Giáo hội sắp có thêm một nữ tu được tuyên thánh, một chân phước và một số Đấng Đáng kính mới
Ngày 24/1/2024, trong cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng y Marcello Semeraro, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh ban hành sắc lệnh công nhận một phép lạ được cho là nhờ sự chuyển cầu của Chân phước Maria Leonia Paradis, nữ tu người Canada, đấng sáng lập Dòng các Tiểu Muội của Thánh Gia. Với phép lạ này, Sơ Maria Leonia sẽ sớm được Giáo hội tuyên thánh. Bộ Phong Thánh cũng công bố sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của Tôi tớ Chúa Michał Rapacz, một linh mục Ba Lan bị sát hại vì sự thù ghét đức tin. Do đó ngài sẽ được Giáo hội tuyên phong chân phước. Và cuối cùng, Bộ cũng công bố các sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các Tôi tớ Chúa: đó là hai tu sĩ dòng Capuchino là Đức cha Guregh Hovhannes Zohrabian, người Armenia, Giám mục hiệu tòa Acilisene, và Cha Gianfranco Maria Chiti người Ý; Sebastián Gili Vives, linh mục người Pháp sáng lập Tu hội Nữ tử Phù hộ Thánh Augustinô; và Maddalena Têrêsa Hài đồng Giêsu, nữ tu người Ý thuộc Dòng Nữ tử của Giáo hội. Do đó, các ngài sẽ được tôn là các Đấng Đáng kính.
Tiểu sử sơ lược
Sơ Maria Leonia Paradis - người phụ nữ tận tâm hỗ trợ các linh mục
Sơ Maria Leonia Paradis đã được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước vào ngày 11 tháng 9 năm 1984 tại Montréal. Sơ sẽ được kể vào số các vị thánh bởi vì nhờ lời cầu bầu của sơ, một em bé sơ sinh được chữa lành cách kỳ diệu khỏi “bệnh ngạt chu sinh kéo dài khiến suy đa cơ quan và bệnh não”. Phép lạ xảy ra tại Saint-Jean -sur-Richelieu, ở Québec, vào năm 1986. Với phép lạ này sơ sẽ sớm được Giáo hội tuyên thánh.
Maria Leonia sinh ngày 12 tháng 5 năm 1840 tại L'Acadie, Canada. Cô gia nhập Dòng các Nữ tu Đức Maria Thánh giá khi mới 13 tuổi. Sơ tận tâm lo việc nội trợ trong các Tu viện của các Linh mục dòng Thánh giá và dấn thân vào việc giáo dục giới trẻ. Sơ được gửi đến nhiều tu viện khác nhau ở Canada và vào năm 1862 nhận được bài sai đến Hoa Kỳ. Sau khi trở về Canada theo lời mời của Cha Camillo Lefèbvre để đào tạo một số người trẻ về đời sống tu trì, Sơ Maria Leonia sau đó đã chấp nhận đề nghị của Tổng Giám mục Montréal để thành lập một cộng đoàn mới theo nhu cầu của các học viện của ngài. Vào ngày 31 tháng 5 năm 1880, Dòng “Các Tiểu Muội Thánh Gia” được thành lập, với mục đích cụ thể là phục vụ trong các cộng đoàn tu trì, các học viện và chủng viện. Các cộng đoàn mới được mở ra, trong đó Mẹ Maria Leonia khuyên các nữ tu của dòng nên giúp đỡ các linh mục về vật chất và tinh thần, và nhờ đó, trong các nhà xứ và chủng viện, người ta có thể hít thở bầu không khí đặc trưng của Thánh Gia Nazareth, được tạo nên từ sự trong sáng và hòa bình, trật tự và khôn ngoan. Mẹ Maria Leonia qua đời ngày 3 tháng 5 năm 1912 tại Sherbrooke, thọ 72 tuổi. Dòng do Mẹ thành lập không chỉ lan rộng ở Canada mà còn ở Honduras, Ý và Hoa Kỳ.
Một linh mục tử đạo tại Ba Lan thời cộng sản
Cha Michał Rapacz sinh ngày 14 tháng 9 năm 1904 tại Tenczyn, Ba Lan. Ngài vào Chủng viện Krakow năm 1926 và được thụ phong linh mục 5 năm sau đó. Được gửi đến Płoki làm linh mục phụ tá tại giáo xứ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria, sau đó cha thực hiện mục vụ ở Rajcza, nhưng vào năm 1937, cha trở lại Płoki với tư cách là giám quản của giáo xứ. Sau khi Đức chiếm đóng, cha buộc phải giảm bớt hoạt động mục vụ, vì việc giảng dạy đạo Công giáo, hôn nhân giữa người Ba Lan và người Đức, tất cả các cử hành và hoạt động vào buổi chiều ở các giáo xứ và các cơ sở Công giáo đều bị cấm.
Sau chiến tranh, ở Ba Lan, dưới sự cai trị của Liên Xô của Stalin, chế độ cộng sản được thành lập, công khai tuyên chiến với tôn giáo và Giáo hội. Vào đêm ngày 11 tháng 5 năm 1946, một nhóm vũ trang xông vào nhà xứ Płoki và bắt cóc Cha Michał, giết chết ngài trong khu rừng gần đó. Vị linh mục, nhận thức được mối nguy hiểm mà mình đang gặp phải và sẵn sàng đối mặt với nó và hy sinh mạng sống để trung thành với Chúa Kitô và Giáo hội, đã bị sát hại vì hoạt động mục vụ của ngài, điều mà chế độ không ưa thích, và việc xử tử cha không phải là một sự kiện cá biệt, nhưng là một phần hoạt động của chính phủ nhằm "giải phóng" Ba Lan khỏi ảnh hưởng của Giáo hội và các lãnh đạo quan trọng nhất của Giáo hội.
Một Giám mục sát cánh cùng dân tộc Armenia
Xuất thân từ Erzerum, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức cha Guregh Hovhannes Zohrabian là một người có tính hài hước, khiêm tốn, tinh thần phục vụ và ý thức sâu sắc về công lý. Ngài sinh ngày 25 tháng 6 năm 1881 trong một gia đình nghèo và theo Kitô giáo, sau đó bị tiêu diệt trong cuộc diệt chủng người Armenia. Ngài gia nhập dòng Capuchino tại tu viện ở Istanbul vào năm 1894. Mười năm sau khi được thụ phong linh mục, cha được gửi đến cứ điểm truyền giáo Trebizond, ở Erzerum; ở đây, ngài tận tâm phục vụ mục vụ, làm linh hướng, giảng dạy và chăm sóc bệnh nhân.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, cha đang ở Istanbul và bị ngăn cản quay trở lại điểm truyền giáo của cha, do đó cha định cư tại tu viện Thánh Lu-y. Khi chiến tranh kết thúc, cha đã chăm sóc hàng trăm thiếu nữ Armenia mồ côi do nạn diệt chủng và vào năm 1920, tại Trebizond, cha đã cung cấp nhà thờ và tu viện cho những người Hy Lạp từ vùng Pontic đã bị trục xuất khỏi đất của họ. Vì lý do này cha bị đuổi ra khỏi thành phố và sau đó bị bắt ở Istanbul. Bị tra tấn trong ba ngày, cha bị kết án tử hình vì cáo buộc sai trái, nhưng vào giây phút cuối cùng, cha được trả tự do và bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, cha đến Hy Lạp, nơi cha chăm sóc hàng ngàn người tị nạn Armenia.
Được gia nhập Tỉnh dòng Capuchino của Palermo, vào ngày 21 tháng 11 năm 1938, cha được bổ nhiệm làm đại diện thượng phụ của Alta Gezira, ở Syria, và vào ngày 8 tháng 6 năm 1940, cha được chọn làm giám mục hiệu tòa Acilisene. Tuy nhiên, hoạt động của ngài đã làm phiền chính quyền Hy Lạp, họ quyết định theo dõi và ngăn cản ngài thực hiện sứ vụ tông đồ, đến mức từ chối cấp thị thực cho ngài vào và ở lại Hy Lạp. Do đó, Đức Cha Guregh Hovhannes Zohrabian đến Syria, ở đó ngài thực hiện các hoạt động mục vụ và phúc lợi mạnh mẽ, xây dựng trường học, nhà thờ và nhà ở cho các linh mục và giảng dạy riêng cho nhiều học sinh. Do sức khỏe yếu, ngài từ chức giám mục Alta Gezira và định cư ở Roma, tiếp tục các hoạt động bác ái và tông đồ ủng hộ người Armenia. Đức Cha qua đời vào ngày 20 tháng 9 năm 1972.
Một người lính có tâm hồn của Thánh Phanxicô
Một tu sĩ khác dòng Capuchino được Giáo hội công nhận các nhân đức anh hùng là Gianfranco Maria Chiti, một người Ý có đức tin mạnh mẽ, với lòng sùng kính Đức Mẹ và Thánh Thể sâu sắc. Gianfranco Maria sinh ngày 6 tháng 5 năm 1921 tại Gignese, tỉnh Novara. Từ khi còn là một cậu bé, Gianfranco Maria đã được thu hút bởi đời sống và linh đạo của dòng Phanxicô, nhưng lại bắt đầu sự nghiệp quân sự. Năm 1942, anh được cử đến mặt trận Slovenia-Croatia, nơi anh đã cống hiến hết mình. Sau đó, với tư cách là tình nguyện viên cho mặt trận Nga, anh tham gia Trận chiến sông Đông và bị thương và sau đó chứng kiến sự rút lui đầy kịch tính của Nga.
Trong bối cảnh chiến tranh bi thảm và các sự kiện chính trị diễn ra sau ngày 8 tháng 9 năm 1943, Gianfranco Maria tuy không chia sẻ hệ tư tưởng phát xít nhưng vẫn trung thành với Cộng hòa Xã hội Ý. Anh cũng đã làm hết sức mình để cứu người Do Thái và quân du kích, sau đó bị bắt, được trả tự do và sau đó được phục hồi trong Quân đội. Trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh luôn cảm thấy lương tâm xao xuyến, anh quảng đại thực hiện các công việc bác ái bảo vệ sự sống con người, thể hiện sự tôn trọng kẻ thù và lòng nhân ái đối với những người bị đàn áp chính trị; yêu thương và cởi mở với sự tha thứ, không bỏ bê việc cầu nguyện cho những người lính mà anh thấy đang hấp hối.
Năm 1950, anh tình nguyện tham gia sứ mạng quân sự của Ý ở Somalia. Bốn năm sau, Gianfranco Maria trở lại Ý và tiếp tục cuộc đời binh nghiệp cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1978. Sau đó, ông quyết định gia nhập Dòng Capuchino trong Tu viện Rieti. Ông được thụ phong linh mục vào ngày 12 tháng 9 năm 1982 và coi sóc các tập sinh. Sau đó, cha Gianfranco Maria được giao nhiệm vụ trùng tu Tu viện Orvieto. Nhờ cha nơi này trở thành nơi chào đón và điểm tham chiếu cho những người tìm kiếm sự an tĩnh và thiền định. Cha qua đời vào ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Bệnh viện Quân đội Celio ở Roma, sau một vụ tai nạn xe hơi.
Một linh mục bên cạnh trẻ em và người nghèo
Sebastián Gili Vives là người Tây Ban Nha, sinh ngày 16 tháng 1 năm 1811 tại Artà, quận Mallorca. Được thụ phong linh mục vào năm 1835 tại Ibiza, cha đặc biệt cống hiến hết mình cho trẻ em bị bỏ rơi và do có tính thương cảm, cha được bổ nhiệm làm quản lý một nhà trẻ có từ 250 đến 500 trẻ em. Để đảm bảo cho họ sự trợ giúp ngày càng tốt hơn, Cha Sebastián đã thành lập Tu hội Nữ tử Phù hộ Thánh Augustinô. Vào năm 1860, cha được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Palma.
Cha đặc biệt nổi bật trong trận dịch tả nghiêm trọng năm 1865 vì sự đóng góp quý báu mà cha cùng với dòng của cha thực hiện trong việc hỗ trợ những người nghèo nhất. Cha dành nhiều thời gian để cầu nguyện và cũng quan tâm đến hoàn cảnh của phụ nữ, những người chịu nhiều sự phân biệt đối xử vào thời điểm đó. Với tư cách là kinh sĩ của Nhà thờ chính tòa Palma de Mallorca, kể từ năm 1883, cha đặc biệt thúc đẩy việc sùng bái Thánh Tâm Chúa Giêsu, thiết lập việc thực hành đạo đức "Bốn mươi giờ", đồng thời tiếp tục dấn thân cho gia đình dòng tu của cha. Do tình trạng sức khỏe, cha qua đời vào ngày 11 tháng 9 năm 1894, hưởng thọ 83 tuổi.
Một cuộc đời dành cho việc cầu nguyện
Sơ Maddalena Têrêsa Hài đồng Giêsu có tên khai sinh là Maddalena Rosa Vopato, sinh ngày 24 tháng 7 năm 1918 tại Sant'Alberto di Zero Branco, thuộc tỉnh Treviso. Chị đã nhận thấy ơn gọi tu trì của mình từ thời niên thiếu. Sau khi tìm hiểu ơn gọi trong hai dòng tu, chị sống đời giáo dân tận hiến. Sau đó, vào năm 1943, chị gia nhập dòng Nữ tử của Giáo hội.
Vào ngày 18 tháng 1 năm 1945, khi bắt đầu tuần bát nhật cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, chị đã khấn với Chúa, dâng hiến cuộc sống “cho sự hiệp nhất của những anh chị em chia rẽ”. Bảy ngày sau, vào ngày 25 tháng 1, chị phải nằm trên giường bệnh và được chẩn đoán mắc bệnh áp xe tràn ở đốt sống cổ thứ năm do bệnh Pott, thường được gọi là viêm cột sống do lao. Nhập viện tại bệnh viện Venice Lido, chị đã sống căn bệnh đau đớn của mình với sự thanh thản mẫu mực, liên tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Vào ngày 18 tháng 5 năm 1945, chị được phép khấn dòng và qua đời chỉ hơn một năm sau đó, vào ngày 28 tháng 5 năm 1946, ở tuổi 27. Cuộc đời của sơ Maddalena là một cuộc đời đơn sơ nhưng đầy đau khổ. Sơ đặc biệt sùng kính Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Sau khi sơ qua đời, sự thánh thiện của sơ đã sớm được nhiều người biết đến. (Vatican News 24/01/2024)
bài liên quan mới nhất
- Thánh tích của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đến Rôma nhân Năm Thánh
-
Một nhân viên hải quan Congo sẽ được phong chân phước -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp sẽ được phong chân phước -
Thư của cha Tổng Quyền Dòng Giảng Thuyết về việc tuyên hiển thánh cho chân phước Pier Giorgio Frassati, O.P -
Một vị thánh an bình giữa cơn bách hại -
Hai Chân phước trẻ Frassati và Acutis sẽ được tuyên thánh vào Năm Thánh 2025 -
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và những ước nguyện -
Mừng lễ Các Thánh và những ước nguyện -
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Nhận diện sự thánh thiện -
Mười bài học thiêng liêng từ thánh nữ Têrêsa Avila
bài liên quan đọc nhiều
- Sự khác biệt giữa Thiên thần và Tổng lãnh thiên thần
-
Thánh Phaolô: Hành trình từ Damas đến Roma -
Những câu nói của các Thánh về lòng Chúa thương xót -
Thánh Valentine thực sự là ai? -
Điều gì đã xảy ra với Mười Hai Vị Tông Đồ ? -
Danh sách Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xếp theo ngày lễ -
5 vị thánh đã từng tan vỡ cõi lòng sẽ phù giúp bạn trong ngày Valentine -
"Cười đến phút chót với Chiara": những giây phút cuối đời của Chiara Corbella -
Phiên khai mạc cuộc điều tra Phong Chân Phước và Phong Thánh cho Đức cha Pierre Lambert de la Motte tại Tàpao -
Mộ Thánh Phêrô: Khi khoa học xác nhận Truyền thống