ĐTC truyền chức linh mục cho 14 phó tế
Sau khi vừa bế mạc năm linh mục cách đây mười ngày, Đức Thánh Cha lại trở lại với đề tài linh mục hôm qua trong bài suy niệm trước khi đọc kinh Truyền tin, nhân dịp lễ truyền chức cho 14 giáo sĩ nhập tịch vào giáo phận Rôma trong Thánh lễ cử hành lúc 9 giờ rưỡi sáng tại đền thánh Phêrô. Các tân linh mục, tuổi từ 30 đến 49, tuy gia nhập vào linh mục đoàn của giáo phận Rôma, nhưng một nửa thuộc về phong trào Tân dự tòng, đến từ nhiều quốc gia (Ý, Chili, Ấn độ, Nhật bản) và sẽ được phái đến phục vụ ở chân trời khác. Vì Thánh lễ kéo dài đến gần giữa trưa, cho nên đức Bênêđictô XVI đã đến chậm mưởi phút sau khi chuông đổ, và ngài cáo lỗi trong bài suy niệm nguyên văn như sau:
Anh chị em thân mến,
Sáng nay, trong đền thờ thánh Phêrô tôi đã truyền chức linh mục cho 14 phó tế thuộc giáo phận Rôma, vì thế tôi đã đến muộn để đọc kinh Truyền tin. Bí tích Truyền chức bày tỏ, về phía Thiên Chúa, sự gần gũi ân cần của ngài đối với loài ngưòi, và về phía người chịu chức, nó nói lên tâm tình sẵn sàng trở nên công cụ cho sự gần gũi đó, nhờ tình yêu triệt để đối với Chúa Kitô và với Hội thánh. Trong bài Tin mừng chúa nhựt hôm nay, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” (Lc 9,20). Đáp lại câu hỏi đó, ông Phêrô thưa lại nhanh nhẹn: “Thầy là đức Kitô của Thiên Chúa”, và như vậy, ông đã vượt lên trên ý kiến của dư luận cho rằng đức Giêsu chỉ là một ngôn sứ mà thôi. Theo như thánh Ambrôsiô nhận xét, qua lời tuyên xưng đức tin ông Phêrô đã bao gồm tất cả mọi điều, bởi vì ông đã diễn tả bản tính và danh hiệu của Đấng Mêsia” (Exp. In Lucam VI, 93, CCL 14,207). Đứng trước sự tuyên xưng ấy, Chúa Giêsu đã lặp lại cho ông Phêrô và các môn đệ khác lời mời hãy đi theo ngài trên con đường cam go của tình yêu cho đến Thập giá. Cả với chúng ta nữa, là những người đã biết Chúa Giêsu nhờ đức tin vào Lời của ngài và các bí tích, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mởi hãy đi theo ngài mỗi ngày. Cả với chúng ta nữa, Chúa nhắc lại rằng để trở thành người môn đệ thì cần phải lãnh nhận quyền năng của Thập giá, là chóp đỉnh của tất cả mọi sự tốt lành và là vương miện của niềm hy vọng của chúng ta.
Thánh Maximus Confessor nhận định rằng “dấu chỉ quyền năng của Chúa Giêsu là thập giá mà ngài đã vác trên vai”. Thật vậy, chính Chúa đã dạy: “Ai muốn đi theo tôi thì hãy từ bỏ mình, vác lấy thập giá của mình mỗi ngày và đi theo tôi” (Lc 9,23). Vác thập giá có nghĩa là dấn thân để chiến đấu chống lại tội lỗi làm ngăn cản con đường dẫn đến Thiên Chúa, đón nhận mỗi ngày ý muốn của Thiên Chúa, tăng gia đức tin, cách riêng khi gặp phải những vấn đề, những khó khăn, những đau khổ. Thánh nữ Edith Stein, dòng Cát-minh, trong thời kỳ bách hại, đã chứng tỏ điều đó trong một bức thư viết từ đan viện Koeln năm 1938 như thế này: “Hôm nay tôi đã hiểu thế nào là làm hôn thê của Chúa dưới dấu Thánh giá, cho dù tất cả thế giới sẽ không bao giờ hiểu nổi, bởi vì đó là một mầu nhiệm… Khi mọi sự bao quanh càng nên tăm tối thì chúng ta lại càng phải mở rộng trái tim cho ánh sáng đến từ trên cao”. Vào thời buổi hiện nay, rất nhiều Kitô hữu trên thế giới, do lòng mến Chúa thúc đẩy, đã chấp nhận Thập giá mỗi ngày, hoặc là thập giá của những thử thách thường nhật, hoặc là thập giá bị áp đặt bởi sự tàn ác của người khác, mà đôi khi đòi hỏi lòng can đảm đến mức độ hy sinh tính mạng. Nguyện xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn đặt niềm hy vọng nơi ngài, với niềm xác tín rằng một khi đã đi theo Chúa qua việc vác thập giá của mình, thì chúng ta cũng sẽ cùng với ngài đạt đến ánh sáng của cuộc Phục sinh.
Chúng ta hãy ký thác vào sự che chở hiền mẫu của Đức Maria các linh mục mới lãnh chức thánh ngày hôm nay, thêm vào con số những kẻ đã được Chúa kêu gọi đích danh: xin cho họ luôn là những môn đệ trung thành, những người can đảm loan báo Lời Chúa và ban phát các hồng ân cứu độ.
Sau khi ban phép lành Toà Thánh, Đức thánh cha đã thêm lời kêu gọi mau chóng tái lập hoà bình tại Kirghizistan, nơi đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu. Đồng thời nhân ngày của Liên hợp quốc dành cho các người di cư, ngài cũng xin mọi người cầu nguyện ngõ hầu những kẻ bị bó buộc phải lìa bỏ quê hương được nhận được sự đón tiếp và được tôn trọng phẩm giá.
Trở lại thánh lễ truyền chức vào buổi sáng tại đền thánh Phêrô. Cũng như những lần trước, trong thánh lễ này, tất cả các giám mục phụ tá, các giám đốc và linh hướng chủng viện, các cha sở của các tân chức đều tham gia trực tiếp vào nghi thức, hoặc trong việc xức dầu thánh, hoặc trong việc trao phẩm phục. Bài giảng dựa trên đoạn Tin mừng của chúa nhựt, trong đó nêu lên ba tư tưởng quan trọng của chức linh mục: cầu nguyện, đi theo Chúa, dâng Thánh lễ.
Bài Tin mừng mở đầu với việc mô tả Chúa Giêsu lên nơi thanh vắng để cầu nguyện, và các môn đệ ở với Người (Lc 9,18). Các môn đệ được ở sát với Chúa Giêsu, được kết hợp với Người trong cuộc đàm đạo với Chúa Cha. Nhờ việc ờ gần kề với Chúa, họ mới biết được chân dung đích thực của Chúa, khác với dư luận của người đời. Điều này nêu bật một đặc tính quan trọng trong đời sống linh mục. Nhờ việc cầu nguyện, linh mục khám phá ra chân dung luôn mới mẻ của Chúa Giêsu, và ý thức rõ rệt hơn về sứ mạng của mình. Duy chỉ ai biết duy trì tình thân với Chúa thì mới để cho Chúa chiếm đoạt, và để cho Chúa dẫn đưa dến với tha nhân. Linh mục cần phải đặt việc “ở lại với Chúa” lên hàng đầu của sứ vụ, đặc biệt là lúc gặp khó khăn, và nhất là lúc xem ra muốn dành tầm quan trọng cho các công việc làm cho Chúa hơn là ở với Chúa.
Bài học thứ hai mà đoạn Tin mừng dạy chúng ta là sự từ bỏ. Chúa Giêsu mời các môn đệ hãy từ bỏ mình, hãy dám liều mạng cho ngài. Đối với linh mục, điều này có nghĩa là chức linh mục không phải là mục tiêu để tìm địa vị an toàn, một chỗ đứng trong xã hội. Ai muốn đạt danh vọng nhờ chức linh mục là làm mẩt ý nghĩa chân chính của nó.. Thực vậy, người muốn đạt được điạ vị danh vọng thì trở nên nô lệ cho chính mình và nô lệ cho dư luận. Họ tìm mọi cách để chiều lòng dư luận, thay đổi luồng gió cho hợp thời trang. Như vậy là họ không còn phục vụ sự thật nữa, bởi vì họ luôn thay đổi ý kiến, nay thế này mai thế khác. Một linh mục như thế không phục vụ Thiên Chúa nhưng là phục vụ chính mình, và nói cho cùng là làm mất chính bản thân. Chức linh mục được đặt nền tảng trên lòng can đảm đáp lại “Xin vâng” với Chúa, và cố gắng tăng trưởng trong việc hoà đồng với ý Chúa.
Bài học thứ ba. Chúa Giêsu mời chúng ta hãy vác thập giá nhắc nhở đến bí tích Thánh Thể, nơi diễn ra việc Chúa Giêsu đã hiến mạng sống cho chúng ta vì yêu thương nhân loại. Nhờ hy sinh, tự huỷ của ngài mà nảy sinh sự sống mới được trao ban qua các bí tích. Khi cử hành Thánh lễ, linh mục hãy để cho mình ngỡ ngàng trước tình yêu cao cả đó: Chúa Giêsu đã muốn dùng bàn tay linh mục để trao ban tình yêu của ngài cho nhân loại.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô