Đức Hồng y Filoni gặp gỡ Dân Chúa ở Sài Gòn
WGPSG -- Đức Hồng y Fernando Filoni (ĐHY Filoni) đã kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam bằng một ngày sinh hoạt mục vụ liên tục tại Tổng giáo phận TP.HCM: ngày Chúa nhật 25-1-2015. Vừa cử hành xong Thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa, ngài đã đến thăm ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, gặp gỡ chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse và chuyện trò với Dân Chúa Sài Gòn tại Trung tâm Mục vụ giáo phận. Vào buổi chiều, ngài ghé thăm giáo xứ Gia Định trước khi ra sân bay Tân Sơn Nhất lên phi cơ bay về Rôma.
Thăm viếng ĐHY GB Phạm Minh Mẫn
Vừa cử hành Thánh lễ xong, ĐHY Filoni đã đến Nhà Truyền Thống giáo phận lúc 10g30 để viếng thăm ĐHY Gioan Baotixita đang nghỉ hưu tại đây. ĐHY Filoni đã cảm nhận ngay được rằng: sự hiện diện của ĐHY Gioan Baotixita ở nơi này quả thật rất nồng ấm như một người cha và như một ông nội hiền từ, luôn gần gũi con cháu để truyền đạt tình thương và sự khôn ngoan dày dạn kinh nghiệm của mình (ĐHY Filoni nói như thế với các chủng sinh Sài Gòn ngay sau khi gặp gỡ ĐHY Gioan Baotixita).
Trao đổi câu chuyện với ĐHY Tổng trưởng, ĐHY Gioan Baotixita đã chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo của ngài: “Ở Việt Nam, chúng tôi có 7 con chiên ở trong chuồng và 93 con chiên xa bầy. Chúng tôi đã kêu gọi 7 con chiên trong chuồng cùng ra ngoài với chủ chăn Giêsu để đi tìm 93 con chiên còn đang lạc lõng… Việc tân phúc âm hoá ở Việt Nam, muốn có hiệu quả thì phải biết để ý đến thiên thời, địa lợi và nhân hoà…”
Nhắn nhủ các chủng sinh
Rời căn phòng hưu dưỡng của ĐHY Gioan Baotixita, ĐHY Filoni và phái đoàn đã bước vào Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (ĐCV) gặp gỡ quý cha giáo và các chủng sinh.
Cha Giám đốc Gioakim Trần Văn Hương long trọng chào mừng ĐHY Tổng trưởng rồi giới thiệu đôi nét lược sử và chương trình đào tạo của ĐCV.
Đáp từ, ĐHY Filoni diễn tả sự vui mừng vì có Đức Hồng y Gioan Baotixita và bao nhiêu vị chủ chăn hằng lui tới nơi đây như những tấm gương cho chủng sinh. Ngài đã tặng ĐCV một áo lễ diễn tả sự hiện diện của linh mục giữa đoàn chiên. Ngài nhắc nhở các chủng sinh cần đọc kỹ hai văn kiện "Lumen Gentium" và "Ad Gentes" của Công đồng Vatican II để biết rõ vai trò của mình trong Giáo hội và xã hội. Cần ghi khắc hình ảnh vị mục tử Giêsu trong tim, gắn bó với Ngài, noi gương Ngài để luôn gần gũi với đàn chiên, “mang lấy mùi chiên”, mang lấy những âu lo của những con chiên. Giáo Hội không cần những linh mục luôn đi tìm những an nhàn, thoải mái và tiện nghi cho bản thân mình mà quên đi những khó khăn của đàn chiên. Giáo Hội Việt Nam được như ngày nay là nhờ sự nhiệt thành hy sinh truyền giáo của bao nhiêu vị thừa sai. Hãy nhiệt thành xả thân như thế! Hãy truyền giáo trong vui tươi và hăng say. “Thiếu vui tươi thì giống như chiếc xe sắp hết dầu, và thiếu hăng say thì giống như chiếc xe đã hết xăng!”
(Mời xem hình: ĐHY Filoni thăm ĐHY Mẫn và ĐCV SG)
Nói chuyện với dân Chúa Sài Gòn
Sau khi gặp các chủng sinh, ĐHY Filoni đã đến Hội trường GB Phạm Minh Mẫn lúc 11g30 để nói chuyện với trên 600 đại biểu của mọi thành phần Dân Chúa Sài Gòn, bao gồm các đại diện của tu sĩ nam nữ, của các Hội đồng mục vụ giáo xứ, các Hội đoàn Công giáo Tiến hành, các giới và các nhóm.
Sau những lời chào mừng của MC và điệu múa chúc mừng của giới trẻ và thiếu nhi, ĐHY Filoni đã bước lên lễ đài ban huấn từ. Ngài diễn tả niềm vui được thăm cả ba miền đất nước Việt Nam xinh đẹp và hiếu khách, và mong rằng ĐTC cũng sẽ có thể đến được nơi này. Dựa vào dụ ngôn ông chủ vườn nho nhân hậu, ĐHY Filoni nhắc nhở: “Thiên Chúa là chủ vườn nho, mời gọi chúng ta đến làm việc trong vườn nho của Ngài với những vai trò và công việc cụ thể khác nhau. Nhưng chúng ta đều phải chu toàn trách nhiệm của mình, không phân biệt linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Tất cả đều cần ra khơi để mang Đức Kitô đến với người khác. Phải sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trước, rồi đi ra hăng say loan báo Tin Mừng”.
Tiếp theo là phần báo cáo về sự hình thành và phát triển của Tổng Giáo phận TP. HCM, của Đại Chủng viện, Trung tâm mục vụ, các giáo xứ và các giáo điểm. Phần báo cáo về công cuộc truyền giáo rất phong phú của tu sĩ, giáo dân và giới trẻ cũng được trình bày cách sống động.
Đang khi báo cáo, có ba câu hỏi đã được đặt ra để nhận được lời giải đáp từ ĐHY Tổng trưởng.
Câu hỏi của tu sĩ: “Với tốc độ đô thị hoá, tục hoá và toàn cầu hoá như hiện nay, Việt Nam chúng con cũng có thể rơi vào tình trạng không còn ơn gọi như nhiều quốc gia châu Âu. Vậy anh chị em tu sĩ chúng con phải chuẩn bị như thế nào trước thách đố này?” Câu trả lời của ĐHY Filoni: “Tôi không thể trả lời cho anh chị em vì tôi đâu phải là Chúa để biết hết mọi sự. Tuy nhiên tôi có thể nói đến hai căn bệnh: bệnh của người lười biếng không làm gì hết và bệnh của người muốn làm hết mọi sự, không để chỗ cho Chúa làm việc. Phải để cho Chúa làm công việc của Chúa và Ngài có cách của Ngài. Lịch sử là của Chúa chứ không phải là của con người. Từ đầu lịch sử vũ trụ, Chúa đâu cần hỏi ý kiến con người khi Ngài dựng nên trời đất. Ngài cũng đâu cần hỏi ý kiến của ta khi dựng nên ta. Với tư cách là Chúa của lịch sử, Ngài sẽ có cách giúp ta vượt qua những thách đố trong lịch sử. Việc của ta là hãy cứ khiêm tốn và nhiệt thành chu toàn bổn phận truyền giáo của mình trong hiện tại”.
Câu hỏi của giáo dân: “Chúng con phải làm gì trong một xã hội tục hoá để công việc tông đồ của chúng con sinh hoa kết quả nhiều hơn?” Câu trả lời của ĐHY Filoni: “Anh chị em đã trả lời câu hỏi này rồi khi anh chị em đang tích cực làm việc tông đồ. Những thống kê có khi cho những con số tiêu cực khiến ĐTC lo lắng, nhưng tôi đã từng thưa với ĐTC rằng những thống kê đó sai vì không cho thấy những hoạt động tông đồ giáo dân như của anh chị em đây mỗi ngày một tăng thêm. Công việc tông đồ truyền giáo là của mọi người, anh chị em cứ hăng say làm tông đồ như thế trong xã hội tục hoá hôm nay, đó là câu trả lời!”
Câu hỏi của giới trẻ: “Chúng con sẵn sàng đi ra theo lời mời gọi của ĐTC, nhưng cha mẹ và quý cha sở của chúng con vẫn còn nhiều e ngại khiến chúng con khó có thể thực hiện những ‘chương trình đi ra’. Vậy chúng con phải làm gì để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và cha sở?” Câu trả lời của ĐHY Filoni: “Không thể để người trẻ ở trong môi trường đóng kín giống như bỏ cái đèn trong thùng kín. Phụ huynh hãy để người trẻ đi ra và đồng hành với họ. Không đi trước họ vì như vậy là độc quyền và không đi sau họ vì như vậy là không tin tưởng. Và người trẻ hãy cứ tiếp tục đi ra, cho dù bị té ngã, bị bầm dập…”
Buổi trao đổi kết thúc lúc 13g15 với lời cảm tạ của Cha Tổng Đại diện. Cộng đoàn Dân Chúa TGP TPHCM đã kính tặng ĐHY Filoni bức tranh đá “Bà Thánh Inê Lê Thị Thành”.
Gặp gỡ giáo dân Gia Định
Vào lúc 16g45, ĐHY Filoni đã đi qua hàng rào danh dự đầy hân hoan và muôn sắc màu của giáo dân Gia Định để bước vào nhà thờ. Cùng đi với ngài có ĐTGM Leopoldo Girelli, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và một số linh mục.
Sau khi ĐHY Tổng trưởng và phái đoàn cầu nguyện trước Thánh Thể, đại diện dân Chúa Gia Định đã long trọng chào mừng và trình bày đôi nét lược sử cũng như tình hình giáo xứ sở tại.
Đáp từ, ĐHY Filoni bày tỏ sự ngạc nhiên trước cuộc gặp gỡ sau cùng rất đẹp này. Ngài mô tả tấm lòng giáo dân Việt Nam cùng với sự nhạy cảm thiêng liêng và lòng yêu mến Giáo hội của họ quả là mãnh liệt không khác gì những cơn sóng thần! Ngài mong ĐTC có thể đến Việt Nam để chứng kiến, và không biết khi đó, “cơn sóng thần yêu mến” của giáo dân sẽ còn mạnh mẽ đến mức độ nào nữa! Ngài khuyên các tín hữu hãy tiếp tục công việc của các vị thừa sai là hăng say truyền giáo với trái tim đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu. ĐHY một lần nữa cám ơn ĐTGM Phaolô đã mời ngài đến Việt Nam và cám ơn Đức Ông Nguyễn Văn Phương đã làm thông ngôn cho ngài suốt hành trình thăm viếng Giáo hội Việt Nam lần này.
Sau đó mọi người cùng tham dự những giây phút Chầu Phép Lành đầy linh thiêng do cha sở Gia Định - cũng là linh mục Tổng đại diện - chủ sự.
Tạm biệt
Rời giáo xứ Gia Định, ĐHY Tổng trưởng đã ra phi trường Tân Sơn Nhất lên phi cơ lúc 20g55 để bay về Rôma. Cùng đi với ĐHY Filoni trên chuyến bay này có linh mục Tổng đại diện Ignatio Hồ Văn Xuân, người đã từng tháp tùng ĐHY Filoni trong suốt hành trình dài ở Việt Nam và mang theo những tấm lòng của giáo dân Việt Nam đi cùng ĐHY đến Vatican. Chắc chắn rằng những lời cầu nguyện của các tín hữu Việt Nam sẽ luôn đi cùng ĐHY trong những hoạt động truyền giáo của người đứng đầu Thánh bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.
bài liên quan mới nhất
- Đố vui Kinh Thánh trước thềm Đại Hội Giới Trẻ Tổng Giáo Phận Sài Gòn 2024
-
Giáo hạt Xóm Mới cầu nguyện cho các linh hồn -
Giáo hạt Xóm Mới Huấn luyện Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ -
Thánh lễ cầu nguyện cho các vị Giám mục và Linh mục của TGP Sài Gòn đã qua đời -
Linh mục đoàn Giáo hạt Thủ Thiêm tĩnh tâm và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn tháng 11 -
Bản Ghi nhớ cho việc Chăm sóc Mục vụ Di dân -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XIV của Tổng Giáo phận Sài Gòn -
Healing Night, Healing Love - Mẹ, Em & Tôi năm 2024 -
Thánh lễ Tạ ơn và Khai mạc năm Thực tập Mục vụ khóa 20 Đại Chủng Viện Sài Gòn -
Linh mục đoàn giáo hạt Gia Định tĩnh tâm tháng 10
bài liên quan đọc nhiều
- Tổng Giáo phận Sài Gòn: Giờ Thánh lễ và Chầu Thánh Thể trực tuyến
-
Tổng Giáo phận Sài Gòn: chương trình trực tuyến Tuần Thánh 2020 -
Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến -
Hướng dẫn xướng tên Giám mục trong Kinh nguyện Thánh Thể -
Dùng Podcast để nghe radio trực tuyến của TGP Sài Gòn trên thiết bị thông minh -
Linh mục đoàn Sài Gòn: Tĩnh tâm tháng 5/2023 -
Buổi cầu nguyện cho Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Phái đoàn Phát Diệm vào chào Đức Giám mục tân cử Phêrô Kiều Công Tùng -
Tĩnh tâm linh mục liên hạt Gia Định - Thủ Đức - Thủ Thiêm 2019 -
Thánh lễ Tạ ơn & cầu nguyện cho Đức tân Giám mục Phêrô Kiều Công Tùng ngày 20-5-2023