Hai chuẩn mực
Trong cuộc tĩnh tâm Linh Thao theo thánh Inhaxiô, có một suy niệm được gọi là “Hai chuẩn mực”. Đây là một phần trong cuộc tĩnh tâm kéo dài 30 ngày mà bất cứ tu sĩ dòng Tên nào cũng phải trải qua. Ngày nay nhiều anh chị em giáo dân cũng tham dự những cuộc tĩnh tâm theo hướng này với những loại hình khác nhau.
Trong suy niệm về hai chuẩn mực, thánh Inhaxiô đặt trước mặt ta những hình ảnh thật sống động. Một bên là Chúa Giêsu, một bên là Lucifer, “kẻ thù của bản tính nhân loại”. Thánh Inhaxiô trình bày Lucifer ngồi trên ngai giữa lửa và khói, ma quỷ vây quanh và Lucifer truyền lệnh cho chúng ra đi lôi kéo mọi người đi theo nó. Lucifer hướng dẫn ma quỷ trước hết phải làm cho người ta khao khát của cải, và khi họ đã giàu có rồi, thì phải làm cho họ gắn chặt với của cải. Rồi phải làm cho người ta cậy dựa vào danh giá và vị thế mà của cải đem lại. Từ đó, bước cuối cùng là làm cho con người thành tự mãn, muốn tuyệt đối độc lập, không cần bất cứ ai khác, kể cả Thiên Chúa, vì tôi có thể làm được mọi sự. Khi con người thành kiêu ngạo rồi, Lucifer có thể lôi họ vào đủ mọi thứ tật xấu khác. Tắt một lời, Lucifer giương bẫy và biến con người thành nô lệ cho nó. Chiến thuật cám dỗ này có thể được mô tả theo ngôn ngữ hiện đại là: hãy cho người ta cái họ muốn, người ta thèm khát gì thì cứ cho họ, đừng ngăn cản.
Chuẩn mực thứ nhất là thế. Còn chuẩn mực thứ hai là của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy các tông đồ hãy lên đường, làm cho muôn dân thành môn đệ của Người trước hết bằng cách đưa con người đến đỉnh cao của tinh thần nghèo khó. Nói cách khác, không tìm an ninh và bảo đảm nơi của cải hay vị thế xã hội nhưng là nơi Chúa. Nếu có của cải thì phải sử dụng của cải cách nào để đến gần Chúa hơn. Chúa Giêsu cũng dạy các môn đệ khao khát sự khó nghèo vật chất vì đó là con đường chính Người đã đi. Kế đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ chấp nhận và kể cả khao khát bị thế gian lăng nhục và khinh bỉ chỉ vì mình là Kitô hữu. Từ đó, người môn đệ tập sống khiêm tốn, không có nghĩa là tự hành hạ mình nhưng là nhìn nhận đúng sự thật về mình. Sống khiêm tốn sẽ giúp ta chọn Chúa làm trung tâm đời sống và nhìn nhận chính Chúa – chứ không phải cái tôi nhỏ bé của mình – là tâm điểm của vũ trụ. Nhờ khiêm tốn, ta đến gần Chúa hơn, do đó khiêm tốn dẫn đến mọi nhân đức khác.
Hai chuẩn mực trên cũng là hai hệ thống giá trị của hai vương quốc: vương quốc Chúa Kitô và vương quốc Lucifer. Hai hệ thống giá trị này hoàn toàn đối nghịch nhau, một đàng dẫn ta đến với Thiên Chúa và sự sống viên mãn, một đàng dẫn ta đến với Lucifer và lôi ta xa rời Thiên Chúa cũng như cái tôi đích thực của mình. Phải tự hỏi: tôi đang làm việc cho vương quốc nào? Vương quốc của cái tôi ích kỷ chật hẹp hay vương quốc của Chúa Kitô? Tôi đang xây dựng Babylon hay Giêrusalem mới?
Lucifer có nghĩa là “người mang ánh sáng” nhưng ánh sáng của nó là thứ ánh sáng giả tạo. Nó cung cấp cho con người những gì thật hào nhoáng và hấp dẫn nhưng cuối cùng nó hủy diệt tự do của ta. Lucifer cám dỗ ta bám chặt vào những của cải vật chất với sự tin tưởng rằng phải như thế mới hạnh phúc. Ngày nay các thứ quảng cáo đều nhằm thuyết phục ta rằng: Nếu bạn không có món hàng này món hàng khác, cuộc đời bạn sẽ không hạnh phúc, sẽ không được mọi người nể trọng. Còn nếu bạn có món này món khác, người ta sẽ ca tụng bạn, yêu mến bạn, chăm sóc bạn, và bạn sẽ hạnh phúc! Lucifer cám dỗ ta đặt giá trị con người vào những thứ bên ngoài, đang khi lôi kéo ta xa rời Thiên Chúa và căn tính đích thực của mình.
Ngược lại, Chúa Giêsu không gài bẫy nhưng mời gọi và giải thoát ta. Cho dù lời mời gọi của Người có vẻ nghịch lý nhưng Người chính là Đường, Sự Thật và Sự Sống. Người thẳng thắn mời gọi ta sống khó nghèo, từ bỏ chính mình, vác thập giá theo Người. Người khẳng định nếu bạn muốn có sự sống viên mãn, phải chấp nhận đánh mất mạng sống. Đúng là một thách thức lớn, nhưng nếu ta chấp nhận bước tới, ta bắt đầu chia sẻ sự phong phú khôn lường của Thiên Chúa, khám phá ra rằng mọi sự ta có trong cuộc đời này đều là quà tặng của Thiên Chúa chứ không phải là cái gì ta cần bám chặt vào và lệ thuộc nó đến mức độ làm nô lệ cho nó. Khám phá đó cũng có nghĩa là ngộ ra rằng Thiên Chúa yêu thương ta vì chính con người thật của ta chứ không vì địa vị, tiền bạc hay danh giá của ta. Khi đó ta sẽ bước đi trong cuộc đời với tâm tình tạ ơn, biết chia sẻ cho người khác, và không có gì trong cuộc đời này có thể làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa, vì của cải lớn nhất và duy nhất cần thiết là chính Chúa.
Roger Dawson, S.J. The Meditation on the Two Standards
bài liên quan mới nhất
- Giáo hội nghiên cứu lịch sử của mình để sống đức tin tốt hơn
-
Chú quỷ ban trưa và cơn cám dỗ thời đại -
Ước nguyện cho người nghèo -
Chúa Nhật 33, ngày Quốc Tế Người Nghèo -
Phỏng vấn tân Hồng y Bycho về trách nhiệm và đức tin của ngài trong thời điểm chiến tranh -
Người tự kỷ có gì để cống hiến -
Đức Thánh Cha: Hy vọng là ân ban và bổn phận đối với mọi Kitô hữu -
Người đã khuất đang nói gì với chúng ta? -
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha tháng 11/2024: Cầu cho những người mất con -
Tháng Các Đẳng Linh Hồn và những ước nguyện
bài liên quan đọc nhiều
- Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói
-
Những sự thật về Satan và các thiên thần sa ngã -
5 câu Kinh Thánh cầu xin Chúa chữa lành -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thập giá hay Thánh Giá? -
Cây Thánh Giá, biểu tượng thánh thiêng Kitô giáo -
Sống giây phút hiện tại -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19