ĐTC Phanxicô: Trong đau đớn tận cùng, Chúa nói lời tha thứ

ĐTC Phanxicô: Trong đau đớn tận cùng, Chúa nói lời tha thứ

ĐTC Phanxicô: Trong đau đớn tận cùng, Chúa nói lời tha thứ

TGPSG / Vatican News -- Trước một cử tọa 65 ngàn người ở quảng trường Thánh Phêrô vào sáng Chúa nhật Lễ Lá 2022, ĐTC Phanxicô dâng Thánh lễ, và trong bài giảng, ĐTC nói về hai não trạng đối nghịch nhau trên đồi Canvê.

Trước hết là não trạng “Hãy tự cứu mình” mà các thủ lãnh Do Thái, các tên lính và một trong hai tên gian phi đã đề nghị để thách thức Chúa.

Các thủ lãnh đã nói: “Hãy cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35).

Còn những người lính thì nhắc lại: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi” (câu 37).

Và một trong hai tên gian phi, đã nghe và cũng lặp lại: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi!” (câu 39).

Hãy tự cứu lấy mình, lo cho bản thân mình, hãy nghĩ về bản thân mình; không phải cho người khác, mà cho sức khỏe của riêng mình, thành công của riêng mình, lợi ích của riêng mình; giàu có, quyền lực và nổi trội của riêng mình. Hãy tự cứu lấy mình: đây là điệp khúc của con người.

Nhưng Chúa Giêsu đã mang một tâm tình khác, phát xuất từ một não trạng khác hẳn với não trạng tự cứu mình, đó là tha thứ: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (câu 34). Chúa đã nói điều này khi nào? Vào một giây phút đặc biệt khó khăn: trong khi bị đóng đinh, khi Người cảm nhận những chiếc đinh đâm vào cổ tay và bàn chân của Người, gây ra nỗi đau vô cùng tận cho Người.

“Chúng ta hãy thử tưởng tượng sự đau đớn tột cùng của những mũi đinh này gây ra. Ở đó, trong cơn đau đớn nhất về thể xác của cuộc Khổ nạn, Chúa Kitô lại cầu xin ơn tha thứ cho những ai đang hành hạ Người. Trong những giờ phút đó, người ta sẽ chỉ hét lên để diễn tả tất cả sự tức giận và đau khổ của mình; thay vào đó, Chúa Giêsu lại nói: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ. Không giống như những vị tử đạo khác mà Kinh thánh kể lại (x. 2 Mac 7,18-19), Người không quở trách những kẻ hành hình và không đe dọa những hình phạt nhân danh Thiên Chúa, nhưng Người cầu nguyện cho kẻ ác. Sự sỉ nhục gắn với án xử làm gia tăng cường độ của món quà được trao, đã trở thành sự tha thứ.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa cũng làm điều này với chúng ta. Chúng ta làm cho Người đau khổ bằng hành động của mình. Người đã đau khổ và trong đau khổ, Người lại chỉ có một ước muốn duy nhất: đó là có thể tha thứ cho chúng ta.

Để nhận ra điều này, chúng ta hãy nhìn lên Thánh giá. Chính từ những vết thương của Người, từ những lỗ đinh đau đớn do bàn tay chúng ta gây ra, sự tha thứ đã tuôn trào. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và nghĩ rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được lời nào tốt hơn: Lạy Cha, xin tha thứ cho họ. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và thấy rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một cái nhìn dịu dàng và yêu mến hơn. Chúng ta nhìn Chúa Giêsu trên Thánh giá và hiểu rằng chúng ta chưa bao giờ nhận được một vòng tay yêu thương nào hơn thế. Chúng ta nhìn lên Thánh Giá và nói: ‘Cảm ơn Chúa Giêsu: Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay cả khi con thấy mình khó yêu và khó tha thứ cho chính mình.’

Ở đó, trong khi bị đóng đinh, trong thời khắc khó khăn nhất, Chúa Giêsu đã sống điều răn khó nhất của Người: yêu kẻ thù.

Chúng ta thường nghĩ về ai đó đã làm tổn thương, xúc phạm, làm chúng ta thất vọng; thường nghĩ về những người đã khiến chúng ta tức giận, không hiểu chúng ta hoặc không phải là một tấm gương tốt cho ta. Chúng ta đã dành biết bao nhiêu thời gian để dừng lại mà nghĩ về những người đã làm tổn thương chúng ta! Cũng như chính chúng ta cũng thường nhìn vào chính mình và liếm lại những vết thương mà người khác, cuộc đời và lịch sử đã gây ra cho chúng ta.

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng cứ dừng lại ở đó, mà hãy hành động để phá vỡ vòng luẩn quẩn của sự ác và sự nuối tiếc, để phản ứng lại trước những cái đinh của cuộc sống bằng tình yêu, trước những cú đánh mạnh của hận thù bằng sự dịu dàng của tha thứ.

Chúng ta, những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta bước theo vị Thầy của mình, hay theo bản năng oán thù của mình? Đó là một câu hỏi mà chúng ta phải tự hỏi: chúng ta bước theo vị Thầy của mình, hay theo bản năng oán thù của mình? 

Nếu chúng ta muốn xác minh mình có thuộc về Đức Kitô hay không, chúng ta hãy xem cách chúng ta cư xử với những người đã làm tổn thương chúng ta như thế nào.

Chúa đòi hỏi chúng ta đáp lại không phải bằng tính khí của chúng ta hay như cách mọi người đều làm, nhưng như cách Người đã làm cho chúng ta. Người đòi hỏi chúng ta phá bỏ chuỗi mắt xích: ‘Tôi yêu bạn nếu bạn yêu tôi; Tôi là bạn của bạn nếu bạn là bạn của tôi; Tôi giúp bạn nếu bạn giúp tôi’. Không. Lòng nhân từ và thương xót là cho tất cả mọi người, bởi vì Chúa nhìn thấy mỗi người là một người con. Người không chia chúng ta thành tốt và xấu, bạn và thù. Chúng ta đã từng phân chia như thế, và khiến Người phải đau khổ.

Đối với Người, tất cả chúng ta đều là những người con yêu quý mà Người mong muốn được ôm lấy và tha thứ. Và đấy chính là trường hợp trong dụ ngôn nhà vua mời dự tiệc cưới con trai mình. Ông đã sai người hầu ra các ngã tư đường và nói: ‘Mọi người, bất luận trắng, đen, tốt, xấu, tất cả mọi người, khỏe mạnh, bệnh tật, tất cả mọi người...’ ( x. Mt 22,9-10). Tình yêu của Chúa Giêsu là để dành cho tất cả mọi người, không có đặc quyền nào ở đây cả. Dành cho tất cả mọi người. Đặc ân của mỗi chúng ta là được yêu thương, được tha thứ..."

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top