Hai cuộc chia tay

Hai cuộc chia tay

1. Tạm biệt “Người Anh Cả”

Sáng ngày 30.8.2014, cùng nhiều nhóm đại diện các thành phần dân Chúa tại Sài Gòn, chúng tôi đến tham dự Thánh lễ nhận giáo phận Mỹ Tho của Đức cha Phêrô, trong bầu khí vừa trang nghiêm vừa thân tình của đại gia đình con cái Thiên Chúa.

Dù đã được chuẩn bị về tâm lý và thời gian, nhưng đến lúc phải xa “Người Anh Cả” của Trung Tâm Mục vụ Tổng Giáo phận – theo cách gọi thân thương của gia đình Trung Tâm Mục vụ -, lòng vẫn tràn niềm lưu luyến và mang một cảm giác khó tả thế nào ấy!

Lòng hiếu khách và niềm vui của Dân Chúa tại Mỹ Tho mời gọi chúng tôi vượt qua nỗi luyến nhớ cá nhân, để vui với người vui, đồng thời hiệp thông với những thao thức của Đức tân giám mục Giáo phận Mỹ Tho, trong chính ngày kỷ niệm 34 thụ phong linh mục của ngài.

“Dù ở đâu hay làm chi, con vẫn đi trong đường Ngài” - xác tín của chính Đức cha trong dịp thụ phong Giám mục cách đây 6 năm (15.11.2008)-, trở nên sống động trong trí chúng tôi hôm nay và thúc giục chúng tôi chia sẻ cùng một tâm tình với “Người Anh Cả” của mình.

Con số khoảng 130 linh mục với 3% người Công giáo trên địa bàn dân cư trải rộng 3 tỉnh Tiềng Giang, Long An và Đồng Tháp cho thấy sức nặng của trọng trách loan báo Tin Mừng, đồng thời dẫn chúng tôi vào lời nguyện xin chủ ruộng sai thợ đến cánh đồng bao la tại Giáo phận miền tây này.

2. Chia tay gia đình trẻ

Buổi tối cùng ngày, chúng tôi cùng một nhóm gồm 6 gia đình họp mặt để tạm biệt một gia đình trẻ rời thành phố về quê ngoại lập nghiệp. Quyết định thay đổi nơi định cư này - chẳng dễ dàng chút nào - kéo theo nhiều lo lắng cho tương lai, vất vả trong hiện tại và là kết quả của một chuỗi ngày đắn đo, suy nghĩ cùng cầu nguyện của đôi vợ chồng V.V.

Hành trang chúng tôi gửi gắm cho gia đình sắp đi xa, đơn giản là những lời chúc, tiếng hát, ca nguyện chan chứa cảm xúc, tình thân và lòng tín thác vào Thiên Chúa. “Lời ca nguyện cầu” - bài hát kết buổi chia tay – không dừng lại với âm thanh, nhưng hòa quyện với những giọt nước mắt của không ít người, nhất là người mẹ của đứa con 3 tuổi.

Chỉ có bé K. là vô tư, vui đùa hồn nhiên và ăn nói tự nhiên như trong nhà của mình. Cháu nô đùa với tôi đang khi bố mẹ lo chuẩn bị bữa ăn tối cho nhóm. Đối với cháu, ở đâu cũng là nhà, miễn là có cha mẹ bên cạnh. Thật vậy, khi được bao bọc trong tình thương và được đỡ nâng bởi lòng tin, thì “dù ở đâu hay làm chi, con cũng sống trong mái ấm gia đình con cái Thiên Chúa”, tôi chợt nghĩ đến xác tín của Đức cha Phêrô nêu trên và áp dùng vào tâm cảnh của gia đình trẻ này.

* * *

Thực ra, hai cuộc chia tay vừa kể không chỉ gắn liền với hai cuộc xuất hành của hai nhóm thân hữu liên hệ, mà còn liên quan đến cuộc xuất hành của những người ở lại nữa! Vì sao ư? Vì kẻ ở lại cũng phải ra đi: ra đi khỏi sự gần gũi người thân về địa lý, ra đi khỏi những cuộc gặp gỡ trực tiếp hằng ngày hay định kỳ, để thích ứng với cách thế tương quan mới – thường qua các phương tiện truyền thông.

Dù ra đi hay ở lại, tất cả chúng ta đều cần hiệp tâm đáp trả một tiếng gọi chung: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy(x. Ga 15, 9).

 

Top