Gương linh mục: Murialdo và Cottolengo
Gương linh mục: Murialdo và Cottolengo
Sứ mệnh cao cả của linh mục là tiếp tục công trình cứu thế vĩ đại của Chúa Giêsu Kitô và cứu rỗi các linh hồn. Đức Thánh Cha đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến gần 30.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô sáng thứ tư 28-4-2010.
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giới thiệu gương mặt của hai linh mục thánh thiện đã tận hiến toàn cuộc sống cho dân nghèo và người tật bệnh là thánh Leonardo Murialdo và thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo.
Thánh Murialdo sinh tại Torino, trung bắc Italia, ngày 26 tháng 10 năm 1828. Torino cũng là quê sinh của thánh Don Bosco và thánh Cottolengo và là vùng đất phong phú cống hiến cho Giáo Hội biết bao nhiêu gương sống thánh thiện của giáo dân cũng như linh mục. Leonardo là con thứ 8 của một gia đình đơn sơ. Ngay từ khi còn nhỏ Leonardo đã cùng với anh trai theo học nội trú tại trường các cha dòng Scolopi tỉnh Savona, là nơi có các nhà giáo dục tài ba và bầu khí đạo hạnh. Nhưng vào tuổi thanh niên Leonardo bị khủng hoảng tinh thần và trở về gia đình. Vài tháng sau đó ánh sáng trở lại với Leonardo sau một lần xưng tội tổng quát, qua đó chàng khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa, và năm lên 17 tuổi Leonardo quyết định đi tu làm linh mục để đáp trả lại tình yêu của Chúa. Sau khi thụ phong linh mục năm 1851, cha Murialdo dậy giáo lý tại Trung tâm Angelo Custode, được thánh Don Bosco biết tới và giao cho nhiệm vụ hướng dẫn trung tâm San Luigi tại Porta Nuova cho tới năm 1865. Tại đây việc tiếp xúc và thăm viếng các giai tầng xã hội nghèo túng nhất khiến cho cha Murialdo có được sự nhậy cảm sâu xa đối với các vấn đề xã hội giáo dục, tông đồ, và dẫn cha tới các sáng kiến độc lập trợ giúp giới trẻ như: dạy giáo lý, mở trường học, tổ chức các sinh hoạt giải trí lành mạnh. Cha Don Bosco đã đem cha Murialdo theo trong buổi tiếp kiến Đức Giáo Hoàng Pio IX dành cho cha năm 1858.
Năm 1873 cha Murialdo thành lập dòng Thánh Giuse với mục đích giáo dục giới trẻ, đặc biệt là các người trẻ nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Và cha Murialdo đã dành trọn sức lực cho các hoạt động của dòng cho tới khi qua đời ngày 30 tháng 3 năm 1900. Đề cập tới ý thức sứ mệnh linh mục của thánh Leonardo Murialdo Đức Thánh Cha nói:
Khi nhấn mạnh sự cao cả của sứ mệnh linh mục là phải tiếp tục công trình cứu thế lớn lao của Chúa Giêsu Kitô, công trình của Đấng Cứu Độ thế giới, nghĩa là cứu rỗi các linh hồn, thánh Leonardo luôn luôn nhắc nhở chính mình và các anh em trong dòng trách nhiệm của một cuộc sống trung thực với bí tích đã nhận lãnh. Tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với Thiên Chúa là sức mạnh con đường nên thánh của người, là luật lệ của chức linh mục, là ý nghĩa sâu xa nhất trong công tác tông đồ của thánh nhân giữa giới trẻ nghèo và là suối nguồn lời cầu nguyện của người. Nhân tố nòng cốt trong linh đạo của thánh Murialdo là xác tín về lòng xót thương của Thiên Chúa là một người Cha luôn tốt lành, kiên nhẫn và quảng đại. Và Chúa vén mở cho thấy lòng thương xót cao cả và vô biên của Ngài với ơn tha thứ. Vì thế thánh nhân sống tươi vui biết ơn Thiên Chúa, ý thức về sự hạn hẹp của mình, ước ao sám hối, và liên lỉ dấn thân hoán cải. Toàn cuộc sống của người không chỉ được soi sáng, hướng dẫn, nâng đỡ bởi tình yêu Thiên Chúa, mà còn chìm ngập trong lòng xót thương của Thiên Chúa nữa.
Người viết trong Di chúc tinh thần như sau: ”Ôi lậy Chúa lòng thương xót, Chúa bao bọc con... Như Thiên Chúa luôn ở khắp mọi nơi thế nào, thì tình yêu, thì lòng thương xót cũng luôn ở khắp mọi nơi như thế”. Nhớ lại cuộc khủng hoảng thời thanh xuân, ơn thánh và chức linh mục Chúa ban cho thánh nhân luôn sống trong tâm tình biết ơn, tươi vui. Ngài viết: ”Thiên Cháu đã chọn tôi! Ngài đã kêu gọi tôi, đã lại còn bắt tôi nhận lấy danh dự, vinh quang, hạnh phúc không thể diễn tả nổi là thừa tác của Ngài, là ”một Kitô khác”... Thánh nhân đã kết hợp sự thinh lặng chiêm niệm với lòng hăng say hoạt động không biết mệt mỏi, kết hiệp lòng trung thành với các bổn phận thường ngày với các sáng kiến tài ba, kết hiệp sức mạnh trong lúc gặp khó khăn với sự thanh thản của tâm hồn. Sống giới răn mến Chúa yêu người đó là con đường nên thánh của người.
Gương mẫu đời linh mục thứ hai là thánh Giuseppe Benedetto Cottolengo, vị sáng lập ”Căn nhà nhỏ của Chúa Quan Phòng”, ngày nay cũng gọi là Cottolengo, mà Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm ngày mùng 2 tháng 5 tới đây trong dịp viếng thăm Tấm Khăn Liệm Thánh thành Torino.
Thánh Cottolengo sinh tại Bra trong tỉnh Cuneo tây bắc Italia ngày mùng 3 tháng 5 năm 1786. Là con cả trong một gia đình có 12 người con, trong đó có 6 người chết khi còn nhỏ tuổi. Ngay khi còn bé Cottolengo đã chú ý yêu thương người nghèo. Thời của thánh nhân là thời hoàng đế Napoleon đánh chiếm Italia gây ra các hậu qủa tiêu cực trong lãnh vực tôn giáo và xã hội. Cottlolengo đã chọn con đường linh mục, và hai người em trai của cha cũng theo gương anh. Sau khi thụ phong, cha Cottolengo đã tỏ ra là một linh mục tốt lành có tài giảng tĩnh tâm và diễn thuyết cho giới sinh viên. Năm 32 tuổi cha được chỉ định làm kinh sĩ nhà thờ Mình Thánh Chúa, và tổ chức các lễ nghi tôn giáo trong thành phố, nhưng cha vẫn cảm thấy không an lòng. Nhưng rồi Thiên Chúa đã xếp đặt để ban cho cha một dấu chỉ. Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1827 có một gia đình Pháp có 5 đứa con nhỏ và một bà vợ đang mang thai bị sốt nặng. Sau khi lang thang tới nhiều nhà thương gia đình ấy tìm được chỗ trọ trong một nhà ngủ công cộng, nhưng bệnh tình của người đàn bà mang thai trở nên nghiêm trọng, và người ta đề nghị đi tìm một linh mục. Chúa xếp đặt cho họ gặp cha Cottlolengo. Sau khi lo lắng cho cái chết của người mẹ trẻ kém may mắn ấy, trước nỗi đớn đau xé lòng của gia đình nghèo đáng thương ấy, cha Cottolengo đến qùy trước Mình Thánh Chúa lòng nặng trĩu ưu sầu và hỏi Chúa: ”Lậy Chúa, tại sao vậy? Tại sao Chúa lại muốn con là chứng nhân? Chúa muốn con làm gì? Phải làm một cái gì đó”. Thế là cha bật đứng dậy, cho kéo chuông và đốt nến sáng trưng trong nhà thờ. Tiếp đón các tín hữu tò mò chay tới nhà thờ xem chuyện gì đã xảy ra cha nói ”Được ơn rồi! Được ơn rồi!”. Từ lúc ấy trở đi cha Cottolengo hoàn toàn thay đổi: cha dùng mọi khả năng của mình, đặc biệt là tài khéo kinh tế và tổ chức để khai sinh ra các sáng kiến trợ giúp người nghèo. Đức Thánh Cha ca ngợi thánh Cottolengo như sau:
Thánh nhân biết lôi cuốn vào trong công việc của người hàng chục cộng sự viên và người thiện nguyện. Người ra vùng ngoại ô Torino để bành trướng công trình của mình và thành lập một làng, trong đó mỗi nhà đều có một tên gọi ý nghĩa: ”nhà đức tin”, ”nhà đức cậy”, ”nhà đức mến”. Người thực thi kiểu sống của các gia đình, và thành lập các cộng đoàn gồm các thiện nguyện viên nam nữ, các tu sĩ và giáo dân hiệp nhất trong nỗ lực yêu thương chăm sóc người nghèo, cùng nhau đối phó và thắng vượt các khó khăn. Mỗi một người trong cộng đoàn đều có một nhiệm vụ riêng: có người cầu nguyện, có người phục vụ, có người dậy dỗ, có người quản trị. Người lành mạnh và người đau yếu cùng chia sẻ gánh nặng cuộc sống thường ngày với nhau. Cha Cottolengo cũng nghĩ tới việc thành lập một chủng viện để đào tạo các linh mục cho Công trình này. Người luôn luôn sẵn sàng tuân hành và phục vụ Chúa Quan Phòng, mà không hề đặt câu hỏi hay thắc mắc. Thánh Cottolengo hay nói: ”Tôi là người chẳng làm được việc gì cho nên hồn, và tôi cũng không biết mình làm gì. Nhưng Chúa Quan Phòng chắc chắn biết điều Ngài muốn. Tôi chỉ giúp Ngài thôi. Hãy tiến lên trong Chúa”. Thành nhân cũng định nghĩa mình là cái tay quay máy xe của Chúa.
Bên cạnh làng Cottolengo thánh nhân cũng muốn thành lập 5 đan viện các nữ tu chiêm niệm và 1 đan viện cho các tu sĩ ẩn tu, và cha coi các đan viện này như con tim phải đập nhịp sống cho công trình của cha. Cha qua đời ngày 30 tháng 4 năm 1842 trong khi miệng lập đi lập lại ” Lậy Chúa Thương Xót, Lậy Chúa Thương Xót, Lậy Chúa Quan Phòng Tốt Lành Thánh Thiện... Lậy Đức Thánh Nữ Trinh, bây giờ tới phiên Mẹ”. Cả cuộc đời của thánh nhân là ”một ngày tình yêu sâu đậm”, như một nhật báo thời đó đã viết.
Và Đức Thánh Cha kết luận bài huấn du như sau: Hai vị thánh linh mục này đã sống chức thừa tác trong sự tận hiến toàn cuộc đời cho những người nghèo nàn rốt hết cần được trợ giúp nhất, bằng cách luôn tìm ra gốc rễ sâu xa, và suối nguồn bất tận hoạt động của mình trong tương quan với Thiên Chúa, bằng cách kín múc tình yêu của Chúa, với xác tín sâu xa rằng không thể thực thi bác ái, nếu không sống trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội. Ước chi lời bầu cử và gương sáng của các ngài chiếu soi chức thừa tác của biết bao linh mục đang quảng đại xả thân vì Chúa và vì đoàn chiên Chúa trao phó cho các vị, và giúp từng linh mục tươi vui quảng đại tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân.
Linh Tiến Khải
bài liên quan mới nhất
- Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949)
-
Karl Rahner -
Trong vòng 48 tiếng, hai linh mục người Ý truyền giáo tại Madagascar qua đời vì Covid-19 -
Cha Giovanni Mometti, người có vẻ “điên” vì tình yêu dành cho người phong cùi -
Cuộc đời Đức tổng Phaolô và chuyện tình với Mẹ -
Trái tim vĩ đại trong con người nhỏ bé -
Nhớ 70 năm ngày cha Phanxicô Trương Bửu Diệp ra đi -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Bài giảng Thánh lễ an táng Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài -
Ngày 23/9: Thánh Piô Piêtrelcina, linh mục
bài liên quan đọc nhiều
- Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp
-
Giám mục Việt Nam tiên khởi: Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) -
Lm. Ignatio Hồ Văn Xuân: Nhớ về một Người Cha -
“Nhớ Về Một Người Cha” - Nhân lễ giỗ lần thứ 20 của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức cha Jean Cassaigne -
Karl Rahner -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Giuse Lâm Quang Trọng -
Chân dung linh mục Việt Nam: cha Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh -
Chân dung linh mục Việt Nam: Đức Ông Gioan Maria Trần Văn Hiến Minh -
Tiểu sử Cha Tam - Phanxicô Xaviê Tam Assou: 80 năm ngày mất (1934-2014)