Suy tư về Mầu nhiệm Nhập thể theo lược đồ thần học của Chalcédoine

Suy tư về Mầu nhiệm Nhập thể theo lược đồ thần học của Chalcédoine

SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ
THEO LƯỢC ĐỒ THẦN HỌC
CỦA CHALCÉDOINE

I.  MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

1. TỪ NGỮ

Chúng ta đã quá quen dùng từ ngữ “nhập thể” để chỉ mầu nhiệm Con Thiên Chúa đồng bản thể với Thiên Chúa, đã làm người và ở giữa loài người chúng ta.

Thực ra từ ngữ “nhập thể” còn nhiều khiếm khuyết. Chữ “nhập” gợi ra hình ảnh một vị thần linh nhập vào trong một người hay một thực tại nào đó. Đột nhập chứ không đồng hóa, không trở nên, nghĩa là vẫn còn một khoảng cách hữu thể. Vả lại “nhập vào” là hành vi có tính cách nhất thời, vì nhập vào rồi sẽ xuất ra. Dù thời gian nhập vào kéo dài bao lâu đi nữa, thời gian ấy vẫn qua đi, và như vậy thì không diễn tả đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth.  

Đối với niềm tin của chúng ta, giữa Giêsu Nazareth và Con Thiên Chúa không còn một khoảng cách hữu thể nào nữa: Giêsu Nazareth là Con Thiên Chúa, và Con Thiên Chúa đã trở nên Giêsu Nazareth. Giêsu Nazareth là Con và mãi mãi là Con Thiên Chúa, và từ lúc làm người, Con Thiên Chúa không bao giờ rũ bỏ nhân tính của mình nữa.   

Khi chúng ta tuyên xưng một Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời… Vì chúng ta… đã từ trời xuống thế và đã làm người, chúng ta tuyên xưng hai điều cốt yếu: a) Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật; b) Thiên Chúa thật đã trở thành người thật.

2. ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ NGƯỜI THẬT

Hiểu được Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật quả là một điều rất khó, là điều mà lý trí không làm nổi. Bởi lẽ Thiên Chúa thường được quan niệm là Đấng Tuyệt Đối, Vô Hạn, là Đấng Trường Sinh Bất Tử. Còn con người là tương đối, hữu hạn, là hữu thể thời gian, là vong nhân phải chết.

Khó khăn càng lớn vì ảnh hưởng của khoa siêu hình học Hylạp, khoa Thượng Đế học Kinh viện, nhấn mạnh sự đồng nhất và bất biến nơi Thiên Chúa hay Thượng Đế. Thượng Đế không thể nào thay đổi, vì thay đổi là bất toàn.

Nhận định trên của các nhà thần học hiện đại nói chung là đúng, nhưng không giải quyết được vấn đề, vì khó khăn nội tại trong chính mầu nhiệm, trí tuệ con người không tài nào suy thấu: Thiên Chúa là Tạo Hóa, con người là tạo vật. Thiên Chúa làm người có nghĩa là Tạo Hóa trở nên tạo vật. Lời tựa Phúc Âm Gioan khẳng định “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Nhờ Người mà mọi sự được tạo thành, và không có Người thì không có gì được tạo thành (Ga 1,3). Và cũng theo Phúc Âm Gioan “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Xác phàm là tạo vật được Kinh Thánh ví như cỏ rạ, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn lại di tích.

Một chủ vị vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật. Vừa là Đấng dựng nên vừa là người được dựng nên, là điều không thể hiểu đối với lý trí loài người chúng ta. Chính vì thế mà giáo phụ Tertullien đã thốt ra những lời táo bạo: “Tôi tin vì không thể tin được”.

Chính Đức Giêsu cũng đã thấy rõ khó khăn này nên Người vẫn thường xuyên tuyên bố: “Phúc cho những ai không vấp phạm vì Ta”, và khi muốn nhấn mạnh đòi hỏi đức tin, Người khẳng định: “không có điều gì là không thể được đối với Thiên Chúa”, và khẳng định này là khẳng định hợp lý. Nếu tin Thiên Chúa là Thiên Chúa, thì không thể nghĩ rằng điều này hay điều kia không ở trong tầm tay của Người.

Khẳng định hợp lý này của Đức Giêsu làm cho điều phi lý trở nên có lý, và điều nghịch lý ở đây không còn là nghịch lý nữa, mà trở thành điều nghịch thường: cứ sự thường không thể có như vậy, chưa từng có và không bao giờ có như thế. Đó là huyền nhiệm, điều mắt không hề thấy, tai không hề nghe, điều giấu kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa nay tỏ hiện. Kế hoạch hay chương trình không thể thực hiện được đối với con người, thì nay đã được Thiên Chúa thể hiện và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô.

3. THIÊN CHÚA THẬT ĐÃ TRỞ THÀNH NGƯỜI THẬT

Việc Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa trở thành xác phàm, làm một người cụ thể là điều có lý lẽ của nó. Theo toàn bộ Tân Ước, lý lẽ duy nhất đó là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Mình cho thế gian được sống” (x. Ga 3,16). “Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi phó nộp Con của Người cho chúng ta, thì Người không còn tiếc với chúng ta điều gì” (x. Rm 8,32).

Tình yêu là lý lẽ vượt trên muôn ngàn lý lẽ, là lý lẽ siêu lý lẽ. Như Pascal đã nói: “Tình yêu có những lý lẽ mà lý trí không có”. Trong lịch sử thần học đã có những cố gắng như thánh Anselmô giải thích lý do tại sao Thiên Chúa làm người. Nhưng những giải thích này vẫn khô khan vì là những giải thích thuần lý tựa vào lý luận của con người, và hơn thế nữa mang nặng tính pháp lý.

Ngày nay, nếu có dùng trí tuệ để tìm hiểu thì cũng là để  truy tầm cho đến tận cùng cái lý lẽ của “Tình yêu”. Thế nhưng, ai yêu thì kẻ đó mới có thể giải thích đúng nhất về tình yêu và con đường của tình yêu. Chính vì thế mà, nói theo kiểu Hàn Mặc Tử: “Hãy để cho Trời giải nghĩa yêu, để cho mạc khải giải thích mạc khải”.

Mạc khải giải thích bằng lời mời gọi: Hãy nhìn vào con người Giêsu để khám phá ra Thiên Chúa! Đừng có những tiền quan niệm về Thiên Chúa, đừng có định kiến về sự toàn năng, toàn tri và vô hạn của Thiên Chúa. Đừng định nghĩa Thiên Chúa không như Người tự giới thiệu. Thiên Chúa là Tình Yêu, và tình yêu không định nghĩa được, và tình yêu thường làm những chuyện bất ngờ. Tình yêu càng vĩ đại thì bất ngờ càng lớn lao. Tình yêu vô cùng thì bất ngờ cũng vô hạn. Dĩ nhiên đó là sự bất ngờ lý thú, bất ngờ mang đến niềm vui và hạnh phúc. Bất ngờ cho những kẻ được yêu, nhưng không bất ngờ đối với người yêu. Tình yêu có kế hoạch của tình yêu. Con Thiên Chúa là kế hoạch cứu độ của tình yêu Ba Ngôi. Theo kế hoạch này, Chúa Con làm người chứ không phải Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần. Có người cho rằng: vì Chúa Con là Ngôi Lời, và nhân loại cần Ngôi Lời đến với họ để mạc khải cho họ biết Thiên Chúa. Điều này rất đúng, nhưng chúng ta chỉ có thể trả lời như vậy sau khi đã tin Đức Giêsu là Ngôi Lời xuống thế gian với sứ mạng mạc khải tình yêu của Chúa Cha, và như thế là đã để cho mạc khải giải thích mạc khải. Dựa trên điều mạc khải này, ngày nay chúng ta có thể suy tư rất nhiều để biểu lộ lòng yêu mến Thiên Chúa hết tâm hồn, hết sức lực, hết trí khôn.

4. TẠI SAO NGÔI LỜI ĐÃ LÀM NGƯỜI?

Vì Lời của Thiên Chúa là Lời yêu thương ngỏ với con người, mà lời yêu thương thì phải là lời hiểu được, nghe được, thấy được, sờ được, và cảm nghiệm được. Lời yêu thương ấy đã đi đến tận cùng vai trò ngỏ lời của mình. Vì yêu thương, Lời của Thiên Chúa đã trở thành lời của con người, mà Lời của Thiên Chúa là một chủ vị được thần học gọi là Ngôi Lời, nên khi đi vào thế giới con người, Lời đã trở thành một nhân vị.

5. LÀM SAO MÀ CHỦ VỊ THẦN LINH TRỞ NÊN CHỦ VỊ NHÂN LINH?                    

Chúng ta cũng trả lời bằng mạc khải: do tác động của Chúa Thánh Thần trên con người Đức Trinh Nữ Maria. Không phải là Chúa Thánh Thần làm người hay đầu thai trong lòng Đức Mẹ, nhưng là Ngôi Lời đã đầu thai trong lòng Đức Mẹ bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35). Sự hình thành của con trẻ Giêsu, vừa là người vừa là Thiên Chúa, nhịp cầu, gạch nối giữa đất với trời, sự hòa hợp trọn vẹn giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và tạo vật, là công trình của Chúa Thánh Thần, là tác phẩm của tình yêu Thần Linh. Sức mạnh tình yêu của Thiên Chúa có tác dụng kỳ diệu và lạ lùng: Đức Giêsu sinh ra từ hôn lễ giữa hai tình yêu: tình yêu thần linh của Thiên Chúa và tình yêu nhân linh của Đức Mẹ. Điều này càng sáng tỏ hơn nếu được đặt trong khung cảnh “quan hệ phu thê” giữa Thiên Chúa với Dân Người trong Cựu Ước. Thiên Chúa yêu mến Dân Người lắm, tình yêu nồng cháy này đã được diễn tả bằng tình yêu nam nữ trong sách Diệu Ca. Hoa quả của tình yêu đó là Đức Giêsu Kitô, “Đấng vừa là Con của Thiên Chúa vừa là Con của Dân Người. Giêsu Kitô sinh từ dòng giống Đavít theo xác phàm, là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Khí” (Rm 1,3-4).

Nói theo kiểu Phaolô, nơi Đức Giêsu Kitô có cả xác phàm, có cả Thần Khí; có nguyên vẹn xác phàm, có trọn vẹn Thần Khí, mà có Thần Khí trọn vẹn là có thần tính trọn vẹn. Trong thư Côlôsê, Phaolô đã quả quyết: “Sự viên mãn của thần tính đậu lại trên Ngài” (x. Cl 1,19).

Nói theo kiểu tín lý của công đồng Chalcédoine (a. 451), nơi Đức Giêsu Kitô có nhân tính nguyên vẹn và trọn vẹn thần tính. Công đồng Chalcédoine còn thêm bốn trạng từ cần ghi nhận để hiểu đúng mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người theo mạc khải: “Chỉ có một Đức Giêsu Kitô duy nhất, một con người duy nhất trong hai bản tính không lẫn lộn, không phân chia, không thay đổi, không tách rời”.

5.1. Không lẫn lộn

Thần tính là thần tính, nhân tính là nhân tính. Không thể có thần tính pha nhân tính, nhân tính pha thần tính. Đức Giêsu Kitô - Thần - Nhân, không phải là nửa người nửa Chúa, Chúa không ra Chúa, người không ra người, mà là Thiên Chúa thật và là người thật. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa trọn vẹn như Thiên Chúa Cha và cùng với Thiên Chúa Cha; là con người thực sự như chúng ta và cùng với chúng ta. Bất cứ một sự pha trộn nào cũng đều làm hỏng cả thần tính lẫn nhân tính. Vả lại tình yêu không bao giờ chấp nhận pha trộn, vì pha trộn sẽ làm hỏng bản chất của tình yêu. Tình yêu thường đồng hóa mà không bao giờ lẫn lộn.

5.2. Không phân chia

Tình yêu làm cho nên một hai thực thể hoàn toàn khác biệt, khác biệt mà vẫn là một, là một mà vẫn khác biệt. Đó là ý nghĩa của từ ngữ “không phân chia”. Chúng ta không thể chủ trương có hai người con như lạc giáo Nestorio: con của Thiên Chúa và con của Đức Maria. Đức Giêsu Kitô không là một chủ vị kép, gồm chủ vị thần linh và chủ vị nhân linh cộng lại.

5.3. Không thay đổi

Trong mầu nhiệm làm người, Con Thiên Chúa không trở thành một chủ vị khác. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, trở nên một con người cụ thể là Giêsu Nazareth, nhưng  không  trở  thành  một chủ vị khác. Không thể ứng dụng cho Đức Giêsu Kitô kiểu nói của triết gia Fichte: “Tôi đã trở thành không phải tôi”. Vẫn một ngôi vị là Ngôi Hai Thiên Chúa mà vẫn một chủ vị con người Giêsu Nazareth. Chủ vị thực sự thì khai mở chứ không khai trừ: Ngôi Lời không khai trừ chủ vị con người Giêsu Nazareth, nhưng “khai mở”, “đảm nhận” chủ vị con người Giêsu Nazareth. Đảm nhận có nghĩa là để cho chủ vị ấy nguyên vẹn, đồng thời vẫn là một với mình.

Chúng ta không thể chấp nhận quan niệm ngôi vị thần linh nhập vào bản tính con người và biến đổi bản tính ấy như lửa biến đổi thanh củi thành lửa. Lạc giáo “nhất tính thuyết” chủ trương nhân tính của Đức Giêsu bị mất hút trong thần tính và như vậy Đức Giêsu không còn thực sự là người nữa.

5.4. Không tách rời

Đảm nhận không chỉ là tiếp đón, vì tiếp đón thì còn có ngày giã biệt. Chúng ta không thể quan niệm là Con Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi con người Giêsu Nazareth trong thời gian 30 năm ở đất Palestine để rồi khi hết đời Giêsu Nazareth, Con Thiên Chúa lại rời bỏ kiếp sống trần gian để trở về Thiên Quốc. Trái lại, dựa trên mạc khải và tín điều, chúng ta phải khẳng định: từ lúc Con Thiên Chúa làm người, không còn có thể tách rời con người Giêsu với Ngôi Hai Thiên Chúa nữa. Mãi mãi Ngôi Hai Thiên Chúa là Giêsu Nazareth và mãi mãi Giêsu Nazareth là Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa trạng từ “không thể tách rời” của tín lý công đồng Chalcédoine. Chúng ta không thể chấp nhận một thái độ giả vờ của Con Thiên Chúa như “Ảo thân thuyết” (Docétisme) của phái ngộ đạo.

II. SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

1. CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI

Khi suy nghĩ thật kỹ về tín điều công đồng Chalcédoine, chúng ta nhận rằng Công Đồng đã thành công trong việc diễn tả  mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người trên bình diện “tĩnh”. Công Đồng đã cho thấy rõ Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật như trong Kinh Tin Kính và trong mạc khải Kinh Thánh. Nhưng Công Đồng đã không làm rõ nét phương diện “động” của mầu nhiệm Nhập Thể.

Phúc Âm Gioan đã dùng động từ “trở nên” để diễn tả mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi Lời đã thành xác phàm: Con Thiên Chúa làm người. Một số thần học gia đề nghị dùng chữ “nhân thành” thay mầu nhiệm Nhập Thể. Chúng ta nên dùng từ ngữ đơn sơ nhất là “làm người”. Chữ “làm người” bao hàm một tiến trình một sắc thái động, một cuộc sống cụ thể, đồng thời cũng là một lý tưởng, một ơn gọi. Chữ “làm người” còn cho thấy sự dấn thân trọn vẹn của Con Thiên Chúa, dấn thân đến mức cuối cùng của kiếp sống con người là phải đau khổ và chết. Khi suy gẫm về ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, có giáo phụ đã thốt lên: “Một trong Ba Ngôi đã chịu khổ hình”.

Nếu dừng lại ở các phạm trù của khoa Thượng Đế học kinh viện, hay khoa siêu hình học Hylạp, chúng ta sẽ không hiểu được điều các giáo phụ nói. Theo quan niệm Hylạp, Thần tính bao giờ cũng bất biến, bất diệt, bất tử. Vậy làm sao một trong Ba Ngôi có thể chịu khổ hình? Theo khoa Thượng Đế học cổ điển, phải phủ nhận sự đau khổ của Thượng Đế. Nhưng đó không phải là quan điểm của Kinh Thánh. Nhờ Kinh Thánh, chúng ta hiểu được sự đau khổ vì tình yêu của Thiên Chúa. Chủ đề “đau khổ của Thiên Chúa” là một chủ đề hiện đại trong khoa thần học tín lý. Chúng ta phải trở lại với câu nói thời danh của Pascal: “Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacób không phải là Thiên Chúa của các triết gia”. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa bao dung, huệ ái, đầy lòng nhân nghĩa tín thành, là Đấng giàu lòng thương xót. Lòng thương xót đã mang lại biết bao nhiêu đau khổ cho Thiên Chúa, và lòng thương xót của Thiên Chúa cuối cùng được biểu lộ trọn vẹn nơi một con người chịu đóng đinh.

Theo Phúc Âm Gioan, cái chết của Đức Giêsu là cao điểm của tình yêu Nhập Thể: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì  bạn hữu” (x. Ga 15,13). Tình yêu của Thiên Chúa đã trở thành tình yêu của con người. Vì yêu thương, Con Thiên Chúa đã phải học làm người. Nơi mầu nhiệm làm người của Con Thiên Chúa, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa ẩn mình trong xác phàm. Thực tại lớn nhất trở thành thực tại mỏng giòn. Hay nói theo kiểu của một số giáo phụ: “Vĩnh cửu trở thành thời gian, vô hạn trở thành hữu hạn, vô hình trở thành hữu hình, Đấng bất tử trở thành khả tử, cái lớn nhất trở nên nhỏ nhất để cho cái nhỏ nhất trở nên lớn nhất”. Đó là con đường của Tình Yêu Cứu Độ. Thần linh đã trở nên con người để con người trở nên thần linh. Tiến trình này thể hiện tiên vàn nơi con người Đức Giêsu Kitô, để rồi từ đó trở nên con đường cho bất cứ ai muốn có sự sống thần linh. Nơi Đức Giêsu Kitô, con người và Thiên Chúa không đối lập nhau, trái lại càng là người bao nhiêu thì càng là Thiên Chúa bấy nhiêu. Là người tối đa biểu lộ tư cách là Thiên Chúa tối đa. Là Thiên Chúa tối đa trong mầu nhiệm nhân thành là làm người tối đa. Đức Giêsu Kitô là sự thật về Thiên Chúa và về con người, vì Ngài là người thật và là Thiên Chúa thật. Vậy nếu có người hỏi Thiên Chúa là ai, chúng ta chỉ vào Đức Giêsu Kitô. Đồng thời khi có người hỏi con người là ai, chúng ta cũng chỉ vào Đức Giêsu Kitô.   

2. MẦU NHIỆM NGÔI HIỆP

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người là “sự biến thành”, nếu chúng ta nhìn về phía Thiên Chúa và rồi hướng về phía con người, hay nói cách khác, chúng ta theo một “Kitô-học từ trên”. Nếu nhìn từ hai phía cùng một lúc, chúng ta có một sự “gặp gỡ”. Một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người, thắm thiết đến nỗi là một thực tại duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Kết hợp hai cách nhìn, chúng ta có mầu nhiệm Ngôi Hiệp: Thần tính và nhân tính kết hiệp với nhau trong cùng một ngôi vị Con Thiên Chúa: Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa Cha bất tử và con loài người khả tử.

Cả hai quan niệm tĩnh và động về mầu nhiệm Nhập Thể đều cần thiết để giữ thế quân bình trong Kitô-học, không cho phép suy tư thần học đi trật hướng tín điều và mạc khải. Quan điểm tĩnh gìn giữ cho nội dung đức tin được rõ ràng, phân minh để mỗi người chúng ta có thể nói: “Tôi biết tôi tin vào ai”. Nhưng quan điểm động cần thiết để tránh một cái nhìn đóng khung về mầu nhiệm làm mất đi sự sống động và cụ thể trong hành trình yêu thương của Thiên Chúa xuyên qua lịch sử cứu độ.

Mạc khải Kinh Thánh nhấn mạnh tối đa nhân tính của Đức Giêsu. Thậm chí còn bảo vệ nhân tính ấy bằng mọi giá. Các thư Gioan vạch mặt chỉ tên hạng người “phản Kitô”, đó là những người không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đến trong xác thịt (x. 1 Ga 4,2-3  ; x. 2 Ga 1,7). Các giáo phụ ngay từ những thế kỷ đầu cũng đã mạnh mẽ lên án những người chối nhân tính đích thực của Đức Giêsu Kitô như các lạc giáo ngộ đạo. Huấn quyền trong Giáo Hội đã quyết liệt bênh vực nhân tính của Đức Giêsu Kitô trong các Công Đồng Chalcédoine và Constantiple III (680 - 681) chống lại các lạc giáo “nhất tính thuyết” và “nhất ý thuyết”.

Tại sao thế?

Đó là một bài học lịch sử có ý nghĩa thần học sâu xa: phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu Kitô là phủ nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, phủ nhận tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Đa số các giáo phụ đều suy tư dựa trên một nguyên tắc cứu chuộc học vững chắc: điều gì không được đảm nhận thì không được cứu độ. Nếu Đức Giêsu không đảm nhận nhân tính cách trọn vẹn, thì tất cả những gì thuộc lãnh vực nhân loại không được Thiên Chúa tiếp nhận và đưa vào quỹ đạo tình yêu cứu độ của Người. Điều đó hoàn toàn đi ngược với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, trái với tình yêu bao la của Người. Vì yêu thương là đảm nhận trọn vẹn chứ không là hủy bỏ, trái lại, khi nhân tính được Thiên Chúa đảm nhận trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô đến nỗi làm một với Ngôi Lời, mãi mãi gắn liền với Ngôi Lời, thì toàn thể nhân loại với tất cả giá trị nhân sinh đều được đảm nhận trong nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa say mê con người và thế giới; lịch sử loài người cũng được Thiên Chúa đảm nhận nơi sử tính của con người Giêsu. Lịch sử nhân loại không còn xa lạ đối với Thiên Chúa, nhưng rất gần gũi. Thiên Chúa thiết tha với lịch sử, Người muốn dùng lịch sử như môi trường cứu độ.

Khi dùng lịch sử, Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Vì tự  do là thành phần cốt yếu cấu tạo nên lịch sử. Ở đây chúng ta bước sang khía cạnh thứ hai của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại: yêu thương là kính trọng. Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Người, hình ảnh ấy bị hoen ố bởi tội lỗi, nhưng vẫn còn là hình ảnh, con người có tự do, có trí tuệ, có tình yêu như Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn sửa chữa hình ảnh ấy, muốn tái tạo, làm cho hình ảnh ấy đẹp hơn lên và trở nên viên mãn. Thiên Chúa muốn cho chúng ta làm người và làm người một cách viên mãn. Tình yêu vô biên của Thiên Chúa không hủy hoại “bản chất người” của con người trong Đức Giêsu Kitô, tình yêu thần linh muốn biểu lộ qua tình yêu con người chứ không muốn mất tình yêu ấy. Thần tính không làm tiêu tan nhân tính nơi Đức Giêsu Kitô.

Theo một số nhà thần học hiện đại, mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô còn xác nhận sự độc lập của lãnh vực trần thế. Trần thế xét là một lãnh vực độc lập có những quy luật riêng, có giá trị rất lớn trước mặt Thiên Chúa. Những nỗ lực xây dựng trần thế, chăm sóc vũ trụ và thiên nhiên, làm đẹp xã hội loài người chẳng những không ra ngoài mà còn nằm trong logic của mầu nhiệm Nhập Thể.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top