Đời đáng chán?

Đời đáng chán?

Tôi không phải là thi sĩ. Chắc chắn là thế. Nhưng lại thích đọc thơ để ngẫm nghĩ sự đời và nhìn xem nhân tình thế thái.

Đọc thơ của Bùi Giáng – một nhà thơ “điên”, tôi nghiệm thấy cái “điên” của thi sĩ tài hoa này dám “điên” với tình người, tình đời và tình trời.

“Gặp người, tôi tưởng người điên,
Gặp tôi, tôi tưởng tôi điên như người.”

(Bùi Giáng, Lời Cố Quận)

Thơ của Nguyễn Tất Nhiên, tôi cảm thấy như có cái yêu êm đềm đến dịu dàng mà sâu lắng:

“Đưa em về dưới mưa,
Nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa?”

(Nguyễn Tất Nhiên, Em Hiền Như Ma Sơ)

Kể cả những sầu khổ như cũng được nguôi ngoai.

“Bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng
Những kỉ niệm đời xin hãy còn xanh
….Mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng
Rồi giận hờn cho kỉ niệm đầy tay.”

(Bởi Yêu Em Nên Sầu Khổ Dịu Dàng)

Cái phi lý nhưng lại là cái hợp lý khi tính chất triết lý sầu khổ đi đến tận cùng của tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.

“Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng,
Để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.”

(Trịnh Công Sơn)

Tôi cũng rất thích thơ Tản Đà, đọc thơ ông để cùng say đắm với tình yêu chua cay và dịu ngọt, để được cảm nếm hương vị mặn nồng tình ái của đôi ta.

“Mình với ta, tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai.”

“Vì ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi, một gánh tình.”

(Chơi Hòa Bình)

"Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?"

(Giấc Mộng Con)

Không biết có phải cứ là nhà thơ thì hay bị lẩn thẩn không mà đã có lúc tôi cảm thấy chán ghét ông vì ông lẩm cẩm viết bài thơ “Đời Đáng Chán”.

“Người đời thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!

Đời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.
Nên chăng, nghĩ lại kẻo nhầm.

(Tản Đà, Đời Đáng Chán)

Ông ca cẩm, ỉ ê phận đời, nhưng rất may thay, sau cùng ở lời kết, ông như thầm mong xin mọi người cứu xét: “Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm”.

Cứ suy xét mà nghĩ lại đi, kẻo nhầm to đấy! Sự đời chán ngán không phải tại đời, mà chán hay không chán là tùy ở hồn ta, trong cõi tâm tư sâu thẳm của lòng người. Xin ông đừng vội trách để vô tình đổ tội cho đời đáng chán thì thật là oan uổng quá!

Có người hỏi tôi chán đời sao mà đi tu? Nhưng cũng có người từng nhủ thầm khuyên bảo: “Tu là cõi phúc, tình là giây oan”. Ráng mà tu!

Tôi trầm ngâm, chưa biết phải thưa gởi và nói năng thế nào với người khuyên nhủ và trả lời sao đây cho câu hỏi với nhiều cắc cớ của hai chữ “chán đời”.

Nghe chương trình chuyên đề “Sống Cho Đáng Sống” của Cha Giuse Tiến Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn, làm tôi liên tưởng đến đôi dòng suy nghĩ.

Tu thế nào là cõi phúc, tình thế nào là dây oan? Ở đời thế nào là chán và sống thế nào mà chán đời trong khi đời đáng sống, nói như cha Tiến Lộc thì phải, “Sống Cho Đáng Sống”.
Có lẽ cũng cần nhìn lại chữ “Tu” và chữ “Tình” của cụ Nguyễn Du. Đại thi hào này đã mượn lời sư Giác Duyên trong tập Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để muốn nói lên một truyết lý nhân sinh. Có lẽ, ngày nay người ta hiểu nhầm ý của Cụ thì phải?

Tu ở đây là sửa mình, trau dồi đức hạnh, tu tâm luyện tánh, tu chí học hạnh, làm việc, ăn ở theo đức độ trong chức vụ và nghề nghiệp. Xét ở khía cạnh nào đó, có lẽ, chữ Tu ở đây ngược với chữ Tình, bởi tình thường là thiên về tình cảm và nhẹ về mặt đạo lý. Tình thường là mối dây oan nghiệp, là căn nguyên của những tai họa, lầm lạc buộc lấy đời mình, là sợi dây giăng mắc lối đi khó về…

Vẫn biết thế, nhưng khi đọc “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”, như có vấn đề. Vấn đề ở chỗ: đi tu đâu phải lúc nào cũng là cõi phúc và tình đời đâu phải lúc nào cũng là dây oan!

Nếu tu là cõi phúc, sao số người chạy theo cõi phúc ít thế! Ít đến độ như có thể đếm trên đầu ngón tay. Giả như làm một phép so sánh “cõi phúc” và “dây oan” thì quá lệch pha và mất cân bằng. Bởi nếu so với dân số thì số người đi tu được mấy phần trăm? Số người chạy theo cõi phúc ít đã đành, nhưng trong số đó, rải rác đó đây vẫn có những người rũ bỏ áo dòng, cà sa để tự tròng dây oan buộc cổ??? Nếu cõi phúc hiển trị nơi người tu hành, sao vẫn có kẻ than vãn đời tu sao bếp bênh, gian nan, khổ ải, chông gai, tù túng và bức bí quá chừng!

Nếu tình đời là dây oan sao lắm người thích buộc dây oan tròng cổ? Đã là dây oan sao không lo tránh né mà lại chạy theo, tìm kiếm nhiều đến thế, đông đến thế, ham hố đến thế, vui thích đến thế, đam mê đến thế, tha thiết đến thế!!!

Theo quan niệm của Hòa Hảo thì dây oan nghiệt là, Oan: thù hận, Nghiệt: nghiệp ác. Thế nên, phải tránh cho xa.

“Bảy dây oan nghiệt hết ràng,
Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.”

(Kinh Đệ Nhất Cửu)

Như vậy dây oan tức là khốn khổ, đau thương, bất hạnh, bẽ bàng… thì lo mà tránh cho xa, đằng này người ta lại ham hố ôm vào, thích sống với, nói và hát về, nhung nhớ và đắm say. Những cuộc tình xuyên thời gian, phá tan lục địa như Romeo và Juliet, Trương Chi – Mỵ Nương, Kim Trọng – Thúy Kiều, Hoàng tử Tây Ban Nha Filipe de Bourbon si mê cô gái thứ dân Isabel Sartorius sẵn sàng bỏ ngai vàng để chiếm lấy “trái tim oan nghiệt”…

Vậy, tu đâu là phúc và ở đời thế nào là khổ? Phúc - họa bởi đâu? Có phải tu mới là cõi phúc, còn tình chỉ là dây oan? Hay phúc – họa là một định mệnh?

Tôi không tin vào định mệnh. Dây oan hay cõi phúc không phải là định mệnh của kiếp người. Bởi lẽ, tu cũng có thể là cõi phúc mà cũng có thể là dây oan; tình cũng có thể là dây oan mà cũng có thể là cõi phúc.

Tu sẽ là dây oan, sẽ là đau khổ khốn cùng nếu tu không phải vì một lý tưởng cao đẹp, vì sự dấn thân trọn vẹn, vì sự tu sửa cải chính bản thân - tu tâm luyện tánh, biến đổi cuộc đời để hợp với đạo lý tình trời và tình đời, tu để khám phá ý nghĩa đời mình và vì sự dâng hiến phục vụ con người. Tu không phải vì lời mời gọi cao đẹp của Đấng Chí Thánh, Tối Cao, Toàn Năng, mà lại có ý định đi trốn tránh cuộc đời, tìm sự an nhàn, dung dưỡng, hưởng lạc, phè phỡn, hám danh kiếm lợi từ chốn tu hành, thì lúc này, tu sẽ chỉ là chốn vong thân và tự buộc lấy dây oan đời mình mà thôi.

Nhưng tu sẽ là cõi phúc thật, nếu đi tu để tìm lẽ sống, yêu mến chân lý, sự thật, bình an và thăng hoa đời sống. Không phải đi tu vì sợ hãi, trốn tránh trách nhiệm bản thân, cũng như ơn gọi vào đời đối với chính mình và đối với tha nhân. Cái “Tu” đó phải là đời tu đích thực trong tâm, trong trời và trong đời. Tu chân chính, tu cho ra tu, tu chính danh của một chân tu. Cái tu với đầy đủ ý thức, trách nhiệm và tự do của con người trưởng thành. Đừng mang thái độ của con mãnh thú đội lốt chiên trong chốn tu hành. Đừng lấy vải màn che mắt thánh. Không tu thử, tu chơi, tu giùm, tu vì sợ hãi, trốn tránh sự đời, tu cho cha mẹ hãnh diện - ông cố bà cố, họ hàng thơm lây - ông cha bác tôi. Thái độ làm quan cả họ được nhờ không phải là thái độ của chân tu. Cũng đừng tu lấp lửng lập lờ, so đo tính toán hơn thiệt “chân trong chân ngoài”, nhiều khi “chân ngoài dài hơn chân trong”, kiểu “Tu mô cho anh tu cùng, may ra thành phật thờ chung một chùa.” (!) Cũng không phải là thái độ nín hơi qua cầu cho xong rồi sau đó vung tay phất cờ. Cũng không phải là thái độ lỡ phóng lao rồi phải theo lao, để đời sống tu trở thành xiềng xích, gánh nặng, kéo lê theo kiểu ai đó vu vơ ngụ ý hát rằng: “Nắng Sài Gòn thiêu đốt đời trai trẻ, cổng tu viện kìm hãm tuổi thanh xuân”. Nhưng tu ở đây là tu với tất cả thể xác và tâm hồn, với một con tim vẹn tròn trung trinh không bị chia cắt, dâng hiến trọn vẹn tài năng, đức độ cho một lý tưởng - Đấng Tối Cao, cho tình yêu nhân trần dương thế, cho thế hệ hôm nay và mai sau. Sống như thế, tu như thế, khao khát và mến yêu như thế thì đấy chính là cõi phúc chân thật trong đời, trong lòng, trong thiên đường, trong đời tu.

Tình cũng có thể là dây oan, niềm đau, bất hạnh, khốn quẫn, oan nghiệt, là cửa lò hỏa ngục, là nhà tù mục xương, là chiến trường đẫm máu, tê tái, đau lòng, nếu đó là thứ tình của toan tính, của lợi dụng, của vụng trộm, lăng loàn, của chiếm hữu; thứ tình thiếu trong sáng, thiếu chân thật, thiếu hiểu biết, thiếu lòng khoan dung, thiếu tình yêu chân chính. Thứ tình mà chỉ muốn thử, sống hời, sống vời, sống đời lang; thứ tình chỉ muốn chiếm đoạt, sở hữu như một món hàng để thỏa mãn dục vọng của bản năng thấp hèn; những thị hiếu và tình cảm bạc nhược, tầm thường, đê tiện, biến người yêu thành một công cụ trò đùa mua vui, thành một món đồ rao bán, thành vở kịch khôi hài múa rối đau lòng… kết quả là chia ly, là hận thù, cay đắng, là phá thai và tha hóa… Tất cả thứ tình ấy không biết tôn trọng người mình yêu, không biết nhìn nhận người yêu như một giá trị tuyệt đối, giá trị có một không hai – bất biến, không thể thay thế hoán chuyển. Nhất là không thể mang ra như một thứ đồ chơi, trao đổi bán chác, nhưng phải biết trân trọng người yêu, trong đó có một thế giới riêng tư bất khả xâm phạm, có tự do để sống, tự do làm người hiểu theo nghĩa đầy đủ nhân vị, bản thể, tự do chọn lựa những gì là tốt đẹp là cao quý nhất. Thiếu những cái đó tình sẽ là dây oan!

Cõi tình sẽ là cõi tiên, nếu tình đó là chân thật, là sự hòa hợp thể xác, tâm tình, ước nguyện, là sự trao ban và đón nhận, là dám sống và dám chết cho nhau; dám hy sinh chấp nhận tất cả chỉ vì tình tôi yêu là tất cả. Đến được với nhau bằng sự hiểu biết, cảm thông và chia sẻ.

Như vậy, “Tu là cõi phúc, tình là dây oan” hẳn là có vấn đề. Bởi lẽ, nó không phải là chân lý khách quan trong quan niệm sống. Cõi phúc hay dây oan là tùy ở mỗi người chọn lựa. Chọn lựa thế nào cho đúng. Điều quan trọng là mình có sống đúng với sự chọn lựa ơn gọi của mình hay không, thể hiện đúng sứ mạng, ơn gọi, vai trò và dám đảm nhận đời mình. Sống đúng chức phận làm người và làm người cho ra người thực sự, phấn đấu, quyết định chọn lựa và dấn thân.

Kierkegaar thẳng thừng tuyên bố: "Lựa chọn bất hạnh, chính nó cũng xứng đáng để lựa chọn". Còn Jean Paul Sartre nói "Cuộc sống yêu như thể đất thịt này" (La vie est aimable comme la terre charnelle). Đã chọn lựa thì phải dấn thân, không chỉ là dấn thân mà còn phải yêu ngay cả sự chọn lựa như xương thịt mình.

Nhiều người tự hỏi: Cuộc đời là thực tại về nó hay là ao ước cho nó? Là bi quan hay lạc quan? Là bể khổ hay thiên đường... ? Có phải “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn bốn biển.” (Đức Phật). Nói vậy, cuộc đời đầy rẫy đau khổ sao vẫn đáng sống? Đức Phật vẫn sống giữa trần ai để chứng ngộ đạo và truyền dạy chúng sinh mong cứu rỗi cuộc đời (…)

Chúa Giêsu đến với cuộc đời không phải vì một chọn lựa nào khác là yêu thương con người, là sống và chết để cứu độ con người. Yêu thương mãi, yêu thương đến cùng, yêu thương đến chết, dẫu vẫn biết rằng chết vẫn chưa hết yêu.

Tôi chọn lựa đời tu không phải vì chán đời như người đời hỏi; chữ “Tu” chữ “Tình” không phải là vấn đề định mệnh cõi phúc hay dây oan, nhưng cái quan trọng chính là nơi sự chọn lựa để thăng hoa cuộc sống này. Cuộc sống cho tôi, cho người, cho đời và cho lý tưởng Tối Cao.

Nếu hỏi rằng tôi có xứng đáng để đi tu hay không thì, tuyệt nhiên là không xứng đáng, nhưng nếu bảo rằng trốn mối dây oan tình, lánh cuộc đời ngang trái thì quả là không đúng rồi. Thú thật đã hơn một lần tôi cất bước nghe theo tiếng gọi của cõi lòng, tiếng gọi của trời cao. Tiếng gọi ấy hằng nhủ thầm bên tai và thôi thúc tôi phải lên đường. Tôi vẫn biết rằng, đường đời còn dài, đích điểm còn xa xăm và còn đó lời mời gọi để thách đố, để kêu mời. Tôi không dám tự hào, nhưng tôi tin vào sức mạnh của lời mời gọi, đúng hơn Đấng mời gọi tôi sẽ thêm sức mạnh cho tôi trên hành trình dương thế.

Xin gặp lại suy tư của nhà Hiền Triết Heidegger: “Thế giới mình sống vừa là cố hương vừa là chốn lưu đầy, vừa là thiên đường vừa là hoả ngục”... Hegel quả quyết thêm: "Định mệnh đó chính là vì con người" (Le destin c'est ce que 1’homme est).

Đúng, tôi không tin vào định mệnh, nhưng “định mệnh đó chính là vì con người”. Vậy, hãy sống sao cho đáng sống!

Lm Giuse Tiến Lộc, DCCT, khởi đi những dòng suy tư từ trang Tin Mừng của thánh Luca 10, 25-28. Câu chuyện về người thông luật đi tìm lẽ sống: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? Bằng những sở trường của mình, Lm Giuse đã mượn vở kịch “Sống Dồi Dào” của thầy Trần Duy Nhiên, một mình ngài đóng 6 vai diễn để đưa khán thính giả vào chủ đề “Sống”. Câu chuyện nghe như chỉ là những thắc mắc, những vớ vẩn khó hiểu của giới chị em nhiều chuyện. Nhưng càng nghe ta lại càng cảm thấy có những vấn đề. Vấn đề cần đặt ra: đâu là lẽ sống, ý nghĩa của đời mình là gì? Tại sao mình sống mà cảm thấy như vô nghĩa, sống hờ hững, sống vô tình, sống như “đời thừa”? Bao đau thương cuồn cuộn, những đắng cay thật buồn, những lầm lỗi sai phạm nặng nề như muốn dìm đời xuống vực sâu, thì hôm nay, mọi người – trong bạn và trong tôi như tìm lại ý nghĩa của cuộc đời, một lẽ sống tuyệt vời, một nguồn suối nước trường sinh.

Một khán giả nữ, bạn Anna Lâm Phương Thảo chia sẻ tâm tình hết sức chân thành và thật. Dĩ vãng đời tưởng chừng như là cuộc sống thăng hoa, nhưng thực sự là một cuộc đời tha hóa. Chị tâm sự: … không biết tự bao giờ những tính xấu cứ tiêm nhiễm trong đời chị. Chị là bổn đạo con Chúa, nhưng chị gạt mọi luật Chúa sang một bên. Chị sống nhưng không biết sợ tội. Chị làm quen kết bạn với nhiều hạng người, không phân biệt, miễn là có tiền. Chị ung dung tự tại sống trong lâu đài ích kỷ và nhỏ nhen. Chị cũng chẳng biết đến một lần chia sẻ… Thế rồi, đến một ngày, tiền cũng mất, tình cũng lìa xa, thêm vào đó, những căn bệnh quái ác lại tiềm ẩn trong người bắt đầu tàn phá. Lúc này chị như mất tất cả… Chị tỉnh ngộ và tìm cho mình một lẽ sống mới. Chị đến với Chúa. Câu Kinh Thánh làm sống lại đời chị: “Ta là đường là sự thật và là sự sống, ai theo ta sẽ được sự sống đời đời”. Đây chính là lẽ sống cuộc đời, nguồn suối trường sinh.

Tâm tình của chị là lẽ sống đời chị, cũng là ánh sáng cho đời tôi. Cái vẻ hào nhoáng của những đam mê cuộc đời có thể che phủ mắt tôi, làm mờ đi chân lý, cũng như chị, tưởng chừng cuộc sống kia là thăng hoa, nhưng thực sự là tha hóa. Ra khỏi cửa ải bến mê, chị bừng tỉnh trong ánh sáng mới và hoan hỷ sống lẽ sống mà chính Đấng là suối nguồn trường sinh ban tặng. Đến đây, tôi nhớ triết gia Whitehead bảo rằng: “Những bi kịch cảm động nổi tiếng đã đóng vai trò thanh lọc những đam mê”. Chị như được gạn lọc từ dòng đời bụi bặm để trở thành nguồn suối trong.Tôi thấy chị vui. Chị rất tự tin và hãnh diện. Tôi vui với niềm vui của chị và mừng lắm khi tìm lại ý nghĩa đời mình. Nhưng tôi lo và cũng sợ lắm trong cái chiến thắng và sự kiêu hãnh của lòng người. Thánh Inhaxiô tổ phụ dòng Tên, sẵn sàng làm tất cả cho vinh danh Chúa, Ad majorem Dei gloriam. Nhưng ngài cảnh giác cái tinh tế của Satan lại len lỏi và ẩn nấp vào cái vinh danh trần thế, ngụy trang làm thứ vinh danh Chúa, mà kỳ thực lại vinh danh chính mình. Hân hoan vui mừng là phải lắm, nhưng cũng đừng mê ngủ trong vẻ hào nhoáng của bỏ bọc vinh quang.

Cuộc sống là một hành trình. Hành trình thì dài lắm. Đích điểm lại xa xăm. Nhưng bạn và tôi cùng được kêu mời để khám phá ý nghĩa đời mình và sống sao cho đáng sống.

Phải chăng đã có lúc ta đi tìm cội nguồn phúc thật là đặt ở nơi thần tượng này hay siêu nhân nọ hoặc địa vị này, danh dự kia, ông kia bà nọ sẽ là hạnh phúc thật đời mình? Ta đã lầm. Hạnh phúc không phải là một cái gì đến từ bên ngoài mà là trạng thái nội tại bên trong tâm hồn. Đừng bị mê lầm và lẫn lộn giữa nguồn phúc thật và sự giả dối ảo ảnh phù vân.

Tôi vẫn ý thức rằng, dù tu thì tu, nhưng mỗi phút mỗi giây, cái vòng luẩn quẩn sai lầm của vòng oan nghiệt như muốn buộc lấy mình. Đang đứng bên này là bờ lương thiện, nhưng chỉ cần một chút xảy chân là sang bờ bất lương rồi. Cái phúc và cái tội là hai làn ranh giới mong manh như sợi tóc. Những vấp phạm và sa lầy của người đi trước vẫn mãi là những bài học sống động. Vì vậy, rất cần sự ý thức và hiểu được thân phận mong manh kiếp người.

Không phải vì thế mà ta chùn chân bước, phải mạnh dạn lên đường, can đảm dấn thân, đi tìm lẽ sống và đảm nhận trách nhiệm đời mình, nhưng vẫn cần sự nâng đỡ của Đấng Thần Lực hơn bao giờ hết. Vì Đấng ấy là đường là sự thật và là sự sống (Ga 8, 32). Đấng đã đến trong thế gian để cho con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Đấng ấy chính là Thầy Chí Thánh Giêsu. Ngài là tình yêu (1Ga 4, 8), là sự thật, là lẽ sống, là hạnh phúc thật, là khởi nguyên và cùng đích. Có Ngài tu cũng là cõi phúc mà tình cũng là thiên thai, vì Ngài là nguyên ủy của vạn vật, là hạnh phúc thật, là lẽ sống của con người.

Cũng là để trả lời cho câu hỏi, “Tu là cõi phúc, tình là giây oan”. Ráng mà tu! Một lời khuyên hiểu theo nghĩa trốn mối dây oan-tình, xa lánh sự đời mà an nhàn hưởng lạc nơi chốn tu hành. Không, đi tu là để sửa mình, cố gắng tu tập và trau dồi đức hạnh, chu toàn nghĩa vụ bổn phận và để yêu thương, phục vụ con người – chia sẻ và trao ban vẫn là sự chọn lựa ơn gọi để đảm nhận trách nhiệm đời mình.

Đi tu đâu phải là chán đời, nhưng là đi tìm lẽ sống. Lẽ sống đó chính là Cứu Chúa của tôi. Vậy tôi hoan hỷ lên đường và đi tìm lẽ sống của đời tôi.

“Đời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm.
Nên chăng, nghĩ lại kẻo nhầm.”

(Tản Đà, Đời Đáng Chán)

Vâng, xét lại đi kẻo nhầm thật đấy! Đời thật đáng sống! Vậy hãy “Sống sao khi bạn mở mắt chào đời, mọi người nhìn bạn cười nhưng bạn lại khóc; và hãy sống sao khi bạn nhắm mắt người ta bật khóc, còn chính bạn lại mỉm cười”!

Top