Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 23 Thường niên năm B
Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
ÉP-PHA-THA: XIN MỞ TAI MỞ MIỆNG VÀ MỞ LÒNG TRÍ CON
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 7,31-37
(31) Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đon, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. (32) Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. (C 33) Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh ta, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (34) Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha!”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” (35) Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (36) Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. (37) Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: Ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.
2. Ý CHÍNH:
Duy chỉ có Tin Mừng Mác-cô thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành một người bị câm điếc. Người thực hiện phép lạ này tại miền Thập Tỉnh, nơi cư dân hầu hết là dân ngoại. Người đã chữa bệnh câm điếc cho anh như sau: đặt ngón tay vào tai anh ta, bôi nước miếng vào lưỡi anh ta, ngước mắt lên trời cầu nguyện, rên lên một tiếng và nói “Ép-pha-tha!”-“Hãy mở ra!” Lập tức bệnh nhân được chữa lành: tai anh ta đã mở ra để nghe được và lưỡi anh ta đã được tháo cởi sợi dây ràng buộc để nói được rõ ràng.
3. CHÚ THÍCH:
- C 31-32: + Bỏ vùng Tia: Tia là một thành phố thuộc nước Phê-ni-xi-a, phía Bắc nước Do Thái, có bang giao với nước Do Thái ngay từ thời vua Đa-vít và Sa-lo-mon (x.1 V 9,11-12). Khi Đức Giê-su ra giảng đạo, một số người vùng Tia đã tìm đến gặp Người (x. Mc 3,8). + Qua ngả Xi-đon: Thành Xi-đon nằm bên bờ Địa Trung Hải giữa Tia và Bây-rút. Thời xưa thành này là thủ đô của dân Xi-đon và đã bị các ngôn sứ lên án (x. Ed 32,30). Thời Tân ước, Đức Giê-su tỏ ra khoan dung với các thành thuộc dân ngoại này (x. Mt 11,21-22). + Đến biển hồ Ga-li-lê: Còn được gọi là Giê-nê-sa-rét hay Ti-bê-ri-át. Đây là biển hồ hình quả trám, có chiều dài 21 cây số và chiều ngang 12 cây số, mực nước thấp hơn mặt biển Địa Trung Hải, và có chỗ sâu tới 40 mét. Biển hồ này thường có sóng to gió lớn, và khá nhiều cá. + Vào miền Thập Tỉnh (gọi là Đê-ca-bô-lơ): Là vùng đất phía Đông biển hồ Ga-li-lê, gồm mười thành chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy-lạp. Tin Mừng Nhất Lãm thường hay nhắc đến miền Thập Tỉnh này (x. Mt 4,25; Mc 1,28). + Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng: Hai thứ bệnh câm và điếc luôn đi đôi với nhau. Chính vì điếc không nghe được âm thanh hay lời nói, nên bệnh nhân bị câm không thể nói được, chỉ phát ra một số âm thanh vô nghĩa. Người câm điếc thường bị thiệt thòi vì không có khả năng giao tiếp với tha nhân. + Xin Người đặt tay trên anh: Xin đặt tay là xin chúc lành theo phong tục Do Thái (x. St 48,14-15). Đây cũng chính là cử chỉ Đức Giê-su thường làm như: đặt tay chúc lành cho trẻ em (x. Mc 10,16), đặt tay chữa bệnh (x. Mc 6,5).
- C 33-35: + Kéo riêng ra khỏi đám đông: Cũng như khi chữa con gái ông Gia-ia mới chết được sống lại (x. Mc 5,37) hoặc khi chữa một người mù thành Bét-sai-đa (x. Mc 8,23). Ở đây, Người tách riêng kẻ bị câm điếc ra khỏi đám đông. Điều này chứng tỏ sự tế nhị và cảm thông trước thái độ ngượng ngùng của bệnh nhân, khi anh ta phải ra đứng trước đám đông đang muốn xem Đức Giê-su chữa bệnh. Đàng khác, việc can thiệp của Thiên Chúa thường được thực hiện cách kín đáo, giống như ngôn sứ Sa-mu-en đã được Đức Chúa sai đến nhà Giê-sê ở Be-lem để bí mật xức dầu phong một người con của Giê-sê làm vua, thay thế vua Sa-un bị truất phế (x. 1 Sm 16,1-13); Ông Giê-hu cũng được xức dầu phong vương cách kín đáo như vậy (x. 2 V 9,2-6). + Đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” ...Đức Giê-su làm hai động tác để chữa bệnh: Một là “đặt ngón tay vào tai và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh” (c.33); Hai là “ngước mắt lên trời” cầu nguyện, rên một tiếng (thở dài) và nói “Ép-pha-tha” nghĩa là “Hãy mở ra!” (c. 34). Hai động tác này mang tính bí tích và lập tức phát sinh công hiệu làm cho tai người điếc mở ra để nghe được, lưỡi bệnh nhân được tháo cởi và nói được rõ ràng. Qua phép lạ chữa lành người câm điếc nghe được, và người mù được sáng mắt (x. Mc 8,22-26), Mác-cô muốn chứng minh Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai. Vì Người thực hiện dấu chỉ của thời Thiên Sai đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo như sau: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò...” (Is 35,5-6).
- C 36-37: + Không được kể chuyện đó với ai cả...: Khi chữa người câm điếc (x. Mc 7,36), chữa người phong cùi (x. Mc 1,44), phục sinh con gái ông Gia-ia (x. Mc 5.43), chữa lành người mù thành Bết-xai-đa (x. Mc 8,26)... Đức Giê-su đều truyền cho họ phải im lặng. Sở dĩ Người không muốn họ nói ra những phép lạ đó, vì đây là “Bí mật Thiên Sai”. Người muốn tránh cho dân Do Thái khỏi hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Người. Sứ mệnh được Chúa Cha trao phó là thiết lập một Nước Trời thiêng liêng vĩnh cửu, đang khi dân chúng Do thái lại đang trông mong một Đấng Thiên Sai trần thế, đến để lãnh đạo dân Do thái chống lại đế quốc Rô-ma, đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi. Để thi hành sứ mệnh Thiên Sai theo thánh ý Thiên Chúa, Đức Giê-su cần có thời gian rao giảng cho dân Do Thái hiểu rõ về vai trò và sứ mệnh thiêng liêng của Người. Do đó, khi làm các phép lạ cứu nhân độ thế, Người không muốn gây ồn ào, dễ thúc đẩy phong trào Thiên Sai quá khích, làm cớ cho quân Rô-ma kéo đến đàn áp, như đã từng xảy ra trước đó. + Nhưng họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”: Những người được Đức Giê-su chữa lành đã không giữ kín được những ơn mà họ đã nhận được. Vì họ thật sự thán phục những việc tốt lành Đức Giê-su đã làm. Việc chữa bệnh này giống như việc tái tạo một con người mới, con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của ma quỷ và tội lỗi... tương tự việc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật thuở ban đầu đã được Sách Thánh tường thuật: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31).
4.CÂU HỎI: 1) Bạn biết gì về biển hồ Ga-li-lê? 2) Bệnh điếc và ngọng là bệnh gì? 3) Việc đặt tay của Đức Giê-su trên bệnh nhân điếc và ngọng có ý nghĩa thế nào? 3) Tại sao Đức Giê-su phải tách riêng bệnh nhân ra khỏi đám đông? 4) Đặt tay vào lỗ tai và bôi nước miếng vào lưỡi của người bệnh là hai động tác mang tính gì? 5) Qua phép lạ Đức Giê-su chữa bệnh câm điếc, Mác-cô muốn chứng minh Đức Giê-su là ai? Tại sao? 6) Những phép lạ Đức Giê-su thực hiện, nhưng không muốn người bệnh nói ra cho người khác biết, là những phép lạ nào? Tại sao Chúa lại muốn người ta im lặng? 7) Trong thực tế dân chúng có im lặng không? Tại sao?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mc 7,34).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CÓ KIẾN THỨC LÀ DO ĐÃ THƯỜNG XUYÊN ĐỌC 3 CUỐN SÁCH
Một ông già kia nổi tiếng là người có kiến thức rộng. Tuy trình độ văn hóa mới hết bậc phổ thông, nhưng ông lại có vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lãnh vực như về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, triết lý và thần học... Tiếng đồn về ông già có kiến thức rộng ngày càng lan đi xa và nhiều người đã tìm đến thăm ông để xin giải đáp thắc mắc và hỏi ý kiến về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Họ đã được ông tận tình giải đáp và cho biết ý kiến. Ngày nọ, một vị giáo sư đại học cũng đến thăm. Sau buổi đàm đạo lâu giờ, vị giáo sư kia đã hỏi ông cụ nguyên nhân khiến ông có sự hiểu biết rộng rãi và đúng đắn như vậy, đồng thời xin ông giới thiệu một số cuốn sách mà ông đã đọc. Nhưng thật bất ngờ: Ông cụ đã trả lời như sau: “Thưa ngài, thực sự tôi chẳng có thì giờ và cũng chẳng có khả năng để đọc các quyển sách cao siêu về khoa học, triết lý hay thần học... Hằng ngày tôi chỉ đọc có 3 cuốn sách mà bất cứ ai cũng có thể đọc được:
- Cuốn sách thứ nhất là những công trình lạ lùng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã và đang làm trong vũ trụ thiên nhiên. Nhờ đó, tôi có dịp dâng lời ngợi khen cảm tạ Người.
- Cuốn sách thứ hai là những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Nhờ đó, tôi có dịp hồi tâm sám hối các tội đã phạm, cảm tạ về những ơn lành Chúa ban và cầu xin Người ban các ơn lành hồn xác, nhất là ban ơn cứu độ.
- Cuốn sách thứ ba là Lời Chúa trong Kinh Thánh. Mỗi ngày tôi luôn dành ra một thời gian vào lúc sáng sớm để đọc một đoạn Lời Chúa, rồi suy niệm và cầu xin Chúa giúp thực hành. Mỗi lần dự thánh lễ, tôi luôn để tâm lắng nghe Lời Chúa qua các bài đọc, nhất là bài giảng của vị chủ tế để làm theo.
2) KHÔNG BIẾT THÁNH KINH LÀ KHÔNG BIẾT ĐỨC KI-TÔ:
Hồi ấy, HI-Ê-RÔ-NI-MÔ (342-420) là một văn sĩ lỗi lạc về văn chương cổ điển nhưng lại không có kiến thức bao nhiêu về Thiên Chúa. Ngài say mê đọc các tác phẩm của Xi-xê-rông. Một hôm, ngài được Chúa Giê-su hiện ra và hỏi:
- Này Hi-ê-rô-ni-mô, anh là môn đệ của ai?
- Thưa, con là môn đệ của Chúa.
- Không phải, anh là môn đệ của Xi-xê-rông.
Từ đó, Hi-ê-rô-ni-mô đã giác ngộ và chuyên tâm tìm hiểu Thánh Kinh. Ngài được Chúa thôi thúc đi tới thánh địa Pa-lét-tin, vào ẩn tu trong hang đá Be-lem nơi Chúa sinh ra để chuyên tâm phiên dịch Sách Thánh, suy niệm Lời Chúa và sống trong không gian mà xưa chính Chúa Giê-su đã sống. Sau này Ngài đã khẳng định: ”Ai không biết Thánh Kinh là không biết Đức Ki-tô”. Bản dịch Vulgata (Phổ thông) của ngài đã được công đồng Tri-đen-ti-nô (thế kỷ 16) công nhận là phù hợp với đức tin và là bản dịch chính thức của Hội thánh Công giáo.
3) GƯƠNG CẦU NGUYỆN CỦA MỘT BÉ GÁI GIÚP VIÊN BÁC SĨ MỞ LÒNG TIN YÊU CHÚA.
Một bé gái nọ có thói quen đọc kinh mỗi tối trước khi đi ngủ. Ngày nọ, em bị bệnh nặng được cha mẹ đưa vào cấp cứu trong bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán em bị sưng ruột thừa cần cấp thời giải phẫu. Trước khi gây mê cho em, bác sĩ cho biết là em sắp bước vào một giấc ngủ dài. Nghe nói sắp đi ngủ, cô bé ngây thơ đã xin bác sĩ cho em được cầu nguyện theo thói quen mỗi tối. Thế là trước mặt mọi người, em bé đã quỳ gối cầu nguyện hết sức chân thành, và kết thúc lời cầu như sau: "Xin Chúa chữa lành con. Xin Chúa cũng chúc lành và xuống muôn ơn cho các bác sĩ chữa bệnh cho con". Cầu nguyện xong, em đã nằm xuống để bác sĩ tiến hành công việc giải phẫu...
Ngày hôm sau tỉnh dậy, câu nói đầu tiên của em là hỏi bác sĩ phẫu thuật đang trực bên giường:
- Cháu có được khỏi bệnh không bác sĩ?
Viên bác sĩ nhìn vào mắt em và trả lời với sự xúc động:
- Cháu hãy tin cậy phó thác cho Chúa định liệu nhé. Bác chưa biết kết quả giải phẫu ra sao. Nhưng có điều bác tin chắc, là chính cháu đã chữa lành cho bác đây! Vì từ lâu, bác đã không còn đến nhà thờ, không còn cầu nguyện với Chúa. Thế nhưng, hôm qua khi chứng kiến cháu cầu nguyện, bác đã rất xúc động. Chính Chúa đã đánh động bác qua lời cầu nguyện của cháu. Sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội rước lễ. Chúa đã nhận lời cầu xin của cháu cho bác rồi đó ! ».
Chính nhờ biết mở mắt để nhìn và mở tai để nghe lời cầu nguyện sốt sắng của bé gái, mà một viên bác sĩ khô khan nguội lạnh đã mở lòng đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Đúng như lời Chúa Giê-su đã phán: «Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời » (Mt 5,16).
4) CẦN MỞ TAY ĐỂ THỰC HIỆN NHỮNG ĐIỀU TỐT THAY CHO KẺ KHÁC:
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề thăm nhà bạn cũ. Người bạn cũ trách Mặc Tử: "Bây giờ thiên hạ còn ai biết đến việc nghĩa, quan lớn cũng như quan bé, mạnh ai nấy sống, lấy cái công làm cái tư, ông tự khổ thân một mình làm việc nghĩa làm chi cho nhọc xác?".
Mặc Tử trả lời: "Tôi hỏi ông, nhà có mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn, thì chẳng phải đứa đang cày phải chịu khó cày chăm chỉ hơn hay sao? Bởi vì đứa cày thì ít, mà đứa ăn thì nhiều. Thiên hạ bây giờ không ai chịu làm việc nghĩa, lẽ ra ông phải khuyên tôi cần làm việc nghĩa nhiều hơn mới phải chứ, sao lại ngăn cản tôi?".
Mỗi người chúng ta cũng cần mở lòng ra để làm thêm nhiều điều tốt điều thiện, cho dù chung quanh chúng ta có nhiều người làm điều xấu điều ác hoặc khoanh tay không làm gì cả.
3. THẢO LUẬN: Tuần này bạn sẽ làm gì để nghe được Lời Chúa, khám phá ra ý Chúa dạy và mau mắn xin vâng ý Chúa?
4. SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giê-su chữa lành một người bị bệnh điếc và ngọng. Phép lạ không chỉ đề cập đến việc chữa lành bệnh câm điếc về thể xác, mà còn đề cập đến thứ bệnh câm điếc tinh thần. Đức Giê-su đã mở tai người điếc để anh không những nghe được lời nói của tha nhân, mà còn nghe được Lời Chúa phán dạy. Đức Giê-su cũng không những mở miệng người câm để anh có thể nói chuyện với người chung quanh, mà còn để anh có thể tuyên xưng đức tin vào Người. Hôm nay chúng ta hãy xin Đức Giê-su mở miệng chúng ta để ca tụng tình thương và quyền năng của Chúa và hăng say loan báo tình thương của Chúa cho mọi người:
1) Xin Chúa mở mắt tâm hồn chúng ta: Đúng như ông lão nhà quê lại có kiến thức uyên bác đã nói: “Thiên Chúa đã làm biết bao việc lạ lùng chung quanh ta mà mọi người đều có thể nhìn xem, lắng nghe và suy nghĩ về những điều kỳ diệu ấy”. Nếu chúng ta không hiểu được ý Chúa là do đã không biết mở mắt để nhìn xem, mở tai để lắng nghe, mở lòng để đón nhận, mở trí khôn để khám phá và thi hành thánh ý Người.
“Ép-pha-ta”: Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết mở mắt tâm hồn bằng cách mở tai mở lòng, mở trí để đón nhận Lời Chúa và tích cực chia sẻ tình thương của Chúa với mọi người chung quanh.
2) Xin Chúa mở miệng lưỡi chúng ta: Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã chữa một người vừa ngọng (câm), vừa điếc. Người câm ngọng đã gặp khó khăn khi giao tiếp, vì không thể nói cho người khác hiểu được ý mình. Về tinh thần, nhiều người trong chúng ta đã mất sự tự tin, ăn nói ngọng nghịu và đành giữ im lặng, vì trong quá khứ có lần đã bị kẻ khác miệt thị khinh thường... Vì chúng ta đã bị đe dọa nên không dám nói ra những suy nghĩ trung thực của mình.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa hãy mở miệng lưỡi con ra, để làm chứng cho sự thật, để giới thiệu Chúa là Tình Thương cho tha nhân, để an ủi những người đau khổ do bị tai nạn, bị ngược đãi bất công, hay đang phải chịu đựng những điều trái ý cực lòng.
3) Xin Chúa mở đôi tai chúng ta: Người điếc hoặc bị lãng tai vì không nghe được những lời người khác nói. Lắng nghe là điều tối quan trọng trong giao tiếp hằng ngày. Chúng ta thường chỉ muốn nghe điều mình thích, hoặc chỉ muốn hiểu những điều người khác nói theo ý riêng mình, nên đã gây ra biết bao hiểu lầm tranh cãi, làm mất tình đoàn kết nội bộ. Nghe bằng tai chưa đủ, chúng ta còn cần nghe bằng trái tim yêu thương. Nhờ đó chúng ta mới hiểu đúng và đủ ý nghĩa chứa đựng trong những lời người khác nói.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa hãy mở đôi tai chúng con để lắng nghe và cảm thông với những nỗi đau của tha nhân và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ với hết khả năng cùa mình.
4) Xin Chúa mở lòng trí chúng ta: Thế giới hôm nay đang thiếu sự cảm thông và đối thoại, vì quá nhiều người đang bị bệnh câm điếc tinh thần, khiến họ trở thành một hòn đảo giữa đại dương bao la. Bệnh câm điếc tinh thần cũng làm cho con người trở thành ích kỷ, sống khép kín vì tâm hồn bị sơ cứng, khi không trao tặng được cho ai cái gì và cũng không muốn đón nhận điều gì của ai. Cuối cùng con người sẽ chết trong sự nghèo nàn vì thiếu hiểu biết và không tình thương.
“Ép-pha-tha”: Xin Chúa mở tai mở miệng và mở lòng, để chúng con dễ dàng thưa chuyện với Chúa và giao lưu với tha nhân, để được biến đổi nên người mới có tình người hơn. Nhờ đó, chúng con sẽ làm cho gia đình, khu xóm và xã hội trở thành thiên đàng yêu thương theo thánh ý Chúa.
5) Xin Chúa chữa lành bệnh câm điếc tinh thần của chúng ta:
- Không ai muốn mình bị bệnh điếc, nhưng thực tế lại không ít người mắc chứng bệnh này. Chúng ta sẽ bị điếc khi mất khả năng lắng nghe kẻ khác, khi nghe người khác nói nhưng lại chỉ muốn hiểu theo ý riêng của mình. Chúng ta sẽ bị điếc khi lắng nghe mà không phân biệt được đúng sai, hay dở. Vậy điều quan trọng không nằm ở nơi người nói, mà ở chỗ người nghe suy nghĩ và quyết định ra sao. Vì thế, chỉ nghe bằng tai chưa đủ, mà còn phải nghe với cả con tim yêu thương, chân thành và quảng đại mới có thể hiểu được chính xác những điều người nói muốn truyền đạt.
- Một cử chỉ quen thuộc mà mỗi lần dự thánh lễ chúng ta đều làm là khi nghe chủ tế đọc bài Tin Mừng. Khi ấy chúng ta vẽ dấu thánh giá trên trán, trên miệng và trên ngực kèm theo lời đọc: "Lạy Chúa, vinh danh Chúa". Cử chỉ này đồng nghĩa với lời cầu nguyện: “Lạy Chúa xin hãy mở trí khôn con, mở miệng lưỡi con, mở trái tim con ra để con có thể hiểu biết, cảm nhận, và rao giảng Chúa cho tha nhân”. Ước gì mỗi lần làm dấu thánh giá như vậy, chúng ta sẽ mở trí, mở lòng, mở miệng để được ơn Chúa chữa lành căn bệnh câm điếc tinh thần.
- Nghe và nói là hai phương tiện truyền thông luôn đi đôi với nhau. Con người sống trong xã hội là phải sẵn sàng tiếp nhận chân lý qua việc trao đổi đối thoại. Nếu chỉ biết sống ích kỷ khép kín thì sẽ dễ đi tới chỗ suy nghĩ cố chấp hẹp hòi và hành động sai trái có hại cho tha nhân.
- Trong gia đình mà vợ chồng không biết lắng nghe nhau, mạnh ai nấy phát ngôn, hoặc ông nói gà bà nói vịt, thì làm sao gia đình có hạnh phúc? Biết lắng nghe và đối thoại cởi mở chân thành sẽ giúp hai vợ chồng cảm thông với nhau, bữa ăn gia đình sẽ tránh được cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” ! Tình thương giữa cha mẹ và con cái cũng sẽ nên đậm đà thắm thiết.
- Ở trường học cũng thế, giữa học sinh và thầy cô giáo, giữa các bạn trẻ, cũng phải biết nghe nhau. Ngoài ra chúng ta còn phải biết lắng nghe tiếng than của những người nghèo khổ cô đơn bệnh tật… Đối với người già cả, liều thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh buồn chán và món quà quý giá nhất mà họ ưa thích là được ai đó sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ vui buồn với họ…
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. “Ép-pha-tha!”, Xin hãy mở lòng trí con, để con trở thành tay chân cho những người tàn tật, thành đôi mắt cho kẻ đui mù. Để con biến thành tai nghe cho những người bị điếc, trở nên miệng lưỡi cho những kẻ ngọng câm. Để con trở thành tiếng kêu oan cho những kẻ bị áp bức…
Lạy Chúa, xin giúp con thực thi đức ái giữa đời thường: Sẵn sàng mở hầu bao để chia sẻ cơm bánh vật chất cho kẻ đói ăn, đem nước uống cho những kẻ đang khát; Để con trao thuốc men cho người bị ốm đau, chia sẻ áo lành cho những người rách rưới, mang mền đắp cho những kẻ lạnh run, chỗ trú thân cho những kẻ không nhà… Nhất là để con chia sẻ tình thương của Chúa, sẵn sàng tha thứ vô điều kiện và chủ động giơ tay ra trước để làm hòa với những ai đang thù ghét con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm - Rạng đông - Ban ngày) -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Mầu nhiệm của niềm hy vọng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Kinh mân côi và nghệ thuật: Mầu nhiệm thứ nhất Năm Sự Mừng -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Lễ Chúa Kitô Vua -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống Tin mừng ngày 29/06: thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Phục sinh -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 5 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 mùa Chay năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Đêm Vọng Phục sinh