Giới Thiệu về Niềm Tin Baha’i
“Những liên hệ liên tôn được phát triển tốt hơn trong khung cảnh cởi mở với những tín hữu khác, ước muốn lắng nghe, tôn trọng và hiểu biết những người khác trong sự khác biệt của họ. Để đạt được điều đó, cần thương yêu người khác” (Ecclesia in Asia, số 31).
Cộng đồng Baha’i đang mừng đại lễ Ridvan, từ 21/4 đến 2/5, kỷ niệm Bahá'u'lláh bắt đầu sứ mạng. Trước năm 1975, cộng đồng tôn giáo Baha’i có 205.000 người tại Việt Nam. Họ là ai? Cộng đồng Baha’i tin những gì? Cuộc đời Đức Baha’u’llah, Đấng Biểu hiện của Thượng Đế cho thời nay như thế nào? Trong tinh thần của Tông huấn Giáo hội tại Á châu, chúng ta cùng “lắng nghe” chính đạo hữu Baha’I giới thiệu về niềm tin của họ qua bài viết sau đây.
Mục đích của Tôn Giáo Baha’i là thống nhất nhân loại
Tôn giáo Baha’i là tôn giáo thế giới vì mục đích thống nhất các sắc dân và chủng tộc trong một Niềm tin chung.
Tín đồ Baha’i là người tin nhận Đức Baha’u’llah, rằng Ngài là Đấng Hứa hẹn của mọi Thời đại trong Giao ước Trường tồn của Thượng Đế.
Tất cả các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế đều hứa hẹn một tương lai khi hòa bình và hòa hợp sẽ được thiết lập trên trái đất và nhân loại sẽ được sống trong thời đại hoàng kim.
Người Baha’i tin rằng thời khắc được hứa hẹn nay đã đến và rằng Đức Baha’u’llah chính là Đấng Hứa hẹn và Giáo lý của Ngài giúp cho loài người xây dựng một thế giới mới.
Vinh Quang trên mọi Vinh Quang (Danh của Thượng Đế)
Đức Baha’u’llah đã phán:
“Điều mà Đấng Thượng Đế đã an bài làm phương thuốc tối thượng và làm phương tiện mạnh mẽ nhất để chữa lành cho cả thế giới là sự hợp nhất tất cả các dân tộc trong một nền Chánh Đạo toàn cầu, một Đức tin chung. Điều này không thể nào hoàn thành được ngoại trừ bằng quyền lực của một Đấng Lương Y linh ứng, toàn lực và tài năng. Đây mới thật là chân lý, còn mọi điều khác chỉ là sai lầm.”
Đức Baha’u’llah cũng cho chúng ta biết rằng Thượng Đế là Đấng Sáng tạo. Ngài đã tạo ra vạn vật vì Tình yêu của Ngài và đã thiết lập Giao ước Trường tồn để hướng dẫn, tiếp sức và bảo vệ, giúp nhân loại tồn tại và phát triển theo ý chí và mục đích cao quý mà Ngài đã tạo nên loài người.
Giao Ước Trường tồn của Thượng Đế
“Hỡi Con của Loài Người! Ta yêu thích sự tạo sinh ra ngươi, do đó Ta đã tạo ra ngươi. Vậy hãy kính yêu Ta, để Ta nhìn nhận ngươi và ban cho tâm hồn ngươi tinh thần của sự sống.”
Đức Baha’u’llah dạy rằng chúng ta không thể nào hiểu được Bản Thể của Thượng Đế. Điều này có nghĩa rằng chúng ta không nên cố gắng hình dung ra hình ảnh của Thượng Đế, ví dụ nghĩ về Ngài như một con người. Nói chung, một tạo vật không thể hiểu được người sáng tạo ra nó. Ví dụ như cái bàn không thể nào hiểu được bản chất của người thợ mộc đã làm ra nó. Sự tồn tại của người thợ mộc hoàn toàn vượt ngoài khả năng hiểu biết của các vật thể mà anh ta đã tạo ra.
Mặc dù sự tồn tại của Thượng Đế vượt khỏi khả năng hiểu biết của chúng ta, tình yêu của Ngài tạo nên cuộc sống và sự tồn tại của chúng ta. Tình yêu đó liên tục tuôn đổ xuống chúng ta qua Giao ước Trường tồn của Ngài.
Theo Giao ước này, Thượng Đế không bao giờ bỏ mặc và không bao giờ thôi dẫn dắt chúng ta. Bất cứ khi nào loài người rời xa Ngài và lãng quên những lời dạy của Ngài, một Đấng Biểu hiện mới của Thượng Đế sẽ xuất hiện và sẽ nhắc cho chúng ta nhớ đến Ý chí và Mục đích của Ngài.
“Lạy Thượng Đế của con, con xin chứng nhận rằng Ngài đã tạo nên con để hiểu biết Ngài và tôn thờ Ngài.”
“Biểu hiện” có nghĩa là khải lộ, cho thấy một cách sáng tỏ những điều chưa ai được biết. Các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế khải lộ cho nhân loại về Thế giới và Ý chí của Thượng Đế. Vì thế, khi ta lắng nghe các Ngài, có nghĩa là chúng ta đang nghe Thượng Đế.
Đức Baha’u’llah cho chúng ta một ví dụ để giúp chúng ta hiểu được khái niệm về “Đấng Biểu hiện” như sau. Trong thế giới vật chất này, mặt trời là nguồn ánh sáng và hơi ấm cho trái đất, không có nguồn năng lượng này, sự sống sẽ không thể tồn tại trên địa cầu. Thế nhưng, mặt trời không thể đáp xuống mặt đất cũng như nếu chúng ta cố đến gần mặt trời, chúng ta sẽ bị tiêu hủy thành tro bụi.
Nhưng nếu chúng ta dùng một tấm gương sáng bóng và hướng nó về phía mặt trời, chúng ta sẽ thấy ảnh của mặt trời trong tấm gương. Tấm gương càng sáng bóng, hình ảnh phản chiếu của mặt trời càng hoàn hảo. Các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế là những tấm gương hoàn hảo do đó phản ánh được Ánh sáng của Thượng Đế một cách toàn mỹ. Tất cả các Tấm gương này phản chiếu cùng một Nguồn Ánh sáng.
Thế nên, dù Thượng Đế vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, qua mọi thời đại, các Đấng Biểu hiện của Ngài vẫn đến với chúng ta, sống giữa chúng ta, dẫn dắt, tiếp sức cho chúng ta về cả vật chất lẫn tinh thần.
Các Đấng Biểu Hiện của Thượng Đế
Các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế luôn dẫn dắt nhân loại.
Với lòng tôn kính sâu sắc đối với tất cả tôn giáo, người Baha’i tin rằng nguyên lý và cuộc đời của các Đấng Biểu hiện của Thượng Đế có cùng chung một mục đích và nền tảng.
“Lưỡi loài người không bao giờ đủ sức hát lên lời ngợi ca các Ngài một cách xứng hợp, và lời lẽ của loài người không bao giờ phô bày được sự huyền bí của các Ngài”.
Các Đấng Biểu hiện này của Thượng Đế hằng xuất hiện từ các thời kỳ xa xưa đến ngày nay. Giáo ly’ của các Ngài “xuất phát từ một Nguồn, là những tia sáng của cùng một nguồn Ánh sáng. Điều khác nhau giữa các Ngài là sự đáp ứng những nhu cầu của thời đại mà các Ngài xuất hiện.”
Mọi tôn giáo đều có hai mặt: mặt tâm linh vốn vĩnh cửu và trường tồn; mặt xã hội và lễ nghi, có tính cách phụ thuộc và tạm thời. Mặt xã hội này khác nhau giữa các tôn giáo, vì mỗi tôn giáo được mặc khải vào những thời đại khác nhau đến với những dân tộc khác nhau, những dân tộc này có nhu cầu và khả năng khác nhau.
Nền tảng chung của các tôn giáo được thấy rõ về mặt tâm linh, thống nhất. Ví dụ về sự tương đồng trong giáo lý tâm linh của tất cả các tôn giáo được giới thiệu trong các đoạn trích sau đây:
Ấn Độ giáo: “Luật chân chính là hãy trân trọng vật sở hữu của người khác như là vật sở hữu của chính ngươi.”
Do Thái giáo: “Điều gì ngươi không muốn kẻ láng giềng làm cho ngươi, thì đừng làm điều đó với họ.”
Bái Hỏa giáo: “Hãy làm điều ngươi muốn người khác làm cho ngươi.”
Phật giáo: “Hãy tìm cho người khác niềm hạnh phúc mà ngươi khao khát.”
Thiên Chúa giáo: “Tất cả những gì các ngươi muốn người đời làm cho các ngươi, thì hãy làm điều đó cho họ.”
Hồi giáo: “Không nên cư xử với anh em mình theo cách mà mình không muốn người khác đối xử với mình.”
Tôn giáo Baha’i: “Phước cho ai quý trọng anh em mình hơn chính bản thân mình.”
Qua bao nhiêu thế kỷ, tôn giáo đã bị xem là nguồn gốc của sự chia rẽ, thành kiến và bất hòa.
Ngày nay, nhiều thay đổi căn bản đã xảy ra, khoa học đặc biệt là các thành tựu về liên lạc viễn thông đã khiến các dân tộc và các nền văn hóa tiếp cận trực tiếp với nhau.
Với sự ứng nghiệm lời hứa sẽ trở lại của các Đấng Biểu hiện xưa, Đức Baha’u’llah - Đấng Biểu hiện của Thượng Đế cho thời đại này, chúng ta được khải lộ về nguồn gốc thống nhất của tất cả các tôn giáo, và nó phải là nguyên nhân của sự thống nhất và hòa hợp.
Đức Baha’u'llah - Vinh Quang của Thượng Đế
“Ánh sáng của thánh nhan Ngài soi đường cho ngươi, tại sao ngươi lạc đường được?”
Ngài sinh năm 1817 ở Tihran, Thủ đô của Iran. Từ thưở thiếu thời, Ngài đã có nhiều biểu hiện của sự vĩ đại. Ngài được hưởng sự giáo dục trong gia đình, chứ không qua trường lớp, vì Ngài bẩm sinh đã được ban cho kiến thức uyên thâm trực tiếp từ Thượng Đế.
Đức Baha’u’llah được sinh ra trong một gia đình cao quý; khi còn trẻ, Ngài đã được mời vào giữ chức vụ cao trong Triều đình, nhưng Ngài đã chối từ, vì Ngài tin rằng sứ mạng của Ngài là để giúp đỡ những người bị áp bức, nghèo khổ, bệnh hoạn và để bênh vực cho sự công bình.
Ngay khi Ngài công bố Chánh Đạo của Thượng Đế, Đức Baha’u’llah bắt đầu chịu sự đàn áp. Ngài đã sống cuộc đời bị lưu đày, lao tù và chịu cực hình; Ngài đã phải mang xiềng xích nặng nề trong ngục tối ở Tihran. Ngài đã bị lưu đày bốn lần từ vùng đất này sang vùng đất khác cho đến sau cùng Ngài bị đưa tới Thành phố Lao tù Akka, nơi mà Ngài gọi là “Nhà tù Lớn Nhất”. Trong một Kinh bản của Ngài, Đức Baha’u’llah phán: “Hãy nhớ đến những ngày của Ta trong những ngày của ngươi, và sự đày ải của Ta trong ngục thất xa sôi này. Và thử hỏi ngươi có thể kiên định trong tình yêu của Ta mà không ai có thể lay động trái tim ngươi, ngay cả khi đao kiếm kẻ thù nghịch tuôn mưa trên ngươi và ngay cả khi cả trời và đất trổi dậy chống lại ngươi.”
Mọi nỗ lực của hai triều đình hùng mạnh - triều đình của Vua Iran và của Hoàng đế Ottoman - nhằm chống lại Đức Baha’u’llah và Giáo lý của Ngài, nhưng Ánh sáng Chân lý không thể dễ dàng bị dập tắt - chính lượng nước được dùng để tưới vào ngọn lửa đã bị biến thành dầu và làm cho ngọn lửa càng bùng cháy mãnh liệt hơn, không gì có thể ngăn chặn được ảnh hưởng ngày càng rộng khắp của Đức Baha’u’llah; nhà cầm quyền càng đưa Ngài đi xa, con số những người bị thu hút bởi Giáo lý của Ngài, và tin nhận Cương vị và Uy lực của Ngài ngày càng gia tăng.
Bất kể sự đàn áp liên tục, Đức Baha’u’llah tiếp tục mặc khải Lời của Thượng Đế qua các Thánh Thư của Ngài trong suốt hơn 40 năm, Ngài đã đem đến vô lượng tình yêu và năng lực Thánh linh đến cho thế giới, vì thế thắng lợi của Tôn giáo Baha’i - Chánh Đạo của Ngài là điều tất yếu.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam
-
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi