Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác”

NCR / TGPSG - Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người sẽ tròn 88 tuổi vào ngày 17 tháng 12, là vị giáo hoàng cao tuổi thứ hai trong lịch sử hiện đại (sau Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, người qua đời năm 1903 ở tuổi 93). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI từ nhiệm ở tuổi 85 và tiếp tục sống gần một thập kỷ nữa với tư cách là giáo hoàng danh dự. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời vào năm 2005 khi gần 85 tuổi.

Thế giới đang dần quen với các nhà lãnh đạo lớn tuổi, cả trong và ngoài Giáo Hội. Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gần 83 tuổi — và trở thành tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ — vào cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2029. Ngày càng có nhiều trường hợp người ở tuổi 80 và thậm chí 90 tiếp tục làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, tuổi thọ kéo dài cũng đặt ra viễn cảnh suy giảm sức khỏe. Tổng thống Joe Biden đã rút lui khỏi cuộc đua tái tranh cử vào tháng 7 sau khi bằng chứng về sự suy giảm liên quan đến tuổi tác khiến chiến thắng trở nên bất khả thi. Đức Gioan Phaolô II đã phải chống chọi với bệnh Parkinson trong những năm cuối đời. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđictô từ nhiệm vào năm 2013 — vị giáo hoàng đầu tiên làm điều này sau gần sáu thế kỷ — ngài viện dẫn “gánh nặng ngày càng gia tăng của tuổi tác,” cho rằng mình không còn đủ sức để đảm đương các nhiệm vụ của một vị giáo hoàng trong thế kỷ XXI.

Trong bài phát biểu từ nhiệm, Đức Bênêđictô cho rằng yêu cầu tinh thần và thể chất của sứ vụ giáo hoàng đã gia tăng “trong thế giới ngày nay, vốn đang phải đối mặt với nhiều thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề sâu sắc liên quan đến đời sống đức tin.” Sau đó, ngài tiết lộ rằng việc từ chức diễn ra sau khi bác sĩ khuyên không nên thực hiện chuyến bay đến Brazil tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới — một công việc không nằm trong nhiệm vụ nguyên thủy của người kế vị Thánh Phêrô.

Việc đối mặt với vấn đề lãnh đạo tuổi cao là một phần trong nỗ lực của Giáo Hội nhằm thích ứng với thế giới hiện đại. Công Đồng Vatican II (1962-65) đã giới thiệu khái niệm “giám mục nghỉ hưu,” kêu gọi các giám mục giáo phận từ chức khi “không còn đủ khả năng chu toàn trách vụ vì gánh nặng của tuổi tác hay vì lý do nghiêm trọng nào khác.” Trước đó, việc tại nhiệm trọn đời là thông lệ. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập quy định các giám mục nộp đơn từ nhiệm khi tròn 75 tuổi.

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI cũng quy định các hồng y trên 80 tuổi không được tham gia mật nghị bầu giáo hoàng. Quyết định này từng gây tranh cãi vào thời điểm đó. Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani, một tiếng nói bảo thủ hàng đầu trong Công Đồng Vatican II, đã phản đối: “Đây là một hành động xem thường truyền thống lâu đời hàng thế kỷ. Trong thực tế, qua nhiều thế kỷ, người ta luôn tin rằng tuổi tác lớn sẽ bảo đảm cho Giáo Hội có những cố vấn giàu kinh nghiệm, khôn ngoan và vững vàng về giáo lý.”

Tuy nhiên, giới hạn tuổi tác này đã tạo thuận lợi cho các giáo hoàng trong việc tái định hình thành phần cử tri mật nghị theo tầm nhìn của họ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm 79% số hồng y sẽ tham gia bầu người kế nhiệm ngài nếu mật nghị được tổ chức hôm nay. Ngài, vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Bán Cầu, đã giảm tỷ lệ hồng y cử tri từ Châu Âu – cái nôi lịch sử của Giáo Hội – từ 52% năm 2013 xuống còn 39%, đồng thời ưu ái những người có khuynh hướng tiến bộ về thần học và chính trị hơn những tiếng nói bảo thủ trong các lần bổ nhiệm.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ ra ít mặn mà với ý tưởng quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc cho giáo hoàng. “Có thể tưởng tượng điều đó, nhưng ý tưởng đặt ra một giới hạn tuổi không làm tôi thỏa mãn, vì tôi tin rằng sứ vụ giáo hoàng có một yếu tố mang tính thẩm quyền tối cao,” ngài chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015. Theo Giáo Luật, giáo hoàng “nắm giữ quyền tối thượng, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và có thể tự do thi hành quyền này bất cứ lúc nào.”

Vì thế, bất kỳ giới hạn tuổi nào mà ngài tự đặt ra cũng chỉ là gợi ý cho các vị giáo hoàng tương lai.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn ca ngợi người tiền nhiệm vì đã mở ra cánh cửa cho việc giáo hoàng từ nhiệm và tuyên bố rằng ngài cũng sẽ từ chức nếu thấy cần thiết. Ngài tiết lộ đã ký một lá thư từ nhiệm trong trường hợp mất khả năng điều hành — một biện pháp từng được thực hiện bởi các thánh Phaolô VI và Gioan Phaolô II, dù giá trị pháp lý của tài liệu này vẫn chưa rõ ràng.

Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trải qua hai ca phẫu thuật ổ bụng, từng nhập viện vì vấn đề hô hấp và phải sử dụng xe lăn từ tháng 5 năm 2022. Tuy nhiên, ngài vẫn hoạt động tích cực. Vào tháng 9, ngài đã thực hiện chuyến đi dài nhất trong triều đại giáo hoàng — một hành trình kéo dài 11 ngày qua Châu Á và Châu Đại Dương — và vào tháng 10, ngài chủ trì một kỳ Thượng Hội Đồng kéo dài một tháng tại Vatican. Dự kiến, Đức Thánh Cha sẽ thăm đảo Corse (Pháp) hai ngày trước sinh nhật và gần đây ngài cho biết có kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ để kỷ niệm 1.700 năm Công Đồng Nicaea vào năm 2025.

Khi tuyên bố từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô đã nói rằng "để lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, cần có sức mạnh cả tâm trí lẫn thể xác.” Người kế nhiệm ngài dường như quyết tâm chứng minh rằng ngài vẫn còn cả hai.

National Catholic Register: Francis X. Rocca

Chuyển ngữ: Hạo Nhiên

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top