũng gọi Hài Nhi Giêsu là Đức Chúa (Lc 2,11).
  6. Lời của ngôn sứ Isaia cho thấy “hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6; Is 40,5). Như thế ơn cứu độ của Thiên Chúa do Đức Giêsu đem lại  không chỉ giới hạn cho dân Do-thái sau cuộc lưu đày ở Babylon mà thôi, nhưng cho mọi người, kể cả dân ngoại là chính chúng ta (Lc 2,31-32). Điều này đã được ngôn sứ Si-me-ôn nói trong lời cầu nguyện của ông khi ông ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay: “…ơn cứu độ Chúa đã bày ra trước mặt muôn dân: đó là ánh sáng mặc khải cho dân ngoại…” (Lc 2,30-32).
  7. Giáo Hội cho chúng ta đọc bài Tin Mừng này trong Mùa Vọng vì Mùa Vọng là thời gian trông đợi Chúa đến. Vào thời ông Gioan (cũng là thời của Đức Giêsu), người Do-thái khao khát ngóng đợi Đấng Mêsia đến để cứu độ dân tộc họ, đem lại độc lập, bình an, thịnh vượng. Vào Mùa Vọng hôm nay, chúng ta cũng muốn sống lại niềm khao khát ấy của dân Do-thái. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ nhớ đến việc Đức Giêsu đã đến cách đây 2000 năm, mà còn tha thiết mong chờ Chúa đến lần thứ hai để cứu độ cách trọn vẹn toàn thể nhân loại và vũ trụ.                                                                            

 

Top