Giáo lý Thánh Kinh: Bài 22 - Lương tâm

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 22 - Lương tâm

Bài 22. LƯƠNG TÂM

“Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thẳm sâu lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 16).

I. TIẾNG LƯƠNG TÂM

1. Kinh Thánh

- Roma 2,14-16: “Dân ngoại là những người không có Luật Môsê, nhưng một khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình… Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải”.

- 1 Gioan 3,19-20: “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự”.

2. Giáo lý

- Lương tâm hiện diện trong sâu thẳm lòng người, chỉ bảo cho con người vào đúng lúc phải làm lành hay lánh dữ, chuẩn y những chọn lựa tốt và phản đối những chọn lựa xấu. Nhờ phán đoán của lương tâm, con người cảm thấy và nhận biết những quy định của Lề luật thần linh.
“Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong tất cả các đại diện của Đức Kitô” (Hồng y Newman).

- Để lắng nghe và tuân theo tiếng lương tâm, cần phải trở về với lòng mình, vun đắp đời sống nội tâm. Đây là đòi hỏi đặc biệt cần thiết ngày nay trong một thời đại quá ồn ào và xáo động.

-Con người có quyền hành động cách tự do theo lương tâm, vì thế Giáo Hội tuyên bố : “Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, nhất là trong vấn đề tôn giáo” (Tuyên ngôn Phẩm giá con người, số 3).

II. PHÁN ĐOÁN SAI LẠC

1. Kinh Thánh

- 1Timôthê 3,9: Các trợ tá “phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn. Họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin với lương tâm trong sạch”.

-2 Timôthê 1,3: “Tôi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng tôi phụng thờ với lương tâm trong sạch”.

- 1Phêrô 3,21: “Lãnh nhận Phép Rửa không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, nhưng là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm torng trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô”.

- Công Vụ 24,16: “Cả tôi nữa, tôi cố gắng để trước mặt Thiên Chúa và người ta, lương tâm tôi không có gì đáng chê trách”.

2. Giáo lý

- Lương tâm có thể rơi vào tình trạng thiếu hiểu biết và đưa ra những phán đoán sai lầm. Điều này có thể xảy ra do bản thân mỗi người, ví dụ : thói quen phạm tội khiến lương tâm bị mù quáng, nô lệ các đam mê, khước từ thẩm quyền và đạo lý của Hội Thánh… Khi đó, cá nhân phải chịu trách nhiệm về sự sai lầm.

- Trong trường hợp sự thiếu hiểu biết là không thể vượt thắng, thì cá nhân không phải chịu trách nhiệm; tuy nhiên cái xấu vẫn là xấu và cần sửa chữa những sai lầm.
- Đức tin chân chính sẽ soi sáng cho lương tâm ngay chính và trong sạch.

III. HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM

1. Kinh Thánh

- Mt 7,12: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”.

- 1Cor 8,12: “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô”.
- Roma 14,21: “Tốt nhất là tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã”.

2. Giáo lý

- Vì phán đoán của lương tâm có thể sai do thiếu hiểu biết, do những ảnh hưởng tiêu cực và do cám dỗ xấu, nên cần huấn luyện cho mình một lương tâm ngay chính và chân thật: một lương tâm đưa ra những phán đoán phù hợp với điều thiện đích thực mà Chúa muốn.

- Việc huấn luyện lương tâm phải được bắt đầu từ tấm bé và kéo dài suốt cuộc đời. Trong việc huấn luyện này, Lời Chúa phải là ánh sáng soi dẫn chúng ta. Đồng thời phải lắng nghe những giáo huấn của Hội Thánh vì những giáo huấn này hiện tại hóa Lời Chúa trong hoàn cảnh sống của con người. Những hồng ân của Chúa Thánh Thần, chứng tá và lời khuyên nhủ của người đạo đức…tất cả là sự nâng đỡ trong việc huấn luyện lương tâm.

- Những quy tắc sau cần được áp dụng trong mọi trường hợp:

(1) Không bao giờ được nhân danh điều tốt để làm điều xấu (mục đích biện minh cho phương tiện);

(2) Hãy làm cho tha nhân điều mà chúng ta muốn họ làm cho mình (Mt 7,12);

(3) Luôn tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ (Roma 14,21).

Phút hồi tâm

Lương tâm là cung thánh của Thiên Chúa nơi lòng người, ở đó mỗi người gặp gỡ Chúa và lắng nghe tiếng Ngài. Tôi có thường xuyên lắng nghe không?

Cầu nguyện: Hát “Lắng nghe Lời Chúa”

Top