Đứng vững và Ngẩng đầu!

Đứng vững và Ngẩng đầu!

Đứng vững và Ngẩng đầu!

Để chờ đón ai đó đến nhà của ta, ta cần phải có một số việc phải chuẩn bị. Chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để chào đón vị khách quý đến trong nhà chúng ta. Thời gian chuẩn bị, thời gian chờ đợi nó có cảm giác làm sao đó. Nếu khi khách đến nhà thấy chủ nhà chờ đợi trong tâm trạng sẵn sàng đón tiếp sẽ vui hơn khi chủ nhà đang trong tâm trạng thờ ơ hững hờ. Trong thời gian chờ đợi mà chủ tiệc đi nằm nghỉ hay làm việc khác mà không chờ khách mà khách đến bất thình lình thì ắt hẳn khách cũng chẳng vui với thái độ thờ ơ của chủ tiệc.

Chúng ta mời ai đó đến nhà chúng ta dự tiệc dĩ nhiên chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng nhưng có thể hôm đó trời mưa hay hôm đó gặp nước thuỷ triều dâng hoặc nữa là rơi vào trong cái vòng xoáy của kẹt xe thì khách mời sẽ không đến đúng giờ như lòng ta mong muốn được. Có những bữa tiệc chờ đợi cả giờ đồng hồ khách mới có thể đến và mới bắt đầu nhập tiệc được. Kẻ đợi người đến chẳng ai mong cả nhưng rồi phải đón nhận cái thực tế ấy.

Chờ đợi khách đến dự tiệc đã quan trọng còn việc chờ Chúa đến quan trọng hơn cả chờ khách. Khách đến chỉ giải quyết vấn đề niềm vui, niềm hãnh diện của gia đình còn Chúa đến là giải quyết vấn đề sinh tồn, vấn đề ơn cứu độ của đời ta. Chúa đến không như khách, Chúa đến thật bất ngờ và cũng hoàn toàn bất chợt không hề báo trước để rồi mọi người phải tỉnh thức và sẵn sàng, phải đứng vững và ngẩng đầu chờ Chúa.

Tâm trạng chờ đợi Chúa đến trong thực tại cuộc sống này hết sức thực tế và ý nghĩa với cuộc sống hiện tại.

Chúa Giêsu cũng vậy, Chúa Giêsu đến vào lúc mà chúng ta chẳng thể nào ngờ được để rồi có nhiều thái độ, nhiều tâm tình khi Chúa đến: kẻ thì say ngủ, người thì bận bịu với biết bao nhiêu công việc.

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa được nghe công bố nói về sự kết thúc của “thời các dân ngoại” và sự xuất hiện của ngày chung thẩm nhân loại. Thánh Luca gợi lại ý tưởng về “những dấu chỉ” và những điềm tự trời được nói ở câu 11, song với nhân quan của sự xuất hiện.

Thánh Luca đã trình bày minh bạch rằng những chi tiết cánh chung đó không có nối kết với biến cố hủy diệt Giêrusalem hoặc với bất cứ thời điểm lịch sử nào. Nếu có đức tin vững chắc vào chiến thắng cánh chung sẽ luôn là sự nâng đỡ tuyệt vời cho người môn đệ ở mọi thời, nhất là trước những thử thách. Vì thế ngôn ngữ ở trình thuật Tin mừng hôm nay vọng vang âm hưởng ngôn sứ.

"Sẽ có điềm lạ..." (c. 25) Thánh Luca phân biệt rõ ràng giai đoạn sau cùng này và thời thảm họa có trước (x. nơi Thánh Matthêu và Thánh Maccô, không thấy sự minh bạch đó).

Theo văn chương khải huyền, những dấu chỉ trong hoàn vũ về mặt trời, mặt trăng, tinh tú vv ... gợi nhắc ngày thẩm phán sau cùng (x. Is 13,10; 34,4-6; Gr 4,23-24; Ed. 32,7-8; Gc 2,10; Tv 65,8. Lồng kết trong bối cảnh khải huyền của các lời ngôn sứ, trình thuật này ở Thánh Luca gợi nhắc sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa nơi thế giới này để giải thoát nó khỏi quyền lực ác và thiết lập Nước Thiên Chúa.

Thánh Luca nhấn mạnh hơn đến phản ứng, đến thái độ, đến tâm tình của con người trước viễn ảnh chung cuộc này (c. 25b-26): cuộc cánh chung trước tiên đó là một “màn cảnh diễn xuất” của con người.

"Con Người đến trong đám mây" (c. 27) Thánh Luca bỏ câu văn Mc 13,27 nhằm lôi kéo mọi chú ý về sự xuất hiện khải thắng của Đức Kitô . Hình ảnh này cũng đã từng được phác họa nổi bật ở truyền thống khải huyền, nhất là ở Đanien 7,13-14: “Tôi mãi nhìn các thị kiến ban đêm, thì này với mây trời như thể một Con người đi đến... Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân, các nước, các tiếng nói phải làm tôi Người. Quyền bính của Người sẽ không lay chuyển.

Những hình ảnh khải huyền đó diễn tả sự uy nghi thần thiêng của Đức Kitô. Người không còn xuất hiện “trong yếu đuối” của thân phận làm người trần thế, song với tất cả sự cao cả, huy hoàng của một Thiên Chúa: của con Thiên Chúa được tôn vinh.

Hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên vì ơn cứu rỗi gần rồi (c. 28)

Đây là một lời mời gọi đầy khích lệ. Những điềm kinh khủng nơi hoàn vũ sẽ làm khiếp sợ “các quốc gia” song đem lại hy vọng cho những ai theo Đức Kitô. Đây là lúc thời điểm bách hại thử thách đã chấm dứt: Ơn cứu rỗi của họ gần rồi. Hạn từ ơn cứu rỗi là ngữ vựng “đặc sắc” của thánh Phaolô (1 Cr 1,30: Rm 3,24; 8,23; Cl 1,14 vv...). Thánh Luca sử dụng ngữ vựng ơn cứu rỗi ở đây với ý nghĩa: bằng những hành vi quyền lực, Thiên Chúa giải phóng dân được chọn.

Dù được diễn tả khác, những “dấu chỉ” này trước Ngày Chung tận không trái ngược với cách miêu tả ở Lc 17, 20t và 21, 34t. “Ngày sau hết” sẽ được báo trước bằng các “dấu chỉ”, và rồi Con Người sẽ xuất hiện đột xuất như “ánh chớp”.

"Nước Thiên Chúa đến gần" (c. 29-33)

Trong dụ ngôn nhỏ này, chúng ta vẫn nhận ra những “nét” riêng của Thánh Luca: công thức dẫn nhập quen thuộc ở câu 29a và chi tiết biên soạn thêm “mọi cây khác” (c. 29b) nhằm cho giới độc giả Hy lạp không sống ở Palestina. Với dụ ngôn này, Thánh Luca triển khai và giải thích ý nghĩa câu 28 trước: “ơn cứu rỗi đã gần” .

Các ngươi hãy biết rằng Nước Thiên Chúa gần bên (c. 30-31)

Khi chúng đâm chồi nảy lộc, các ngươi biết là mùa hè gần bên. Cũng vậy khi thấy các điều ấy, hãy biết Nước Thiên Chúa gần bên. Mc 13,28 và Mt 24,32 diễn tả: “Con Người” đã gần bên, so sánh với câu 28: ơn cứu độ đã gần. Như vậy, trong khi Thánh Maccô và Thánh Matthêu nói về biến cố cánh chung thì Thánh Luca diễn tả biến cố đó qua hình ảnh Nước Thiên Chúa. Bởi vì trong nhân quan thần học Thánh Luca, không phải đến lúc cùng tận đó, Con Người mới đến khai mở Nước Thiên Chúa; Người đã khai mở rồi (Lc 12,20; 17,21) và sẽ dứt khoát thiết lập một cách viên mãn nước đó vào thởi điểm tối hậu này.

Vậy làm sao nhận ra Nước Thiên Chúa đến? Làm sao biết Con Người xuất hiện gần kề? Nhờ vào những “điềm” khủng khiếp loan báo sự tận cùng. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh cây vả nhằm nhấn mạnh đến các dấu chỉ của thời cứu độ (chứ không muốn miêu tả sự khủng khiếp của lúc chung tận). Ở Palestina, cây vả phân biệt với các cây khác như ôliu, cây sồi vv... Nó rụng hết lá vào mùa đông và có vẻ như khô chết. Bởi đó, khi nó đâm chồi nảy lộc, người ta dễ thấy hiện tượng này. Những mầm non cây vả đâm chồi từ vẻ bên ngoài khô chết (biểu tượng cho mầu nhiệm về sự chết và sự sống) là những dấu chỉ báo trước mùa hè.

Chúa Giêsu nói: cũng thế Đấng Thiên Sai có những dấu chỉ báo trước.

Hãy nhìn chúng: Kìa cây vả bắt đầu mọc xanh tươi, các mầm non nảy lên: mùa đông đã qua và mùa hè gần tới. ân Thiên Chúa được khơi dậy đến một cuộc sống mới. Thời điểm chung cuộc bắt đầu và Con Người đang gõ cửa (Kh 3, 20). Thời gian cứu độ đã đến, bởi chưng Con Người đã đến gần.

Những gợi nhắc đó rất phù hợp với thần học Thánh Luca về các thời điểm trong lịch sử cứu độ. Sau khi Giáo hội trãi qua những mùa đông khô héo, đầy thử thách, thì Nước Thiên Chúa gần bên.

"Thế hệ này sẽ không qua" (c. 32): Cách diễn tả của Thánh Luca “thế hệ này” có ý nghĩa rộng chỉ “nhân loại” nói chung. Vì chưng, lời khẳng định của thánh ký không liên kết với thời điểm cụ thể mà có giá trị mọi thời, Thánh Luca không đề cập đến vấn đề thời gian (x. Mc 13,32).

Hãy tỉnh thức (c. 34-36): Đây là phần kết luận của toàn diễn từ cánh chung. Trình thuật gợi lên một lời khuyên nhủ về sự tỉnh thức; xét về phương diện văn chương, đây là một biên soạn đậm nét văn hóa Hy lạp và chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng của Thánh Phaolô: so sánh câu 34 với 1 Tx 5,1-37 câu 33 với 1 Tx 5,8t.

Các ngươi tự cảnh giác (c. 34-35): Người Kitô hữu phải luôn biết cảnh giác đề phòng chống lại sự bận tâm thái quá và hơn nữa chống lại sự mất hút vào công việc trần thế (x. Lc 8, 14; 12, 22; 17,26-30). Bởi chưng, ngày cùng tận sẽ đến bất chợt như 1 “bẫy lưới” (x. Is 24,17). “Ngày ấy” (c. 35), ngày thẩm xét, là một góc cạnh khác của “ngày cứu độ” (c. 28). Nó sẽ xông đến bất thình lình trên toàn dân cư khắp mặt đất hết thảy, gợi nhắc lại tính phổ quát của sự xét xử chung cuộc.

"Cầu nguyện xin cho có sức " (c. 36): Đây là một chủ đề nổi bật của Tin Mừng Luca (x. Lc 18,1; 24,53; 18,7; Rm 1,9-10; 1 Cr 1,4; Ep 5,20; Pl 1,3-4; Cl 1,3; 4,12; 1 Tx 1, 2-3; 3,10; 1 Tm 5,5; Kh 4,8; 7,15 vv...).

Những thử thách sẽ bất chợt vây bủa mỗi người, họ cần tỉnh thức luôn. Tuy nhiên, mỗi người sẽ “có phần” ở thời sau hết này. Và cuộc sống hôm nay của họ sẽ quyết định số phận “trước mặt Con Người”.

Quyết định, thái độ của con người được thánh Phaolô nhắc nhở trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Thessalônica mà chúng ta vừa nghe: Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

Không chỉ nói đến phúc lành mà Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta trong ngày quang lâm mà Thánh Phaolô còn chỉ dạy chúng ta cách sống nữa: anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa.

Thánh Phaolô đã khuyên dạy mỗi người hãy sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Thái độ, tâm tình đẹp lòng Thiên Chúa đó phải chăng là thái độ ngẩng đầu và tỉnh thức trong ngày Chúa đến như trong Tin mừng hôm nay.

Xin cho Chúa cho chúng ta dù mãi mê với thế sự thăng trầm này nhưng lòng vẫn khăng khít với giá trị vĩnh cứu ở trên trời.

Xin Chúa cho chúng ta luôn ngẩng đầu và tỉnh thức để chờ đón Vua Vĩnh Cửu đến với đời ta bất cứ lúc nào và xin Vua Vĩnh Cửu cũng cho ta vào Vương Quốc của Ngài để cùng hưởng vinh quang như Ngài đã từng hứa.

Top