Hành trình Ơn gọi: Thắp sáng niềm hy vọng

Hành trình Ơn gọi: Thắp sáng niềm hy vọng

Hành trình Ơn gọi: Thắp sáng niềm hy vọng

TGPSG -- Tôi sinh ra trong một gia đình ở miền quê, vì thế gắn liền với tuổi thơ của tôi là một miền ký ức được đan dệt bởi những hình ảnh thật hồn nhiên, sống động của miền quê, đó là: cây chuối, bụi tre, con trâu, cái ao và những cánh đồng lúa mênh mông.

Vì sinh ra trong một gia đình làm nông nên tuổi thơ tôi gắn liền với con trâu. Mẹ tôi luôn nói: “con trâu là đầu cơ nghiệp”, và đối với nhiều người thời đó, nhà ai mà có trâu, có nghĩa là nhà đó khá giả. Nhưng đối với tôi thì lại khác, tôi không thích vì tôi không muốn mình bị gọi là “trẻ trâu”. Tôi muốn mình được vui chơi với bạn bè cùng trang lứa chứ không phải lúc nào cũng lẽo đẽo theo con trâu. Nhưng biết làm sao được, vì hoàn cảnh của gia đình, nên ngoài việc học, thời gian còn lại tôi phải đi chăn trâu, cắt cỏ để phụ giúp bố mẹ.

Năm tháng tuổi thơ cứ thế dần trôi, cho đến khi tôi học xong cấp Hai, đánh dấu một bước chuyển mình cho tương lai phía trước, với sự lựa chọn một trong hai: một là sẽ tiếp tục theo học cấp Ba, hai là sẽ đi Sài Gòn làm ăn để phụ giúp bố mẹ.

Đầu tôi lúc đó như một mớ hỗn độn, tôi không thể xác định được mình sẽ như thế nào. Có nên tiếp tục theo học hay dừng lại? Tôi biết bố mẹ luôn muốn tôi đi học, nhưng trong lòng tôi lại nhói đau vì thương cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ cũng lớn tuổi rồi, mà lại còn phải lo cho tôi đi học nữa, nên tôi không nỡ…

Tuy nhiên, kỳ thi cấp Ba đến, tôi vẫn đi thi. Nhưng tôi không đậu trong kì thi năm đó. Tôi đâm ra chán nản và muốn buông bỏ. Trái lại, bố mẹ luôn động viên và khuyến khích tôi xét sang trường khác để học. Nhưng tôi không dễ vượt qua cú sốc ấy.

Thời gian vùn vụt trôi qua và cũng tới lúc tựu trường. Bạn bè nô nức trên chiếc xe đạp vui cười tíu tít để đến trường. Còn tôi lúc đó thì giam mình trong góc buồng để không phải nghe những tiếng cười nói của bạn bè và tiếng những vòng xe lăn. Thế rồi bạn bè tôi biết chuyện, họ đến an ủi và động viên tôi đi học. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng muốn cho tôi học vì tôi là con út trong gia đình và vì trước tôi là 3 anh và 3 chị không được học hành đến nơi đến chốn, nên bố mẹ muốn đặt niềm hy vọng vào tôi.

Sau mấy ngày suy nghĩ, tôi quyết định đi học tiếp. Tôi nhanh chóng cùng hòa nhập với các bạn. Trong môi trường mới ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với một Chị học cùng nhưng hơn tôi 4 tuổi. Chị có gương mặt thân thiện với một nụ cười làm tôi cảm thấy rất vui và bình an. Tôi ngắm nhìn Chị trong niềm vui hạnh phúc và dường như trong tôi vơi hẳn đi những sự buồn phiền trong lòng. Tôi thầm nghĩ: “Sao tôi cũng giống Chị, mà Chị thì gương mặt lúc nào cũng vui tươi, còn tôi thì lúc nào cũng trầm ngâm, buồn bã như vậy?” Nụ cười của Chị đã xóa tan trong tôi những suy nghĩ ngốc nghếch, dại khờ. Tôi hỏi thăm và được biết là Chị đi tu, Chị đang là đệ tử Dòng nữ Đa minh. Tôi trầm trồ và ngưỡng mộ Chị -  một người đi tu mang vẻ đẹp trong sáng vui tươi, thánh thiện. Tôi thầm nghĩ: những người đi tu đều đẹp và thánh thiện như thế sao? Cũng từ đó, bắt đầu trong tôi nhen nhóm một tia sáng là sẽ đi tu nhưng không dám nói ra. Tôi cất giữ suy nghĩ đó trong lòng.

Nhưng một hôm, tôi lấy can đảm đến tìm gặp để hỏi về ơn gọi của Chị. Chị vui vẻ kể tôi nghe về ơn gọi, về công việc Chị đang phục vụ, tôi khá ấn tượng và cảm thấy thích thú. Tôi đã bị đánh động rất nhiều. Tôi bắt chước Chị trong giao tiếp và cách ăn mặc, tôi thay đổi như người ta thường bảo là “lột xác” để trở thành một mẫu người nào đó mà mình muốn. Tôi đã thay đổi từ những chiếc quần áo điệu đà, vòng tai, búi tóc… tôi bỏ đi tất cả để mặc trên mình những chiếc áo sơ mi và chiếc quần đen giản dị, tôi đã cắt đi mái tóc dài duỗi thẳng, để giờ đây là một mái tóc ngắn buộc gọn gàng. Tôi học nơi Chị sự dịu dàng và duyên dáng cùng với sự thánh thiện.

Ở họ đạo của tôi thời đó cũng có các Dì Dòng Đa Minh phục vụ nhưng chưa bao giờ tôi gặp gỡ hay nói chuyện với các Dì, bởi vì tôi nghĩ rằng tôi không phù hợp và còn ngại ngùng. Tuy nhiên, từ xa, tôi vẫn nhìn thấy các Dì với nụ cười vui, thánh thiện và tôi rất thích điều đó. Sau đó, tôi đã mạnh dạn và chủ động gặp gỡ các Dì để nói chuyện. Tôi thấy mình trở nên dạn dĩ và vui vẻ hơn trước kia, tôi chăm chỉ làm các công việc nhà mà không cần bố mẹ nhắc nhở. Tôi thấy mình trở nên ngoan hiền từ bao giờ không biết. Tôi tập dậy sớm để đi Lễ sáng mỗi ngày. Điều đó dường như đã làm cho mọi người và ngay chính bố mẹ tôi rất đỗi ngạc nhiên.

Nhà tôi ở gần nghĩa địa, mỗi lần đi lễ trên nhà xứ đều phải đi qua nghĩa địa ấy nhưng tôi không sợ và mỗi sáng, tôi vẫn một mình đi bộ qua đó để tới nhà thờ.

Tôi nhớ có ngày mưa bão thật to, tôi cũng dậy sớm và đi lễ, tôi cảm thấy có một sự thôi thúc nào đó từ bên trong. Mỗi khi đi lễ về lòng tôi cảm thấy thật bình an và nhẹ nhàng. Cũng từ đó, tôi bắt đầu cảm thấy dâng trào một niềm ao ước và mến mộ về đời tu. Thế là tôi nói ý tưởng đó với Chị bạn học, Chị vui vẻ hướng dẫn và chở tôi lên nhà Dòng Đa Minh để đăng kí dự tu. Tôi đã không nói cho gia đình biết bởi vì tôi ngại, tôi sợ mọi người sẽ nghĩ rằng tôi không thể  tu được.

Khi lên đến nhà Dòng, tôi được các Dì vui vẻ tiếp đón. Sau một ít phút hỏi thăm việc học và gia đình, thì các Dì nhận tôi và mong tôi học xong sẽ lên nhà Dòng, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì từ bây giờ tôi đã người đi tu. Điều đó lại làm cho tôi ý thức hơn, tôi nghĩ rằng mình đã đi tu nên mọi sự cần phải được chỉn chu sao phù hợp và xứng đáng là một người đi tu.

Những biểu hiện bên ngoài ấy của tôi đã khiến mọi người trong xứ phát hiện ra. Họ nói đến tai mẹ tôi nên một hôm, Mẹ hỏi tôi rằng: “Con đi tu hả?” Tôi bỗng giật mình, đỏ bừng mặt và chỉ đáp lại: “Ai nói với Mẹ là con đi tu vậy?” Mẹ tôi nói cả xứ họ đang đồn là con đi tu đấy. Tôi ngại ngùng và nói lại với Mẹ: chắc là họ trêu thôi!”. Lúc đó nhìn nét mặt Mẹ tỏ lộ niềm vui cùng với một sự ngỡ ngàng nhưng Tôi vẫn chưa dám nói gì với Mẹ. 

Trong khi đó, tôi vẫn thường lên nhà các Dì giúp đang giúp ở giáo họ của tôi, để giúp các Dì những công việc như: làm cỏ, cắt lá, cắm hoa, tập hát… Tôi rất thích được đi phục vụ làm việc tông đồ và rồi tôi bắt đầu thổ lộ ý định đi tu Dòng Đa minh với các Dì, các Dì rất vui nên đã chia sẻ và hướng dẫn tôi rất nhiều trong những bước đầu đời ấy.

Thời gian thấm thoát trôi qua, kết thúc 3 năm cấp Ba, đây lại là bước ngoặt quyết định cho cuộc đời tôi một lần nữa, là có tiếp tục thi đại học hay không?

Thời đó, tôi đã được giáo họ cử cho đi học đàn để phục vụ giáo họ và hơn hết lại được cơ hội đi tập hát cho các hội đoàn nên chuyện đánh đàn, tập hát đối với tôi không khó khăn. Mẹ tôi muốn tôi đi học ngành năng khiếu về đàn hát, bởi không ít thì nhiều tôi cũng biết một chút nên thi được, còn tôi thì rất muốn học ngành tâm lý, tôi nói với Mẹ rằng nếu con thi thì con sẽ học ngành tâm lý, Mẹ tôi hỏi ngành đó như thế nào? Tôi trả lời Mẹ với sự hiểu biết của một cô bé cấp Ba: “Đó là ngành chuyên đi tư vấn cho những ai đang có những chuyện không vui, hay có những khó khăn và giúp họ giải quyết”. Nhưng mẹ tôi không muốn, mà chỉ muốn tôi học về âm nhạc. Tôi rất buồn vì điều đó bởi tôi không thích học những cái gì mà mình đã biết. Tôi muốn khám phá và học những cái mới hơn. Đúng lúc đó thì ý định lên nhà Dòng cứ thôi thúc tôi. Sau mấy ngày tôi suy nghĩ, tôi quyết định không làm hồ sơ đi thi đại học nữa vì tôi đã quyết sẽ lên nhà dòng ở.

Tôi còn nhớ như in trước đó mấy ngày, tôi nói với Mẹ: “ Mẹ ơi, con đi tu và ngày 7-8-2010, con sẽ lên nhà dòng ở”. Sở dĩ tôi chọn ngày mùng 7 là vì hôm sau là ngày kính Thánh Đa Minh, tổ phụ của Dòng. Tôi muốn lên trước để có thời gian mừng lễ Ngài.

Mẹ tôi khi biết tin thì trào dâng niềm hạnh phúc trong hàng nước mắt nghẹn ngào. Mẹ nói với tôi rằng: “Mai con lên thắp hương cho ông bà nội, ngoại, chào ông bà và xin ông bà cầu nguyện cho con đi được bình an nhé!” Mẹ nói khóc trong tiếng khóc nghẹn ngào, còn tôi lúc đó chỉ biết mím môi thật chặt để không bật khóc thành tiếng. Có một cảm xúc thật khó diễn tả trong con người tôi lúc đó.

Vậy là ngày tôi đi tu cũng đã đến, Mẹ cùng anh Cả và anh rể đưa tôi lên nhà Dòng. Khi lên tới nhà khách, Dì Bề Trên Tổng quyền và Dì giáo của Đệ tử đã ra đón tôi. Các Dì, các chị nhìn thấy có một thành viên mới thì ai cũng vui vẻ và chào đón tôi cách thân thiện làm cho tôi cảm thấy không còn xa lạ và lo lắng. Trước khi Mẹ và hai anh của tôi trở lại nhà, mẹ tôi nói với Dì Tổng trong hàng nước mắt: “Con gửi con gái con cho các Dì, nhờ các Dì chăm sóc và dạy bảo cháu”. Tôi được các Chị ở trước hướng dẫn và giúp đỡ tôi rất nhiều nên tôi không cảm thấy bị lạc lõng và nhớ nhà nữa. Tôi bắt đầu vui và thích nghi với cuộc sống mới nơi đây.

Đến một ngày, vào buổi sáng thứ Bảy ngày 14-8, trong người tôi cảm thấy rất bất an, bồn chồn và lo lắng. Lúc đó, Dì giáo cho biết là Mẹ tôi bị ốm và tôi được phép về thăm Mẹ mấy ngày. Tôi thưa với Dì rằng: “Mẹ con khỏe lắm, Mẹ con không ốm đâu, chắc có ốm là nhớ con thôi, chắc Dì chỉ cần cho con đi một ngày về thăm Mẹ cũng được, không cần đến mấy ngày đâu Dì ạ”. Dì không cười nhưng ôn tồn và nhẹ nhàng: “Em cứ về đi, xem Mẹ thế nào rồi lên”.

Sự bất an và lo lắng vẫn cứ bám lấy tôi. Rồi tôi được một Chị cùng quê chở về. Lúc đó, tôi thấy mình thật ngây thơ, mọi người trong nhà Dòng đều biết chuyện của tôi, còn tôi không hề biết có chuyện chẳng lành đã xảy đến cho mình.

Ngồi sau Chị, Chị hỏi tôi về Mẹ, tôi hồn nhiên, vô tư kể cho Chị nghe không ngớt về Mẹ  trong suốt hành trình về nhà. Thậm chí, tôi còn nói Chị dừng xe lại để tôi mua ít quà bánh và sữa thăm Mẹ. Đường về đến nhà thì gần mà sao tôi cảm thấy thật xa. Đến nhà tôi là qua một nghĩa địa, tôi vốn không sợ khi đi qua đây nhưng khôm nay, khi nhìn vào nghĩa địa, tôi thấy một vùng trời u ám làm tôi cảm thấy rất sợ hãi. Tôi liền quay mặt ra để nhìn cánh đồng lúa lên xanh nhằm xóa tan đi nỗi u ám trong lòng. Khi gần tới nhà, tôi thấy từng đoàn xe đạp và các ông làm việc trong huynh đoàn với Bố tôi từ trong nhà tôi đi  ra. Lúc đó tôi tự hỏi “không biết mẹ ốm ra sao mà nhiều người đến thăm quá vậy!” Rồi tôi cũng về đến nhà. Tôi thấy cả các anh chị của tôi trong miền Nam cũng về nữa. Tôi lại càng ngạc nhiên hơn. Thấy một đứa cháu ngoại, tôi hỏi: “Bà ngoại ốm làm sao vậy?” Cháu trả lời: “Dì ơi, bà ngoại chết rồi!” Lúc đó tôi như chết lặng, tim tôi như bị xé toạc ra. Tôi không thể tin nổi sự thật này.

Sau đó, tôi được biết là Mẹ tôi đi thăm chị gái trên Lào Cai, anh rể tôi chở Mẹ không may bị xe tải ngáng qua Mẹ. Ngay lúc đó, tôi không biết làm gì khác là chạy một mạch lên nhà Thờ. Giữa tiếng chuông sầu tang thương, tôi chạy vào nhà thờ để khóc với Chúa. Tôi hỏi và trách Chúa thật nhiều, là tại sao Chúa lại làm thế với con? Tại sao Chúa lại cất Mẹ con về? Tại sao? Và tại sao? Đã có biết bao nhiêu câu hỏi tại sao tôi hỏi Chúa. Tôi nhìn Chúa mà tim tôi nhói đau, nước mắt tôi khóc nấc nghẹn ngào. Tôi thinh lặng một lúc. Thế rồi, trong tôi như có nguồn sức mạnh đỡ nâng, dìu tôi vững dậy. Tôi đứng lên lau khô hàng nước mắt để trở về nhà. Nhà tôi lúc đó đang rất hoảng loạn và đau đớn. Tôi không thể diễn tả hết được sự tang thương trong ngày hôm đó. Tôi thương Bố, nhìn Bố cầm một chiếc khăn mặt lau đi hàng nước mắt mà thấy đau đớn. Tôi chưa thấy Bố khóc bao giờ, thế mà hôm nay tôi thấy Bố khóc thật nhiều, Bố khóc vì từ nay Bố sẽ vĩnh viễn mất đi người bạn đời. Bố suy sụp nói không thành lời, tỏ lộ trên gương mặt gầy yếu xanh xao.

Mẹ tôi đã được đưa từ Lào Cai về tối thứ Bảy vào lúc 10g30. Trời ơi!  Nhìn thấy đoàn xe đưa Mẹ tôi về, không ai cầm được nước mắt, bởi trước khi đi thăm con gái, Mẹ tôi còn là một người khỏe mạnh, bình thường, giờ Mẹ về là một cỗ quan tài. Không ai có thể tin nổi là Mẹ tôi ra đi. Họ không thể ngờ được rằng hôm qua Mẹ tôi còn nói vui cười mà hôm nay là một biển nước mắt đau thương. Bởi vì Mẹ tôi bị xe tải đè ngáng qua đầu, nên bị dập. Do vậy, mà Bố tôi không cho mở lắp quan tài ra để nhìn mặt Mẹ, Bố tôi bảo “Mẹ sống làm sao chết làm vậy”. Tôi thầm nghĩ rằng, nếu Mẹ tôi mà mở ra thì có lẽ sự đau đớn đó sẽ tăng lên gấp bội, và tiếng khóc trong nhà chắc sẽ thấu tới trời. Còn tôi, khi nhìn cỗ quan tài sừng sững giữa nhà, tôi không thể tin nổi là mẹ tôi đang nằm trong đó. Tôi chỉ nghĩ đó như một giấc mơ chứ không phải là sự thật đau đớn này. Mọi thứ dường như đang đi vào bóng đêm của sự tĩnh lặng, một sự đau đớn đến tột cùng.

Và rồi Thánh Lễ an táng của Mẹ được tổ chức vào chiều ngày hôm sau, ngày Lễ Đức Mẹ Hồn xác về trời. Trong bài giảng, Cha xứ đã dùng câu Thánh Vịnh được trích trong sách ngôn sứ (Is 38, 12) “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ” để nói về sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi. Một bầu không khí ảm đạm đan xen những tiếng khóc nấc nghẹn ngào, Mẹ tôi - một người “đang mải dệt đời mình” nhưng hôm nay Mẹ không còn vất vả đan dệt cuộc đời trần thế nữa. Mẹ sẽ được vui hưởng hạnh phúc Nước Trời. Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, tôi tin rằng Mẹ tôi sẽ sớm được hưởng tôn nhan Chúa, vì Mẹ tôi là một người đạo đức và nhiệt thành trong công việc nhà Chúa lẫn cuộc sống.                 

Sau khi lo liệu cho Mẹ xong. Tôi trở lại Nhà dòng. Ai ai cũng ngỡ rằng tôi sẽ không đi tu nữa, vì tôi trải qua một cú sốc quá lớn và vì tôi là con gái út nữa. Mọi người tỏ ra thương cảm với tôi, còn tôi lúc đó phải cố tỏ ra mạnh mẽ, vui vẻ để khỏa lấp đi nỗi đau đớn trong lòng. Tôi thấy như mình có một nguồn sức mạnh bên trong giúp tôi vững mạnh và tiếp tục ơn gọi, tôi cảm thấy dâng trào nghị lực và luôn cố gắng vượt qua nỗi đau này. Tôi nghĩ lại câu nói của Mẹ khi Mẹ trao gửi tôi cho các Dì dạy bảo, tôi nghĩ rằng giờ tôi đã là con của Chúa, tôi phải sống thật tốt để đáp trả lại công ơn Mẹ đã dạy tôi khôn lớn lên người nhưng tôi chưa có cơ hội để báo đáp tình yêu thương mẹ dành cho tôi.

Đời sống ơn gọi của tôi cứ thế trôi. Sau đó, các Dì cho tôi vào Miền Nam để học âm nhạc, vì các Dì cũng thấy nơi tôi có chút năng khiếu nên muốn cho tôi đi học thêm để đào sâu hơn. Tôi nghĩ lại việc học âm nhạc cũng là ước muốn của trước Mẹ tôi trước đây nên chắc là Mẹ tôi muốn tôi đi học để phục vụ tốt hơn. Vì thế mà tôi càng quyết tâm. Trải qua 5 năm học ở Sài Gòn, ở ngoài cộng đoàn, tôi có cơ hội được một Chị bạn giới thiệu chỗ ở nơi Lưu xá Saint Paul của các Sơ Dòng Thánh Phaolô.

Tôi luôn cảm nhận có một bàn tay vô hình nào đó che chở, những lúc khó khăn trong cuộc sống tôi đều vượt qua rất dễ dàng. Tôi cũng cảm nhận được sự bình an trong tâm hồn thay vì những buồn phiền lo lắng.

Thời gian cứ thế trôi, vậy là 5 năm học trôi qua trong êm đềm và tốt đẹp. Tôi trở về lại nhà Dòng sau một thời gian dài. Lại một lần nữa tôi khiến mọi người ngỡ ngàng, bởi chị em cứ nghĩ là tôi sẽ không đi tu nữa, hoặc là tôi sẽ đi tu dòng Phaolô - nơi tôi trọ học, và cũng vì mọi người nghĩ rằng học ngành âm nhạc thì tâm hồn rất bay bổng, lãng mạn nên không hành trình theo Chúa cũng là một sự gian nan, trắc trở và nhiều thử thách. Tuy nhiên, với tôi, có một sự thôi thúc mãnh liệt trong lòng rằng tôi cần trở về nơi tôi đã bắt đầu để bày tấm lòng biết ơn và thực hiện ước nguyện của Mẹ đã dành cho tôi. Tôi quyết định bỏ lại tất cả tình yêu thương quý mến của các Sơ và bao người cùng công việc đang giảng dạy để trở lại nơi đã nuôi dưỡng ơn gọi đầu đời của tôi.

Trải qua những năm tháng trong các giai đoạn đào tạo, giờ đây tôi đã trở thành một nữ tu Đa minh Bùi Chu, khoác trên mình tấm áo dòng tinh khôi. Hồng ân này nhắc nhở tôi luôn sống thánh thiện để xứng đáng trở nên người nữ tu của Chúa và sống xứng đáng với những gì Mẹ tôi ước mong.

Ngày tuyên khấn lần đầu, tôi đã từng nghĩ nếu Mẹ còn sống, chắc chắn Mẹ sẽ rất hạnh phúc và hãnh diện về con gái út của mình. Tuy nhiên, Mẹ đã không có thể hiện diện với tôi bằng thể lý. Nhưng tôi tin rằng Mẹ luôn ở bên và đang cùng tôi bước vào nhà Chúa trong ngày hồng phúc thánh hiến đó với nụ cười và niềm hạnh phúc vô biên.

Hành trình ơn gọi của tôi đã trải qua một sự mất mát quá lớn trong cuộc đời, nhưng dường như tôi không hề tuyệt vọng mà còn hy vọng rất nhiều, bởi vì tôi tin rằng Chúa không lỡ để tôi phải gánh chịu những đau khổ đó một mình. Thật vậy, Ngài đã luôn nâng đỡ tôi ngang qua những sự giúp đỡ, sẻ chia và sự yêu thương của mọi người...

Kim Liên (TGPSG)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top