Hành trình của những chia sẻ
1. Đã từ lâu tôi cố gắng viết những bài chia sẻ. Những bài này có rất nhiều giới hạn. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cảm tạ Chúa vì đã thương ban ơn giúp tôi dâng lên Người những lễ vật bé mọn, hợp với thân phận hèn mọn của tôi.
Hôm nay, với tâm tình biết ơn, tôi xin được phép chia sẻ về hành trình chuỗi dài chia sẻ của tôi.
2. Mọi sự đã bắt đầu từ bài Phúc Âm thánh Luca:
“Một hôm, dân chúng chen lấn nhau đến sát Đức Giêsu, để nghe lời Thiên Chúa, mà Người thì đang đứng bên bờ hồ Ghenêxarét. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon. Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền, Người giảng dạy dân chúng.
Giảng xong, Người bảo ông Simon: ‘Chèo thuyền ra chỗ nước sâu, mà thả lưới bắt cá’. Ông Simon đáp: ‘Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới’. Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên thuyền đầy cá, đến gần chìm...” (Lc 5,1-7).
Phúc Âm cho thấy: Ông Simon đang gặp một thực tế hết sức khó khăn trong nghề bắt cá. Nhưng ông xin vâng lời Chúa mà thả lưới ở những chỗ nước sâu.
3. Tôi cũng vậy. Động lực khiến tôi viết chia sẻ là vâng lời Chúa. Nếu chia sẻ cũng gọi được là thả lưới kéo tôi và các linh hồn về với Chúa, thì tôi làm việc đó chỉ vì vâng lời Chúa.
Nơi tôi, vâng lời Chúa gồm nhiều việc khác nhau, chủ yếu là những việc sau đây: Đọc Phúc Âm, suy gẫm và cầu nguyện, rất lâu và trong thinh lặng, khó nghèo nội tâm. Dần dần, tâm hồn tôi được gặp Chúa Giêsu. Người hiện diện một cách thiêng liêng trước mặt tôi, ở bên tôi, trong hồn tôi. Người lôi kéo tôi bằng lửa mến và niềm tin. Một cách nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ, Người gợi ý cho tôi vấn đề nên chọn, nội dung nên xây dựng.
Như thế, vâng lời Chúa không đơn giản chỉ là thuộc Lời Chúa, mà còn là gặp được chính Chúa trong Lời Chúa. Cũng không chỉ là ở khởi đầu đưa ra Lời Chúa, mà còn là nghe Chúa soi sáng suốt hành trình chia sẻ.
Chia sẻ như thế chính là Nhờ Đức Kitô, với Đức Kitô và trong Đức Kitô mà chia sẻ. Tôi có cảm tưởng là chính Đức Kitô đã dẫn tôi đến những chỗ nước sâu để thả lưới.
4. Theo kinh nghiệm riêng tôi, những chỗ nước sâu, mà Chúa dẫn tôi đến, trước tiên chính là những gì làm nên thân phận hèn hạ yếu đuối của tôi. Đó là những tội lỗi đủ loại, những tính mê nết xấu đủ thứ, những mặc cảm chìm sâu trong tiềm thức, những khát vọng mù quáng trong vô thức.
Chúa cho tôi nhìn thấy vực thẳm đen tối ấy trong tôi, không phải để tôi ngã lòng, nhưng để tôi nhận ra Đấng cứu tôi là chính Chúa. Tôi nhớ lại biết bao Lời Chúa đầy xót thương, biết bao hình ảnh Chúa vất vả nhọc nhằn đi tìm kẻ lầm lạc, biết bao cực hình Chúa chịu để cứu chuộc loài người tội lỗi. Nhờ ơn Chúa, tôi ở đáy những chỗ nước sâu, đã cảm được tình Chúa yêu thương vô cùng. Tôi sám hối chân thành. Tôi được Chúa cứu. Tôi trở về Chúa. Tôi thuộc về Chúa. Tôi được Chúa thứ tha. Tôi được biến đổi một cách sâu sắc.
5. Sự biến đổi này lan toả ra khắp con người của tôi. Từ trí khôn, lòng muốn, trí nhớ và tài năng lựa chọn. Chúng được đổi mới ví như một mẻ cá trong lưới tình yêu của Lời Chúa.
6. Nói thế không có nghĩa là Vâng lời Chúa mà thả lưới sẽ luôn luôn được thực hiện một cách suôn sẻ, dễ dàng. Không đâu. Chúa dạy tôi phải phấn đấu rất nhiều. Phấn đấu với ma quỷ, với thế tục, với chính mình, với cả những thế lực gọi là đạo đức sai trái, mà trong Phúc Âm Chúa Giêsu đã mắng trách “Khốn cho các ngươi” (x. Mt 23,1-36).
7. Trên đây là một thoáng nhìn về hành trình chia sẻ của tôi. Nó không loại trừ các hành trình khác. Nó chỉ là một tiếng kêu trong sa mạc về ơn gọi của nó.
Như đã rõ, ơn gọi của tôi là làm chứng cho tình yêu đầy xót thương Chúa. Làm chứng điều đó ngay tại kinh nghiệm chính bản thân tội lỗi yếu hèn của mình. Làm chứng là Chúa đầy xót thương. Và cũng làm chứng là bản thân yếu hèn của tôi cũng phải phấn đấu rất nhiều để đón nhận và cộng tác với tình xót thương của Chúa.
8. Một điều rất cần và cũng là căn bản để đón nhận và cộng tác với tình yêu xót thương Chúa là: Thực tình vâng lời Chúa.
Vâng lời trong đức tin.
Vâng lời trong thiện tâm.
Vâng lời trong hành động.
Chúa dạy tôi là trong vâng lời Chúa phải tránh hết sức kiểu cách hình thức, chỉ hứa cho đúng lễ nghi, miệng thì hứa, mà lòng thì đã sẵn sàng thất hứa. Như một sự lừa dối.
9. Ở đây, tôi nhớ lại trường hợp của vợ chồng Khanania và Xaphia. Họ bán một thửa đất, rồi đưa tiền dâng cúng cho các tông đồ để làm việc thiện. Họ nói với thánh Phêrô: Bán được bao nhiêu thì dâng cúng đủ bấy nhiêu. Không giữ lại đồng nào. Nhưng thực tế, họ đã giữ lại một phần. Chúa phạt sự lừa dối của họ. Cả hai vợ chồng đều bỗng bị vật ngã xuống chết trước mặt mọi người, ngay khi thánh Phêrô báo cho họ biết: “Họ đã lừa dối chính Thiên Chúa” (x. Cv 5,1-11).
Nếu không tỉnh thức, tôi cũng rất có thể rơi vào tội lừa dối Chúa, một tội nặng mà hiện nay đang phổ biến để trở nên sự kiện bình thường. Xin Chúa thương giúp tôi.
10. Một điều quan trọng khác, mà tôi luôn được Đức Mẹ dạy bảo, để đón nhận và cộng tác với tình Chúa xót thương, đó là thái độ hiếu thảo, luôn hiến mình làm của lễ sống động dâng lên Chúa.
Cho dù của lễ tôi dâng là rất mọn hèn, chỉ với những việc lành bé nhỏ, những phấn đấu âm thầm, những dấn thân lặng lẽ, những sám hối chân thành, những cầu nguyện vắn tắt, những niềm tin tuyệt đối, đời tôi vẫn hy vọng được Chúa đoái nhận.
Nhất là hiện giờ, của lễ mọn hèn này rất nặng những tâm tình ngậm ngùi gắn bó với Chúa. “Chúa là hạnh phúc của con, Chúa là gia nghiệp đời con. Xin đừng bỏ con. Xin xót thương con. Con về với Chúa. Chúa là Cha của con”.
Tôi biết chắc sẽ đến một lúc nào đó, tôi không còn đủ sức chia sẻ. Nhưng, dù ra đi, tôi vẫn chia sẻ với một cách khác, do “vâng lời Chúa”.
Lạy Chúa, con xin phó dâng linh hồn con trong tay Chúa.
Long Xuyên, ngày 6.9.2014.
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19