"Giải phóng" những ân huệ Thánh Thần

"Giải phóng" những ân huệ Thánh Thần

"Giải phóng" những ân huệ Thánh Thần

Thần học Kitô giáo về Chúa Thánh Thần được bắt rễ trong Do thái giáo. Từ ngữ Thần Khí chuyển dịch từ ruah trong tiếng Do Thái, và khi ta phát âm từ ruah, ta đã nghe như luồng gió và hơi thở của Thiên Chúa. Ngọn gió của Thiên Chúa, hơi thở của Thiên Chúa, tất cả đều quy về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Diễn ngữ “Thánh Thần” chỉ được dùng 7 lần trong Cựu Ước, còn những từ ngữ “Thần Khí Thiên Chúa” hay “Thần Khí của Chúa” được dùng đến 67 lần (trong Thánh Kinh Do Thái). Ngay từ những dòng đầu tiên của sách Sáng Thế (1,1), Thần Khí Thiên Chúa đã nhẹ nhàng bay lượn trên làn nước khởi thuỷ, đợi chờ thời điểm thuận tiện để biến hỗn mang thành trật tự.
Trong cuộc trò chuyện kỳ bí vào ban đêm với Nicôđêmô, chính Chúa Giêsu đã vận dụng hình ảnh gợi cảm về ngọn gió để nói về Thần Khí như ngọn gió muốn thổi đâu thì thổi (x. Ga 3). Đó chính là nhiệm vụ đầu tiên của Thần Khí trong Thánh Kinh: là sự hiện diện huyền nhiệm của Thiên Chúa trong lịch sử, sự hiện diện không thể nắm bắt bằng lôgích của con người và thế gian.
Nhiệm vụ thứ hai của Thần Khí trong Cựu Ước là sắp đặt mọi sự cho trật tự. Trình thuật sách Sáng Thế (chương 1) mô tả Thần Khí ngự xuống trên thế giới còn chưa có hình dạng và đã mang lại phép lạ tạo dựng, biến đổi cái hỗn mang thành vũ trụ, cái vô trật tự thành trật tự, cái vô danh thành cộng đoàn.
Nhiệm vụ thứ ba của Thần Khí trong Cựu Ước là ban sự sống. Trong sách Sáng Thế 2,7, ta đọc thấy: “Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” Nhờ hơi thở thần linh này, con người được biến thành một sinh vật, không chỉ đơn thuần là một thụ tạo nhưng là người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, để Thiên Chúa có thể ngỏ lời với họ và trao cho họ trách nhiệm chăm sóc thế giới.
Nhiệm vụ thứ tư của Thánh Thần là hướng dẫn. Trong Isaia 11,2, ta đọc: “Thần Khí Chúa sẽ ngự trên ngài: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí thông lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Chúa.” Kính sợ Thiên Chúa không phải là cái gì mang tính khủng bố nhưng có thể hiểu như sự ngỡ ngàng, kinh ngạc trước kỳ công của Chúa, công trình tạo dựng của Chúa.
Nhiệm vụ thứ năm của Thần Khí là chữa lành, được trình bày cách tuyệt hảo trong sách Ezekiel 36,26-27 : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi... Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.” Thần Khí bước vào, tái tạo, hồi phục sức khoẻ, xua tan tội lỗi.
Nhiệm vụ thứ sáu của Thánh Thần là nguyên lý phổ quát. Trong sách Joel 3,1-2, ta đọc thấy: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành tiên tri… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi nam tớ nữ.” Ngày sẽ đến khi tất cả nhân loại sẽ được Thần Khí chiếm hữu, và ngày ấy sẽ trùng hợp với thời đại mêsia mà các tiên tri đã nói đến và đã được trông đợi từ lâu. Chính nguyên lý này đã được thể hiện cách đặc biệt trong hoạt động và sứ vụ của Chúa Giêsu.
Nhiệm vụ thứ bảy của Thánh Thần xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần khi các môn đệ được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu nói bằng các thứ tiếng như Thánh Thần ban cho. Chúa Thánh Thần ngự đến khai mở sứ vụ của các Kitô hữu, sứ vụ có tầm vóc toàn cầu, vượt qua những ranh giới địa lý của Israel, bắt đầu từ Israel sang Roma, rồi từ Roma đến tận cùng trái đất. Đó là sứ vụ vượt trên những trở lực nhân loại và là sứ vụ có Thánh Thần làm sức đẩy.
Kinh nghiệm Công giáo
Chúa Thánh Thần làm cho kinh nghiệm Kitô giáo thực sự trở thành công giáo và phổ quát, mở ra cho mọi kinh nghiệm nhân loại. Công giáo có nghĩa là phổ quát và mở ra với thế giới. Không chỉ cho Canada, Bắc Mỹ, Âu châu hay Á châu, hoặc cho một phần nào đó trong thế giới hoặc cho một nhóm nào đó trong xã hội, nhưng phải mở ra cho mọi người và từng người. Tâm trí Chúa Kitô không phải là thứ tâm thức mang tính chắt lọc dành cho số ít nhưng là một viễn tượng từ đó toàn thể thế giới được đổi mới và cứu độ. Tuy nhiên, một tầm nhìn như thế, một tầm nhìn phổ quát về ơn cứu độ, đã không thể thực hiện cách dễ dàng và đòi hỏi nhiều hi sinh đau đớn.
Thật vậy, toàn thể Tân Ước có thể được hiểu cách chính xác như sự xuất hiện của tính công giáo và phổ quát trong đời sống Kitô hữu. Nếu Kitô giáo không ra khỏi tầm nhìn mang tính khu biệt và nhỏ bé thì có lẽ vẫn chỉ là sự thay đổi đôi chút kinh nghiệm của Do thái giáo, vẫn chỉ là một thứ đạo đức Do thái giáo tập chú vào Giêrusalem và sự khôi phục vương quốc Israel theo mặt chữ. Thế nhưng hai thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã khám phá ra rằng Kitô giáo không thể chỉ là như thế. Bởi vì họ đã nhận lãnh Thánh Thần là nguyên lý phổ quát, và Thánh Thần mở mắt họ để thấy được tầm vóc phổ quát của chân lý Kitô giáo ngang qua sự gặp gỡ những người không phải là Do Thái nhưng đã lãnh nhận Thánh Thần.
Các nghệ sĩ thời Trung Cổ thường làm nổi bật sự tương phản giữa Tháp Babel và “Tháp” Nhà Tiệc Ly. Babel tượng trưng cho tình trạng các dân bị phân chia vì tội lỗi. Lễ Ngũ Tuần nói lên niềm hi vọng rằng sự phân cách như thế không phải là điều tất yếu. Đám đông bị chia rẽ ở tháp Babel không thể sánh với đám đông hiệp nhất trong ngày lễ Ngũ Tuần. Babel là một đám đông, còn Ngũ Tuần là một cộng đoàn. Một dân không có Thiên Chúa sẽ mất khả năng hiểu biết nhau. Còn một dân được tràn đầy Thánh Thần sẽ nói với nhau từ trái tim đến trái tim.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ý nghĩa trọn vẹn của đời sống và sứ điệp của Chúa Giêsu được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần sống động trong cộng đoàn. Tân Ước như muốn nói rằng trong khoảnh khắc đó, các dân tộc trên địa cầu ngưng lại lối sống quen thuộc và cảm nghiệm được tất cả là một cộng đoàn do Thiên Chúa quy tụ. Giờ khắc ngắn ngủi và bừng sáng của ngày lễ Ngũ Tuần vẫn còn đó để sưởi ấm và khích lệ chúng ta đến tận hôm nay.
Ngày Quốc tế Giới Trẻ
Một trong những giáo huấn tuyệt vời về Chúa Thánh Thần trong thời gian gần đây là những gì đã diễn ra vào tháng 7 năm 2008 ở Sydney trong giờ canh thức của Ngày quốc tế Giới Trẻ. Giờ canh thức ở Randwick Racecourse ngày 19-07 đã bắt đầu trong đêm tối, rồi từ từ được chiếu sáng nhờ những ngọn đuốc do các vũ công cầm trên lễ đài, tượng trưng cho sự mở ra với Thánh Thần.
Đức Bênêđictô XVI ngỏ lời với các bạn trẻ: “Đêm nay chúng ta tập trung suy nghĩ xem làm thế nào để trở thành những chứng nhân. Các con biết rất rõ rằng chứng tá Kitô giáo được trao ban cho một thế giới mong manh về nhiều mặt. Sự duy nhất trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa đã bị suy yếu vì những thương tích trầm trọng khi các tương quan xã hội bị đổ vỡ, hoặc khi tâm trí con người bị tàn phá vì những khai thác và lạm dụng con người. Quả thật, xã hội ngày nay bị phân mảnh do lối suy nghĩ nông cạn, chỉ nhìn thấy cái trước mắt, coi thường chân trời toàn vẹn của sự thật, sự thật về Thiên Chúa và sự thật về con người. Trong chính bản chất của nó, chủ thuyết tương đối đã không thấy được bức tranh toàn thể. Nó không biết đến chính những nguyên lý làm cho chúng ta được sống và triển nở trong duy nhất, trật tự và hài hoà.”
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng nói tiếp: “Có những nỗ lực kiến tạo sự hiệp nhất nhưng thực ra lại xói mòn sự hiệp nhất. Tách biệt Chúa Thánh Thần ra khỏi Chúa Kitô đang hiện diện trong cơ cấu tổ chức của Giáo Hội sẽ chỉ làm mất đi sự hiệp nhất trong cộng đoàn Kitô giáo, vốn là ân huệ Thánh Thần. Ngày nay, một số người mô tả cộng đoàn địa phương cách nào đó như tách biệt khỏi cái gọi là Giáo Hội cơ chế, bằng cách cho rằng cộng đoàn địa phương thì uyển chuyển và mở ra với Thánh Thần, còn Giáo Hội cơ chế thì xơ cứng và không có Thánh Thần.
Ngài kết luận: “Chúng ta hãy cầu khẩn Thánh Thần. Ngài là Đấng thực hiện những công trình của Thiên Chúa. Hãy để cho những ân huệ của Ngài uốn nắn chúng con. Cũng như Giáo Hội đang trên đường lữ hành với toàn thể nhân loại, chúng con cũng được kêu gọi để triển khai những ân huệ Thánh Thần ngay giữa những thăng trầm của cuộc sống hằng ngày. Hãy để cho đức tin của chúng con thấm vào việc học tập, nghề nghiệp, thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Hãy để cho đức tin ấy được nâng đỡ bằng cầu nguyện và các bí tích… Cuối cùng, đời sống không phải là tích luỹ, cũng không chỉ là thành công. Sống đích thực là được biến đổi từ bên trong, mở lòng ra với năng lực của tình yêu Thiên Chúa. Khi đón nhận quyền năng của Thánh Thần, chính chúng con cũng có thể biến đổi gia đình chúng con, cộng đoàn và dân tộc của chúng con. Hãy giải phóng các ân huệ Thánh Thần! Hãy lấy sự khôn ngoan, can đảm, sự ngỡ ngàng và lòng kính sợ làm dấu hiệu nói lên sự cao cả của con người.”
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến
Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng lời Chúa Giêsu nói: “Đấng mà Chúa Cha sai đến sẽ dạy các con mọi sự và nhắc chúng con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26). Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói rất rõ về điều này khi khẳng định: “Chúa Thánh Thần là ký ức sống động của Giáo Hội.” Vào ngày lễ trọng, cũng là ngày khai sinh Hội Thánh, chúng ta hãy xin cho được ơn nhớ lại này, và ơn can đảm để đưa mầu nhiệm Thánh Thần trong Nhà Tiệc Ly vào thực tại của đời sống hằng ngày.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ngập tràn tâm hồn các tín hữu,
Và thắp lên ngọn lửa tình yêu của Chúa trong lòng họ.
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến,
Để Ngài đổi mới bộ mặt trái đất…
Bộ mặt của Giáo Hội, bộ mặt của cộng đoàn chúng con,
Bộ mặt của chính chúng con, trái tim chúng con. Amen.
Tuần Cửu nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 2009

Top