Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (3)

Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (3)

Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (3)

Chương III

Tổ Chức Phẩm Trật Giáo Hội
Và Ðặc Biệt Về Chức Giám Mục 23*
 
18. Lời mở đầu. Ðể chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên xử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự.
Bước theo dấu vết của Công Ðồng Vaticanô I, Thánh Công Ðồng này cũng giảng dạy và tuyên bố rằng: Chúa Giêsu Kitô, Mục Tử vĩnh cửu đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện khi sai các Tông Ðồ như Chúa Cha đã phái Người (Gio 20,21), và Người đã muốn các đấng kế vị, tức các Giám Mục, làm chủ chăn trong Giáo Hội cho đến tận thế. Nhưng để Chức Giám Mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt Thánh Phêrô làm Thủ Lãnh các Tông Ðồ khác, và trong Ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và hiệp thông 1. Thánh Công Ðồng một lần nữa nêu lên cho mọi tín hữu tin vững vàng giáo lý về sự thiết lập, sự trường tồn, về quyền lực và quan niệm của quyền tối thượng nơi Giáo Hoàng Rôma cùng quyền Giáo Huấn bất khả ngộ của Ngài. Tiếp tục công trình đã khởi sự, Thánh Công Ðồng muốn công bố và giải thích cho mọi người giáo lý về các Giám Mục, những đấng kế vị các Tông Ðồ và cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô, Ðại Diện Chúa Kitô 2, và là Thủ Lãnh của toàn thể Giáo Hội hữu hình điều khiển gia đình Thiên Chúa hằng sống. 24*
19. Kêu gọi và thiết lập nhóm 12 Tông Ðồ25* Chúa Giêsu, sau khi cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha, đã gọi đến với mình những kẻ Người muốn và thiết lập mười hai người để chung sống với Người, cùng sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa (x. Mc 3,13-19; Mt 10,1-42); Người tổ chức (x. Lc 6,13) các Tông Ðồ này theo cách thức một cộng đoàn, nghĩa là một nhóm người kiên vững; Người chọn Phêrô, một người trong số họ, làm đầu cộng đoàn ấy (x. Gio 21,15-17). Người sai họ đến với con cái Israel trước tiên, rồi đến với tất cả các dân nước khác (x. Rm 1,16), hầu, nhờ tham dự vào quyền bính của Người, các Tông Ðồ làm cho mọi dân tộc nên môn đệ Người cùng thánh hóa và điều khiển họ (x. Mt 28,16-20; Mc 16,15; Lc 24,45-48; Gio 20,21-23), như thế, dưới sự hướng dẫn của Chúa, các Ngài mở mang và chăn dắt Giáo Hội bằng việc phục vụ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Ngày Lễ Hiện Xuống, các ngài được hoàn toàn kiên vững trong sứ mệnh này (x. CvTđ 2,1-36), như lời Chúa hứa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa, Samaria, cho đến tận cùng trái đất" (CvTđ 1,8). Khi các Tông Ðồ rao giảng Phúc Âm khắp nơi (x. Mc 16,20) và có nhiều thính giả đón nhận nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, các ngài qui tụ họ thành Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội này đã được Chúa thiết lập trên các Tông Ðồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, thủ lãnh của các ngài; và Chúa Giêsu Kitô là viên đá góc cao cả của Giáo Hội ấy (x. Kh 21,14; Mt 16,18; Eph 2,20) 326*
20. Các Giám Mục, kế nghiệp các Tông Ðồ. Sứ mệnh thần linh được Chúa Kitô trao phó cho các Tông Ðồ phải tồn tại cho đến tận thế (x. Mt 28,20), bởi lẽ Phúc Âm mà các ngài có nhiệm vụ rao truyền là nguyên lý ban sự sống toàn diện cho Giáo Hội qua mọi thời đại. Vì thế, các Tông Ðồ đã quan tâm đặt người kế vị trong cái xã hội có phẩm trật này.
Thực thế, không những các ngài có nhiều phụ tá giúp thi hành chức vụ 4, nhưng, để sứ mệnh phó thác cho các ngài được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Ðồ còn ủy thác, như một di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự 5, đồng thời căn dặn họ coi sóc tất cả các đoàn chiên, mà Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Giáo Hội Chúa (x. CvTđ 20,28). Bởi vậy các ngài đề cử những người như thế, rồi ban quyền chức cho họ, hầu khi các ngài qua đời, đã có những người xứng đáng nhận lãnh chức vụ của các ngài 6. Giữa những chức vụ khác nhau được thi hành trong Giáo Hội từ buổi sơ khai, theo chứng tá của truyền thống, chức vụ chính yếu là chức vụ của những vị đã được bổ nhiệm lên Giám Mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, 7 các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ 8. Như thế, theo chứng tá của Thánh Irêneô, truyền thống tông đồ được biểu hiện trên khắp hoàn cầu 9 và được bảo tồn 10 nhờ những đấng được các Tông Ðồ đặt làm Giám Mục và các vị kế nghiệp các ngài cho đến ngày nay.
Nhờ thế, các Giám mục đã nhận lãnh việc phục vụ cộng đoàn với sự giúp đỡ của các linh mục và phó tế 11. Thay thế Thiên Chúa, các ngài đứng đầu đàn chiên 12 mà các ngài là chủ chăn, với tư cách là Thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lãnh đạo 13, cũng như chức vụ mà Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô, Tông Ðồ Cả, và phải được trao lại cho các đấng kế vị Phêrô, chức vị đó luôn tồn tại, cũng thế, chức vụ chăn dắt Giáo Hội của các Tông Ðồ phải tồn tại và được thi hành liên tục do thánh chức Giám Mục 14. Vì thế, Thánh Công Ðồng dạy rằng, chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ 15 làm mục tử Giáo Hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời Chúa Kitô, còn ai khinh dể các ngài là khinh dể Chúa Kitô và Ðấng đã phái Chúa Kitô đến (x. Lc 10,16) 1627*
21. Chức Giám Mục có tính cách bí tích. Vậy, qua các Giám Mục được các linh mục trợ giúp, Chúa Giêsu Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm, hiện diện giữa các tín hữu. Thực vậy, ngự bên hữu Chúa Cha, Người vẫn hiện diện giữa cộng đoàn các linh mục của Người 17, nhưng nhất là qua sự phục vụ quí hóa của các ngài, Chúa Kitô rao giảng lời Thiên Chúa cho các dân nước và không ngừng ban phát các bí tích cho tín hữu. Nhờ nhiệm vụ làm cha của các ngài (x. 1Cor 4,15), Chúa tháp nhập vào thân thể Người những chi thể mới nhờ sự tái sinh siêu nhiên. Và sau cùng, nhờ sự khôn ngoan thận trọng của các ngài, Chúa điều khiển và hướng dẫn dân tộc của Tân Ước trong cuộc lữ hành tiến về hạnh phúc muôn đời. "Các mục tử này, được chọn để chăn dắt đoàn chiên Chúa, là thừa tác viên của Chúa Kitô và ban phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1Cor 4,1); các ngài được ủy thác việc làm chứng Phúc Âm của ân sủng Thiên Chúa (x. Rm 15,16; CvTđ 20,24) và việc thi hành công cuộc của Thánh Thần và của công lý trong vinh quang (x. 2Cor 3,8-9).
Ðể chu toàn nhiệm vụ cao trọng ấy, các Tông Ðồ được Chúa Kitô đổ tràn Thánh Thần cách đặc biệt (x. CvTđ 1,8; 2,4; Gio 20,22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc tấn phong Giám Mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi 18. Thánh Công Ðồng dạy rằng, khi được tấn phong, các Giám Mục nhận lãnh sự trọn vẹn của bí tích Truyền Chức Thánh mà tập tục phụng vụ Giáo Hội và các Thánh Giáo Phụ gọi là chức linh mục tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ 19. Việc tấn phong Giám Mục trao ban nhiệm vụ thánh hóa cũng như nhiệm vụ giảng dạy và cai trị; tuy nhiên, các nhiệm vụ ấy, do bản tính, chỉ có thể thực thi trong sự hiệp thông với Thủ Lãnh và các phần tử của Giám Mục Ðoàn. Thực vậy, truyền thống được diễn tả nhất là qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo Hội Ðông Phương cũng như Tây Phương cho thấy rõ ràng là qua sự đặt tay và qua các lời tấn phong, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban 20 và ấn dấu thánh được in 21 trên các Giám Mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Chúa Kitô là Thầy, Chủ Chăn và Linh Mục, và hoạt động nhân danh Người 22 một cách cao quí và hữu hình. Các Giám Mục có phận sự nhận vào Giám Mục Ðoàn, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, những người mới được tuyển chọn. 28*
22. Giám Mục Ðoàn và vị Thủ Lãnh29* Thánh Phêrô và các Tông Ðồ khác tạo thành một cộng đoàn Tông Ðồ duy nhất theo như Chúa đã ấn định; tương tự như thế, Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, cùng với các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ đều liên kết với nhau. Ðặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng giám mục được biểu lộ qua luật lệ cổ truyền: theo đó Giám Mục trên khắp hoàn cầu thông hiệp với nhau và với Giám Mục Roma bằng mối dây hiệp nhất, bác ái và bình an 23 và qua sự triệu tập các Công Ðồng 24 để cùng nhau quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt 25 sau khi Nghị Phụ đã cân nhắc kỹ lưỡng 26. Bản chất ấy được xác nhận bởi việc triệu tập các Công Ðồng Chung qua bao thời đại. Và bản chất cộng đoàn ấy cũng được một tập truyền xa xưa công nhận, đó là việc nhiều Giám Mục được mời đến tấn phong một người mới được chọn lên nhiệm vụ tối cao của chức linh mục. Người lãnh nhận bí tích truyền chức và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong Cộng Ðoàn trở thành phần tử của Giám Mục Ðoàn.
Nhưng cộng đoàn giám mục hoặc giám mục đoàn chỉ có quyền hành khi hiệp với Giáo Hoàng Roma, đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ Lãnh của cộng đoàn giám mục; nhưng quyền tối thượng trên tất cả các Chủ Chăn và tín hữu của Giáo Hoàng Roma vẫn luôn luôn được bảo toàn trọn vẹn. Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy, Giám Mục Ðoàn kế vị cộng đoàn Tông Ðồ trong việc giáo huấn và chăn dắt, chính trong Giám Mục Ðoàn mà cộng đoàn Tông Ðồ được trường tồn. Hiệp nhất với Thủ Lãnh, tức Giáo Hoàng Roma, và không bao giờ tách rời khỏi Thủ Lãnh ấy, giám mục đoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội 27, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng Roma. Chúa đã đặt một mình Phêrô làm đá nền, trao chìa khóa Giáo Hội cho một mình Ngài (x. Mt 16,18-19), cũng đã đặt Ngài là Chủ Chăn của toàn thể đàn chiên Chúa (x. Gio 21,15tt); những quyền tháo gỡ cầm buộc của Người đã ban cho Phêrô (x. Mt 16,19), hẳn cũng đã ban cho cả cộng đoàn Tông Ðồ hiệp nhất với Thủ Lãnh (x. Mt 18,18; 28,16-20) 28. Gồm nhiều phần khác nhau, cộng đoàn giám mục diễn tả đặc tính đa dạng và phổ quát của Dân Thiên Chúa; đồng thời, tụ họp dưới quyền thủ lãnh duy nhất, cộng đoàn giám mục diễn tả sự hiệp nhất của đàn chiên Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này, các Giám Mục, khi trung thành tôn trọng quyền tối thượng và quyền điều khiển của vị Thủ Lãnh, các Ngài thi hành quyền bính riêng để mưu ích cho tín hữu mình và cho toàn thể Giáo Hội, nhờ có Chúa Thánh Thần không ngừng củng cố cơ thể và sự thuận hòa trong cơ thể ấy. Quyền bính tối cao của giám mục đoàn trên toàn thể Giáo Hội được thi hành cách trọng thể trong Công Ðồng Chung. Nhưng không bao giờ có Công Ðồng Chung nếu không được Ðấng kế vị Thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận; Ðức Giáo Hoàng Roma có đặc quyền triệu tập, chủ tọa và phê chuẩn các Công Ðồng này 29. Hiệp nhất với Giáo Hoàng, các Giám Mục trên khắp thế giới còn có thể thực hành quyền cộng đoàn ấy, khi vị Thủ Lãnh cộng đoàn mời gọi các ngài cùng hành động cách cộng đoàn, hay ít ra khi ngài ưng thuận hoặc tự do chấp nhận hành động hiệp nhất của các Giám Mục rải rác để làm cho nó trở thành một hành động có tính cách cộng đoàn thực sự. 30*
23. Mối liên lạc giữa các Giám Mục trong cộng đoàn. Sự hiệp nhất của Giám Mục Ðoàn còn được biểu lộ qua mối tương giao giữa mỗi Giám Mục với các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát. Ðức Giáo Hoàng Roma, Ðấng kế vị Phêrô, là nguyên lý và nền tảng hữu hình, vĩnh cửu 30 của sự hiệp nhất giữa các Giám Mục cũng như giữa các tín hữu. Còn mỗi Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương 31. Các Giáo Hội này được thành lập theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo Hội ấy mà có một Giáo Hội công giáo, duy nhất 32. Vì thế mỗi Giám Mục đại diện cho Giáo Hội mình, và tất cả các Giám Mục cùng với Giáo Hoàng đại diện cho toàn thể Giáo Hội trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.
Mỗi Giám Mục được đặt làm Thủ Lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chứ không thực hành quyền mục vụ trên các Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp các Tông Ðồ, mỗi Giám Mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận 33 ân cần săn sóc đến toàn thể Giáo Hội. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được thể hiện bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát. Thực vậy, tất cả các Giám Mục có nhiệm vụ phát huy và bảo vệ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của cả Giáo Hội, dạy cho tín hữu biết yêu mến toàn Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhất là các chi thể nghèo khó, đau khổ và đang chịu bách hại vì sự công chính (x. Mt 5,10), sau cùng các ngài còn có nhiệm vụ phát huy mọi sinh hoạt chung của toàn Giáo Hội, nhất là phát triển đức tin và làm cho ánh sáng chân lý toàn vẹn chiếu soi trên mọi người. Ðàng khác, khi điều khiển khéo léo Giáo Hội địa phương là một phần Giáo Hội phổ quát, dĩ nhiên các Giám Mục đã góp phần hữu hiệu vào công ích của toàn Nhiệm Thể cũng là thân thể của các Giáo Hội 34.
Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng đoàn các Chủ Chăn. Chúa Kitô đã ra lệnh chung cho tất cả các ngài và giao phó cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Giáo Hoàng Coelestinô đã nhắc nhở các Nghị Phụ Công Ðồng Ephesô 35. Vì thế các Giám Mục, trong phạm vi trách nhiệm riêng của các ngài cho phép, phải cộng tác với nhau và với Ðức Giáo Hoàng là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ cao cả truyền bá danh hiệu Kitô hữu 36. Do đó, các Giám Mục phải dốc toàn lực đóng góp cho các xứ truyền giáo nhiều thợ gặt, nhiều sự trợ giúp thiêng liêng và vật chất, vừa bằng cách tự mình trực tiếp giúp đỡ, vừa khuyến khích các tín hữu nhiệt thành cộng tác. Sau cùng, trong niềm cảm thông phổ quát của đức ái, theo gương lành đáng kính của các thế kỷ đầu, các Giám Mục hãy sẵn lòng lấy tình huynh đệ trợ giúp các Giáo Hội khác, nhất là những Giáo Hội gần nhất và túng thiếu nhất.
Các Giáo Hội khác nhau mà các Tông Ðồ và những đấng kế vị đã thành lập tại nhiều nơi khác nhau theo dòng thời gian, Chúa Quan Phòng đã muốn tụ hợp lại thành nhiều nhóm được liên kết ở tổ chức; các nhóm này có kỷ luật riêng, phụng vụ riêng, thừa hưởng di sản thần học và thiêng liêng riêng mà không phương hại đến sự hiệp nhất đức tin cũng như bản chất duy nhất và thần linh của Giáo Hội phổ quát. Trong các Giáo Hội ấy, một vài Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội cổ xưa do các Giáo Chủ lãnh đạo, như các bà mẹ đức tin, đã sinh nhiều Giáo Hội khác như con cái mình, và vẫn còn liên kết với nhau cho đến ngày nay bằng mối dây bác ái mật thiết và bằng đời sống bí tích trong sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ lẫn nhau 37. Các Giáo Hội địa phương tuy khác nhau như thế nhưng đều hướng về sự hiệp nhất, nên càng minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo Hội không phân chia. Cũng thế, ngày nay các Hội Ðồng Giám Mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn. 31*
24. Thừa tác vụ Giám Mục32* Chúa Giêsu, Ðấng được ban mọi quyền năng trên trời dưới đất, đã trao cho các Giám Mục, vì là những người kế vị các Tông Ðồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật, hầu mọi người được rỗi nhờ lãnh nhận đức tin, phép Thánh Tẩy, và việc chu toàn giới răn Chúa (x. Mt 28,18-20; Mc 16,15-16; CvTđ 26,17t). Ðể hoàn thành sứ mệnh đó, Chúa Kitô đã hứa ban Thánh Thần từ trời xuống, để nhờ sức mạnh của Thánh Thần, các ngài làm chứng cho Chúa Kitô đến tận cùng trái đất, trước mọi dân nước và vua chúa (CvTđ 1,8; 2,1tt.; 9,15). Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các chủ chăn của dân Người thực là một việc phục vụ, mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là "diakonia" nghĩa là thừa tác vụ (x. CvTđ 1,17 và 25; 21,19; Rm 11,13; 1Tm 1,12).
Chức vụ bổ nhiệm theo giáo luật được trao cho các Giám Mục hoặc theo tập tục hợp pháp chưa bị quyền tối thượng và phổ quát của Giáo Hội đoạn tiêu, hoặc theo các luật lệ được Giáo Hội ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính đấng kế vị Phêrô; nếu Ðức Giáo Hoàng phản đối hoặc từ chối không cho hiệp thông với Tòa Thánh, thì các Giám Mục không thể được lãnh nhận chức vụ 3833*
25. Nhiệm vụ giáo huấn. Việc rao giảng Phúc Âm 39 là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám Mục, Giám Mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô, Giám Mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng dạy cho những kẻ được trao phó cho các Ngài, một đức tin phải được xác tín và phải được áp dụng vào các phong tục, và làm sáng tỏ đức tin đó bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Các Ngài rút ra những cái mới cái cũ trong kho tàng Mạc Khải (x. Mt 13,52) để làm cho đức tin trổ sinh hoa trái, và luôn tỉnh thức loại bỏ mọi lầm lạc đang đe dọa đàn chiên mình (x. 2Tm 4,1-4). Mọi người phải kính trọng các Giám Mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài thông hiệp với Giáo Hoàng Roma mà dạy dỗ, các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của Giám Mục mình, khi nhân danh Chúa Kitô, công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí mà kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của Giáo Hoàng Roma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài lập lại nhiều lần đề nghị một giáo thuyết, hay qua cách diễn tả của ngài.
Tuy mỗi Giám Mục riêng rẽ không có đặc quyền bất khả ngộ, nhưng dù tản mác khắp thế giới, nếu thông hiệp với nhau và với đấng kế vị Thánh Phêrô, các ngài cùng đồng ý dạy cách chính thức những điều thuộc đức tin và phong hóa là tuyệt đối buộc phải giữ, thì lúc đó các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo thuyết của Chúa Kitô 40. Ðiều đó còn rõ ràng hơn, khi hợp nhau trong Công Ðồng Chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hóa cho toàn thể Giáo Hội. Phải tuân theo các định tín của các ngài 41 với một lòng vâng phục và với tinh thần đức tin.
Chúa Cứu Thế đã muốn Giáo Hội Người bất khả ngộ khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa; ơn bất khả ngộ đó có phạm vi rộng rãi tùy theo kho tàng Mạc Khải mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thực. Giám Mục Roma, vị thủ lãnh của Giám Mục Ðoàn hưởng ơn bất khả ngộ đó do nhiệm vụ của Ngài khi với tư cách là mục tử và tiến sĩ tối cao của mọi Kitô hữu, ngài củng cố anh em mình vững mạnh trong đức tin (x. Lc 22,32), công bố giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung thẩm 42. Vì thế, các phán quyết của ngài tự nó, chứ không do sự đồng ý của Giáo Hội, phải được coi là không thể sửa đổi, vì đó là những phán quyết được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, mà Chúa đã hứa ban cho ngài qua Thánh Phêrô nên không cần ai khác chấp thuận và không nại tới phán đoán nào khác. Khi đó Giáo Hoàng Roma không phán quyết với tư cách cá nhân, nhưng trình bày và bảo vệ giáo thuyết đức tin công giáo với tư cách là thầy dạy tối cao của toàn thể Giáo Hội; nơi ngài đặc biệt có ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội 43. Ơn bất khả ngộ của chính Giáo Hội cũng hiện hữu nơi Giám Mục Ðoàn khi các ngài xử dụng quyền giáo huấn tối thượng cùng với đấng kế vị Thánh Phêrô. Do tác động của cùng một Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, và Chúa Thánh Thần bảo vệ và phát triển toàn thể đàn chiên Chúa Kitô trong sự hợp nhất đức tin 44.
Khi Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bày cách trung thực 45. "Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc" 46; nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin 4734*
26. Nhiệm vụ thánh hóa. Giám Mục, bởi nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh cách viên mãn, là "người quản lý ơn sủng của chức linh mục tối cao" 48, nhất là trong hy lễ tạ ơn do chính ngài dâng hoặc lo liệu cho có lễ dâng 49, nhờ đó Giáo Hội luôn sống động và tăng triển. Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội 50. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1Th 1,5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành "để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể" 51. Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ 52 với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và "sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi" 53. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền 54. Bởi vì "việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Ðấng mà chúng ta lãnh nhận" 55.
Mọi việc cử hành hợp pháp hy lễ tạ ơn đều do Giám Mục điều khiển; ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên nhan uy linh Chúa sự thờ phượng của Kitô giáo và có phận sự điều hành việc thờ phượng đó theo đúng giới răn Chúa và lề luật Giáo Hội. Ngài dùng phán quyết riêng để xác định những lề luật đó cho giáo phận mình.
Như thế, khi cầu nguyện và làm việc cho dân chúng, các Giám Mục đổ đầy tràn trên họ, dưới nhiều hình thức, những ơn lành do sự thánh thiện sung mãn của Chúa Kitô. Bằng thừa tác vụ lời Chúa, các ngài thông truyền cho tín hữu sức mạnh của Thiên Chúa hầu cứu rỗi họ (x. Rm 1,16). Các ngài thánh hóa giáo hữu bằng các bí tích mà với quyền giám mục, các ngài lo ban phát cách đều đặn và phong phú 56. Các ngài xác định việc cử hành bí tích Thánh Tẩy là bí tích ban quyền tham dự vào chức linh mục vương giả của Chúa Kitô. Chính các ngài là thừa tác viên căn nguyên của bí tích Thêm Sức, là người truyền các chức thánh, ra qui luật về phép Giải Tội và tận tình khuyên bảo, giáo huấn giáo dân để họ kính cẩn và tin tưởng chu toàn phận sự họ trong phụng vụ và nhất là trong Thánh Lễ hy tế. Sau cùng, các ngài phải làm gương cho những kẻ thuộc quyền bằng lời ăn tiếng nói của mình. Trong cách sống, các ngài phải xa tránh mọi điều ác, và với ơn Chúa giúp, cố gắng hoàn thiện theo hết khả năng, để cùng với đoàn chiên Chúa trao phó, đạt tới đời sống vĩnh cửu 5735*
27. Nhiệm vụ cai quản. Là đại diện và sứ giả Chúa Kitô, các Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương mà Chúa đã ủy thách cho 58, nhờ lời khuyên bảo, khuyến khích, gương lành, và còn bằng uy thế cùng quyền bính thánh thiện nữa. Thực vậy, các ngài chỉ dùng quyền bính để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện, và luôn tâm niệm rằng: kẻ cao trọng hãy nên như kẻ rốt hết, người làm chủ hãy nên như tôi tớ (x. Lc 22,26-27). Quyền bính các ngài đích thân thi hành nhân danh Chúa Kitô, là quyền bính riêng biệt, thông thường và trực tiếp; nhưng việc thi hành cuối cùng còn lệ thuộc vào quyền tối cao của Giáo Hội, và có thể bị giới hạn phần nào vì lợi ích của Giáo Hội hay của các tín hữu. Với quyền bính ấy, các Giám Mục có quyền thiêng liêng và trước mặt Chúa có nhiệm vụ đặt ra các luật lệ cho những người thuộc quyền, xét xử và qui định tất cả những gì liên hệ tới việc thờ phượng và việc tông đồ.
Chính các Giám Mục được trao phó trọn vẹn trách nhiệm mục vụ, tức là thường xuyên và hàng ngày săn sóc con chiên mình. Không được coi các ngài như những đại diện của Giáo Hoàng Roma, vì các ngài thi hành quyền bính riêng của mình và thực sự là thủ lãnh của các dân mà các ngài cai quản 59. Vì thế, quyền bính Giám Mục không bị quyền tối cao và phổ quát làm giảm bớt, nhưng trái lại còn được nâng đỡ, củng cố và bảo đảm 60, vì Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô thiết lập trong Giáo Hội.
Ðược Chủ sai đi cai quản gia đình mình, Giám Mục phải chiêm ngắm gương mẫu Chúa Chiên Lành, Người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (x. Mt 20,28; Mc 10,45) và hiến mạng sống mình vì con chiên (x. Gio 10,11). Ðược chọn giữa loài người và đầy yếu hèn, ngài có thể cảm thông nỗi đau khổ với những ai dốt nát và lầm lạc (x. Dth 5,1-2). Giám Mục không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, nhưng hãy ân cần săn sóc họ như những người con đích thực, và khuyên nhủ họ hăng hái cộng tác với mình. Vì phải trả lẽ với Chúa về linh hồn con cái mình (x. Dth 13,17), Giám Mục hãy cầu nguyện, rao giảng và làm mọi việc bác ái săn sóc họ và cả những người chưa thuộc đoàn chiên duy nhất mà ngài cũng phải coi như được trao phó cho mình trong Chúa. Như Tông Ðồ Phaolô, Giám Mục mắc nợ tất cả mọi người, cho nên hãy hăng hái rao giảng Phúc Âm cho mọi người, (x. Rm 1,14-15) và khuyến khích các tín hữu làm việc tông đồ và truyền giáo. Còn tín hữu phải liên kết với Giám Mục như Giáo Hội gắn bó với Chúa Giêsu Kitô, và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy tất cả mọi sự đều hòa hợp 61 và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa (x. 2Cor 4,15). 36*
28. Các linh mục trong mối tương quan với Chúa Kitô, với các Giám Mục, với anh em Linh Mục và với dân Chúa37* Ðược Chúa Cha thánh hóa và phái đến thế gian (x. Gio 10,36), Chúa Kitô nhờ các Tông Ðồ, đã làm cho các Giám Mục, những vị kế nghiệp các Tông Ðồ, có thể tham dự vào việc cung hiến và vào sứ mạng của mình 62. Các Giám Mục lại giao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Giáo Hội theo từng cấp bậc. Như thế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo Hội được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế 63. Linh Mục, dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc Giám Mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất với Giám Mục trong tước vị Linh Mục 64. Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh 65, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước 66. Theo cấp bậc thừa tác của mình tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất (x. 1Tm 2,5), các linh mục loan báo lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong Thánh Lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Chúa Kitô 67 công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp với ước nguyện của tín hữu vào hy lễ của thủ lãnh và trong hy tế Thánh Lễ, hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Tân Ước 68, là của lễ tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha (x. Dth 9,11-28), cho tới ngày Chúa trở lại (x. 1Cor 11,26). Linh mục chu toàn cách tuyệt hảo chức vụ giao hòa và an ủi đối với các tín hữu thống hối và bệnh tật. Linh mục dâng lên Chúa Cha các nhu cầu và lời khẩn nguyện của các tín hữu (x. Dth 5,1-3). Trong quyền hạn mình, linh mục thi hành nhiệm vụ Chúa Kitô mục tử và thủ lãnh 69, tụ họp gia đình Thiên Chúa là cộng đoàn huynh đệ có cùng một tâm hồn 70, và nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, dẫn đưa cộng đoàn ấy về với Thiên Chúa Cha. Linh mục thờ lạy Thiên Chúa trong tinh thần và trong chân lý giữa đoàn chiên (x. Gio 4,24). Sau hết, vất vả truyền giáo và dạy dỗ (x. 1Tm 5,17), linh mục tin những gì ngài đã đọc thấy và suy niệm trong lề luật Chúa, dạy dỗ những gì mình tin và thực hành những điều mình dạy 71.
Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám Mục 72, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với Giám Mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau 73. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục, là hiện thân của Giám Mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia xẻ nỗi lo lắng của Giám Mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy. Dưới quyền Giám Mục, linh mục thánh hóa và dẫn dắt một phần đoàn chiên Chúa trao phó cho mình, làm cho người ta thấy được Giáo Hội phổ quát ngay tại địa phương mình, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng toàn thân thể Chúa Kitô (x. Eph 4,12). Luôn mưu cầu ích lợi cho con cái Thiên Chúa, linh mục phải hăng hái tham gia công cuộc mục vụ của cả giáo phận, hơn nữa của toàn thể Giáo Hội. Vì tham dự vào chức linh mục và vào sứ mệnh của Giám Mục, linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài. Phần Giám Mục cũng phải coi sóc các linh mục cộng tác với mình như con cái và bạn hữu, như Chúa Kitô không gọi môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn hữu (x. Gio 15,15). Do đó, tất cả các linh mục triều cũng như dòng, bởi chức thánh và thừa tác vụ, được nối kết vào Giám Mục Ðoàn và phục vụ cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội tùy theo ơn gọi và ân sủng riêng.
Một tình huynh đệ thắm thiết nối kết tất cả các linh mục với nhau vì cùng tham dự một chức thánh và một sứ mệnh chung. Tình huynh đệ đó phải bộc lộ một cách tự phát tự nguyện qua sự tương trợ cả tinh thần lẫn vật chất, trong phạm vi mục vụ cũng như trong phạm vi cá nhân, trong các buổi hội họp, cũng như trong sự hiệp thông với nhau qua đời sống, việc làm và tình bác ái.
Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Kitô, vì đã sinh ra họ cách thiêng liêng nhờ phép Thánh Tẩy và giáo huấn (x. 1Cor 4,15 và 1P 1,23). Nêu gương cho đoàn chiên (1P 5,3), linh mục phải làm sao hướng dẫn và phục vụ cộng đoàn địa phương của mình, để họ xứng đáng mang danh hiệu Giáo Hội Thiên Chúa (x. 1Cor 1,2; 2Cor 1,1) là danh hiệu riêng biệt của toàn thể Dân Thiên Chúa là Dân duy nhất. Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ ra cho tín hữu và lương dân, cho người công giáo và ngoài công giáo thấy gương mặt của một thừa tác vụ thực sự tư tế và mục vụ, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15,4-7) những người đã lãnh nhận phép Thánh Tẩy trong Giáo Hội công giáo nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay nhất là đã mất đức tin.
Ngày nay, vì nhân loại ngày càng hiệp nhất về dân sự, kinh tế và xã hội, nên các linh mục càng phải loại trừ mọi mầm mống chia rẽ, phải nối kết cố gắng và khả năng mình dưới sự hướng dẫn của các Giám Mục và Giáo Hoàng, để toàn thể nhân loại hiệp nhất trong gia đình Thiên Chúa. 38*
29. Các phó tế. Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ" 74. Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người" 75.
Thực ra, trong nhiều nơi, vì kỷ luật hiện hành của Giáo Hội La tinh có thể làm trở ngại việc chu toàn những nhiệm vụ đó, những nhiệm vụ rất cần thiết cho đời sống Giáo Hội, nên trong tương lai, chức phó tế có thể được tái lập như một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật. Các nhóm Giám Mục địa phương, dưới những hình thức khác nhau, với sự chấp thuận của chính Ðức Giáo Hoàng, có đủ thẩm quyền để xét xem có nên bổ nhiệm các phó tế ấy và bổ nhiệm ở đâu, để họ coi sóc các linh hồn. Với sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng, các Ngài có thể phong chức phó tế cho những người đàn ông đứng tuổi, dù đã kết hôn, cũng như cho các thanh niên có khả năng, nhưng các thanh niên này phải giữ vững luật độc thân. 39*
 

Chú Thích:
23* Chương này rất quan trọng. Muốn hiểu rõ cần phải lưu ý mấy điểm:
a) Chương này lặp lại và hiệu chính cho hiến chế "Pastor Aeternus" của Công Ðồng Vaticanô I.
b) Bởi vậy, hầu hết là nói về chức Giám Mục, và cũng chỉ mới đề cập được một phần như Công Ðồng Vaticanô I, vì Công Ðồng này hầu như chỉ bàn về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Ðể có một cái nhìn toàn diện, có lẽ nên đề cập tới cả hai Công Ðồng. Còn khá nhiều vấn đề thần học chưa được giải quyết. Hy vọng một Công Ðồng mai hậu sẽ có thể đạt được một sự tổng hợp mà chúng ta không có.
Văn thể và bút pháp chương này khác xa với hai chương trước. Văn thể của hai chương trước bàng bạc Thánh Kinh, còn văn thể ở đây cứng chắc hơn, ít biểu tượng hơn và rõ rệt hơn theo quan điểm pháp lý. Vả lại, bản văn đã được bàn cãi nhiều khiến có thể nhận ra ngày nó đã được làm đi làm lại, đầy những chú thích và sửa chữa. Bởi vậy đôi khi bản văn trở thành nặng nề và rắc rối (khiến văn phòng Tổng Thư Ký của Công Ðồng đã phải thêm phần phụ trương sau cùng, tức phần "Chú thích sơ khởi").
Dầu vậy kết cấu nội tại cũng sáng sủa và bao gồm:
- Một phần nhập đề: cho biết nội dung của chương và xác định rõ rệt mục đích mà Công Ðồng muốn đề ra.
- Bốn tiểu mục về:
(1) Nguồn gốc chức Giám Mục (các số 19-21).
(2) Giám Mục Ðoàn, một vấn đề được thảo luận sôi nổi (các số 22-23).
(3) Thừa tác vụ Giám Mục và những quyền hành của Giám Mục (các số 24-27).
(4) Những thừa tác viên cấp dưới: Linh Mục và Phó Tế (các số 28-29).
Nội dung của chương này bàn về cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội. Dân Chúa là một dân có tổ chức, một cộng đoàn chứ không phải là một đám đông ô hợp, trong đó có quyền bính được thi hành trong Giáo Hội và trên Giáo Hội do các Tông Ðồ và các người kế vị hoặc các cộng tác viên tuyển chọn và chỉ định. Công Ðồng cũng xác định 3 đặc tính của quyền bính này:
a) Ðây là một thứ quyền bính được ủy thác: không chỉ thi hành nhân danh Chúa Kitô mà thôi, nhưng còn phải biểu lộ Chúa Kitô phục sinh hiện diện trong Giáo Hội của Người; quyền bính ấy phải được Thánh Thần Chúa Kitô hỗ trợ.
b) Quyền bính không phải là để thống trị, nhưng là để phục vụ cho cộng đoàn; việc phục vụ trước hết là giảng huấn Lời Chúa và thông ban ơn Ngài qua bí tích; còn việc điều hành và cai trị chỉ là phụ. Các vị thủ lãnh Giáo Hội là những người cha trong đức tin và là những thừa tác viên của bí tích.
c) Quyền bính là do Chúa ban, nhưng liên lạc mật thiết với cộng đoàn; và theo kiểu nói của Thánh Kinh, quyền bính có sứ mệnh "chăn dắt" cộng đoàn.
1 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).
2 Xem CÐ Firenze, Decretum Pro Graecis: Dz 694 (1307) và CÐ Vat. I, n.v.t.,: Dz 1826 (3059).
24* Số 18: Nhập đề.
Số này liên kết chương II và chương III lại với nhau. Chúa Kitô muốn thiết lập phẩm trật vì lợi ích cho toàn thể Giáo Hội. Phẩm trật vừa như là một trong những thừa tác vụ được Chúa Kitô thiết lập, vừa như là một công cuộc phục vụ huynh đệ cho tất cả Dân Chúa. Khác với Vaticanô I vì coi phẩm trật như một dữ kiện tiên quyết, Công Ðồng Vaticanô II lại khởi đầu từ Dân Chúa, sau đó mới cho biết phẩm trật là để phục vụ Dân ấy. 
25* Tiểu mục 1: (các số 19-21) Về nguồn gốc chức Giám Mục. 
3 Xem Liber Sacramentorum của T. Gregoriô, kinh tiền tụng ngày sinh nhật của Thánh Mattheô và Tôma: PL 78,51 và 152; xem Cod. Vat. Lat. 3548, f. 18. T. Hilariô, In Ps. 67,10: PL 9,450; CSEL 22, trg 286. T. Hieronimô, Adv. Jovin. 1,26: PL 23, 247A. T. Augustinô, In Ps. 86,4 : PL 37, 1103. T. Gregoriô Cả, Mor. in Job, XXVIII, V : PL 76 455-456. Primasiô, Comm. in Apoc. V : PL 68, 924 BC. Paschasiô Radb. In Mt, c. VIII, ch. 16: PL 120, 561C. Xem Leô XIII thư Et Sane, 17-12-1888 : AAS 21 (1888), trg 321.
26* Số 19: Sứ mệnh và việc thiết lập Mười Hai Tông Ðồ.
Nhóm Tông Ðồ được Chúa Kitô tuyển chọn là một nhóm có cá tính riêng mà Công Ðồng đã nêu ra những đặc điểm như sau: họ sống với Chúa, được Chúa sai đi rao giảng Nước Trời, họ liên kết thành một Tông Ðồ Ðoàn, và có một thủ lãnh. Khó khăn là ở điểm thứ ba này, vì người ta có thể hiểu từ ngữ Tông Ðồ Ðoàn theo nghĩa hoàn toàn pháp lý. Nhưng đây không phải thế, vì Công Ðồng không xử dụng từ ngữ theo nghĩa pháp lý, nhưng theo nghĩa là một nhóm cố định, do Chúa thiết lập (x. số 1 của phần "Chú thích sơ khởi"). Ðặc tính Tông Ðồ Ðoàn còn được biểu lộ qua sự kiện chỉ mình Phêrô là thủ lãnh của nhóm. Quả quyết sự hiện hữu của Tông Ðồ Ðoàn là để chuẩn bị quả quyết về Giám Mục Ðoàn (số 22). 
4 Xem CvTđ 6,2-6. 11-30; 13,1; 14,23; 20,17; 1Th 5,12-13; Ph 1,1; Col 4,11 và nhiều chỗ khác.
5 Xem CvTđ 20,25-27; 2Tm 4,6t so sánh với 1Tm 5,22; 2Tm 2,2; Tit 1,5. T. Clementê thành Roma, Ad Cor. 44, 3: x.b. Funk, I, trg 156. 
6 T. Clementê thành Roma, Ad Cor, 44, 2 : x.b. Funk, I, trg 154t.
7 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32 : PL 2,52t. T. Inhaxiô Tử đạo, nhiều chỗ khác. 
8 Xem Tertullianô, Praescr. Haer. 32: PL 2,53.
9 Xem Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1: PG 7,848A; Harvey 2,8; Sagnard, trg 100: "Manifestatam".
10 T. Ireneô, Adv. Haer. III, 3,1 : PG 7,847 ; Harvey 2,7 ; Sagnard, trg 100: "Custoditur", xem, n.v.t., IV, 26,2 : cột 1053; Harvey 2,236, cả IV, 33,8: cột 1077; Harvey 2,262. 
11 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., lời mở đầu: x.b. Funk I, trg 264.
12 T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., I,1; Magn. 6,1: x.b. Funk I, trg 264 và 234. 
13 T. Clementê thành Roma, n.v.t., 42,3-4; 44, 3-4; 57,1-2: x.b. Funk, I, trg 152, 156, 171t. T. Inhaxiô Tử đạo, Philad., 2; Smyrn. 8; Magn. 3; Trall.7: x.b. Funk I, trg 265t.; 281; 232; 246t. v.v? T. Giustinô, Apol., 1,65: PG 6,428; T. Cyprianô, Epist., nhiều chỗ khác. 
14 Xem Leô XII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732. 
15 Xem CÐ Trentô, Sắc lệnh De sacr. Ordinis, ch. 4: Dz 960 (1768); CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Chúa Kitô Pastor aeternus, ch. 3: Dz 1828 (3061). Piô XII, Tđ Mystici Corporis, 29-6-1943: AAS 35 (1943), trg 209 và 212, CIC, kh. 329 đoạn 1. 
16 Xem Leô XIII, thư Et Sane, 17-12-1888: AAS 21 (1888), trg 321t.
27* Số 20: Công Ðồng dạy rằng do việc Chúa thiết lập mà các vị Giám Mục trở nên những người kế vị các Tông Ðồ, và với tước hiệu ấy, các ngài là những mục tử chăn dắt Giáo Hội. Trong đoạn này người ta đã cố gắng đưa ra những nhận xét để đánh giá trị một cách chính đáng bao nhiêu có thể những lời chứng của truyền thống. Lịch sử của truyền thống về sự kế vị và về các chứng tá chính yếu một khi được trình bày rồi, Công Ðồng mới quả quyết hai điểm quan trọng ở đoạn c:
a) Sự trường tồn của thừa tác vụ tông đồ nơi các Giám Mục để chăn dắt Giáo Hội Chúa.
b) Và kết quả của sự trường tồn ấy là: các Giám Mục là những người kế vị các Tông Ðồ. Công Ðồng không muốn định tín giáo lý này, nhưng giảng dạy một cách chắc chắn, vì xử dụng những kiểu nói chuyên biệt "Thánh Công Ðồng dạy rằng". Sự kế vị là do Chúa lập, nhờ đó mà các Giám Mục trở thành mục tử Giáo Hội. Công Ðồng không đi vào vấn đề xem các Giám Mục có được thừa kế các đặc quyền riêng biệt của các Tông Ðồ hay không, nhưng chỉ minh nhiên quả quyết tông vụ chăn dắt Giáo Hội Chúa được nối tiếp nơi các Giám Mục.
17 Xem T. Leô Cả, Serm. 5,3: PL 54,154.
18 CÐ Trentô, khóa 23, ch. 3, trích 2Tm 1,6-7 để chứng minh phép truyền chức thánh thực sự là một bí tích: Dz 959 (1766). 
19 Trong Trad. Apost. 3, x.b. Botte, Sources Chrétiennes, trg 27-30, Giám Mục có chức linh mục cao nhất (primatus sacerdotii). Xem Sacramentarium Leonianum, x.b. C. Mohlberg, Sacramentarium Veronense, Roma, 1955, trg 119: "ad sumni sacerdotii ministerium... Comple in sacerdotibus tuis mysterii tui summam"... n.t., Liber Sacramentorum Romanae Ecclesiae, Roma, 1960, trg 121-122: "Lạy Chúa, xin ban cho họ ngai giám mục để họ điều khiển Giáo Hội Chúa và toàn dân": x. PL 78, 224.
20 Xem Trad. Apost. 2: x.b. Botte, trg 27. 
21 Xem CÐ Trentô, khóa 23, ch. 4, dạy rằng bí tích truyền chức in dấu không hay mất: Dz 960 (1767). Xem Gioan XXIII, huấn từ Jubilate Deo, 8-5-1960: AAS 52 (1960), trg 466. - Phaolô VI, bài giảng tại giáo đường Vaticanô, 20-10-1963: AAS 55 (1963), trg 1014.
22 T. Cyprianô, Epist. 63,14: PL 4, 386; Hartel, IIIB, trg 713: "Linh mục thực sự hoạt động thay Chúa Kitô". T. Gioan Kim Khẩu, In 2 Tim, bài giảng 2,4 ; PG 62,612: Linh Mục là "hình ảnh" (symbolon) của Chúa Kitô. T. Ambrosiô, In Ps 38,25-26: PL 14,1051-52: CSEL 64,203-204. Ambrosias-ter, In 1 Tim 5,19: PL 17,479 C và In Eph. 4,11-12: cột 387. C. Theodorô Mops., Hom. Catech. XV, 21 và 24: x.b. Tonneau, trg 497 và 503. Hesychio Hieros., In Lev. L. 2, 9,23: PG 93,894 B.
28* Số 21: Bí tích tính của chức Giám Mục.
Bố cục của số này như sau: điểm quả quyết trong số 20 (chính Chúa đã lập các Giám Mục kế vị Tông Ðồ làm mục tử Giáo Hội) được bổ túc bằng ba xác định mới:
(1) Chúa Kitô hiện diện giữa tín hữu trong con người của Giám Mục.
(2) Sự hiện diện ấy được chuyển đạt qua các nghi thức đặt tay, là nhờ hồng ân thiêng liêng của Chúa Thánh Thần.
(3) Và như vậy, sự kế vị các Tông Ðồ được chuyển trao nhờ một bí tích là bí tích truyền chức Giám Mục.
Chức Giám Mục là chức linh mục tối thượng. Qua việc truyền chức, vị Giám Mục lãnh nhận sự sung mãn của bí tích truyền chức. Việc truyền chức đem đến cho vị Giám Mục 3 nhiệm vụ: thánh hóa, giảng dạy và cai trị (x. các số 25-27). Công Ðồng đã soạn thảo đoạn này để giải quyết cho xong cuộc bàn cãi về bí tích tính của chức Giám Mục, vì có một số người chỉ coi đó là một hình thức bổ túc cho chức linh mục. Do đó mà từ nay phải nhìn bí tích truyền chức nơi vị Giám Mục chứ không phải nơi Linh Mục, vì Linh Mục chỉ tham dự vào sự sung mãn của chức tư tế Giám Mục (x. số 28). Như thế con đường đã được chuẩn bị để quả quyết về Giám Mục Ðoàn. 
29* Tiểu mục 2: (các số 22-23) Giám Mục Ðoàn.
Tiết này được tranh luận nhiều nhất, có nhiều chú thích và sửa đổi nhất, đặc biệt là số 22: bởi vậy công việc soạn thảo sau cùng rất nặng nề. Người ta biết có hai bản phúc trình ngược hẳn nhau được đệ trình lên Công Ðồng, một của Giám Mục Parente, ủng hộ bản văn, sau cùng được chấp thuận với một ít điều sửa đổi, và một của Giám Mục Franic trình bày những khó khăn chống với bản văn. Cũng nhờ "bản phúc trình" sau này mà có phần chú thích sơ khởi, đến giờ chót được đặt thêm vào bản văn để xoa dịu một vài lập trường quyết liệt. Khó khăn chính là vì người ta sợ Cộng Ðoàn tính của Giám Mục có thể phương hại tới tín điều về quyền tối thượng của Giáo Hoàng. Khó khăn khác nữa là vì từ ngữ Giám Mục Ðoàn, nếu hiểu theo nghĩa pháp lý, sẽ đưa đến sự bình đẳng giữa các phần tử trong đoàn và như vậy, dường như quyền tối thượng bị đe dọa. Sau cùng, từ ngữ đó không có trong Thánh Kinh hay trong Truyền Thống. Công Ðồng vẫn lưu ý đến những vấn nạn đó khi soạn thảo bản văn và cũng vì vậy mà xác nhận một lần nữa về quyền tối thượng của Giáo Hoàng trong một bản văn đề cập đến các Giám Mục.
23 Xem Eusebiô, Hist. Eccl., V, 24,10 : GCS II,1, trg 495; x.b. Bardy, Sources Chr. II, trg 69. Dionysiô, trong Eusebiô, n.v.t. VII, 5,2: GCS II, 2, trg 638t ; Bardy, II trg 168t.
24 Xem về các Công Ðồng thời trước, Eusebiô, Hist. Eccl. V, 23-24: GCS II, 1, trg 488 tt; Bardy, II, trg 66t. và nhiều chỗ khác. CÐ Nicea, đ.th. 5: Conc.Oec. Decr., trg 7.
25 Xem Tertullianô, De Jejunio, 13: PL 2, 972B: CSEL 20, trg. 292, hàng 13-16. 
26 Xem T. Cyprianô, Epist. 56, 3 : Hartel, III B, trg 650 ; Bayard, trg 154. 
27 Xem phúc trình chính thức của Zinelli, trong CÐ Vat I : Mansi 52, 1109C. 
28 Xem CÐ Vat I, lược đồ Hiến chế tín lý, II, De Eccl. Christi, ch. 4: Mansi 53, 310. Xem phúc trình của Kleutgen về lược đồ sửa lại: Mansi 53, 321B-322B và tuyên bố của Zinelli: Mansi 52, 1110. Cũng xem T. Leô Cả, Serm. 4,3 : PL 54, 151A. 
29 Xem CIC, các kh. 222 và 227.
30* Trong số 22 này, chúng ta phân biệt bốn đề xướng:
(1) Ðề xướng thứ nhất quả quyết sự hiện hữu của Giám Mục Ðoàn kế vị Tông Ðồ Ðoàn, phác họa một chứng cứ lịch sử, và liệt kê những điều kiện gia nhập đoàn. Ðây là một trong những quả quyết quan trọng nhất của Công Ðồng mà người ta muốn bày tỏ tính cách bổ túc của nó cho Công Ðồng Vaticanô I. Công Ðồng xác nhận nguồn gốc Tông Ðồ Ðoàn là do Chúa, hợp với tinh thần Tân Ước (x. số 19), và Tông Ðồ Ðoàn được các người kế vị là Giám Mục tiếp nối liên tục. Sự liên tục đó là một kết quả hợp lý vì Chúa đã hứa cho Giáo Hội được trường tồn. Nhiều tài liệu của Truyền thống cũng xác nhận sự liên tục này. Ðược phong chức Giám Mục và hiệp thông giáo phẩm với Thủ Lãnh cũng như với các phần tử trong đoàn, là đã gia nhập Giám Mục Ðoàn. Giám Mục Ðoàn luôn đòi phải có Thủ Lãnh.
(2) Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính tối cao và trọn vẹn trên toàn thể Giáo Hội. Ðiều quả quyết này gây ra nhiều vấn đề thần học quan trọng, vì như chúng ta biết, Giáo Hoàng cũng có đặc quyền ấy. Việc soạn thảo đã cố gắng minh giải vấn đề với câu: "Hiệp nhất với Thủ Lãnh (là Giáo Hoàng Roma), Giám Mục Ðoàn cũng có quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo Hội, nhưng chỉ có thể thi hành quyền này khi có sự ưng thuận của Giáo Hoàng". Như vậy phải chăng có hai quyền bính tối cao và trọn vẹn trong Giáo Hội? Làm sao có thể thế được? Bản phúc trình chính thức đã trả lời: "Vấn nạn sẽ không còn một khi lưu ý là trong Giáo Hội không phải có hai nhưng chỉ một quyền bính mà Chúa Kitô đã trao ban cho toàn thể Tông Ðồ Ðoàn, cho cả Phêrô lẫn các Tông Ðồ. Chúng ta cũng nhận rằng quyền bính ấy thuộc về một mình Giáo Hoàng, và được thực thi trên các Giám Mục chỉ có trong thường năng; muốn có trong hiện năng phải tùy thuộc vào Giáo Hoàng. Như vậy, Giám Mục Ðoàn không hạn chế quyền tối cao của Giáo Hoàng; nhưng chỉ thừa nhận và chuẩn y cho chức vị Giám Mục theo tư tưởng của Giáo Hội sơ khai: được phong chức Giám Mục là được tham dự thường năng vào quyền hành Chúa Kitô, để khi được Giáo Hoàng mời gọi, các Giám Mục có thể thực thi quyền hành đó ở hiện năng trong cả Giáo Hội.
Ðể lưu ý đến những dự liệu này và những dự liệu của chú thích sơ khởi, chúng ta nên phân biệt:
- Quyền hành (để điều khiển Giáo Hội) nơi Giám Mục Ðoàn hiệp thông với Giáo Hoàng, là một vị trong đoàn với tư cách thủ lãnh.
- Sự thực thi (tối cao, trên toàn thể Giáo Hội) quyền hành đó đòi phải được Giáo Hoàng mời gọi, đòi phải hiệp thông hữu hiệu với Ngài hoặc ít nhất không chống lại Ngài.
- Sự chỉ định pháp lý (theo giáo luật), theo đó Giáo Hoàng trao phó cho một Giám Mục một lãnh thổ hay một nhiệm vụ và ban quyền tham dự vào trách nhiệm tập đoàn trên toàn thể Giáo Hội.
(3) Trong thực tại Giám Mục Ðoàn và trong sự thực thi quyền hành tập đoàn, toàn thể hàng giáo phẩm phải phục vụ cho việc hiệp nhất Dân Chúa. Giáo Hoàng là người gìn giữ việc hiệp nhất đó cả trên bình diện cơ cấu lẫn bình diện pháp lý và cai trị. Với các Giám Mục, thì Giám Mục Ðoàn chính là dấu hiệu của việc hiệp nhất này trong Giáo Hội, được đảm bảo qua sự hiệp thông tập đoàn và qua những mối tương giao huynh đệ trong hàng Giám Mục.
(4) Sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn: quyền hành tối cao của Giám Mục Ðoàn được thực thi bằng hai cách: trong Công Ðồng Chung do Giáo Hoàng triệu tập (hoặc ít nhất được Ngài chấp thuận); ngoài Công Ðồng, do các Giám Mục rải rác khắp hoàn cầu khi được Giáo Hoàng mời gọi thực thi một việc có tính cách tập đoàn. 
30 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus: Dz 1821 (3050t).
31 Xem T. Cyprianô, Epist. 66, 8: Hartel III, 2, trg 733: "Giám Mục trong Giáo Hội và Giáo Hội trong Giám Mục". 
32 Xem T. Cypianô, Epist. 55, 24: Hartel, trg 642, hàng 13: "Una Ecclesia per totum mundum in multa membra divisa". Epist. 36,4: Hartel, trg 575, hàng 20-21.
33 Xem Piô XII, Tđ. Fidei Donum, 21-4-1957: AAS 49 (1957), trg 237.
34 Xem T. Hilariô Pict., In Ps. 14,3: PL 9, 206: CSEL 22, trg 86. T. Gregoriô Cả, Moral. IV, 7,12: PL 75, 643 C. Basiliô Cả, In Is. 15, 296: PG 30,637C.
35 T. Coelestinô, Epist. 18, 1-2, gửi đến Công Ðồng Eph.: PL 50, 505AB; Schwartz, Acta Conc. Oec. I, 1,1, trg 22. Xem Benedictô XV, Tông thư Maximum illud: AAS 11 (1919), trg 440. Piô XI, Tđ. Rerum Eccl., 28-2-1926: AAS 18 (1926), trg 69. Piô XII, Tđ. Fidei Donum, n.v.t.
36 Leô XIII, Tđ. Grande munus, 30-9-1880: AAS 13 (1880), trg 145. - Xem CIC, kh. 1327, kh. 1350 đoạn 2.
37 Về những quyền của các Tòa giáo chủ, xem CÐ Nicea đ. th. 6 về Alexandria và Antiochia, và đ. th. 7 về Giêrusalem: Conc. Oec. Decr., trg 8. CÐ Lateranô IV, năm 1215, Hiến chế V: De dignitate Patriarcharum: n.v.t., trg 212. CÐ Ferr. - Flor.: n.v.t., trg 504.
31* Số 23: Trên bình diện liên lạc chiều ngang giữa các Giám Mục, sự thực thi quyền Giám Mục Ðoàn thường được khai triển dưới ba hình thức:
- Giám Mục là dấu hiệu và khí cụ hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương (x. sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của Giám Mục, số 6). Từ đó Giám Mục quan tâm đến trách vụ của toàn thể Giáo Hội.
- Trách nhiệm tập đoàn về việc loan báo Phúc Âm cho cả thế giới: bởi vậy phải hỗ trợ các Giáo Hội tại miền truyền giáo và các Giáo Hội ít được nâng đỡ (x. sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo, số 20).
- Ý nghĩa và giá trị các Giáo Hội có tòa thượng phụ ở Ðông Phương và các Giáo Hội khác phát sinh ra từ đó. Phải tôn trọng các Giáo Hội này vì có truyền thống và kỷ luật riêng.
Số 23 kết thúc bằng vài dòng vắn tắt nói về Hội Ðồng Giám Mục qui tụ các Giám Mục trong một lãnh thổ hay trong một quốc gia. 
32* Tiểu mục 3: thừa tác vụ Giám Mục và những quyền năng (các số 24-27). 
38 Xem CIC cho Giáo Hội Ðông Phương, các kh. 216-314: về các Giáo Chủ; các kh. 324-339: về các Ðại Tổng Giám Mục; các kh. 362-391: về các vị chức sắc khác; đặc biệt các kh. 238, đoạn 3; 216; 240; 251; 255: về các Giám Mục được các Giáo Chủ đặt lên. 
33* Số 24: Nói về thừa tác vụ Giám Mục, tiếp tục cho số 20. Ở đây không bàn về chức vị hay quyền bính, nhưng về thừa tác vụ Giám Mục. Công Ðồng nhấn mạnh tới đặc tính phục vụ của những người được Chúa kêu gọi cai trị Dân Chúa, theo kiểu nói của Thánh Kinh (x. Mt 20, 24-28; Gio 13,1-17). Giám Mục là người phục vụ cho phần dân được trao phó, và phục vụ cho toàn thế giới. Ngài phải nỗ lực rao giảng và làm cho Phúc Âm sống động, và nếu cần, phải hiến mạng sống cho đoàn chiên. Muốn được thế, các Giám Mục nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hiến các Ngài để phục vụ. Công Ðồng còn thêm một đoạn nữa bàn đến sứ mệnh theo giáo luật, nghĩa là Giám Mục được quyền cấp trên chỉ định đặc trách một lãnh thổ hay một số dân nhất định. Có ba cách thức chỉ định được coi là có hiệu lực: tập tục chưa bị đoạn tiêu, luật lệ được Tòa Thánh ban hành hay thừa nhận, do chính Giáo Hoàng chỉ định. Với hai cách đầu tiên, phải có sự chấp thuận minh nhiên hay mặc nhiên của Tòa Thánh, nếu không sẽ bất thành sự.
Ba số kế tiếp đề cập đến quyền năng Giám Mục (các số 25-27). Nhiều nhà thần học phân biệt thành hai quyền năng phẩm trật: quyền theo chức vị và quyền theo sứ mệnh. Công Ðồng trái lại đã chọn kiểu nói ba quyền năng: giảng dạy, thánh hóa và cai trị Dân Chúa, và cho như vậy là tiện lợi hơn, vì cách phân chia này cho phép mô tả các quyền năng, và nếu cần, minh xác các quyền năng đó. Có lẽ còn lý do nữa là liên kết quyền năng của giáo phẩm với ba nhiệm vụ của Chúa Kitô (được nhắc tới trong các số 34-36): nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương giả. 
39 Xem CÐ Trentô sắc lệnh De Reform., khóa V, ch. 2, số 9, và khóa XXIV, đ.th. 4: Conc. Oec. Decr., trg 645 và 739. 
40 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3: Dz 1712 (3011). Xem ghi chú kèm theo Lược Ðồ I về De Eccl. (trích từ Thánh Rob. Bellarminô): Mansi 51, 579C, và Lược Ðồ đã được sửa đổi của Hiến Chế II De Eccl. Christi, với phần chú giải củ Kleutgen: Mansi 53, 313 AB. Ðức Piô IX, Thư "tuas libenter": Dz 1683 (2879). 
41 Xem CIC các kh. 1322-1323.
42 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: Dz 1839 (3074). 
43 Xem giải nghĩa của Gasser trong CÐ Vat. I : Mansi 52. 1212 AC. 
44 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1214A. 
45 Xem Gasser n.v.t.: Mansi 1215 CD, 1216-1217 A.
46 Xem Gasser n.v.t. : Mansi 1213.
47 Xem CÐ Vat. I, Hiến chế tín lý Pastor aeternus, 4: Dz 1836 (3070).
34* Số 25: Quyền giảng dạy (giáo huấn).
Số này trình bày những tiêu chuẩn định giá trị lời giảng dạy của giáo phẩm, trong khuôn khổ Giám Mục Ðoàn, và trình bày nguyên tắc quyền bính. Nội dung của lời giảng, những đối tượng khác nhau của giáo huấn Giáo Hội được phân tích trong sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 12-14).
Việc soạn thảo bản văn gặp nhiều khó khăn. Công Ðồng muốn giữ y nguyên định nghĩa về quyền giáo huấn bất khả ngộ của Giáo Hoàng, vừa muốn quả quyết quyền giáo huấn của các Giám Mục. Ðiều xác định căn bản như sau: nhiệm vụ đầu tiên của Giám Mục là rao giảng Phúc Âm. Bản văn chia ra bốn phần:
- Giám Mục là tiến sĩ của đức tin nên phải tuân theo lời giảng dạy của các Ngài.
- Bất khả ngộ tính của Giám Mục khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng Chung mà ngay cả khi các Ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý thuộc đức tin và phong hóa. Ðây là đề tài cố hữu trong khoa thần học.
- Bất khả ngộ tính của một mình Giáo Hoàng được xác định khéo léo ở đây, trong khuôn khổ của việc giảng dạy được các Giám Mục thực thi trong tập đoàn.
- Sự tương hợp của giáo thuyết Giáo Hội với Mạc Khải.
48 Lời nguyện lễ tấn phong Giám Mục theo nghi lễ Bizantinô: Euchologion to mega Roma, 1873, trg 139.
49 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk I, trg 282.
50 Xem CvTđ 8,1; 14,22-23; 20,17 và nhiều chỗ khác. 
51 Lời nguyện Tây Ban Nha: PL 96, 759B.
52 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Smyrn. 8,1: x.b. Funk, I, trg 282. 
53 T. Tôma, Summa Theol. III, q. 73, a. 3. 
54 Xem T. Augustinô, C. Faustum, 12, 20: PL 42, 265; Serm. 57, 7: PL 38, 389, v.v... 
55 T. Leô Cả, Serm. 63, 7: PL 54, 357C. 
56 Xem Traditio Apostolica của Hippolytô, 2-3: x.b. Botte, trg 26-30. 
57 Xem đoạn "khảo duyệt" ở đầu lễ tấn phong Giám Mục và kinh nguyện sau lễ tấn phong Giám Mục, sau Te Deum. 
35* Số 26: Quyền thánh hóa.
Số này tuy dài nhưng khúc chiết, được sắc lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 15) bổ túc. Ý tưởng chính là: Giám Mục là người chủ chốt ban phát các mầu nhiệm của Chúa, là người tổ chức, phát động và bảo trì đời sống phụng vụ. Ngài chủ tọa thánh lễ cộng đồng, có trách vụ loan báo lời Chúa trong công hội phụng vụ. Ngài còn là thừa tác viên chủ yếu của các bí tích. Kết luận của số này là lời ám chỉ đến gương mẫu đời sống mà các mục tử phải nêu ra. 
58 Xem Benedictô XIV, Br. Romana Ecclesia, 5-10-1752, đoạn 1 Bullarium Benedicti XIV, bộ IV, Roma 1758, 21: "Giám Mục thay mặt Chúa Kitô và chu toàn công cuộc của Ngài". Piô XII, Tđ. Mystici Corporis, n.v.t., trg 211: "mỗi Giám Mục chăn dắt và điều khiển đoàn chiên được giao phó nhân danh Chúa Kitô". 
59 Xem Leô XIII, Tđ. Satis cognitum, 29-6-1896: AAS 28 (1895-96), trg 732, n.v.t., thư Officio Sanctissimo, 22-12-1887: AAS 20 (1887), trg 264. Piô IX, Tông thư gửi các Giám Mục Ðức, 12-3-1875 và huấn từ 15-3-1875: Dz 3112-3117 trong lần phát hành mới. 
60 Xem CÐ Vat. I: Hiến Chế tín lý Pastor aeternus, 3: Dz 1828 (3061). Xem bài phúc trình của Zinelli: Mansi 52, 1114 D.
61 Xem T. Inhaxiô Tử đạo, Ad Ephes. 5,1 : x.b. Funk, I, trg 216.
36* Số 27: Quyền cai quản.
Ðoạn này còn được Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (số 16) bổ túc. Trong số đó, Công Ðồng xác định chi tiết những bổn phận mục vụ của người tông đồ, đặc biệt đối với linh mục, và cả với những tín hữu ly khai cũng như những người chưa chịu phép Thánh Tẩy. Công Ðồng đã giữ lại và lưu ý lời quả quyết này là: các Giám Mục là đại diện và thừa phái của Chúa Kitô chứ không phải đại diện Giáo Hoàng, vì lẽ các Ngài thi hành quyền năng riêng biệt của các Ngài, và việc gọi các Ngài là thủ lãnh phần dân các Ngài hướng dẫn, quả là điều xác đáng. Ở đây Công Ðồng cũng nhấn mạnh đến ý tưởng phục vụ: quyền bính Giám Mục không để thống trị; ngoài ra còn kín đáo ám chỉ tới trách nhiệm của Giám Mục đối với những người chưa thuộc về đoàn chiên duy nhất. Giám Mục không chỉ bận tâm riêng với tín hữu, nhưng có trách nhiệm đối với mọi người; ngay trong giáo phận, Ngài phải là một vị thừa sai. Câu sau cùng nhắc nhở cho tín hữu phải biết liên kết với Giám Mục của mình như Giáo Hội đã liên kết với Chúa Kitô và Chúa Kitô với Chúa Cha. 
37* Tiểu mục 4: Những cộng tác viên của Giám Mục (các số 28-29).
Công Ðồng biên soạn và khai triển đoạn này trong những cuộc bàn cãi vào tháng 9 năm 1964. Về linh mục, số 29 còn được bổ túc và minh định qua Sắc Lệnh về nhiệm vụ Giám Mục (các số 28-35). Công Ðồng chưa có thời giờ quảng diễn một khoa thần học về chức linh mục thừa tác, nên tạm thời chỉ nói sơ qua khi bàn về chức Giám Mục. Sự liên lạc giữa hai bên khiến Công Ðồng liệt kê được những quả quyết chính yếu trong những số này để kết thúc cho một chương khá dài, đòi nhiều công phu. 
62 Xem T. Inhatiô tử đạo, Ad Ephes. 6,1: x.b. Funk I, trg 218.
63 Xem CÐ Trentô, khóa 23, De Sacr. ord., ch. 2: Dz 958 (1765) và đ. th. 6: Dz 966 (1776).
64 Xem Innocentiô I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Mansi 3, 1029; Dz 98 (215): "Linh mục tùy thuộc và hàng tư tế bậc thấp, nên không có quyền tư tế tối cao". T. Cyprianô, Epist. 61, 3: x.b. Hartel, trg 696. 
65 Xem CÐ Trentô, n.v.t.: Dz 956-968 (1763-1778), và đặc biệt đ.th. 7: Dz 967 (1777). Piô XII, Tông hiến Sacramentum Ordinis: Dz 2301 (3857-61).
66 Xem Innocentiô I, n.v.t. - T. Gregoriô Naz., Apol. II, 22: PG 35, 432 B. Dionysiô Giả, Eccl. Hier., 1,2: PG 3,372 D. 
67 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 940 (1743). Piô XII, Tđ. Mediator Dei, 20-11-1947: AAS 39 (1947), trg 553; Dz 2300 (3850).
68 Xem CÐ Trentô, khóa 22: Dz 938 (1739-40) - CÐ Vat. II, Hiến chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosancium Concilium số 7 và 47: AAS 56 (1964), trg 100-113. 
69 Xem Piô XII, Tđ. Mediator Dei, n.v.t., số 67. 
70 Xem T. Cyprianô, Epist. 11,3: PL 4,242B; x.b. Hartel II, 2, trg 497. 
71 Xem Pontificate Romanum, lễ truyền chức linh mục: lúc mặc áo lễ.
72 n.v.t.: kinh tiền tụng.
73 Xem T. Inhatiô Tử đạo, Philad. 4: x.b. Funk I, trg 266. T. Corneliô I, trong T. Cyprianô, Epist. 48, 2: Hartel III, 2, trg 610. 
38* Số 28: Về Linh Mục.
Công Ðồng không muốn đề cập đến những vấn đề thuộc khoa chú giải do Tân Ước đặt ra, nhưng chỉ muốn xác định điều này: các linh mục, vì là những thừa tác viên cộng tác với Giám Mục, nên được tham dự vào quyền hành và sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao ban cho các Tông Ðồ.
- Tương quan giữa linh mục Chúa Kitô: tùy theo mức độ thừa tác vụ, linh mục tham dự vào nhiệm vụ Chúa Kitô là Vị Trung Gian duy nhất, nhiệm vụ được thi hành trong việc tế tự và trong công hội: thừa tác vụ của ngài là dâng Thánh Lễ, dẫn dắt đoàn chiên, dùng bí tích mà thánh hóa, rao giảng Lời Chúa.
- Tương quan giữa linh mục và Giám Mục: lặp lại hình thức linh mục đoàn ngày xưa, nghĩa là các linh mục tập trung quanh Giám Mục để cùng lãnh trách nhiệm chung là truyền bá Phúc Âm. Giám Mục phải sống tình cha con, còn linh mục phải vâng lời và tuân phục. Chức tư tế của linh mục tùy thuộc và tham dự vào chức tư tế của Giám Mục. Linh mục cộng tác vào công cuộc truyền bá Phúc Âm có tính cách tập đoàn.
- Tương quan giữa linh mục với nhau: Công Ðồng mời gọi các linh mục cộng tác với nhau về mặt thiêng liêng, mục vụ và cả trong những công việc trần thế.
- Tương quan giữa linh mục và tín hữu: linh mục quan tâm đến việc giúp đỡ các tín hữu trong Giáo Hội địa phương, nhưng cũng không quên lo cho những người còn ở ngoài Giáo Hội, và những Kitô hữu không còn sống đạo.
Ðể kết luận, Công Ðồng ước mong mọi linh mục phải nỗ lực duy trì và phát huy sự hiệp nhất với nhau và với Giám Mục, vì Phúc Âm và thế giới hôm nay đòi hỏi như thế.
74 Const. Eccl. Aegyptiacae III, 2: x.b. Funk, Didascalia II, trg 103. - Statuta Eccl. Ant. 37-41: Mansi 3,954. 
75 T. Polycarpô, Ad Phil. 5,2: x.b. Funk I, trg 300: "Chúa Kitô tự hạ được gọi là Ðấng Phó Tế mọi người". Xem Didachê 15,1: n.v.t., trg 32. T. Inhatiô Tử đạo, Trall. 2,3: n.v.t., trg 242. Const. Apostolorum, 8,28,4 : x.b. Funk, Didascalia I, trg 530.
39* số 29: Về Phó Tế.
Bản văn công phu được lặp lại hầu như hoàn toàn trong kỳ họp thứ III của Công Ðồng, gồm hai phần:
- Nhiệm vụ của phó tế: Công Ðồng dè dặt khi nói đến bí tích tính của chức phó tế, vì còn một số người phân vân chưa quyết định, nên Công Ðồng không muốn làm cản trở cho công cuộc tìm hiểu thêm. Ðặc điểm của chức phó tế là phục vụ Giám Mục và linh mục đoàn. Phục vụ trong ba lãnh vực: phụng vụ, rao giảng lời Chúa và thực thi bác ái.
- Tái lập phó tế như một chức thường xuyên. Công Ðồng chỉ quả quyết là có thể tái lập ở những nơi mà nhu cầu mục vụ đòi hỏi.
Việc tái lập như thế có tính cách địa phương hơn là cho toàn thế giới, và do quyết định của hội đồng Giám Mục địa phương với sự chấp thuận của Giáo Hoàng. Về luật độc thân, phải phân biệt hai trường hợp: người đứng tuổi có thể đã lập gia đình, còn các thanh niên phải giữ luật độc thân. Bản phúc trình giải thích quyết định này như sau: lược đồ không chủ trương đòi các phó tế phải có gia đình, dù ở nơi nào cũng vậy, nhưng chỉ muốn dễ dãi đối với việc truyền chức phó tế cho người có gia đình khi xét ra cần thiết hay hữu ích.
Nguồn:  thanhlinh.net
 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top