Dòng Thánh Phaolô thành Chartres đón ĐHY João Braz de Aviz
WGPSG -- “Nhà Dòng các sơ là điểm cuối cùng mà tôi được thăm viếng ở thành phố này. Vì thế, trái tim và tâm hồn tôi tràn đầy niềm vui khi đến đây”, Đức Hồng y João Braz de Aviz (ĐHY) - Bộ trưởng Tu sĩ - đã ngỏ lời với các nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres tỉnh Dòng Sài Gòn như thế, trong ngôi nhà nguyện cổ kính của tu viện vào chiều thứ Hai 4-9-2018.
Ngài đã đến nơi này sau một buổi sáng gặp gỡ các đại biểu tham dự Đại hội Liên Tu Hội Đời châu Á tại hội trường Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn, và thăm các chủng sinh vào đầu giờ chiều tại Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Phần 1: Chào đón và lắng nghe ĐHY
Vào lúc 17g45, khi xe đưa ĐHY từ Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn đến sân của Dòng Thánh Phaolô, Bề trên Giám tỉnh Maria Nguyễn Thị Thơm và một số nữ tu trong tỉnh dòng cùng các em Thanh tuyển viện đã ra đón với bó hoa tươi thắm và những tràng pháo tay nồng nhiệt.
ĐHY và phái đoàn được mời vào nhà nguyện quỳ cầu nguyện trước Nhà Tạm, đọc kinh Lạy Cha và hát kinh Mangificat. Sau đó, Bề trên Giám tỉnh ngỏ lời chào mừng và trình bày sơ lược về hoạt động của Hội dòng tại Việt Nam.
ĐHY lắng nghe và đã chia sẻ về cuộc đời 70 năm đi theo Chúa của ngài. Ngài bộc bạch: “Không thể ngây thơ cho rằng hành trình đi theo Chúa là dễ dàng, nhưng đứng giữa các sơ, tôi nhìn thấy rất nhiều sức sống. Trong cuộc đời, chưa bao giờ tôi thấy có nhiều bạn trẻ đi theo Chúa như các sơ ở đây. Dĩ nhiên, tôi đã nhìn thấy nhiều sơ cao niên và qua đó chúng ta phải tạ ơn Chúa luôn luôn.”
ĐHY nhắc nhở: “Con đường đi theo Chúa của chúng ta là con đường đi giữa thế gian, giữa nhân loại, nhưng đó lại là một hành trình đặc biệt: Vì cảm kích trước Đấng đã trao ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta, chúng ta cũng muốn trao ban chính mình cho Ngài để đi đến tận cùng tình yêu dành cho Ngài. Đó là động cơ duy nhất của cuộc sống thánh hiến.”
ĐHY nhấn mạnh: “Sự hiện diện của những người sống bậc độc thân khiết tịnh là dấu chỉ sự trưởng thành của Giáo hội nơi đó. Chúng ta biết rằng lịch sử Giáo hội từ khởi đầu đã có 2 bậc sống: Tử đạo và Trinh khiết. Hôm nay bất ngờ thăm viếng nhà thờ Đức Bà, tôi đã nhìn thấy thánh tích là xương của các Thánh Tử Đạo. Tôi nghĩ rằng: tôi và mọi người được hiện diện nơi đây chính là nhờ sự làm chứng của các Thánh Tử Đạo năm xưa. Cũng vậy, chúng ta phải là chứng nhân của Chúa bằng cuộc sống độc thân trinh khiết để người khác khám phá ra tình yêu Chúa nơi cuộc sống của chúng ta. Đừng sợ hãi, đặc biệt là các sơ trẻ chưa có ‘lúp’!”
ĐHY đặc biệt cảm ơn các nữ tu cao niên vì đã bảo trợ và nuôi dưỡng đoàn sủng của Hội Dòng qua bao nhiêu năm. Ngài nhắc lại lời khuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô: Nhìn về quá khứ để tạ ơn Chúa vì sự trung tín của các nữ tu tiền bối; đồng thời nhiệt thành sống giây phút hiện tại và hướng về tương lai với niềm hy vọng tràn trề.
Ngài động viên: “Khi phải đi qua cửa hẹp cách khó khăn và trắc trở, hãy tin vào Chúa Giêsu là Đấng dẫn đắt chúng ta đến cùng. Hãy luôn hiệp nhất làm việc cùng với nhau với tình ‘tỷ muội’.”
Kết thúc bài chia sẻ, ĐHY nhắn nhủ: “Mỗi người hãy giúp nhau đứng bằng đôi chân của mình, nhưng cũng đừng quá nhìn vào chính bản thân mình. Đừng quá xét đoán nhau mà phải khao khát yêu thương và dành tình thương cho nhau.”
Phần 2: ĐHY trả lời câu hỏi của các nữ tu
Nữ tu Catarina Trúc Linh đặt vấn đề: “Nếp sống truyền thống trong các dòng tu dễ tạo nên một tâm thức an phận nơi các tu sĩ ngày hôm nay. Xin ĐHY cho chúng con một lời khuyên: Làm thế nào để duy trì được truyền thống tốt đẹp, nhưng vẫn phát triển được những sáng tạo?”
ĐHY trả lời: “Tôi xin trả lời từ những gì diễn ra trong chính cõi lòng tôi. Dĩ nhiên, Chủng viện hay Nhà Dòng cho chúng ta nhiều sự an toàn, giống như bào thai trong lòng người mẹ được bảo vệ, điều đó cần thiết cho một thời gian nào đó, vì trong thời gian này mình cần được phát triển, lớn lên và được bảo vệ. Sau một thời gian, sẽ không còn sự bảo vệ này nữa mà cần phải ra đi để mang lại cuộc sống mới cho tha nhân. Ngay cả những giây phút đi một mình đơn độc, cũng phải tiến về phía trước vì, trong giai đoạn đào luyện, mình đã học biết Chúa và biết rõ Chúa luôn yêu thương bao bọc mình. Dĩ nhiên chắc chắn là có khủng hoảng, nhưng khủng hoảng đó sẽ giúp cho mình trưởng thành hơn, vì có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, của các Đấng sáng lập Dòng. Đây là điều rất quan trọng. Nếu chúng ta sống tốt giai đoạn đào luyện, Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho chúng ta mở ra, đi về phía trước, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói với chúng ta: Cần phải can đảm!”
Sau đó ĐHY đi vào trọng tâm của câu hỏi: Làm sao để duy trì được truyền thống nhưng vẫn phát triển được những sáng tạo trong tương lai? “Chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ những gì là tốt đẹp trong nhà Dòng, và gìn giữ ngay cả những gì chúng ta nhận được từ nơi trường học, gia đình. Chúng ta phải bảo vệ gìn giữ ngay cả việc không được huỷ hoại cảm xúc tính dục và giới tính. Phải có cách nhìn vấn đề này với cái nhìn của Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Cần phải yêu thương truyền thống của người khác, của những chị em chung sống với chúng ta. Nhờ thế, cộng đoàn của chúng ta sẽ là một cộng đoàn mới và là một gia đình lớn. Tất nhiên cũng sẽ có những điều không thực sự tốt, chúng ta mạnh dạn gạt nó ra một bên.”
Nữ tu Maria Hồng Nhung đặt câu hỏi với ĐHY: xin ĐHY nói về kinh nghiệm gặp Chúa trong đời sống ơn gọi của ngài, ĐHY chia sẻ:
“Khi rước Chúa lần đầu vào lúc 7 tuổi, tôi nhận được sức sống mãnh liệt của Chúa Giêsu: có lẽ đó là giây phút đầu tiên tôi ước muốn trở thành linh mục. Năm 11 tuổi, tôi được nhận vào chủng viện cùng với một người anh. Sau thời gian ở tiểu chủng viện, có 2 người từ phong trào Focolare đến chia sẻ kinh nghiệm gặp Chúa và họ đã chuyển tải cho tôi một cảm thức rất đặc biệt về Chúa.
“Trong thời gian Triết học, tôi rơi vào một khủng hoảng. Sau năm 1960, tức là sau công đồng Vatican II, lúc đó ở Braxin xuất hiện nhiều tư tưởng khác nhau. Trong chủng viện, chúng tôi bắt đầu có những ý nghĩ và tư tưởng khác nhau. Và khi bước vào thời gian Thần học, khủng hoảng ngày càng mạnh hơn, thậm chí lúc đó tôi có ý định bỏ chủng viện, bỏ Giáo hội. Nhưng rồi sau khi cầu nguyện, tôi quyết định ở lại chủng viện, vì tin rằng Chúa vẫn yêu thương tôi. Tôi đã trở thành linh mục, cũng với người anh của tôi.
“Khi làm linh mục được 10 năm, lúc đó 36 tuổi, tôi gặp một khủng hoảng rất nghiêm trọng: tôi bị cướp bắn. Lúc đó tưởng rằng mình sẽ chết, tôi nài nỉ xin Chúa cho tôi sống 10 năm nữa thôi. Và tự nhiên thấy giận Chúa, tôi hỏi Ngài: ‘Vì sao Chúa lại để con chết ở tuổi 36 này?’ Trong khoảnh khắc đó tôi nghe thấy trong tim mình câu trả lời của Chúa Giêsu: ‘Anh biết Ta chết lúc bao nhiêu tuổi rồi mà! Lúc mới 33 tuổi thôi. Còn anh thì đã 36 tuổi, hơn Ta những 3 năm rồi còn gì!’. Tôi cảm nghiệm rằng vấn đề không phải là chết hay sống, mà là tôi đã quá bám chặt vào sự sống của mình. Nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục thương lượng với Chúa: ‘Chúa cho con thêm chút nữa thôi, cho con thêm 10 năm nữa để con sống tốt hơn vì con có quá nhiều tội lỗi trong đời.’
“Và sau 10 năm, hết thời gian đã thương lượng với Chúa, tôi vẫn chưa chết, mà còn được gọi làm Giám mục! Tôi nghe ra ý Chúa: ‘Ngươi xin Ta 10 năm, nhưng Ta muốn ngươi trung thành với Ta suốt cuộc đời’. Từ đó tôi không thương lượng với Chúa Giêsu nữa, và bây giờ tôi đang có thể hiện diện ở đây với các sơ!”
Sau bài nói chuyện và phần trả lời các câu hỏi của ĐHY, sơ Giám tỉnh mời ĐHY bước ra khỏi nhà nguyện, từ lan can nhìn xuống quảng trường Thánh Phaolô ngã ngựa. ĐHY rất bất ngờ khi nhìn thấy dưới sân 'ba chữ SPC lộng lẫy' đã được hình thành khi các nữ tu Liên học viện Phaolô Việt Nam (gồm 4 tỉnh dòng) xếp hàng thành hình ba chữ này để chào mừng ngài.
Khi hai nữ tu trẻ hát vang bài hát ‘Việt Nam Gấm Hoa’, từ hình chữ SPC, dàn đồng diễn di chuyển thành hình chữ VN, rồi thành bốn vòng tròn tượng trưng cho bốn tỉnh dòng Phaolô Việt Nam, kết hợp với chiếc tàu có con số 1860 - là năm đưa các nữ tu Phaolô đầu tiên đến Sài Gòn, khởi đầu sự hiện diện và hoạt động của các nữ tu dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Việt Nam.
Lúc bài đồng diễn kết thúc với đội hình chữ S, ĐHY và phái đoàn đã xuống sân chụp hình chung với các nữ tu Học viện.
Đúng 19g00, ĐHY và phái đoàn đã dùng bữa cơm với các nữ tu trong niềm vui của tình gia đình ấm áp.
bài liên quan mới nhất
- Tiến trình phong chân phước giai đoạn giáo phận cho Cha Arrupe đã hoàn tất
-
Thánh lễ Truyền chức Phó tế và Linh mục thuộc Tu đoàn Nhà Chúa -
Ngọn nến Tháng 11 -
Tu đoàn Chị Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi -
Giờ tưởng niệm cha Thánh Phanxicô Assisi lâm chung 03.10.2024 -
Chào tháng 10 - Chào Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu -
Niềm vui của Dòng Tông Đồ Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi - Rogate -
Thánh lễ tạ ơn 25 năm thành lập Liên hiệp nữ Cát Minh Chân Trần Việt Nam -
Thánh lễ truyền chức linh mục thầy phó tế Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Ngọc Thuận, CS -
Thánh lễ khai giảng lớp Thần học Liên dòng Nữ năm học 2024-2025
bài liên quan đọc nhiều
- Cung hiến nhà nguyện Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn
-
Có thật là có “quỷ nhập” và “trừ quỷ”? -
Đan viện Cát Minh Sài Gòn: Lễ Thánh Têrêsa Hài đồng & Lễ Thánh Têrêsa Avila -
Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp: Lễ an táng nữ tu Têrêsa Phan Thị Thanh Nhì và nữ tu Maria Trần Thị Kim Chi -
Dòng Thánh Thể - Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Thánh lễ Truyền Chức Linh mục và Phó tế ngày 02/12/2023 -
Lễ Truyền Chức phó tế và linh mục tại Học viện Phanxicô Thủ Đức -
Tân Giám tỉnh Dòng Salêdiêng Bosco Việt Nam -
Văn phòng Đặc Trách Tu Sĩ Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thông báo hướng dẫn cử hành Phụng vụ -
Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán: Thông báo về việc tin giả mạo ngày 4-8-2021 -
Lễ Khánh Thành Nhà dưỡng lão Vị Hoàng: “Yêu thương- Sống khỏe - Sống vui”