Đối thoại liên tôn: một cuộc phiêu lưu hay dấn thân đầy trách nhiệm?

Đối thoại liên tôn: một cuộc phiêu lưu hay dấn thân đầy trách nhiệm?

 1. Bước ngoặt lịch sử

Giả như các tín hữu của thời Trung cổ, trong đó ba thế kỷ XI, XII và XIII, được đánh dấu bằng 8 cuộc Thập Tự chinh (1095 -1270), được phép trở lại sống vào cuối thế kỷ XX này, chắc họ sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ của Giáo hội Công giáo đối với các tôn giáo. Nhưng ngay cả người giáo dân ngày nay cũng ngạc nhiên khi nghe nói về cuộc gặp gỡ tại Assise (1986), giữa Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II với 130 chức sắc của các tôn giáo trên thế giới (Phật giáo, Ấn độ giáo, Do Thái giáo, các Giáo hội Kitô giáo, Giana, Sikh, các tôn giáo truyền thống Phi châu…). Quả thật, cuộc gặp gỡ để ăn chay, cầu nguyện cho hòa bình ngày 27.10.1986, là một biến cố chưa từng xảy ra trong lịch sử. Dịp hội ngộ này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho công cuộc đối thoại liên tôn giáo của Giáo hội Công giáo.

Thái độ đối đầu hay đối chọi đã được thay thế bằng đối thoại. Những trang sử đẫm máu của quá khứ đã nhường chổ cho những trang sử của tình huynh đệ và lòng bao dung. Hình ảnh về Giáo Hội như một Phêrô tuốt gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế trong vườn Gethsemani để bênh vực Thầy đã lùi về dĩ vãng, hầu biểu hiện hình ảnh của một Phêrô thống hối, khiêm tốn, và trở lại Giêrusalem để chịu đóng đinh ngược.

Công đồng Vatican II đã mở lối cho cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới, với các nền văn hóa cũng như với các tôn giáo ngoài Kitô giáo. Theo cha Karl Rahner, với Công đồng Vatican II, bằng tất cả sự  minh bạch và ý thức, Giáo Hội đã thực sự trở thành Giáo Hội của toàn thế giới. Giáo Hội đã thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp và sống động với các Giáo Hội Kitô khác, và một mối quan hệ cũng thân thiện hơn với các tôn giáo lớn trên thế giới. Để triển khai và thực hiện tinh thần đối thoại của Công đồng, Giáo Hội đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự Hiệp nhất Kitô hữu và Hội đồng Giáo hoàng phụ trách việc Đối thoại Liên Tôn.

Tiếp nối Đức Gioan-Phaolô II, người tiền nhiệm của mình, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng dấn thân sâu vào cuộc đối thoại với anh chị em thuộc tôn giáo khác qua các bài giảng, diễn thuyết, những chuyến công du, gặp gỡ. Theo dự kiến, trong chuyến thăm thánh địa từ 11 đến 15.5.2009 này, ngài cũng có những cuộc tiếp xúc với các chức sắc của Hồi giáo và những Rabbi của Do thái giáo. 

2. Cuộc đối thoại liên tôn tiên khởi

Thực ra, con đường đối thoại liên tôn đã được Thầy Giêsu khai mở từ hai mươi thế kỷ trước. Thánh Gioan kể lại cho chúng ta cuộc đối thoại liên tôn đầu tiên trưa hôm ấy, bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,4-42). Cuộc gặp gỡ này khiến các môn đệ sững sờ, vì Thầy tiếp xúc với một phụ nữ ở giữa đường, hơn nữa, lại là một phụ nữ ngoại giáo. Nhưng không ai dám hỏi Thầy về lý do và nội dung của cuộc trò chuyện giữa hai người. Thầy thường có những cung cách hành xử khác với các Rabbi thời bấy giờ, nhưng đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một vị minh sư danh tiếng, đạo đức như Thầy mà lại có một thái độ hầu như đi ngược với truyền thống Do Thái giáo. Đó là phản ứng về phiá nội bộ, còn về phiá người đàn bà Samari thì sao ? Hết sức ngạc nhiên, chị ta nói : : "Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống  sao? Quả thế, người Do Thái không được giao thiệp với người Samari" (Ga 4, 9).

Cuộc gặp gỡ này đã khiến cho đôi bên « ngộ » ra chân lý và được biến đổi. Các môn đệ khám phá ra « Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn thành công trình của Người » (Ga 4, 34). Như thế, Thầy đã hành động đúng theo tôn ý của Chúa Cha. Còn người phụ nữ Samari, sau khi đã chân nhận sự thật về cuộc đời mình, đã trở thành người loan báo Đức Giêsu cho dân thành Samari. Các người Samari đã chuyển từ thái độ đối nghịch vốn có sang thái độ thân thiện đối với Rabbi Giêsu. Họ tìm đến gặp Thầy và còn mời Thầy trọ lại nơi nhà mình. Người Samari đón tiếp các người Do Thái : một nghiã cử họa hiếm ! 

3. Bước theo Thầy

Thiên Chúa không bao giờ loại trừ một người nào. Vì « Thiên Chúa là Tình Yêu », nên không ai nằm ngoài quỹ đạo Yêu Thương của Thiên Chúa. Hồng y Arinze đã chia sẻ xác tín này với anh em Hồi giáo : « Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại là một Tình Yêu phổ quát. Tình Yêu này vượt qua mọi biên giới chính trị, mọi khác biệt chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, vượt lên trên các lựa chọn chính trị hay ý thức hệ cũng như hoàn cảnh xã hội. Do đó, chúng ta được mời gọi yêu thương lẫn nhau nhân danh niềm tin của mình. Thực vậy, tình yêu đích thực chất chứa nơi thái độ của người tín hữu ».

Theo gương Thầy Giêsu làm chứng cho một Tình Yêu phổ quát của Thiên Chúa, chị Chiara Lubich, sáng lập viên phong trào Focolari, đã dấn thân tích cực trên hành trình đối thoại liên tôn giáo từ hơn 20 năm qua. Năm 1981, chị đã đến chia sẻ về kinh nghiệm Kitô giáo cho 12.000 Phật tử tại Tokyo. Tháng 1/1997, Chiara Lubich nói chuyện với khoảng 800 tăng ni, Phật tử tại một Đại học Phật giáo và một thiền viện ở Chiang Mai, Thái Lan. Đây là lần đầu tiên, một nữ giáo dân Kitô giáo ngỏ lời với các tăng lữ Phật giáo. Vào tháng 5/1997, cuộc chia sẻ của chị về linh đạo hiệp nhất cho khoảng 3000 tín đồ Hồi giáo da đen trong một đền thờ Hồi giáo ở New York, « đã mở ra một trang sử mới cho cuộc đối thoại giữa các chủng tộc và tôn giáo », theo lời nhận định của Imam Mohammed, người phụ trách 2 triệu tín đồ Hồi giáo da đen.

Nếu như tại Pháp có cộng đoàn Taizé, nơi giới trẻ thuộc đủ mọi quốc tịch, tôn giáo có thể đến gặp gỡ, cầu nguyện trong tinh thần huynh đệ và tôn trọng lẫn nhau, thì tại Tagaytay, ngoại ô Manila, Philippines, phong trào Focolari đã xây dựng một Trung tâm đào tạo đối thoại liên tôn. Trung tâm này giúp tìm hiểu các di sản tâm linh của Phật giáo, Ấn giáo, Lão giáo… và nhằm mục đích giúp các học viên sống và đối thoại tốt hơn với tín đồ của các tôn giáo tại Á châu.

Không phải chỉ riêng giới Công giáo mới có những người tiêu biểu cho cuộc đối thoại liên tôn, mà nơi anh em tôn giáo bạn cũng không thiếu những sứ giả của đối thoại. Điển hình là Đại đức Chin Kung, cố vấn hội Phật giáo Amitabha tại Geylang, Singapour đã trao tặng Soeur Janet Wang tấm ng ân phiếu trị giá 100.000 U.S.D ngày 19.05.1999, nhằm góp phần vào hoạt động bác ái của cộng đồng Công giáo tại đ ịa phương. Khi được hỏi về lý do của nghiã cử này, Đại đức đã trả lời : “Ai đó cần đi bước trước để cổ võ sự hòa hợp chủng tộc và tôn giáo”.

Tại Việt Nam, Thầy Tường Định, thuộc Minh Lý đạo, người phụ trách Tam Tông Miếu cũng đã « dâng cúng » một số hiện kim cho một nhà thờ Công giáo cũng như giúp đỡ một câu lạc bộ những người khiếm thị do một người Công giáo điều hành. Tôn giáo không thể là một rào cản đối với một Tình thương phổ quát. Giáo sĩ Hoàng Mai, thuộc Cơ quan Phổ thông Giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ độ, đã dùng kinh Hòa bình của thánh François d’Assise làm lời nguyện kết thúc một bài thuyết giáo cho các đạo hữu Cao Đài.

Tôi đã đọc được sự ngạc nhiên nơi những ánh mắt của người giáo dân lẫn người ngoài Kitô giáo, khi họ thấy một nhóm người gồm cả linh mục, tu sĩ và giáo dân đến thăm một nhà thờ Tin Lành, chùa, đình hay miếu. Chính các tu sĩ của khóa Thần học Á châu cũng nhìn nhận rằng mình được khám phá và hiểu biết thêm về anh em Phật giáo khi được cùng giảng viên của mình đến thăm Bạch Tùng Lâm, một trung tâm huấn luyện của Phật giáo, trên đường đi Vũng Tàu. Nhưng cuộc đối thoại liên tôn đâu chỉ giới hạn ở hàng giáo sĩ hay tu sĩ. « Một con chim én không thể làm nên mùa xuân ». Làm thế nào để tinh thần đối thoại đi vào lòng người công giáo ? Vì chính người giáo dân là thành phần tiếp xúc thường xuyên với anh em thuộc các tôn giáo khác. Chúng tôi trao đổi với nhau và cùng nhau bắt đầu quan hệ với anh em các tôn giáo khác. Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi bắt đầu đến thăm những vị hữu trách của các tôn giáo bạn tại các cơ sở tôn giáo trên cùng một điạ bàn với nhà thờ. « Bà con xa không bằng láng giềng gần ».

Tuy nhiên, những cuộc tiếp xúc giữa chúng tôi với các tôn giáo bạn không chỉ là những hành vi xã giao, mà chúng tôi xác tín rằng khi những người làm chứng cho một thực tại linh thánh gặp gỡ nhau, thì cuộc hội ngộ này vừa trở nên một dấu chỉ vừa là một lời gọi mời các tín hữu lương cũng như giáo sống hài hòa với nhau, dù rằng chúng ta khác nhau về niềm tin. « Đâu có Tình Yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người… Đâu ý hợp tâm đồng, ở đấy chứa chan nguồn vui ». Trong cuộc gặp gỡ, chúng tôi cảm thấy thấm thía ý nghĩa của lời ca quen thuộc với hầu hết người Công giáo.

Để có thể tôn trọng nhau và sống hòa hợp với nhau, chúng ta cần hiểu biết lẫn nhau. Nhưng làm sao có thể hiểu biết nhau hơn nếu không gặp gỡ nhau ! Nhân mùa Vu Lan báo hiếu của anh em Phật giáo (tháng 7 âm lịch) và cũng là dịp chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Hồn xác lên trời, chúng tôi gặp gỡ và chia sẻ với nhau về chủ đề « Hát về Mẹ » nhằm khích lệ nhau sống chữ « Hiếu ». Trong năm Liên hiệp quốc cổ võ Lòng Bao dung, chúng tôi gặp nhau trong chủ điểm « Phúc cho ai có lòng xót thương ». Hôm ấy, Đại Đức Thích Thiện Bảo trình bày về « Từ bi hỷ xã », ca đoàn giáo xứ diễn tả  « Bài ca Đức ái » theo thánh Phaolô. Trong một dịp khác, vào lúc kết thúc buổi gặp gỡ mang tên « Chung tay xây dựng Bình An », đại diện của mỗi tôn giáo (Tin Lành, Phật giáo, Cao Đài, Công giáo) cầu nguyện theo ngôn ngữ niềm tin của mình cho hòa bình trên thế giới và trong lòng con người…

Sự ái ngại, ngờ vực lúc ban đầu nơi người Kitô hữu đã mờ nhạt đi, nhờ đón nhận hướng dẫn của công đồng :"Hội Thánh Công giáo không loại bỏ những gì chân chính và thánh thiện trong các tôn giáo đó. Hội Thánh tôn trọng và chân thành nghĩ rằng những cách thế hành động và sinh hoạt, những luật lệ và những học thuyết ấy thường khi đem lại một tia sáng Chân lý chiếu soi mọi người…" (NA 2). Đồng thời, chúng tôi càng thâm tín về chọn lựa đối thoại của mình khi lắng nghe tiếng nói của các Giám mục trong Giáo Hội : "Các tôn giáo đó, một cách cụ thể đã là con đường dẫn đưa phần đông các dân tộc Á châu đến với Thiên Chúa, và là cách thế để Thiên Chúa đến với họ. Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động trong tinh thần và trong tâm của các nhà hiền triết xưa kia của lục điạ Á châu. Các ngài đã để lại cho cho các dân tộc mình chứng tá về sự thiên khải tâm linh ghi lại trong các sách thánh. Những lời giảng dạy vẫn còn hướng dẫn đời sống tôn giáo, đạo đức và xã hội của rất nhiều người tại Á châu" . Các Giám mục Việt Nam cũng kêu gọi chúng ta dấn thân trên đường đối thoại và cộng tác với những tín đồ của các tôn giáo khác nhằm góp phần xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn . 

4. Những dạng thức đối thoại liên tôn

Đối thoại liên tôn không phải là một cuộc phiêu lưu, mà là sự  đáp trả lời mời gọi của Phúc âm, một cuộc dấn thân bước theo Thầy. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn tín đồ của các tôn giáo khác như những người anh chị em, con cái cùng một Cha trên trời. Đây là cái nhìn của Đức tin và đức ái huynh đệ : cái nhìn giúp khám phá và cảm thông. Hơn nữa, nhờ sống tinh thần đối thoại liên tôn, người Kitô hữu có thể thâu hái được những yếu tố tốt đẹp nơi các tôn giáo khác để kiện toàn hơn sự hiểu biết về chân lý của đạo mình hay về cách thức sống đạo. Ngoài ra, cuộc đối thoại tôn giáo không chỉ giới hạn vào lãnh vực học thuyết nhưng còn bao hàm nhiều dạng thức khác nhau:
* đối thoại bằng cuộc sống : sống tinh thần thân thiện, cởi mở và hòa hợp với anh chị em  thuộc các tôn giáo khác giữa đời thường.
* đối thoại bằng sự  cộng tác, chẳng hạn như hợp tác phục vụ trong một công cuộc từ thiện.
* đối thoại về học thuyết, đạo lý hay thần học giữa các chuyên viên của mỗi tôn giáo
* đối thoại về cảm nghiệm tâm linh.

Hành trình đối thoại liên tôn đích thực không được điều hướng bởi một chính sách đối ngoại, cũng không phát xuất từ cảm tính, nhưng được khơi dẫn từ cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Từ đối thoại đến đối thoại : có lắng nghe và đối thoại với Thiên Chúa, ta mới có thể lắng nghe và đối thoại với anh chị em khác niềm tin với mình. Tiếng gọi và con đường đối thoại này đang đợi chờ lời đáp trả của mỗi Kitô hữu chúng ta. Tùy bậc sống và hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta hãy lên đường, không phải trong tiếng trống kèn, nhưng trong niềm tin và theo sự linh hoạt của Thánh Thần. 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top