Gặp gỡ Mùa Vọng 2016: Để Chúa Đến trong Gia Đình

Gặp gỡ Mùa Vọng 2016: Để Chúa Đến trong Gia Đình

WGPSG -- Lúc 8g30 thứ Bảy, ngày 10/12/2016, tại phòng B102, Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, 6 bis Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM đã diễn ra ngày Gặp gỡ Mùa Vọng 2016 dành cho Giới Nghệ sĩ Công giáo, Ban liên lạc Ca trưởng, thân nhân và thân hữu do linh mục Trưởng ban Mục vụ Thánh Nhạc TGP Rôcô Nguyễn Duy tổ chức.

Buổi gặp gỡ với mong muốn Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân và Trao đổi (Giải đáp Thánh nhạc).

Trong buổi gặp gỡ, linh mục Rôcô Nguyễn Duy với vai trò là chủ tọa. Đại diện giới Nghệ sĩ công giáo có ca sĩ Thanh Sử và ca sĩ Khắc Thiệu. Ngoài ra, có hơn 50 người gồm các soeur, các ca trưởng, ca viên và đệm đàn của các giáo xứ trong TGP Sài Gòn đến tham dự.

PHẦN I: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Sau khi công bố Tin Mừng theo Thánh Luca (2,15-20 - Bài đọc Thánh lễ Rạng Đông 25/12), mở đầu buổi gặp gỡ, linh mục Rôcô nhắc lại về “Thư Chung gửi Dộng Đồng Dân Chúa” ngày 7 tháng 10 năm 2016, các giám mục Việt Nam tham dự Đại hội XIII Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm như sau:

Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;

Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.

Ngài chia sẻ: Muốn đẩy lùi bóng tối trong gia đình, muốn thắp lên nhiều ánh sáng trong gia đình thì chúng ta phải có Chúa. Một gia đình hoàn hảo phải có cha, có mẹ. Nhắc đến Mục đích của hôn nhân, ngài sánh ví như hai mặt của đồng tiền: Để yêu thương và sinh con để phát triển xã hội và thêm con cái của Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc đến một số trường hợp: Vợ chồng chưa thống nhất việc sinh con, chưa thống nhất cách dạy con và sinh con quá ít.

Đến đây, ngài đặt câu hỏi: Ánh sáng nào giúp cho gia đình hạnh phúc?

– Ngài mời gọi mọi người nhìn lại gia đình của Thiên Chúa có Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan cảm nghiệm được gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi chỉ có tình yêu, ngài định nghĩa: Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau, Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con bền chặt đến độ chỉ là một. Chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Để chiêm ngắm gia đình Thiên Chúa cụ thể hơn là chiêm ngắm gia đình Thánh gia Nadarét. Từ đây, linh mục Rôcô nhắn nhủ mọi người: dù cuộc sống có như thế nào, cũng đừng đánh mất mình. Đừng đánh mất những cái “yêu của thuở ban đầu” khi hai người gặp nhau.

Trong tình yêu nó chỉ mở ra chứ không khép lại. Cần phải biết cho đi, sẵn sàng chia sẻ để xây dựng gia đình của mỗi người như gia đình Thánh Gia.

PHẦN II: Trao đổi.

“Là ca trưởng, phải hát đúng tâm tình của nhạc sĩ. Phải chọn những bài hát phù hợp với thời gian, thời điểm cũng như độ tuổi của cộng đoàn đang tham dự Thánh lễ”. Đây là điều mà linh mục Rôcô nhắc đến đầu tiên trước khi bước vào phần trao đổi.

Hỏi: Thưa cha, các ngày lễ về Đức Mẹ, trong bài Hiệp lễ, mình có được hát bài Đức Mẹ không cha?

  • Tất cả các Thánh lễ, dù là Thánh lễ kính Đức Mẹ hay các Thánh, tất cả đều quy về Chúa. Ví dụ, khi cử hành Thánh lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội là lễ Trọng, thì hướng về Thiên Chúa đã ban hồng ân Vô Nhiễm cho Đức Mẹ. Nhờ qua Đức Mẹ là hình ảnh của Hội Thánh, Hội Thánh là vô tì tích.

Đầu lễ, chúng ta có thể hát về Đức Mẹ hoặc những bài nói về Đức Mẹ nhưng lại ca ngợi Thiên Chúa. Lúc tiến lễ (dâng lễ), có thể hát theo Mùa, hát theo Ngày lễ Đức Mẹ không sao.

Ca tiến lễ không buộc phải có bánh có rượu, dù ca đoàn hát không có bánh rượu, thì linh mục vẫn đọc thầm câu nguyện của ngài.

Lúc rước lễ, không hát về Đức Mẹ hoặc các Thánh. Tuy nhiên, chúng ta có thể hát bài “Linh hồn tôi tung hô Chúa, tung hô Chúa í a. Thần trí tôi mừng vui vời vợi, trong Đấng cứu chuộc tôi,…, mặc dù là bài hát về Đức Mẹ, nhưng lại là tung hô Chúa.

Kết lễ, sau phần ban Phép lành cuối lễ là chấm dứt Phụng vụ, vì thế những bài hát sau đó có thể chọn bất cứ bài nào tùy thích: về Đức Mẹ, về tạ ơn Chúa, về ra đi loan báo Tin Mừng…

Hỏi: Thưa cha, chúng ta có được phép sử dụng trống trong Thánh lễ hay không?

  • Giọng hát của con người vẫn là có hồn nhất. Hiện nay, Giáo hội Công giáo cho phép sử dụng các nhạc cụ trong Thánh lễ. Qua các thời kỳ, dân Thiên Chúa đã sử dụng nhiều loại nhạc cụ phát xuất từ những truyền thống và văn hóa của một dân tộc đặc thù, làm phong phú các thể loại và hình thức âm nhạc với những sắc thái khác âm thanh khác nhau. Nhiều loại nhạc cụ khác cũng làm phong phú việc cử hành Phụng Vụ, như khí nhạc (sáo, trúc, kèn…), đàn dây, các bộ gõ. Tuy nhiên, phải thích hợp để dùng vào việc thánh, xứng đáng với vẻ tôn nghiêm của thánh đường và thực sự giúp cảm hóa các tín hữu. Chia sẻ thêm, linh mục Rôcô nói: không được đưa tiết tấu của sân khấu vào trong Thánh lễ.

Hỏi: Thưa cha, bài Chú Bé Đánh Trống (The Little Drummer Boy) có được hát trong Thánh lễ Giáng Sinh không?

  • Bài hát này không được phép trong Thánh lễ.

Và ngài cũng trả các câu hỏi khác.

Xen kẽ giữa giờ giải lao, hai ca sĩ Khắc Thiệu và ca sĩ Thanh Sử phục vụ các bài Thánh ca.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 12g00 sau khi được linh mục Rôcô ban phép lành, mọi người ra về với tâm tình được góp nhặt thêm cho mình nhiều kiến thức về Thánh nhạc.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top