Đọc lại Đối Thoại Và Rao Giảng ba mươi năm sau: Một quan điểm Châu Âu
ĐỌC LẠI ĐỐI THOẠI VÀ RAO GIẢNG BA MƯƠI NĂM SAU:
MỘT QUAN ĐIỂM CHÂU ÂU
François Bousquet
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn
WHĐ (30.11.2022) - (Chào mọi người. Trước hết tôi xin chân thành cám ơn các giới chức của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, Đức Hồng y Ayuso Guixot, Đức Ông Indunil Kodithuwakku, và tất cả các thành viên của Hội đồng đã mời tôi tham gia Hội nghị trực tuyến này. Tôi sẽ tự giới hạn trong khuôn khổ đã được đề nghị, để dành chỗ cho các đồng nghiệp và được nghe những lời chỉ giáo của các vị. Tôi xin phép được đánh số các đoạn của bài tham luận này).
1. Đối Thoại và Rao Giảng vẫn còn hữu ích trong bối cảnh đã thay đổi hôm nay
Văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng của năm 1991 vẫn còn giữ được lợi ích của nó theo nghĩa là hai khía cạnh bổ sung nhau này của hoạt động truyền giáo hay Phúc âm hóa có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng không thể hoán đổi cho nhau (x. § 87-89): vì đối thoại có điểm xuất phát và đích đến là mối quan tâm rao giảng, chia sẻ những gì mang lại niềm vui cho các tín hữu; ngược lại, một việc rao giảng không được thực hiện trong đối thoại thì có thể không phải là một sự truyền thông đích thực. Lợi ích này được đổi mới, bởi vì, nếu bản văn này chứa đựng điều gì đó kích thích cố gắng của chúng ta để không tách rời hai hoạt động này với nhau, lợi ích ấy được thực hiện trong bối cảnh lịch sử đương thời, nó có những thách thức cũng như những cơ hội mới và khác nhau.
Trước tiên chúng ta nói đến bối cảnh thế giới: Năm 1991 đến gần như ngay sau năm 1989, cơn chấn động của sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đánh dấu sự chuyển đổi từ một thế giới lưỡng cực, giữa Đông và Tây, sang một thế giới đa cực, trong đó nổi lên các cường quốc mới (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil), làm thay đổi triệt để bàn cờ địa chính trị. Đó không phải là sự “kết thúc của lịch sử” như giáo sư Fukuyama đã tiên báo, nhưng đúng hơn là tiến trình bước vào một thời kỳ hỗn loạn, khi mà các tổ chức lớn ra đời sau 1945, trong đó có Liên Hiệp Quốc, không còn hoạt động đủ hiệu quả nữa; khi mà kinh tế, chứ không phải là quân sự, nắm quyền tối thượng trên chính trị. Xung đột Trung Đông không tìm ra được giải pháp, trong khi Hồi giáo ngày càng trở nên cực đoan một cách rõ rệt hơn.
Ba vị giáo hoàng nối tiếp nhau đưa ra giải pháp cho tình trạng này, và dần dần tiếng nói của các ngài, vốn lưu tâm tới việc cứu “ngôi nhà chung” là trái đất cũng như cứu tính đa dạng của các nền văn hóa và các dân tộc, tiếng nói ấy ngày càng có tầm quan trọng, và sự quan tâm của các ngài cũng vượt ra ngoài các ranh giới của Hội Thánh. Tuy nhiên, bên trong Hội Thánh thì bối cảnh cũng đã thay đổi, một mặt là các cám dỗ của sự khép kín trong Hội Thánh đang đe dọa sự đối thoại, trong khi ở mặt khác, đây đó vẫn xuất hiện những cám dỗ của chủ nghĩa cải đạo. Đó là lý do tại sao văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng vẫn còn hữu ích trong tình thế hôm nay.
2. Một sự đối thoại phức tạp hơn và một sự rao giảng gặp nhiều trở ngại
Ba mươi năm sau, có vẻ như đối thoại phức tạp hơn. Trên thực tế, một đàng là sự phát triển kỳ diệu của các phương tiện truyền thông xã hội đã cho phép thống nhất một cách nào đó toàn thể hành tinh. Nhưng đàng khác, một hệ quả tiêu cực đã xuất hiện, đó là chủ nghĩa cá nhân khiến người ta ít có phản ứng trước tình hình của thế giới, điều này đã được mô tả rất hay trong Laudato si’, và hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi một sự đối thoại trên mọi bình diện. Cũng không thể không nhìn thấy cái nghịch lý rằng đối thoại có vô số các phương tiện truyền thông phong phú, nhưng nó lại trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, trao đổi thông tin không thực sự là một cuộc đối thoại mà ở đó người ta để cho mình được người khác chạm vào. Tôi có thể kết nối khá nhanh với rất nhiều người, nhưng đâu là đối thoại khi mà tôi có thể “khóa chặt” sự hiện diện của họ ngay khi lời nói của họ không còn làm vui tai tôi nữa. Các mạng lưới xã hội khơi dậy rất nhiều ý kiến khác nhau, là một phương tiện truyền thông rộng lớn, nhưng không thực sự là một ví dụ điển hình của đối thoại. Quá nhiều truyền thông có thể giết chết truyền thông, hay ít là giết chết đối thoại, khi nó làm cho người khác biến mất.
Ba mươi năm sau, việc rao giảng cũng gặp những trở ngại khác nhau. Đó là các điều kiện địa chính trị đã làm nổi lên giữa các nền văn hóa với nhau cũng như trong nội bộ của mỗi nền văn hóa ấy những đòi hỏi mạnh về căn tính của mình. Hội Thánh có lẽ là thực tại lịch sử-xã hội duy nhất tuyên bố rằng căn tính của mình là ở việc “đi ra” hay ít là đến với những vùng “ngoại vi”. Đây là một sứ điệp lành mạnh, nhưng nó khó tìm được tiếng vang khi mà toàn bộ các xã hội không cảm thấy an toàn. Cũng thế, hiện tượng lớn của các cuộc di dân mà chúng ta biết nó sẽ còn lâu dài (ngoại trừ các cuộc di cư vì chiến tranh hay nghèo đói) cũng được cảm nhận như là một điều thuận lợi cho tính công giáo, nhưng thường lại là một mối đe dọa. Rao giảng thế nào nếu không nghĩ về sự tương phản giữa sự kiện Tháp Babel và Lễ Hiện Xuống.
Tôi dám mạnh dạn đưa ra nhận định này: Ba mươi năm sau, có lẽ cần phải dành một chỗ đứng quyết định hơn cho “đối thoại cứu rỗi”. Tham chiếu §38: Trong bối cảnh này, chúng ta sẽ dễ thấy hơn tại sao và theo nghĩa nào đối thoại liên tôn là một yếu tố cấu thành của sứ vụ Phúc âm hóa của Hội Thánh. Lý do cơ bản của sự cam kết đối thoại của Hội Thánh không chỉ đơn thuần mang tính nhân học: nó cũng mang tính thần học. Trong cuộc đối thoại kéo dài suốt nhiều thế kỷ, Thiên Chúa đã cống hiến và tiếp tục cống hiến ơn cứu rỗi cho loài người. Vì thế, trung thành với sáng kiến của Thiên Chúa, Hội Thánh phải dấn thân vào một cuộc đối thoại cứu rỗi với mọi người. (Xem thêm §28-29).
3. Những mối tương tác khác nhau giữa rao giảng và đối thoại, chống bạo lực và vì hòa bình
Ba mươi năm sau, nếu muốn cho việc rao giảng hiệu quả và việc đối thoại chân thật, cần phải bắt đầu làm sáng tỏ mối tương quan giữa bạo lực và các tôn giáo. Trên thực tế, tại Châu Âu, các cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 16 đã để lại những hậu quả tai hại trong tâm trí và não trạng của nhiều người: đối với nhiều người, các tôn giáo là những tác nhân gây chia rẽ và làm phát sinh bạo lực. Từ đó, phản ứng của người ta, không chỉ ở Pháp, là rút “tôn giáo” vào lãnh vực riêng tư và cấm đoán nó trong các lãnh vực công cộng. Không thể nào có rao giảng hay đối thoại bao lâu người ta chưa chặt đứt được sợi dây liên kết tôn giáo với bạo lực, bao lâu người ta vẫn còn lấy lý do tôn giáo để biện minh cho bạo lực hay khủng bố. Văn kiện về Tình Huynh Đệ Nhân Loại cho Hòa Bình Thế Giới và Sống Chung, được ký bởi ĐGH Phanxicô và lãnh tụ Hồi giáo Al-Tayyeb ngày 4 tháng 2, 2019 tại Abu Dhabi, là một mẫu mực để hoàn thành nhiệm vụ cơ bản này.
Chúng ta thấy rằng việc rao giảng hòa bình đã trở thành trọng tâm trong đối thoại. Đây là điều tốt: đối thoại không chỉ hệ tại việc xích lại gần nhau, giải thích các nền thần học của chúng ta và mô tả lịch sử các việc thực hành của chúng ta. Mặc dù như thế cũng đã là tốt rồi, vì đã phải vượt qua giai đoạn của những tranh cãi lịch sử, thường đã trở nên rối rắm bởi những cản trở khác nhau trong các thời kỳ tiến hóa. Tuy nhiên, lần này ý định lớn là hòa bình và chung sống, nó muốn tuyên bố cho những nhà tôn giáo cũng như mọi người thành tâm thiện ý, những điều kiện để sống chung, và đó là hướng tới tương lai. Thay vì đối đầu với nhau hay đòi hỏi những gì mà mình cho là di sản chân lý của mình, chúng ta phải tự hỏi mình rằng chúng ta có những nguồn lực nào trong các truyền thống thiêng liêng của chúng ta để đối diện với những thách thức của thế giới đang đến, và hy vọng cho mọi người.
Về phía Kitô giáo, chúng ta có thể đo lường sự tiến triển, không chỉ bằng cách ngưỡng mộ bản Tuyên Bố Abu Dhabi như nhiều bản văn khác, nhưng bằng cách quan sát xem trong các chuyến tông du của ngài, ĐGH Phanxicô đã có ý như thế nào khi hướng sự ưu tiên của ngài vào những vùng có tiềm năng xung đột hay thực sự đang xung đột: Israen, Palestin, Bosnia-Herzegovina (2015) (chính tại đó ngài mô tả bầu khí thế giới hiện tại như một loại chiến tranh thế giới thứ ba phân mảnh, nó đòi hỏi mọi người phải coi đối thoại liên tôn như là một bổn phận), Trung Phi (2015), Cuba và Hoa Kỳ (2016), Armênia, rồi Georgia và Azerbaidjan (2016), Miến Điện và Bangladesh (2017), và nhất là chuyến tông du Irắc, từ ngày 5 - 8 tháng Ba năm nay. Thực sự, sứ vụ Phúc âm hóa liên kết mật thiết với việc rao giảng Vua Hòa Bình.
4. Trong ba mươi năm, một tiến bộ trong các lời phát biểu
Có lẽ, sau ba mươi năm, phải nhắc đến một sự khác biệt về cung giọng gây ấn tượng trong các bản văn của Huấn Quyền. Chắc chắn mỗi giáo hoàng có văn phong riêng của mình, đó là điều có thể thấy ngay lập tức. Nhưng một điều rất có ý nghĩa là ĐGH Phanxicô, trong các thông điệp hay tông huấn của ngài, ngài thích trích dẫn các bản văn được tuyên bố bởi các Hội đồng Giám mục địa phương hay châu lục, nó giúp chúng ta nghe được tiếng nói của toàn thể thế giới. Nhưng không chỉ có thế: trong khi văn kiện Đối Thoại và Rao Giảng đã được viết cho các tín hữu, thì bây giờ, thông qua các tín hữu, thông điệp được gửi đến cho cả thế giới, như các Thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti. Một sự khác biệt không hề nhỏ, vì trong trường hợp này lời tuyên xưng đức tin được phát biểu một cách minh nhiên, rõ ràng. Khi lời tuyên xưng được hiểu ngầm khắp nơi, nó chẳng có ở đâu cả. Chúng ta không còn nói: “Nó là như thế chứ không khác được”; nhưng hãy nói: “Về phần mình, chúng tôi tin nó là như thế”. Cho nên việc rao giảng nhấn mạnh ngay từ đầu sự khác biệt của Kitô giáo, gọi tên sự khác biệt này, và mời gọi đối thoại. Quên nhắc đến đức tin khi bắt đầu công bố mầu nhiệm cũng có nghĩa là quên rằng tất cả các phát biểu tín lý lúc khởi đầu đều là các lời tụng ca, ở đó người tín hữu đặt mình trước mầu nhiệm linh hứng cho họ. Kinh nguyện phụng vụ, khi phát biểu đức tin của Hội Thánh, thì cũng nói rằng mầu nhiệm sẽ luôn luôn cống hiến thêm nhiều ý tưởng để suy nghĩ, và đồng thời cần phải phát biểu ra điều gì cần phát biểu trong cuộc đối thoại với Chúa. Nó là một sự tôn kính dành cho Sự Thật luôn luôn cao hơn, điều này có tầm quan trọng đối với “người khác” khi họ tin khác với chúng ta. Điều ấy đặt đối thoại ngay từ đầu trong niềm hy vọng rằng Sự Thật cao hơn những gì chúng ta có thể nắm bắt sẽ giúp chúng ta khám phá ra những khía cạnh mà chỉ một cuộc đối thoại kính trọng mầu nhiệm mới có thể làm cho chúng xuất hiện. Sự mở rộng kép này của việc rao giảng trong tư cách của một người tín hữu gửi đến cho thế giới, cho mọi người, và được đặt dưới mầu nhiệm Thiên Chúa, là một sự tiến bộ thực sự trong mối tương quan giữa đối thoại và rao giảng.
Một bước tiến khác nữa trong khoa giáo hội học, đã diễn ra từ 1991. Đó là công trình của các nhà nghiên cứu đã được xác nhận, khi họ không do dự nói về Hội Thánh như là “bí tích Nước Thiên Chúa”. Trong Đối Thoại và Rao Giảng (x. §33-35), Hội Thánh là bí tích cứu rỗi phổ quát, mầm mống và khởi đầu của Nước Thiên Chúa – từ đó dẫn đến hệ quả là toàn thể nhân loại được định hướng về Nước ấy. Thành ngữ “Hội Thánh như là bí tích Nước Thiên Chúa” không xoá bỏ thành ngữ kinh điển đã được chấp nhận, Hội Thánh – bí tích cứu rỗi phổ quát. Nhưng chúng ta lập tức thấy ngay sự biến đổi mà thành ngữ mới đem đến, có thể rất thú vị đối với các tôn giáo khác, thậm chí vượt ra ngoài cả các tôn giáo độc thần Ápraham: không chỉ là một cái nhìn về nguồn gốc của Hội Thánh nhưng cũng về cùng đích tối hậu của Hội Thánh; một sự nhấn mạnh những gì là năng động và hiệu quả trong khái niệm và thực tại của bí tích; chính tư thế của Hội Thánh, như là dấu chỉ và là một dấu chỉ hữu hiệu, đưa Hội Thánh vượt ra ngoài chính mình, trong một chuyển động “đi ra” mà ĐGH Phanxicô sẽ nói, nó củng cố căn tính của Hội Thánh. Sự quan tâm cứu rỗi diễn tả một sự âu lo cho bản thân mình, sự quan tâm về Nước Thiên Chúa diễn tả một niềm hy vọng cho mọi người. Điều này đưa chúng ta đến với năng động của đối thoại liên tôn, không phải để đòi hỏi một sự trổi vượt toàn diện, nhưng là cùng nhau nhìn xem các truyền thống tôn giáo khác nhau có những nguồn lực thiêng liêng nào để đối diện với những thách thức hiện tại và tương lai, và xây dựng hòa bình.
Ở đây tôi chỉ đang nhắc đến một sự tiến bộ có lẽ khả thi, được khai mào bởi bản văn 1991, và có thể có một tầm quan trọng không nhỏ: một sự nhận thức mạnh hơn về mối liên hệ giữa mầu nhiệm nhân loại và mầu nhiệm cứu rỗi (x. § 28-29). Điều này đáng được nói lại trong các hoàn cảnh hiện nay.
5. Một bài học cho Châu Âu: chứng tá và lòng hiếu khách
Kết luận của chúng ta có thể tóm tắt như sau: Sau 30 năm, Đối Thoại và Rao Giảng vẫn còn là một bài học cho Châu Âu. Một Châu Âu, giống như Hội Thánh đang “đi ra”, chứ không rút lui vào trong sự giàu sang và quá khứ của mình. Để kết bài này, tôi chỉ muốn gợi ý rằng cặp đôi khái niệm có khả năng hiện thực hóa điều mà Tuyên ngôn [Abu Dhabi] đã muốn làm có thể là: chứng tá và lòng hiếu khách.
Đối thoại liên tôn từ này trở đi hiện ra cho các Kitô hữu như là hình ảnh của lòng hiếu khách loan báo Nước Thiên Chúa. Đương nhiên lòng hiếu khách này không phải là thái độ thế nào cũng được của chủ nghĩa tương đối, nhưng là tạo thuận lợi cho các cuộc gặp gỡ mỗi khi có cơ hội, để có thể đi xa hơn trong đối thoại về kinh nghiệm tôn giáo. Khi nhìn vào sự bất cân xứng của cuộc đối thoại cứu rỗi mà Thiên Chúa thể hiện với loài người, chúng ta cũng đo lường được lợi ích của ẩn dụ về lòng hiếu khách để nghĩ về đối thoại liên tôn, đặc biệt khi đó là sự kiện nhìn nhận một “tính khác biệt” không thể giản lược. Ở đâu mà các tín hữu để cho mình được tiếp nhận lẫn nhau, trong cái biện chứng giữa lòng hiếu khách cho và lòng hiếu khách nhận, ở đó có chứng tá về Thiên Chúa. Giống như thể sức hấp dẫn của sự thật trong sự khác biệt là một dấu chỉ của sự siêu việt, nó đòi chúng ta luôn luôn chú ý tới nguồn mạch Ba Ngôi của đối thoại cứu rỗi. Điều đó dẫn tới sự hiểu biết thực sự về đối thoại liên tôn như là một trong các yếu tố của sứ vụ Hội Thánh, được hiểu như là sự tỏ lộ bí tích trong thế giới về “sứ vụ Thiên Chúa”, nhờ Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần.
Đàng khác, chúng ta có thể vượt ra ngoài bối cảnh đa nguyên tôn giáo để cũng nghĩ về các xã hội rất tục hóa vốn cũng rất cần được loan báo Tin Mừng. Hội Thánh cần phải biểu thị ý nghĩa của Thiên Chúa, không chỉ như là một sự phán xét, nhưng như là một lời hứa, và phải yêu cầu các Kitô hữu thể hiện trong thực hành và hiệu quả một tập thể Hội Thánh như là phước lành của Thiên Chúa cho thế giới, hay ít là dấu chỉ hiệu quả của phước lành Thiên Chúa.
Tôi không thể kết thúc bài này mà không có một lời cuối cùng để gợi lên khẩu hiệu của cố Hồng y Tauran: Sự Thật trong Đức Ái: ghi khắc các nỗ lực của chúng ta trong viễn tượng này là vượt dòng thời gian.
Chuyển ngữ: Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên
Từ: Tập san Pro Dialogo số 167 (LVI) 01/2021 của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, link tại dimmid.org
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 136 (Tháng 7 & 8 năm 2023)
bài liên quan mới nhất
- Đức Giáo hoàng Phanxicô có nói rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng không? Giáo hội Công giáo dạy như thế nào?
-
Lời chào mừng của Đức Thánh Cha trong buổi tiếp phái đoàn Phật giáo Thái Lan -
Gặp gỡ đại kết: Lời Chúa nối kết các Kitô hữu -
Gặp gỡ Đại kết - Suy tôn Lời Chúa ngày 22-01-2024 -
“Phát triển Cùng nhau”, một sự kiện đại kết với các giám mục Anh giáo và Công giáo -
Quan hệ Công giáo - Chính thống giáo, 60 năm sau cuộc gặp gỡ giữa Thánh Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras -
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM chúc mừng lễ Giáng sinh 2023 tại Tòa Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn -
ĐTC Phanxicô mừng lễ Thánh Anrê, bổn mạng Giáo hội Chính Thống Constantinople -
7 hành động chung của Kitô hữu và Phật tử để chữa lành nhân loại
bài liên quan đọc nhiều
- Nguồn gốc và ý nghĩa của chiếc áo cà-sa
-
ĐTC Phanxicô: Đối thoại huynh đệ và chia sẻ giữa Công giáo và và Chính Thống là chứng tá bác ái và hiệp nhất -
Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất 2022 -
Vài nét về chữ Hiếu trong đạo Cao Đài qua quyển Kinh Thiên Đạo và Thế Đạo -
Đức Giám quản Giuse Đỗ Mạnh Hùng chúc mừng Đại lễ Phật Đản 2019 -
Thánh lễ mừng Ngân khánh Linh mục của cha Phanxicô Xaviê Bảo Lộc -
Cảm niệm Phật đản -
Ký sự Hội ngộ Liên Tôn lần thứ 10 ngày 27.10.2020 -
Hội Ngộ Liên Tôn lần thứ XII ngày 27-10-2022 -
Tổng Giáo phận Sài Gòn: Chúc mừng Vesak 2021, PL.2565