Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (8)
Chương VIII
Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa
Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội 67*
I. Lời Mở Ðầu
52. Nhập đề. 68* Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên "khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử" (Gal 4,4-5). "Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" 1. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người, các tín hữu cũng phải kính nhớ "trước hết đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" 2. 69*
53. Ðức Maria và Giáo Hội. Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Ðức Nữ Trinh Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Ngài được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Ngài đã trổi vượt mọi tạo vật trên trời dưới đất. Nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Ngài cũng liên kết với tất cả mọi người cần được cứu rỗi; hơn nữa, "Ngài thật là Mẹ các chi thể (của Chúa Kitô)... vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội là những chi thể của Ðầu ấy" 3. Vì thế, Ngài cũng được chào kính như chi thể của Giáo Hội tối cao và độc nhất vô nhị, cũng như mẫu mực và gương sáng phi thường của Giáo Hội trên phương diện đức tin và đức ái. Và Giáo Hội Công Giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Ngài tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu. 70*
54. Ý hướng của Công Ðồng. Bởi thế, khi trình bày giáo lý về Giáo Hội - trong Giáo Hội này, Chúa Cứu Thế thực hiện cuộc cứu độ - Thánh Công Ðồng ân cần mong muốn làm sáng tỏ vai trò của Ðức Nữ Trinh trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể và Nhiệm Thể, cũng như làm sáng tỏ bổn phận những người được cứu chuộc đối với Mẹ Thiên Chúa, là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ nhân loại, cách riêng Mẹ các tín hữu. Tuy nhiên, Công Ðồng không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Ðức Maria và giải quyết các vấn đề mà sự nghiên cứu của các nhà thần học chưa làm sáng tỏ trọn vẹn. Những ý kiến được tự do trình bày trong các trường phái công giáo về Ðấng có địa vị cao cả nhất trong Giáo Hội thánh sau Chúa Kitô, và cũng là Ðấng rất gần chúng ta 4, những ý kiến ấy đều được duy trì cách hợp pháp 71*.
II. Vai Trò Ðức Nữ Trinh
Trong Nhiệm Cuộc Cứu Rỗi 72*
55. Mẹ Ðấng Cứu Thế trong Cựu Ước. Thánh Kinh, Cựu Ước cũng như Tân Ước, và Thánh Truyền đáng kính, trình bày ngày một sáng tò hơn vai trò của Mẹ Ðấng Cứu Thế trong nhiệm cuộc cứu rỗi và đưa vai trò ấy ra cho chúng ta chiêm ngắm. Thực vậy, các sách Cựu Ước thuật lại lịch sử cứu rỗi, trong đó ngày Chúa Kitô xuất hiện trên thế giới được chuẩn bị cách tiệm tiến. Các tài liệu tiên khởi này, như Giáo Hội vẫn đọc và về sau hiểu theo ánh sáng mạc khải trọn vẹn, dần dần cho thấy rõ ràng hơn hình ảnh người nữ, Mẹ Ðấng Cứu Thế. Theo ánh sáng mạc khải ấy, người nữ này đã được phác họa trước trong lời hứa chiến thắng con rắn, lời hứa mà Tổ Tông đã nhận được sau khi phạm tội (x. Stk 3,15). Cũng thế, Ngài là Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh con trai tên là Emmanuel (x. Is 7,14 so sánh với Mik 5,2-3; Mt 1,22-23). Ngài trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa. Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Ngài, người Thiếu Nữ cao sang của Sion, thời gian đã nên trọn và Nhiệm Cuộc mới được thiết lập: khi Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính nhân loại nơi Ngài để giải thoát con người khỏi tội lỗi nhờ các mầu nhiệm của thân xác Chúa. 73*
56. Ðức Maria trong việc truyền tin. Nhưng Chúa Cha rất nhân từ đã muốn sự ưng thuận của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Ðiều đó đặc biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống cải tạo mọi sự, và đã được Chúa ban cho nhiều ơn cân xứng với sứ mệnh cao cả như thế. Do đó, không có gì lạ, nếu các Thánh Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành 5. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc mới được thụ thai, Ðức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên Thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và kính chào là "Ðấng đầy ân phúc" (x. Lc 1,28). Và Trinh Nữ đã đáp lời Thiên Sứ rằng: "Này tôi là Tôi Tá Chúa, xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài" (Lc 1,38). Như thế, Ðức Maria, con cháu Adam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Chúa Giêsu. Hết lòng đón lấy ý định cứu rỗi của Thiên Chúa, vì không một tội nào ngăn trở Ngài, Ðức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Ngài, và nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc dưới quyền và cùng với Con Ngài. Bởi vậy, các Thánh Giáo Phụ đã nghĩ rất đúng rằng: Thiên Chúa đã không thu dụng Ðức Maria một cách thụ động, nhưng đã để Ngài tự do cộng tác vào việc cứu rỗi nhân loại, nhờ lòng tin và sự vâng phục của Ngài. Thực vậy, Thánh Ireneô nói: "Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại" 6. Và cùng với thánh Ireneô còn có rất nhiều Thánh Giáo Phụ thời xưa cũng không ngần ngại giảng dạy rằng: "Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Ðức Maria; điều mà trinh nữ Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin 7; và so sánh với Evà, các ngài gọi Ðức Maria là "Mẹ kẻ sống" 8, và thường quả quyết rằng: "bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống" 9. 74*
57. Ðức Maria và thời thơ ấu Chúa Giêsu. Sự liên kết giữa Mẹ và Con trong công cuộc cứu rỗi được tỏ rõ từ khi Ðức Maria thụ thai Chúa Kitô cách trinh khiết cho đến lúc Chúa Kitô chết. Thực vậy, trước hết, Ðức Maria vội vã đến thăm bà Elizabeth và được bà ấy chào mừng là người có phúc vì đã tin vào sự cứu rỗi Chúa đã hứa, trong lúc đó vị tiền hô nhảy trong lòng mẹ (x. Lc 1, 41-45). Rồi ngày sinh nhật, Mẹ Thiên Chúa đã vui mừng giới thiệu với các mục đồng và các nhà bác học đứa Con đầu lòng của mình, mà khi sinh ra đã không làm giảm bớt nhưng còn thánh hiến sự trinh khiết toàn vẹn của Ngài 10. Trong đền thánh, sau khi hiến lễ vật ấn định cho người nghèo, Ðức Maria dâng Con lên cho Thiên Chúa, và đã nghe Simeon báo trước Con mình sẽ là dấu chỉ sự phản kháng, và một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng mẹ, nhờ đó tư tưởng trong lòng nhiều người sẽ được bày tỏ (x. Lc 2, 34-35). Khi trẻ Giêsu lạc mất, Cha Mẹ đã lo âu tìm kiếm và gặp lại Con trong đền thánh đang bận tâm lo việc của Cha Người. Các Ngài không hiểu lời Con nói; nhưng Mẹ Chúa Giêsu giữ lấy tất cả các điều ấy và suy gẫm trong lòng (x. Lc 2, 41-51). 75*
58. Ðức Maria và đời sống công khai Chúa Giêsu. Trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, Mẹ Người cũng đã xuất hiện rõ ràng, và ngay từ đầu, trong tiệc cưới thành Cana xứ Galilêa, vì động lòng thương xót, Ngài đã cầu bầu, khiến Chúa Giêsu, Ðấng Thiên Sai, làm phép lạ đầu tiên của Người (x. Gio 2, 1-11). Trong thời gian Chúa truyền đạo, Ðức Maria đã đón nhận lời của Con Ngài, những lời nâng cao Nước Trời lên khỏi những lý do và liên hệ huyết nhục, và tuyên bố là có phúc cho những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa (x. Mc 3,35 và song song; Lc 11,27-28) như chính Ngài hằng thực hành những điều đó cách trung tín (x. Lc 2,19 và 51). Như thế Ðức Nữ Trinh cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã đứng đó (x. Gio 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Chúa Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Ngài làm Mẹ của môn đệ qua lời này: "Thưa Bà, này là con Bà" (x. Gio 19,26-27) 11. 76*
59. Ðức Maria sau khi Chúa lên trời. Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông Ðồ trước ngày Hiện Xuống "đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người" (CvTđ 1,14). Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Ngài trong ngày Truyền Tin. Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ 12, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Ðức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác 13, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Ðấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết 14. 77*
III. Ðức Nữ Trinh Và Giáo Hội 78*
60. Ðức Kitô, Ðấng trung gian độc nhất và Mẹ Maria. 79* Chúng ta chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất, như lời Thánh Tông Ðồ dạy: "Thực vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa với nhân loại, đó là Chúa Giêsu Kitô, là Người, đã dâng mình làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2,5-6). Nhưng vai trò làm mẹ của Ðức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô chút nào, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy. Vì mọi ảnh hưởng có sức cứu rỗi của Ðức Nữ Trinh trên nhân loại không phát sinh từ một sự cần thiết khách thể nào, nhưng từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, và bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Ảnh hưởng ấy nương tựa và hoàn toàn tùy thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của ảnh hưởng đó. Nhưng ảnh hưởng này không làm cản trở gì, trái lại còn giúp đỡ các tín hữu kết hiệp trực tiếp với Chúa Kitô. 80*
61. Cộng tác vào việc cứu chuộc. Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta. 81*
62. Vai trò tùy thuộc trong việc cứu rỗi. Nhưng trong nhiệm cuộc ân sủng, Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin - sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá - cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời 15. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian 16. Tuy nhiên phải hiểu các tước hiệu ấy thế nào để không thêm bớt gì vào vinh dự và quyền năng của Ðấng Trung Gian duy nhất 17.
Thực vậy, không bao giờ có thể đặt một tạo vật ngang hàng với Ngôi Lời nhập thể và cứu chuộc; nhưng cũng như chức linh mục của Chúa Kitô được thông ban dưới nhiều hình thức cho các thừa tác viên và các giáo dân, và cũng như sự tốt lành duy nhất của Thiên Chúa được ban phát nhiều cách cho các tạo vật, thì sự trung gian duy nhất của Ðấng Cứu Thế không những không loại bỏ mà còn khuyến khích các thụ sinh cộng tác, trong sự tùy thuộc vào nguồn mạch duy nhất.
Vai trò tùy thuộc ấy của Ðức Maria, Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng, mà luôn nghiệm thấy, và nhắn nhủ các tín hữu ghi nhớ trong lòng để nhờ sự nâng đỡ và phù hộ từ mẫu của Ngài, họ gắn bó mật thiết hơn với Ðấng Trung Gian và Cứu Thế. 82*
63. Maria trinh nữ và người mẹ là mẫu mực của Giáo Hội. 83* Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ơn và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô 18. Thực vậy, trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có 19. Vì, bởi lòng tin và vâng phục, Ngài đã sinh chính Con Chúa Cha nơi trần gian, mà không hề biết đến người nam, nhưng được Chúa Thánh Thần bao phủ. Như một Evà mới, Ngài đã đặt niềm tin vào sứ giả của Thiên Chúa, chứ không đặt vào con rắn xưa, một niềm tin không bị một nghi ngờ nào làm phai nhạt. Nhưng Người Con mà Ngài đã sinh ra, Thiên Chúa đã đặt làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ. 84*
64. Giáo Hội là trinh nữ và là mẹ. Tuy nhiên, khi chiêm ngưỡng sự thánh thiện kỳ bí và noi gương đức ái của Ðức Maria, và khi trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha, Giáo Hội cũng được làm mẹ nhờ lời Thiên Chúa mà Giáo Hội trung thành lãnh nhận: thực vậy, nhờ việc rao giảng và ban phép Thánh Tẩy, Giáo Hội sinh hạ những người con được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và sinh ra do Thiên Chúa để họ lãnh nhận một đời sống mới và bất diệt. Giáo Hội cũng là trinh nữ đã giữ gìn toàn vẹn và tinh tuyền lòng trung nghĩa đã hiến cho Phu Quân; và noi gương Mẹ Chúa mình, nhờ thần lực của Thánh Thần, Giáo Hội bảo tồn cho tinh tuyền một đức tin toàn vẹn, một đức cậy bền vững và một đức mến chân thành 20. 85*
65. Giáo Hội phải bắt chước nhân đức của Mẹ Maria. Tuy nhiên, Giáo Hội, qua con người của Ðức Nữ Trinh, đã đạt tới sự toàn thiện làm cho mình nên thanh sạch và vẹn tuyền (x. Eph 5,27), nhưng Kitô hữu vẫn còn phải cố gắng chiến thắng tội lỗi để tiến trên đường thánh thiện. Vì thế, họ ngước mắt nhìn lên Ðức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời cho toàn thể cộng đoàn những người được chọn. Nhờ thành kính tưởng nhớ Ðức Maria và chiêm ngưỡng Ngài dưới ánh sáng của Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội cung kính tiến sâu hơn vào mầu nhiệm cao thẳm, tức là mầu nhiệm nhập thể, và nên giống Phu Quân mình ngày một hơn. Thực vậy, Ðức Maria đã mật thiết gắn liền với lịch sử cứu rỗi, và có thể nói là Ngài đã qui tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin, và khi các tín hữu nghe rao giảng về Ngài và tôn sùng Ngài, họ được Ngài mời gọi đến kết hiệp với hy lễ của Con Ngài và yêu mến Chúa Cha. Phần Giáo Hội càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình, nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến, và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Do đó, trong công cuộc tông đồ, Giáo Hội có lý để nhìn lên Ðấng đã sinh Chúa Kitô là người được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được Ðức Nữ Trinh sinh ra để, nhờ Giáo Hội, cũng sinh ra và lớn lên trong lòng các tín hữu. Ðời sống của Ðức Nữ Trinh là một gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực của tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội để tái sinh nhân loại. 86*
IV. Việc Tôn Kính Ðức Nữ Trinh Trong Giáo Hội 87*
66. Bản tính và nền tảng của việc tôn kính Ðức Mẹ. Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính. Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Ngài trong mọi cơn gian nan khốn khó 21. Nhất là từ công đồng Ephêsô, Dân Thiên Chúa đã gia tăng lòng tôn kính Ðức Maria cách lạ lùng: họ sùng kính mến yêu, cầu khẩn và noi gương đúng như lời Ngài đã tiên báo: "Muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại" (Lc 1,48-49). Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Giáo Hội, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể và lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Maria khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội đã chấp nhận nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa, trong giới hạn của giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo hoàn cảnh, thời gian và nơi chốn, hợp với tính khí cùng tinh thần của tín hữu; những hình thức ấy, qua việc tôn vinh Mẹ, cũng làm cho tín hữu nhận biết đúng đắn, yêu mến, làm vinh danh, và tuân giữ giới răn Chúa Con, vì Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col 1,15-16) và nơi Người, Chúa Cha hằng hữu "muốn có đầy đủ mọi sự" (Col 1,19). 88*
67. Chiều hướng mục vụ. Thánh Công Ðồng cố ý dạy giáo lý công giáo ấy, đồng thời Giáo Hội cũng khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh, nhất là trong phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức nhằm suy tôn ngài và đã được quyền Giáo Huấn Giáo Hội cổ võ qua các thế kỷ, cũng như hãy kính cẩn tuân giữ những quyết định của các thời đại trước liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Chúa Kitô, Ðức Nữ Trinh và các Thánh 22. Công Ðồng cũng hết lòng khuyến khích các nhà thần học và những người rao giảng lời Chúa, khi xét đến phẩm chức phi thường của Mẹ Thiên Chúa, hãy cẩn thận tránh mọi tư tưởng phóng đại sai lầm cũng như mọi tư tưởng hẹp hòi quá đáng 23. Nhờ học hỏi Thánh Kinh, các Thánh Giáo Phụ, các tiến sĩ và học hỏi các phụng vụ trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của quyền Giáo Huấn, họ hãy làm sáng tỏ đúng mức những chức vụ và đặc ân của Ðức Trinh Nữ; những chức vụ và đặc ân này luôn qui hướng về Chúa Kitô, nguồn mạch toàn thể chân lý, thánh thiện và đạo đức. Họ phải cẩn thận tránh xa mọi lời nói hay việc làm có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo Hội. Phần các tín hữu, hãy nhớ rằng, lòng tôn sùng chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta. 89*
V. Ðức Maria, Dấu Chỉ Lòng Cậy Trông Vững Vàng
Và Niềm An Ủi Cho Dân Chúa Ðang Lữ Hành 90*
68. Ðức Maria, dấu chỉ của Dân Thiên Chúa. Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành. 91*
69. Ðức Maria chuyển cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Thánh Công Ðồng rất vui mừng và được an ủi khi thấy ngay giữa các anh em ly khai không thiếu những người dâng lên Mẹ Chúa Cứu Thế vinh dự Ngài đáng được, nhất là các anh em Ðông Phương, những người nhiệt thành và hết lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh 24. Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các Thánh cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia. 92*.
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Hiến Chế tín lý này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 21 tháng 11 năm 1964.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
67* Ðây là một trong những chương được tranh luận nhiều nhất. Việc khai sinh ra nó cũng gây nhiều sôi nổi. Trong số những lược đồ được đệ trình, có một lược đồ về Ðức Maria. Vì những lý do có tính cách hoặc thần học hoặc mục vụ hoặc hiệp nhất, một vài Nghị Phụ muốn cho lược đồ về Ðức Maria xen vào Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội. Ngày 29-10-1963, các Nghị Phụ đứng trước một câu hỏi như sau: "Các Nghị Phụ Công Ðồng có muốn lược đồ về Ðức Trinh Nữ Mẹ Giáo Hội đổi thành chương cuối cùng của lược đồ về Giáo Hội chăng?" Trước khi bỏ phiếu, có hai bản phúc trình chính thức về vấn đề này: Hồng Y Konig, người muốn cho xen vào hiến chế, và Hồng Y Santos muốn làm một lược đồ riêng. Cả hai dùng những luận chứng dồi dào và vững chắc để trình bày trước các Nghị Phụ và sự thích hợp của quan điểm mình. Kết quả cuộc đầu phiếu thật sát nút: với 2,193 Nghị Phụ có mặt thì 1,114 vị bỏ phiếu thuận, 1,074 phiếu chống. Phiếu thuận chỉ hơn có 40 phiếu và Công Ðồng chấp nhận việc xen lược đồ vào trong Hiến Chế.
Một vấn đề thứ hai được đặt ra: nếu xen thì xen vào chỗ nào? Mẹ Thiên Chúa liên kết khắng khít với mầu nhiệm Giáo Hội, nhưng muốn giải thích sự liên kết này, cần quan niệm vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Ðối với khía cạnh này, giáo lý về Ðức Maria vượt quá giáo lý về Giáo Hội. Do đó chỉ có thể đặt vào phần cuối Hiến Chế. Ðấy là lý do tại sao có chương VIII và vị trí của nó trong Hiến Chế.
Bố cục của chương này như sau: trong phần nhập đề (các số 52-54), Công Ðồng xác định địa vị của Ðức Maria trong Giáo Hội và những nguyên tắc giáo lý làm kim chỉ nam cho việc trình bày về Ðức Maria. Ðồng thời Công Ðồng cũng cho biết chủ đích của mình. Phần nhất (các số 55-59) giải thích địa vị của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Phần hai (các số 60-65) trình bày địa vị đó trong viễn tượng Giáo Hội, nói lên những liên lạc của Ðức Maria với Giáo Hội. Phần ba (các số 66-67) đề cập những bổn phận Kitô hữu đối với Ðức Maria. Phần kết luận vắn tắt (các số 68-69) trình bày Mẹ Thiên Chúa như dấu hiệu hy vọng và sự liên quan của Ngài với việc hiệp nhất các Kitô hữu.
68* Các số 52-54: Nhập đề.
Các số này thống nhất với nhau (trong lần soạn thảo đầu chúng ở trong cùng một số) có mục đích trình bày đối tượng của chương VIII. Ý tưởng chính rất đơn giản: mạc khải đã minh nhiên làm nổi bật địa vị của Mẹ Thiên Chúa, trong ý định cứu rỗi từ đời đời của Chúa, trong sự thực hiện ý định ấy do Chúa Giêsu Kitô, bởi vì có sự liên tục (chương VII) giữa công việc dưới đất và công việc trên trời của Chúa Kitô và ngày nay Ðức Mẹ cũng vẫn còn giữ nguyên địa vị này (số 52). Maria là phần tử đặc biệt và là khuôn mẫu Giáo Hội (số 53). Chủ đích của Công Ðồng là: trình bày vai trò của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội và những bổn phận của Kitô hữu đối với Mẹ (số 54).
1 Kinh tin kính của CÐ Constantinopla: Mansi 3, 566. Xem CÐ Ephesô, n.v.t., 4, 1130 (và n.v.t., 2, 665 và 4, 1071). Xem CÐ Calcedonia, n.v.t., 7, 111-116. CÐ Constantinopla II n.v.t., 9, 375-396. Sách lễ Roma, kinh tin kính.
2 Sách lễ Roma, lễ qui.
69* Số 52.
Việc cứu thế được thực hiện nhờ Thiên Chúa đã gửi Con Ngài đến, sinh bởi người nữ. Ðó là nền tảng của cả khoa Thánh Mẫu học. Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria liên kết mật thiết với việc Nhập Thể Cứu Chuộc đó.
3 T. Augustinô, De S. Virginitate, 6 : PL 40, 399.
70* Số 53.
Số này đặt Mẹ Chúa Kitô Cứu Thế trong tương quan với Giáo Hội. Ðầu tiên là quả quyết Ðức Maria đã tự ý chấp nhận lời thiên thần báo tin sẽ sinh Ðấng Cứu Thế. Câu chuyện báo tin được đặt nổi bật. Sau đó Công Ðồng nghiên cứu sâu xa những mối liên hệ giữa Maria và Ba Ngôi Thiên Chúa trong viễn tượng Giáo Hội theo một đề tài quen thuộc với Hiến Chế như đề tài Giáo Hội từ mầu nhiệm Ba Ngôi. Vì trách vụ được Chúa trao phó nên Mẹ được cứu chuộc kỳ diệu hơn, do công nghiệp Con Mẹ, Ðấng mà Mẹ đã kết hiệp mật thiết và bền chặt. Trong chiều hướng ấy, Công Ðồng không ngần ngại liên tiếp trình bày Ðức Trinh Nữ như là Mẹ của Con Thiên Chúa, là ái nữ của Chúa Cha, là cung thánh của Chúa Thánh Thần. Cả ba danh hiệu hoàn toàn theo truyền thống. Nhưng tâm điểm của số này ở chỗ Công Ðồng quả quyết rằng Maria vừa có các danh hiệu đó, nhưng đồng thời, vì thuộc dòng dõi Adam, Mẹ cũng liên kết với tất cả mọi người, và Mẹ đã cộng tác vào công việc cứu thế. Do đó, Mẹ Chúa Kitô vẫn là phần tử Giáo Hội, dù là phần tử tuyệt hảo và đặc biệt, một trật cũng là khuôn mẫu của Giáo Hội. Bởi vậy Giáo Hội tôn kính Mẹ như Mẹ thật với tình con thảo.
4 Xem Phaolô VI, Diễn văn trong Công Ðồng, ngày 4-12-1963 : AAS 56 (1964), trg 37.
71* Số 54.
Công Ðồng giải thích vắn tắt về vai trò Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu rỗi và về các bổn phận của tín hữu đối với Mẹ. Công Ðồng tự giới hạn trong viễn tượng này chứ không nhằm trình bày đầy đủ giáo lý về Ðức Maria, cũng không nhằm giải quyết các vấn đề mà các nhà thần học tranh luận.
72* Các số 55-59: Phần I - Ðịa vị và vai trò của Ðức Maria trong nhiệm cuộc cứu rỗi.
Bố cục phần này rất rõ ràng, vì dựa theo các dữ kiện lịch sử mạc khải về Mẹ Thiên Chúa trong Thánh Kinh, bắt đầu từ Cựu Ước tới thời kỳ Giáo Hội, qua sự kiện truyền tin, tới cuộc đời thơ ấu và công khai của Chúa Giêsu. Cứ như bản phúc trình chính thức đã nói, đây là phần chính yếu nhất trong Chương VIII.
73* Số 55: Trong Cựu Ước.
Thứ tự của số này theo sát lịch sử cứu rỗi như thấy trong Cựu Ước, để chúng ta thấy rằng người phụ nữ làm Mẹ Chúa Kitô trong Phúc Âm cũng là Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết qua thần học và qua việc tôn kính nơi các dân Kitô giáo. Như thế là Công Ðồng cho biết sự tiến triển của mạc khải về Ðức Maria và không ngần ngại chấp thuận phương pháp lịch sử cứu rỗi, một phương pháp mà một số người chuyên về Thánh Mẫu học không mấy tin tưởng. Không muốn gây ra cuộc bút chiến, nên Công Ðồng chỉ nhằm trình bày một "bản tiểu sử" về người Phụ Nữ, dựa trên toàn thể chứng từ được linh ứng của Mạc Khải trọn vẹn và trên chứng từ của đời sống Giáo Hội.
5 Xem T. Germanô, Const. Hom. in Annunt. Deiparae: PG 98, 328 A; In Dorm. 2: 357 Anatasiô thành Antiokia, Serm. 2 de Annunt. 2: PG 89, 1377 AB: Serm. 3, 2 : 1388 C. T. Anrê Cret., Can. in B.V. Nat. 4 : PG 97, 1321 B; in B.V. Nat. 1: 812 A; Hom. in dorm. 1: 1068 C. T. Sophroniô, Or. 2 in Annunt. 18: PG 87 (3), 3237 BD.
6 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 22, 4: PG 7, 959 A; Harvey 2, 123.
7 T. Ireneô, n.v.t., Harvey, 2, 124.
8 T. Epiphaniô, Haer. 78, 18 : PG 42, 728 CD-729 AB.
9 T. Hieronimô, Epist. 22, 21: PL 22, 408. Xem T. Augustinô, Serm. 51, 2, 3 : PL 38, 335; Serm. 232, 2: 1108. T. Cyrillô Jerusalem. Catech., 12, 15: PG 33, 741, AB. T. Gioan Kim Khẩu, In Ps. 44, 7: PG 55, 193. T. Gio Damascenô, Hom. 2 in dorm. BMV. 3: PG 96, 728.
74* Số 56: Truyền tin.
Công Ðồng theo vết các Giáo Phụ, coi câu chuyện truyền tin rất quan trọng, vì nhìn thấy ở đó thái độ căn bản của mọi Kitô hữu. Giáo Hội thuở đầu đã bày tỏ lòng tin của họ vào thái độ chấp nhận này của Ðức Maria, vì là kết quả của đức tin và tình yêu của Mẹ. "Chấp nhận" không những là tiếng nói then chốt trong cả câu chuyện nhưng đồng thời còn là tiếng nói lược tóm tất cả viễn ảnh đời sống của Kitô hữu: ưng thuận khi Chúa đến và để ý định cứu rỗi hoàn tất trong ta, vừa biết quảng đại phục vụ cho công cuộc cứu thế; cũng như Ðứa Maria, chúng ta tích cực cộng tác mà không tự mãn, và qua việc chấp nhận ấy, ân sủng đem lại sự sống: trong Chúa Kitô, Ðức Maria đã ban cho thế giới Nguồn Sống đổi mới mọi sự.
10 Xem CÐ Lateranô, năm 649, đ. th. 3: Mansi 10, 1151. T. Leô Cả, Epist. ad Flav.: PL 54. 759. CÐ Calcedonia: Mansi 7, 462. T. Ambrosiô, De inst. Virg.: PL 16, 320.
75* Số 57: Ðức Maria và cuộc đời thơ ấu Chúa Giêsu.
Câu đầu tiên của số này nêu lên ý tưởng chỉ dẫn: Ðức Maria liên kết với Chúa Con trong công cuộc cứu thế từ lúc thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh cho tới mầu nhiệm cuộc tử nạn của Chúa. Công Ðồng trình bày chân lý này rõ ràng hơn bao giờ hết. Chủ đề trở lại ba lần: lần Ðức Maria đi thăm bà Elizabeth, lần sinh Chúa ở Bêlem và lần dâng Chúa trong đền thờ. Câu chuyện tìm thấy Chúa trong đền thờ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự liên kết ấy.
11 Xem Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 247-248.
76* Số 58: Ðức Maria và cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
Một cách vắn tắt, Công Ðồng đóng khung hoạt động của Ðức Maria trong cuộc đời công khai của Chúa, vì theo thánh Gioan, lúc khởi đầu và kết thúc sứ vụ công khai đều có sự hiện diện của Ðức Maria. Trong hai lúc này Ðức Maria mới chỉ được gọi là "Bà". Ðó là lúc ở tiệc cưới Cana và khi đứng dưới chân Thánh Giá. Hai lời Chúa nói xem ra như hất hủi Ðức Maria. Việc can thiệp của Ðức Maria có nhiều ý nghĩa, nhưng lại nằm trong văn mạch mới đầu có thể coi là kỳ lạ. Ý tưởng chính là: Nước Thiên Chúa vượt quá mọi mối liên hệ xác thịt và hoàn toàn ở trên sự tính toán của con người. Câu chính trong số này trình bày một ý tưởng ít quen thuộc hơn: Ðức Maria cũng tiến tới trong cuộc hành trình Ðức Tin qua đau khổ và u tối.
12 Xem Piô IX, sắc chỉ Ineffabilis, 8-12-1854 : văn kiện của Ðức Piô IX, 1, I, trg 616; Dz 1641 (2803).
13 Xem Piô XII, Tông hiến Munificentissimus, 1-11-1950: AAS 42 (1950); Dz 2333 (3903). Xem T. Gio Damascenô, Enc. in dorm. Dei Genitricis, bài giảng 2 và 3: PG 96, 721-761. nhất là cột 728B. T. Germanô Constantinopla, In S. Dei gen. Dorm. bài giảng 1: PG 98 (6); 340-348; bài giảng 3: cột 361. T. Modestô Jerusalem, In dorm. SS. Deiparae: PG 86 (2) 3277-3312.
14 Xem Piô XII, Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS 46 (1954), trg 633-636; Dz 3913tt. Xem T. Anrê Gret., Hom. 3 in dorm. SS. Deiparae: PG 97, 1089-1109. T. Gioan Damascenô, De fide orth., IV, 14: PG 94, 1153-1161.
77* Số 59: Ðức Maria sau khi Chúa lên trời.
Có hai vấn đề nói ở đây: 1) Lời cầu nguyện của Ðức Maria trước lễ Hiện Xuống cùng với các Tông Ðồ, các phụ nữ và các anh em Chúa. Ðức Maria ở giữa dân chúng chứ không ở trong số những người điều khiển cộng đoàn. Mẹ tham dự vào kinh nguyện chung. Mẹ thuộc thành phần Giáo Hội cầu nguyện đang chuẩn bị thi hành sứ mệnh của mình, và Mẹ cầu nguyện với tước hiệu duy nhất là Mẹ Chúa Giêsu (CvTđ 1,14). 2) Công Ðồng tái xác nhận hai tín điều đã được Giáo Hội tuyên bố khi lập lại những lời của các câu định tín liên hệ. Hai tín điều này có liên quan mật thiết với nhau. Ðức Maria được suy tôn làm Nữ Vương của vũ trụ, để trở nên giống với Con Mẹ là Chúa các Chúa một cách hoàn toàn hợn, và được suy tôn là Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết.
78* Các số 60-65: Phần II - Sự liên lạc giữa Mẹ Thiên Chúa và Giáo Hội.
Phần này trực tiếp bàn về sự liên lạc giữa Ðức Maria và Giáo Hội. Trước hết, Công Ðồng nhấn mạnh tới sự đồng công cứu chuộc của Ðức Maria do sự tự ý chấp thuận việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, do việc dâng hy tế trên Thánh giá và do việc cầu bầu liên lỉ trên trời. Trong văn mạch này, giữa những tước hiệu khác nhau Công Ðồng đề cập đến tước hiệu Ðấng Trung Gian. Một số người trong Ủy ban thần học chưa nhìn thấy rõ tước hiệu này nên Công Ðồng giải thích cho biết tước hiệu này vẫn không làm lu mờ sự tuyệt hảo Ðấng Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô (các số 60-62). Sau đó (trong các số 63-64) Công Ðồng giải thích lý do khiến Ðức Maria, là Trinh Nữ và là Mẹ, lại là hình bóng của Giáo Hội. Giáo lý này có tầm quan trọng đặc biệt, vì Công Ðồng rất lưu tâm đến những khía cạnh trổi vượt của mầu nhiệm Giáo Hội. Sau cùng (số 65), Ðức Maria được coi như gương mẫu các nhân đức.
79* Các số 60-62: Ðức Maria trong công trình cứu chuộc.
80* Số 60: Những nguyên tắc giáo lý.
Số này tóm lược các nguyên tắc giáo lý và chỉ dẫn cho biết giáo lý trình bày trong những số kế tiếp phải được hiểu theo những nguyên tắc này. Mọi nỗ lực và hành động của Ðức Maria đều do vị Trung Gian duy nhất là Chúa Kitô, Ðấng đã muốn cho Ðức Maria cộng tác vào công trình cứu chuộc. Sự trung gian của Ðức Maria biểu lộ rõ rệt hơn và còn giúp cho sự trung gian của Chúa Kitô nữa. Chỉ vì ý muốn hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, Ðấng Cứu Thế đã thông truyền ảnh hưởng cứu rỗi cho các chi thể và đặc biệt cho Mẹ Người, là Ðấng ngay từ đầu đã cộng tác với Người và với công việc Người. Ðó chính là nguyên tắc của kế hoạch cứu rỗi hay nguyên tắc ban phát đời sống thần linh. Giáo Hội sẽ trở nên bí tích để ban phát đời sống đó. Còn Ðức Maria, là chi thể trổi vượt đầu tiên, sẽ là khuôn mẫu cho Giáo Hội.
81* Số 61: Trong cuộc đời trần gian.
Số này nói rất vắn tắt đến trọng tâm việc cộng tác của Ðức Maria. Là mẹ Thiên Chúa, là tôi tớ khiêm hạ của Chúa, Mẹ là cộng sự viên quảng đại của Ðấng Cứu Thế và là Mẹ chúng ta trên bình diện ân sủng. Bản văn theo sát với sự thể hiện của nhiệm vụ này. Nhờ hoàn toàn sẵn sàng tuân theo ý Chúa, Ðức Trinh Nữ đã mang thai Chúa Giêsu, Ðấng sẽ xóa hết tội lỗi Dân Người. Ðức Maria đã sinh con và đã nuôi nấng. Mẹ đã dâng Con cho Chúa Cha trong Ðền Thánh, đã đau khổ với cái chết của Con trên Thánh Giá. Mẹ đã cụ thể hóa việc cộng tác tuyệt đối duy nhất này trong sự tuân phục vô điều kiện, sự tuân phục thấm nhuần đức tin, đức cậy và đức mến hăng nồng. Sự trung thành của Mẹ trong việc chấp thuận chương trình cứu rỗi là then chốt cho việc quảng diễn các ý tưởng khác (x. các số 53, 56, 63 và 64).
15 Xem Kleutgen, ch. IV bản đã sửa: De Mysterio Verbi incarnati: Mansi 53, 290. Xem T. Anrê Gret. In nat. Mariae, bài giảng 4: PG 97, 865A. T. Germanô Constantinopla, In annunt., Deiparae: PG 98, 321 BC; In dorm. Deiparae III, 361D. T. Gio Damascenô, In dorm. BV. Mariae, bài giảng 1, 8 : PG 90, 712BC-713A.
16 Xem Leô XIII, Tđ. Adjutricem populi, 5-9-1895: ASS 28 (1895-96), trg 229. T. Piô X, Tđ. Ad diem illum, 2-2-1904, văn kiện I, trg 154; Dz 1978a (3370). Piô XI, Tđ. Miserentissimus, 8-5-1928: AAS 20 (1929), trg 178. Piô XII, sứ điệp truyền thanh, 13-5-1946: AAS 38 (1946), trg 266.
17 Xem T. Ambrosiô, Epist. 63 : PL 16, 1218.
82* Số 62: Trên trời.
Là Mẹ ban ân sủng, ở trên trời Ðức Maria tiếp tục một địa vị khác trong công trình cứu rỗi. Tình mẫu tử của Mẹ tiếp tục hoạt động. Chắc chắn Mẹ không ban phát ân sủng riêng, nhưng là ân sủng Chúa Kitô, vì không có ân sủng nào khác. Sứ mệnh của Ðức Maria là liên kết Chúa Kitô với những phần tử làm thành Giáo Hội. Ðó là ý nghĩa của tiếng Maria, Mẹ đầy ơn. Mẹ thực hiện sứ mệnh qua việc bầu cử cho nhân loại. Do đó, mà Giáo Hội gọi Mẹ bằng các danh hiệu: Ðấng Bảo Vệ, Ðấng Phù Trợ, Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ðấng Trung Gian. Các nhà thần học tranh luận về ý nghĩa gán cho các tước hiệu ấy, nhất là tước hiệu sau cùng. Công Ðồng không muốn giải quyết cuộc tranh luận, nhưng chỉ quả quyết một thực tại hoàn toàn được toàn thể Giáo Hội chấp nhận, mà không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật. Công Ðồng cũng nói thêm là tước hiệu này không làm mất cũng không thêm thắt gì vào địa vị và hành động của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, vì không tạo vật nào có thể đóng vai trò trên cùng một bình diện như Chúa Cứu Thế.
83* Các số 63-64: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội.
Tính cách song đối giữa Ðức Maria và Giáo Hội đưa ra một chủ đề hoàn toàn mới mẻ trong khoa thần học hiện thời. Quả thực được liên kết với Con mình trong công trình cứu chuộc, Ðức Trinh Nữ Maria đã vượt trên mọi người khác và trở nên mẫu mực Giáo Hội. Ðó chính là một phần tử trong nhóm đang hình thành, gây ảnh hưởng trên người khác, lôi cuốn và làm gương cho họ. Ở đây Công Ðồng khai triển vắn tắt chủ đề này về Ðức Maria là hình bóng Giáo Hội, không phải hình bóng hay mẫu mực theo nghĩa thiết lập phẩm trật hay bí tích, nhưng như người cổ xúy đời sống thiêng liêng trong đó sự đồng trinh nẩy nở thành tình mẫu tử.
18 Xem T. Ambrosiô, Expos. Lc II. 7; PL 15, 1555.
19 Xem Phêrô Dam. Giả, Serm. 63: PL 144, 861 AB. Godefridus a S. Victore, in nat. BM., Ms. Paris, Mazarine, 1002, tờ 109c. Gerhohus Reich., De gloria et honore Filii hominis, 10 : PL 194, 1105 AB.
84* Số 63: Ðức Maria là mẫu mực Giáo Hội, như một Trinh Nữ và một người Mẹ.
Trước hết là đức đồng trinh, nhưng hiểu theo chiều hướng thiêng liêng. Nó hệ tại đức tin và đức cậy nhờ đó Ðức Maria đã sinh Con Chúa do quyền phép Chúa Thánh Thần mà không có sự liên lạc xác thịt nào với người nam, và như vậy đã trở thành người Mẹ. Ðức Maria đã thụ thai Ngôi Lời trong tâm hồn trước khi thụ thai trong lòng. Ðức đồng trinh tương quan với sự chấp thuận bất khả khuyết của đức tin. Ðức Maria đi trước Giáo Hội ở điểm này; chính do Mẹ mà Chúa Kitô được sinh ra, Ðấng sẽ làm cho Giáo Hội thành thân thể của Người.
20 Xem Ambrosiô, Expos. Lc.II,7 và X,24-25; PL 15, 1555 và 1810. T. Augustinô, In Jo Tr. 13,12: PL 35, 1499. Xem Serm. 191, 2,3: PL 38, 1010; v.v... Cũng xem chân phước Beda, In Lc. Expos. I, ch. 2 : PL 92, 330. Isaac de Stella, Serm. 51: PL 194, 1863A.
85* Số 64: Giáo Hội là Mẹ và là Trinh Nữ.
Hình thức song đối đã nói trên kết thúc ở đây: tính cách làm Mẹ đồng trinh của Ðức Maria chính là bí tích, dấu hiệu hoặc hình ảnh của Giáo Hội đồng trinh, cũng thụ thai và sinh dưỡng các con cái mình. Tính cách làm mẹ của Giáo Hội, noi theo Ðức Maria, là việc đón nhận Lời Chúa trong tâm hồn. Ðón nhận có nghĩa là thực hành. Như thế Giáo Hội trở thành mẹ của một cuộc sống bất tử, nhờ Thần Khí của việc sáng tạo mới. Sự đồng trinh của Giáo Hội - là điều kiện để sinh nhiều con cái - hệ tại việc trung thành thực thi các nhân đức đối thần, theo gương Ðức Maria và nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần.
86* Số 65: Giáo Hội và việc noi theo các nhân đức của Ðức Maria.
Ở đây, Công Ðồng trình bày Ðức Maria như gương mẫu các nhân đức mà Giáo Hội phải noi theo. Việc kính nhớ Mẹ Thiên Chúa làm cho tín hữu thâm hiểu mầu nhiệm Nhập Thể hơn vì có nhiều khía cạnh của mầu nhiệm này biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa. Ngay từ thời xa xưa, Giáo Hội đã cầu khẩn với Ðức Maria, nhờ thế mà Giáo Hội tiến tới trên con đường đức tin và trên đường sứ mệnh tông đồ, trở nên giống với mẫu mực của mình hơn.
87* Các số 66-67: Phần III - Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ trong Giáo Hội.
Phần này trực tiếp nói đến sự áp dụng giáo lý vào công việc giảng thuyết và tôn kính. Mối bận tâm mục vụ của Công Ðồng được biểu lộ rõ rệt. Công Ðồng muốn rằng, trong Giáo Hội, việc tôn kính và sùng mộ Ðức Maria phải chừng mực và chính đáng; không trễ nải vì những ngờ vực vô ích hay sợ sệt; không quá khai thác những tình cảm, tưởng tượng hoặc những điều thần học còn mơ hồ.
21 Xem Sách Nhật Tụng Roma, xướng khúc "Sub tuum..." ở kinh chiều I của Tiểu tụng Ðức Mẹ.
88* Số 66: Bản tính và nền tảng việc tôn kính Ðức Trinh Nữ.
Nền tảng việc tôn kính Ðức Maria là do việc Mẹ Thiên Chúa được gắn liền với mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô. Vì Ðức Maria được dự phần vào mầu nhiệm này hơn bất cứ ai khác, nên Giáo Hội đặc biệt tôn kính Mẹ. Việc tôn kính - bản chất của việc sùng mộ - được gọi là đặc biệt (so sánh với việc tôn kính các Thánh), nhưng xét theo yếu tính thì hoàn toàn khác biệt với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Tiêu chuẩn của việc tôn kính là phải phù hợp với giáo lý chính thống. Việc tôn kính chỉ có bảo đảm khi trung thành với ơn linh ứng riêng và phải hoàn toàn hướng về Con duy nhất mà trong Người, Chúa Cha tác thành mọi sự. Việc sùng mộ sẽ trở nên ảo tưởng nếu không đưa đến việc tuân giữ các giới răn Chúa. Giả thiết như thế rồi, cũng còn phải lưu ý đến những hình thức tôn kính khác nhau nhưng vẫn hợp pháp, do hoàn cảnh thời gian và nơi chốn tạo ra, hay do những tâm tình khác nhau của mỗi dân tộc. Vậy phải thận trọng nhưng đừng có đầu óc thiển cận. Việc tôn kính với cùng một hình thức như nhau sẽ trở nên nghèo nàn; phải để quyền cho công giáo tính.
22 CÐ Nicea II, năm 787: Mansi 13, 378-379 ; Dz 302 (600-601). CÐ Trentô, khóa 25: Mansi 33, 171-172.
23 Xem Piô XII, sứ điệp truyền thanh, 24-10-1954: AAS 46 (1954), trg 679. Tđ. Ad caeli Reginam, 11-10-1954: AAS (1954), trg 637.
89* Số 67: Tinh thần giảng thuyết và tôn kính Ðức Trinh Nữ.
Sau cùng, Công Ðồng ban bố một vài qui tắc mục vụ cho việc giảng thuyết và tôn kính Ðức Maria. Công Ðồng giới thiệu đặc biệt việc tôn kính có tính cách phụng vụ, nhưng cũng không quên những hình thức, những việc thực hành đạo đức không đi ngược với những nguyên tắc đã đề ra. Việc tôn kính theo phụng vụ được chú trọng hơn là vì có sự chỉ dẫn trực tiếp của Giáo Hội. Những hình thức tôn sùng cũng như Công Ðồng cổ võ, dù không bàn đến chi tiết. Những tiêu chuẩn để giảng thuyết rất đơn giản: đừng tán tụng thái quá, không hẹp hòi thiển cận, hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Giáo Hội, biết dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền. Như vậy Công Ðồng muốn ngay cả việc giảng thuyết về Ðức Mẹ cũng phải qui về Chúa Kitô. Kết luận của số này là vài lời khuyên tổng quát về việc sùng mộ đích thực nhằm gửi tới Dân Chúa (không chỉ bằng tình cảm nhất thời, không phải niềm tin viễn vông, nhưng là sự thực hành sâu xa của một đức tin chính thực, lấy tình yêu hàm chứa lòng biết ơn mà tuyên xưng sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và đức tin đó còn làm cho chúng ta biết quảng đại noi theo sự hiệp nhất giữa Mẹ với Thiên Chúa).
90* Các số 68-69: Kết luận.
Hai vấn đề được đặt ra ở Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông và như dấu hiệu hiệp nhất.
91* Số 68: Ðức Maria như dấu hiệu cậy trông.
Số này bàn đến một ý tưởng quan trọng: ý nghĩa địa vị được tôn vinh của Mẹ Chúa Giêsu đối với toàn thể Giáo Hội. Ðức Maria là hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là dấu hiệu cậy trông. Mẹ cũng đã phải chịu thử thách nên do kinh nghiệm riêng mà biết được gánh nặng của chúng ta. Tình thương Mẹ dành cho chúng ta sẽ khuyến khích chúng ta cố gắng không ngừng.
24 Xem Piô XI, Tđ. Ecclesiam Dei, 12-11-1923: AAS 15 (1923), trg 581. Piô XII, Tđ. Fulgen corona, 8-9-1953: AAS 45 (1953), trg 590-591.
92* Số 69: Ðức Maria và sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Ðây là một điểm tế nhị. Nhiều người nghĩ dường như Ðức Maria là một trở ngại trên con đường hiệp nhất các Kitô hữu. Công Ðồng đã đề cập vấn đề theo khía cạnh tích cực: Công Ðồng nhận định một sự kiện không ai chối cãi: trong số những anh em ly khai, cũng có người kêu cầu đến Trinh Nữ hèn mọn thành Nazareth. Như vậy vẫn còn hy vọng. Công Ðồng muốn mọi Kitô hữu cầu xin Ðức Maria cho việc hiệp nhất, vì Mẹ bầu cử cho mọi người tuyên xưng Con Mẹ là Ðấng Cứu Thế, và cho cả những ai chưa biết Mẹ. Mẹ vẫn luôn giữ vai trò làm mẹ. Như thế sẽ có ánh sáng làm rạng ngời vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa.
Hiến Chế tín lý về Giáo Hội khởi đầu và kết thúc bằng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Từ Thiên Chúa, do tình yêu mà có mọi sự, và trong tình yêu mọi sự qui về Ngài. Hiến Chế này là một lời tuyên xưng đức tin không lay chuyển và sẽ không chịu sự hao mòn của thời gian.
Nguồn: thanhlinh.net
bài liên quan mới nhất
- Thiên Chúa không thể không Ba Ngôi
-
Chín biểu tượng Giáo hội dùng để chỉ Chúa Thánh Thần -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Thần học về thân xác, phần cuối - Tình yêu và sự phong nhiêu -
ĐTC Phanxicô bày tỏ lo ngại về Con đường Công nghị của Công giáo Đức -
Viết cho bạn – người giáo lý viên! -
Làm thế nào để tìm thấy Chúa trong thế giới hiện tại -
Các điều kiện để lãnh nhận ân xá -
ĐHY Koch chính thức trả lời các khiếu nại của lãnh đạo Do Thái về bài giáo lý của ĐTC -
Hội nghị về Thần học phủ định: Thiên Chúa, Đấng tâm trí không thể nhận thức được, Đấng nói với con tim -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ
bài liên quan đọc nhiều
- Khái quát giáo huấn của Hội Thánh về Ba Ngôi Thiên Chúa
-
Các điều kiện để lãnh nhận ân xá -
Những ai có thể lãnh nhận Bí tích Xức dầu bệnh nhân? -
Chín biểu tượng Giáo hội dùng để chỉ Chúa Thánh Thần -
Chân dung Satan -
Làm chứng gian: Vạch trần lịch sử chống Công giáo trong nhiều thế kỷ -
Suy tư về Mầu nhiệm Nhập thể theo lược đồ thần học của Chalcédoine -
Làm thế nào để tìm thấy Chúa trong thế giới hiện tại -
Việc đổi mới số 2267 trong sách Giáo lý Giáo hội Công giáo về án tử hình -
Thánh Thể trong Thần Học và Linh Đạo của Thánh Phaolô