Giáo hội Hàn Quốc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ giữa muôn vàn thách thức

Giáo hội Hàn Quốc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ giữa muôn vàn thách thức

Giáo hội Hàn Quốc thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ giữa muôn vàn thách thức

TGPSG/ UCA News  -- Giáo hội Hàn Quốc đã có nhiều sáng kiến trong truyền giáo, phục hồi đời sống tín hữu và gia tăng ơn gọi. Bài viết sau đây cho thấy những việc làm rất cụ thể thiết thực của Giáo hội Hàn Quốc trong sản xuất nông nghiệp

Một trung tâm do Giáo hội điều hành tại Hàn Quốc đang thực hiện giáo dục cộng đồng về những nỗ lực của người nông dân trong việc sản xuất thực phẩm hữu cơ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày gia tăng và sự thờ ơ ngày càng nhiều đối với ngành nông nghiệp.

Giáo hội đã thành lập một trung tâm mang tên Trung tâm Chia sẻ Nông trại nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, xây dựng một xã hội đặt trọng tâm vào sự sống, và kết nối người nông dân với người dân thành thị.

Bà Lucia Lee Byung-im, một tình nguyện viên tại một trong những “trung tâm chia sẻ” này, đặt tại quận Seocho, thủ đô Seoul, luôn tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu đến khách hàng chất lượng của các sản phẩm hữu cơ được bày bán.

“Ngô này được trồng theo phương pháp hữu cơ bởi những người nông dân thuộc giáo phận Chuncheon,” bà Lucia giải thích về những trái ngô vừa được thu hoạch.

“Dù hạt nhỏ nhưng rất thơm và ngon,” bà nói thêm.

Lucia nhấn mạnh đến nỗ lực của người nông dân trong việc canh tác, kêu gọi người tiêu dùng biết trân trọng công sức ấy và hỗ trợ nông dân bằng cách mua sản phẩm của họ.

Lucia mong muốn có thêm nhiều người cùng “tham gia vào công việc bảo vệ sự sống và đất đai, cùng nhau bước đi trên con đường của Thiên Chúa.”

Nỗ lực phục hồi nông nghiệp của Giáo hội

Trung tâm này là sự tiếp nối những nỗ lực được Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc khởi xướng từ giữa thập niên 1990 nhằm hỗ trợ người nông dân đang gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn sau khi vòng đàm phán Uruguay thuộc Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) kết thúc năm 1994.

Vòng đàm phán này dẫn đến việc mở rộng nhập khẩu nông sản, làm xáo trộn thị trường nông nghiệp vốn trước đó được bảo hộ nghiêm ngặt tại Hàn Quốc.

Theo một báo cáo của tổ chức Bilaterals, giới sinh viên Hàn Quốc, khi đó đã  đáp ứng sự kêu gọi này rất cao, đã tham gia hỗ trợ người nông dân trong cuộc đấu tranh này.

Tuy nhiên, do thiếu sự hậu thuẫn, phong trào dần lụi tàn. Việc giảm trợ cấp của chính phủ và giá gạo giảm do cạnh tranh từ hàng nhập khẩu đã làm thu nhập của nông dân giảm mạnh.

Các quy định thương mại khi đó đã gây ra những biến động lớn về giá cả nông sản, thâm hụt kinh niên trong sản xuất nông nghiệp, sự di dân và lão hóa dân số ở nông thôn, cùng với tình trạng gia tăng số vụ tự tử trong giới nông dân.

Tổng giáo phận Seoul đã phát động Phong trào Cứu lấy các Cộng đồng Nông thôn vào năm 1994 nhằm phục hồi nông nghiệp.

Giáo hội cũng chọn Chúa Nhật thứ ba của tháng Bảy làm Chúa Nhật Cầu nguyện cho Nông dân, nhằm suy tư về giá trị của người nông dân, cùng cầu nguyện và hành động.

Thực hành canh tác hữu cơ giữa khó khăn

Một cuộc khảo sát do Tổng giáo phận thực hiện vào tháng 3 năm 2024 cho thấy nông dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, dù đã 30 năm kể từ khi phong trào được thành lập.

Trong số 328 thành viên của Hiệp hội Nông dân Công giáo được khảo sát, có đến 80,2% (263 người) cho biết họ không có người kế thừa làm nông nghiệp.

Ngoài ra, 64,3% người tham gia khảo sát xác định “sự biến mất của cộng đồng nông thôn do dân số nông thôn già hóa và tỷ lệ sinh thấp” là khủng hoảng lớn nhất mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt.

Trong số những người được hỏi, 30,5% cho biết thu nhập nông nghiệp hàng năm dưới 20 triệu won Hàn Quốc (khoảng 14.411 USD).

Dù đối diện nhiều thách thức và mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, những người nông dân Công giáo vẫn tiếp tục thực hành nông nghiệp không dùng phân bón hóa học hay thuốc diệt cỏ, theo kết quả khảo sát.

Gần 1/5 nông dân Công giáo (18,6%) cho biết họ đã thực hành nông nghiệp hữu cơ đặt trọng tâm vào sự sống trong vòng 11 đến 15 năm.

Trong khi đó, 18,3% cho biết họ đã canh tác bền vững từ 21 đến 25 năm.

Không chỉ đơn thuần là bán nông sản

Nhân viên tại các điểm bán hàng ở Seoul cũng tích cực quảng bá giá trị của nông sản hữu cơ cho khách hàng.

Gabriela Oh Yoon-kyung, một nhân viên tại Trung tâm Chia sẻ Sông Hán ở quận Yongsan, Seoul, thông báo với khách rằng họ có thể đặt mua “gà được nuôi dưới rặng cây dẻ hữu cơ.”

“Những con gà này được nuôi ngoài trời, không phải trong chuồng chật hẹp nên thịt rất chắc và ngon,” Gabriela chia sẻ.

Những nhân viên kiêm nhà hoạt động như Gabriela và Lucia đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về nỗ lực của người nông dân.

Gabriela cho biết cô bắt đầu giới thiệu cho khách hàng về thực phẩm hữu cơ sau khi được đào tạo về phong trào Nông trại của Chúng ta và khi họ có dịp đến thăm các vùng nông thôn để gặp gỡ nông dân.

“Tôi nhận ra điều quan trọng nhất là phải truyền tải được đến người tiêu dùng tư duy người nông dân đã dành trọn vào việc trồng trọt,” cô nói.

Tuy nhiên, công việc của họ không chỉ dừng lại ở việc bán hàng.

Gabriela và các cộng sự còn có nhiệm vụ mở rộng cộng đồng Nông trại của Chúng ta đến từng giáo xứ và duy trì kết nối thường xuyên với nông dân bằng cách trực tiếp đến thăm các vùng nông thôn.

Fx Hữu Sang (TGPSG) biên dịch từ  UCA News

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top